Tâm điểm
Trình Phương Quân

Quá nhiều sinh viên khá giỏi, nên thay đổi cách đánh giá thang điểm?

Phương pháp chấm điểm theo "bell curve" (hay "grading curve") đang được nhiều người quan tâm, nhất là trong giáo dục hiện nay. Ở Việt Nam, theo tôi, cách đánh giá này có thể giúp phản ánh chính xác hơn năng lực của sinh viên. Tuy nhiên, cần áp dụng một cách linh hoạt và phù hợp với bối cảnh thực tế.

Bell curve, hay còn gọi là "đường cong chuông", là một biểu đồ hình chuông biểu diễn phân phối chuẩn (normal distribution). Nó cho thấy hầu hết các giá trị tập trung ở giữa, với một số ít giá trị rơi vào hai phía ngoài cùng (tức là quá cao hoặc quá thấp). Ví dụ, trong một lớp học, đa số sinh viên sẽ có điểm trung bình hoặc khá, trong khi chỉ có một số ít có điểm rất cao hoặc rất thấp.

Quá nhiều sinh viên khá giỏi, nên thay đổi cách đánh giá thang điểm? - 1

Biểu đồ hình chuông biểu diễn phân phối chuẩn.

Một trong những lợi ích quan trọng của phương pháp đánh giá này là khả năng kiểm soát "lạm phát điểm", vấn đề đang trở nên đáng lo ngại ở Việt Nam. Hiện nay, nhiều khóa tốt nghiệp có hơn một nửa sinh viên đạt loại khá giỏi, làm giảm giá trị bằng cấp và khiến sinh viên không cần nỗ lực để đạt thành tích cao. Khi điểm số đều cao, khó phân biệt được ai thực sự có năng lực và ai chỉ được ưu ái qua hệ thống chấm điểm dễ dãi.

Hiện nay các đại học tại Việt Nam đang áp dụng thang điểm 10 cho bài thi và điểm trung bình môn, sau đó chuyển trực tiếp thành các mức xếp loại ABCD dựa trên mức điểm cố định. Ví dụ, nếu sinh viên đạt từ 8,5 đến 10 điểm, sẽ được xếp loại A, từ 7 đến 8,4 sẽ là B, từ 5,5 đến 6,9 là C; và từ 4 trở lên sẽ được coi là đạt với mức D.

Phương pháp này đơn giản, dễ hiểu, giúp người học biết rõ tiêu chuẩn phân loại. Tuy nhiên, nó dễ gây lạm phát điểm khi quá nhiều sinh viên đạt điểm cao mà không phản ánh đúng năng lực. Ngược lại, trong các ngành nghệ thuật, hội họa, văn học, kiến trúc… sinh viên thường chỉ nhận điểm trung bình, hiếm khi có điểm cao hoặc điểm cao tuyệt đối. Điều này vô hình tạo ra sự thiệt thòi trong việc so sánh đánh giá giữa các trường nghệ thuật.

Hệ thống "bell curve" không xếp loại dựa trên điểm số cố định mà dựa vào phân phối chuẩn của điểm trong lớp. Sau khi sinh viên nhận điểm theo thang điểm 10 hoặc 100, giảng viên sẽ điều chỉnh dựa trên sự phân bố tương đối của toàn bộ lớp. Chỉ một phần nhỏ, khoảng 10-20%, được xếp loại A, tiếp theo là nhóm B, và phần lớn sinh viên sẽ rơi vào mức C và D. Phương pháp này giúp ngăn chặn lạm phát điểm bằng cách giới hạn số sinh viên nhận điểm cao, đảm bảo phản ánh chính xác sự khác biệt về năng lực giữa các sinh viên.

Ví dụ, trong một lớp học 100 sinh viên, nếu chấm điểm theo thang 10, một đề thi quá dễ có thể khiến cả lớp đạt điểm A, hoặc nếu đề quá khó, cả lớp có thể chỉ đạt C hoặc D. Với phương pháp bell curve, dù đề thi khó và điểm trung bình là 5/10, lớp học vẫn sẽ có khoảng 10 sinh viên đạt A, 40 sinh viên đạt B, 40 sinh viên đạt C, và 10 sinh viên đạt D. Điều này giúp phân phối điểm số công bằng hơn và phản ánh chính xác năng lực sinh viên.

Một lợi ích khác của "bell curve" là tính linh hoạt và khách quan. Trong các phương pháp đánh giá truyền thống, giảng viên chấm điểm dựa trên tiêu chuẩn cố định, đôi khi không phản ánh đúng sự khác biệt giữa các lớp, môn học, hay giữa các trường đại học với nhau. Với "bell curve", điểm của sinh viên được so sánh với các bạn cùng lớp, giúp đánh giá tổng quan và công bằng hơn về năng lực thực sự của từng cá nhân, thay vì chỉ dựa vào một thang điểm quy đổi từ thang 10 sang điểm chữ cứng nhắc.

Quá nhiều sinh viên khá giỏi, nên thay đổi cách đánh giá thang điểm? - 2

"Bell curve" tạo điều kiện để các nhà tuyển dụng đánh giá chính xác hơn năng lực của ứng viên khi tuyển dụng (Ảnh minh họa: CV)

Như tôi đã đề cập ở trên, "bell curve" chỉ thực hiện ở giai đoạn chuyển đổi giữa điểm số qua điểm chữ, chứ hoàn toàn không có sự khác biệt hay ảnh hưởng gì trong việc giảng dạy cũng chấm điểm và đánh giá sinh viên như đã từ trước đến nay, hay các trường đại học phải loay hoay tìm mọi biện pháp để "siết chặt" tiêu chuẩn đầu ra.

Một số chương trình đào tạo các trường đại học như Đại học RMIT Việt Nam cũng đã áp dụng hệ thống đánh giá "bell curve" nhằm đảm bảo rằng điểm số của sinh viên được đánh giá công bằng và phù hợp với tiêu chuẩn thế giới.

Trong thời gian tôi học tại Stanford (Mỹ), sau mỗi bài thi, điểm đánh giá theo thang điểm 100 và điểm trung bình cả lớp kèm biểu đồ phân bố của phổ điểm đều được giảng viên công bố rõ ràng minh bạch cho cả lớp sau mỗi bài thi.

"Bell curve" cũng tạo điều kiện để các nhà tuyển dụng đánh giá chính xác hơn năng lực của ứng viên khi tuyển dụng. Khi điểm số không còn bị lạm phát, bằng cấp sẽ trở nên có giá trị hơn và phản ánh đúng khả năng của người học. Điều này giúp các doanh nghiệp chọn lọc được những ứng viên thực sự có năng lực, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là phương pháp hoàn hảo. Bản thân "bell curve" cũng tạo ra những áp lực cạnh tranh và những bất công khó nói. Một sinh viên có thể đạt điểm thi khá cao, ví dụ 8/10, nhưng nếu điểm thi của các bạn khác trong lớp cũng cao, họ vẫn có thể chỉ đạt điểm C.

Điều này có thể gây bất công trong các lớp học mà vốn dĩ đã có nhiều sinh viên giỏi như các lớp hệ tài năng. Ngoài ra, trong các lớp với ít sinh viên hoặc cả lớp không có sự khác biệt lớn về năng lực, "bell curve" có thể không phát huy hết hiệu quả và có thể dẫn đến sự sai lệch trong đánh giá. Cho nên việc áp dụng "bell curve" và chọn tỷ lệ phân bố điểm cũng cần sự linh động của người dạy và nhà quản lý giáo dục.

Việc áp dụng các phương pháp đánh giá như bell curve là một trong những giải pháp hữu hiệu để kiểm soát và giảm thiểu lạm phát điểm. Tuy nhiên, điều này cần được thực hiện một cách cẩn thận và phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi trường, mỗi ngành học.

Suy cho cùng, việc giáo dục về ý nghĩa của điểm số và giá trị thực sự của kiến thức mới là điều quan trọng nhất. Điểm số không phải là mục tiêu cuối cùng của việc học, mà đó chỉ là phương tiện để đo lường cho cả một quá trình học tập.

Tác giả: Trình Phương Quân (Kiến trúc sư) tốt nghiệp thạc sĩ ngành kỹ thuật xây dựng và môi trường tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Trước đó, Quân theo học ngành thiết kế bền vững tại Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Kiến trúc TPHCM. Quân tham gia thiết kế kiến trúc, quy hoạch, đồng thời là tác giả cộng tác với nhiều tờ báo, tập trung vào các chủ đề về môi trường, thiết kế và văn hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!