Ám ảnh rắn chui từ điều hoà: Chuyên gia chỉ sai lầm nhiều người mắc

Hồng Anh Phong Vũ

(Dân trí) - Gần đây, nhiều gia đình bàng hoàng khi chứng kiến cảnh rắn độc bất ngờ chui ra từ điều hòa, rơi xuống giường và gây thương tích, thậm chí đe dọa tính mạng.

Ám ảnh không dám ngủ khi nghe tiếng lạo xạo trong điều hoà

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội, hàng loạt bài viết về các vụ rắn bất ngờ chui vào máy điều hoà rồi rơi xuống giường khiến không ít gia đình rơi vào tình trạng hoảng loạn. Đặc biệt, vụ việc mới nhất xảy ra tại xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Khoảng 3h ngày 2/6, bé gái 7 tuổi đang ngủ thì bất ngờ bị một con rắn cạp nia – loài rắn cực độc – chui ra từ đường ống điều hòa và cắn vào đùi. Ban đầu, cháu bé không có biểu hiện bất thường, nhưng đến sáng thì bắt đầu sụp mí, khó nói, nôn khan và suy hô hấp nhanh chóng.

Khi được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, bé đã rơi vào tình trạng nguy kịch, phải thở máy và được điều trị tích cực suốt gần 15 ngày mới qua cơn nguy hiểm.

Người mẹ kể lại trong nước mắt rằng lúc phát hiện sự việc, cả nhà hoảng loạn, đánh chết con rắn và lập tức đưa con đi cấp cứu nhưng không ngờ độc tố của rắn cạp nia lại phát tác nhanh đến vậy.

Ám ảnh rắn chui từ điều hoà: Chuyên gia chỉ sai lầm nhiều người mắc - 1

Liên tục các bài chia sẻ trên hội nhóm về tình trạng rắn chui vào điều hoà (Ảnh: Chụp màn hình).

Chỉ trong vài tuần, nhiều vụ rắn chui vào điều hoà rơi xuống giường, hay mở điều hoà vệ sinh thấy cả ổ rắn bên trong được chia sẻ rầm rộ trên các hội nhóm.

Điểm chung là các con rắn đều bò vào hệ thống dàn lạnh hoặc ống dẫn điều hoà để trú ẩn, rồi bất ngờ rơi xuống trong lúc thiết bị hoạt động hoặc khi người trong nhà đang ngủ, nghỉ.

Thông tin về những vụ việc này khiến nhiều người dân lo lắng tột độ. Không ít gia đình chia sẻ họ bị mất ngủ, sống trong trạng thái nơm nớp sợ hãi mỗi lần bật điều hoà.

“Nhà tôi có con nhỏ, nghe tin rắn chui vào điều hoà là sợ xanh mặt. Đêm ngủ bật máy lạnh mà nhìn chằm chằm lên tường”, anh Trung, một người dân ở Hà Tĩnh, chia sẻ.

Nhiều cư dân ở các khu vực gần cánh đồng, ao hồ hay cây cối rậm rạp cũng bắt đầu lắp thêm lưới chắn, kiểm tra ống dẫn máy lạnh thường xuyên để ngăn rắn chui vào.

Trên mạng xã hội, rất nhiều bình luận thể hiện sự bất an: “Giờ không chỉ sợ nóng mà còn sợ rắn, đúng là tai họa từ trên trời rơi xuống”; “Mỗi lần nghe tiếng điều hoà kêu lạ là tôi giật mình tỉnh giấc”; “Làm sao để an toàn khi rắn có thể xuất hiện ngay trong phòng ngủ thế này?”…

Một số người còn chia sẻ video rắn bò trên tường, chui qua ống dẫn nước của điều hoà, càng khiến nỗi lo lan rộng.

Ám ảnh rắn chui từ điều hoà: Chuyên gia chỉ sai lầm nhiều người mắc - 2

Gần nhất một con rắn cạp nia đã rơi từ điều hoà xuống giường, cắn vào chân bé gái khiến trẻ phải nhập viện cấp cứu (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Cách phòng tránh rắn chui vào điều hoà

Anh La Thăng - thợ lắp đặt điều hòa của một chuỗi siêu thị điện máy lớn ở Hà Nội - cho biết, các loài côn trùng, rắn, chuột có thể chui vào điều hòa gây chập thiết bị hoặc đe dọa đến tính mạng con người.

Các loài vật này thường bò theo ống đồng (ống dẫn môi chất lạnh) phía ngoài dàn nóng để vào trong. Ngoài ra, việc thợ khoan rút lõi sử dụng mũi khoan có đường kính quá lớn so với yêu cầu khi thi công trong dàn lạnh có thể gây ra nhiều vấn đề, một số vị trí còn rộng sẽ trở  thành nơi cư trú của rắn, chuột, côn trùng.

“Nếu đục lỗ cho ống dẫn môi chất quá to, khi lắp đặt xong thợ không lấy xi măng trám vá lại cho kín thì sẽ tạo kẽ hở để rắn hoặc chuột chui vào”, anh Thăng nói.

Khi nhận thấy có dấu hiệu phát hiện rắn chui vào điều hòa, các gia đình không nên tự động mở nắp điều hòa, mà nên ngắt điện và gọi nhân viên bảo hành hoặc thợ điều hòa chuyên nghiệp đến xử lý. Nên yêu cầu thợ kiểm tra kỹ lưỡng rồi vá trám lại lỗ đục bên ngoài tường để tránh lặp lại tình trạng rắn, chuột chui vào điều hòa làm tổ.

Ám ảnh rắn chui từ điều hoà: Chuyên gia chỉ sai lầm nhiều người mắc - 3

Để phòng tránh rắn chui vào điều hoà, khi lắp đặt gia đình nên dùng tấm chắn mắt lưới nhỏ để bít các lỗ hở (Ảnh minh hoạ: Chụp màn hình).

“Cũng theo thợ sửa điều hòa này, mỗi gia đình nên bảo dưỡng định kỳ điều hòa 4-5 tháng/lần, vệ sinh dàn nóng, cục lạnh, chặt bớt cây cối rậm rạp xung quanh nhà.

Khi lắp mới điều hòa, các gia đình nên kiểm tra và nhắc thợ trám vá hoặc bằng cách nào đó làm kín lỗ của ống dẫn môi chất.

Khi khoan tường đưa dây đồng, ống thoát nước vào dàn điều hòa, người thợ phải kiểm tra lại khe hở tại vị trí đó. Ngoài ra có thể dùng tấm chắn mắt lưới nhỏ để bít các lỗ hở nhằm tránh những loài vật như chuột, rắn... bò vào nhà qua đường này”, anh La Thăng nói.

GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh và Điều hòa không khí cho biết, việc rắn chui vào điều hòa không quá phổ biến song các gia đình cũng nên lưu ý để tránh gặp phải các tình huống nguy hiểm. Nếu nhận thấy có nguy cơ cao rắn và côn trùng, chuột bọ... chui vào điều hòa, nên dùng lưới kim loại chặn các vị trí cửa gió ra vào của điều hòa.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, nếu không may bị rắn cắn, người dân cần giữ bình tĩnh, cố định phần cơ thể bị cắn, tránh cử động mạnh làm lan độc tố, không tự ý chữa mẹo hay rạch vết cắn, mà phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, người dân càng cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.