Điểm số vào đời
Một kỳ thi tốt nghiệp THPT đầy áp lực đang đến với hơn một triệu thí sinh và gia đình các em. Với nhiều thí sinh, điểm số của kỳ thi phần nào đó chính là điểm số quyết định tương lai sau 12 năm học phổ thông, có vào được trường đại học mơ ước hay phải chờ kỳ thi khác, thậm chí là rẽ sang lối khác như học nghề, đi làm…
Những áp lực với các em sẽ lớn dần theo năm tháng, với rất nhiều kỳ thi phía trước, trong đó có những điểm số không chỉ quyết định kết quả học tập mà còn là công việc mưu sinh, thăng tiến trong nghề nghiệp.
Câu chuyện áp lực thi cử, việc làm kể trên không chỉ riêng ở Việt Nam. Tôi còn nhớ thời đi học ở Hàn Quốc, đều đặn 3 hoặc 4 giờ sáng mỗi ngày, bạn tôi Jang Mun Han, 26 tuổi, người Trung Quốc, nghiên cứu sinh chuyên ngành Quản lý văn bản cổ, mới rời khỏi thư viện. Đây cũng là cách sinh hoạt của nhiều nghiên cứu sinh khác, kể cả người địa phương, tại học viện Hàn Quốc học, tỉnh Gyeonggi.
Jang cho tôi biết, ở Trung Quốc hiện nay, giới trẻ khó tìm được một công việc ổn định. Lương thì thấp nhưng học vị phải cao. Du học sinh về từ nước ngoài là lựa chọn được yêu thích của các cơ quan, doanh nghiệp.
Jang coi việc hoàn thành bậc học tiến sĩ ở Hàn Quốc là tiêu chí vượt trội của mình để cạnh tranh với người khác. Một lý do khác Jang Mun Han phải trở thành "cú đêm" là vì cậu đang chạy đua thời gian để tốt nghiệp trước tuổi 35, đảm bảo nằm trong độ tuổi "vàng" để tìm việc tại Trung Quốc.
Bạn nói cầm tấm bằng tiến sĩ về nước, cũng chỉ mong tìm được một công việc có liên quan đến chuyên môn, lương đủ ăn tiêu hàng tháng. Chuyện mua nhà, cưới hỏi, thành gia lập thất thì Jang chưa dám nghĩ tới. Để dẫn chứng thêm, bạn nói hàng triệu người trẻ Trung Quốc đang phải trải qua văn hóa lao động 996, tức là làm từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày một tuần, nhưng lại thiếu "khoảng trống" để hít thở và hưởng thụ cuộc sống.
Ở bất cứ xã hội nào cũng vậy, áp lực học tập, sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình đã khiến không ít tâm hồn non nớt rơi vào thế giới trầm cảm, và giải thoát chính mình là lựa chọn tiêu cực. Việt Nam chúng ta cũng đã có những câu chuyện đáng thương hơn là đáng trách đã xảy ra.
Tất nhiên, những câu chuyện đáng tiếc như vậy chỉ là tiếng chuông cảnh giác tức thời, dường như nó chưa đủ độ "áp phê" để làm tỉnh thức con người. Xã hội Á Đông, chuyện học giỏi, có việc làm tốt, đứng ở vị trí cao hơn người khác là áp lực cho các bà mẹ, ông bố trong việc giáo dục con cái.
Trong một Podcast tôi mới xem trên Youtube, một nghệ sĩ nổi tiếng cho biết chị từng luôn đòi hỏi con mình phải đạt được tất cả các điểm A dù cháu đang sống và học tập tại Mỹ, nơi nhiều người chỉ cần con cái đạt điểm C là đủ. Chị tâm sự, văn hóa Á Đông thấm vào trong người, buộc chị phải tính đến chuyện con phải học giỏi, chọn ngành học tốt để ra trường kiếm được việc làm tốt hơn người khác, tự thân nuôi được mình, nên chị đưa con đi học hết tất cả thể loại từ đàn hát, toán học, văn chương… Cuối cùng chị phải tỉnh thức khi con chị bảo rằng, đã quá mệt và không thấy hạnh phúc.
Không riêng người nghệ sĩ này, qua truyền thông, chúng ta biết rằng có những bà mẹ Hàn Quốc luôn tranh nhau để con mình được vào hệ thống trường SKY (Đại học quốc gia Seoul, Đại học Korea, Đại học Yonsei) để khi ra trường mới có cơ hội cạnh tranh tìm việc làm, chưa nói đến có thể xin được việc tốt.
Trong một thực tế còn khốc liệt hơn, có những ông bố bà mẹ chạy đua chỉnh sửa sắc đẹp cho con, tiêm hóc môn sinh trưởng để con mình đáp ứng được các tiêu chí thành công mới chỉ có ở Hàn Quốc, ngoài đẹp còn phải cao to.
Những áp lực liên tục đẩy tới dẫn đến phản ứng cực đoan trong xã hội. Trào lưu 4B khởi phát từ một nhóm phụ nữ Hàn Quốc, là điển hình trong các điển hình về cách thức phản đối sự mệt mỏi của giới trẻ. 4B, trào lưu từ chối đàn ông được hiểu là thực hành bihon. Bihon - Từ chối kết hôn, Bichulsan - Từ chối sinh con, Biyeonae - Không hẹn hò, Bisekseu - Từ chối tình dục khác giới. Không phải chỉ vì phải thành đạt, không phải chỉ vì kinh tế, những người trẻ này sợ trở thành những cô vợ, những người mẹ giống như bà và mẹ của họ.
Một bộ phận trong giới trẻ Trung Quốc thì chọn trào lưu "hôn nhân hai đầu" hay còn gọi là "hôn nhân hai ngả". Nghĩa là, kết hôn xong, ai về nhà nấy. Sanh con - một sẽ theo họ cha, một mang họ mẹ. Tiền kiếm ra mạnh ai người nấy giữ, tự tiêu xài, không ai phải lo cho ai.
Trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây còn thịnh hành cụm từ "tang ping", hay còn được gọi là "triết lý nằm yên", như một cách phản ứng lại những áp lực từ cuộc sống mang lại.
Những chuyện này khiến một số người cho rằng "buồn cười", lạ lẫm, giàu quá rồi sinh tật nhưng đó là hệ lụy nghiêm trọng từ những áp lực do xã hội đặt ra với giới trẻ. Để giải quyết những hình thái xã hội mới này sẽ mất nhiều thời gian, cần những nghiên cứu mang tầm vĩ mô về xã hội học để tìm giải pháp. Song, hậu quả trước mắt chính là lựa chọn thái quá, tiêu cực của thế hệ trẻ, là con em trong mỗi gia đình của chúng ta.
Ai cũng biết mỗi người đều cần nỗ lực học tập, lao động, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Nhưng xã hội đa dạng, mọi người không giống nhau về khả năng, sở thích và hơn nữa hạnh phúc của một đời người không chỉ có mỗi việc phải học thật giỏi, ở một vị trí thật cao.
Những giá trị trói buộc là do chính con người trong xã hội mang đến, cho dù chúng ta đã nói với nhau thật nhiều về phân luồng, định hướng học sinh chọn ngành, chọn nghề theo sở thích, khả năng và đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Nhân một mùa thi nữa đang diễn ra, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại thang giá trị nghề nghiệp đã thật sự được đánh giá đúng mức, chúng ta đã cho giới trẻ được là chính mình trong câu chuyện chọn tương lai? Và, cái được gọi là nhu cầu của xã hội cũng chỉ là điểm số, loại tốt nghiệp khi cân đo, đong đếm để tuyển chọn một con người.
Hãy suy nghĩ lại còn bao nhiêu bạn trẻ ngoài kia chưa có thể tìm được một công việc? Và còn bao nhiêu người trẻ như Jang Mun Han đang chạy vắt giò lên cổ để đi tìm tấm bằng mà chưa chắc có được một công việc như ý.
Trong sự phân công lao động của xã hội bao nhiêu phần trăm sẽ cần người giỏi giang, bao nhiêu phần trăm cần người làm được việc? Chỉ khi trả lời được điều này, áp lực đến với bạn trẻ sẽ được trả về đúng chỗ.
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!