1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nhật ký xét xử "chuyến bay giải cứu": Kẻ bật khóc, người run rẩy

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Tại phòng xét xử, ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) bộc lộ nhiều cảm xúc. Bị cáo này có thời điểm run rẩy, toát mồ hôi khi đứng tại bục khai báo.

12/7 - ngày thứ 2 của phiên tòa xét xử đại án "chuyến bay giải cứu" - tiếp tục phần xét hỏi của HĐXX với các bị cáo.

Nội dung xét hỏi xoay quanh việc nhận và đưa hối lộ của các bị cáo tại Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an... từ cá nhân đại diện cho doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu. 

Những giọt nước mắt tại phòng xét xử

Bật khóc tại tòa, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Tiến Thân bày tỏ sự bất lực trước mong muốn khắc phục hậu quả vụ án.

Thân bị cáo buộc nhận hối lộ 3,6 tỷ đồng từ một số doanh nghiệp để giúp các thủ tục xin cấp phép tổ chức chuyến bay. Số tiền này, Thân đã đưa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hải (Vụ trưởng Vụ quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ) 2,4 tỷ đồng.

1,2 tỷ đồng còn lại, Thân hưởng lợi và đã tác động gia đình nộp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, với khoản đã đưa cho ông Hải, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế phân trần gia đình đã rất cố gắng xoay xở nhưng hiện chưa thể có.

Nhật ký xét xử chuyến bay giải cứu: Kẻ bật khóc, người run rẩy - 1

Các bị cáo tại phiên xét xử (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Thời điểm nhận tiền, bị cáo chưa nhận thức được hành vi của mình. Sau này, khi làm việc với cơ quan điều tra và đứng tại tòa bị cáo thấy điều này là sai nên day dứt, dằn vặt rất nhiều", bị cáo Nguyễn Tiến Thân nói.

Tại phiên tòa ngày 12/7, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) bộc lộ nhiều cảm xúc, thái độ trái ngược.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời rành mạch, rõ ràng những câu hỏi của HĐXX về vai trò của bản thân khi Nhà nước có chủ trương triển khai "chuyến bay giải cứu". Tuy nhiên, khi bị chất vấn về số lần nhận tiền từ các doanh nghiệp, ông Dũng lại ấp úng, trả lời "theo trí nhớ".

Đôi bàn tay của vị cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nắm chặt, thi thoảng run rẩy khi nghe chủ tọa phiên tòa liệt kê lại những doanh nghiệp, cá nhân đưa tiền cho bị cáo.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao run rẩy khi trả lời HĐXX (Video: Nguyễn Hải).

"Bị cáo gặp chị Mơ (Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty An Bình) một số lần và nhận 8,5 tỷ đồng, chỗ chị Hằng (Nguyễn Thị Thanh, Công ty Bluesky) nhận 5 tỷ đồng, chỗ Công ty ATA của chị Tường Vy (Nguyễn Thị Tường Vy) thì nhận 115.000USD còn chỗ Công ty Masterlife của chị Mai Xa thì...", ông Tô Anh Dũng khai với giọng ấp úng, tay gạt ngang những giọt mồ hôi trên trán.

Tiền hối lộ được dùng vào đâu?

Theo VKSND Tối cao, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ 253 lần, tổng hơn 42 tỷ đồng từ 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và 62 đoàn khách lẻ.

Tại phiên tòa ngày 12/7, bị cáo này thừa nhận cáo buộc trên. Bị cáo khai rằng, trong hơn 42 tỷ đồng, có 27 tỷ đồng từ chuyến bay combo và 15 tỷ đồng là khách lẻ.

Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định bản thân không yêu cầu các doanh nghiệp phải đưa tiền. Tất cả mức chi và hình thức đưa tiền đều do doanh nghiệp chủ động đề xuất. 

Sau khi nhận tiền, bị cáo đưa một ít cho người thân ở Thái Bình vay, còn lại, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đem đầu tư bất động sản ở Ba Vì, Mũi Né, Hoài Đức, không đưa cho một ai khác.

Nhật ký xét xử chuyến bay giải cứu: Kẻ bật khóc, người run rẩy - 2

Bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại phiên xét xử (Ảnh: Hải Nam).

Ngày xét xử thứ 2 cũng ghi nhận lời khai của bị cáo Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam).

Theo cáo trạng, bị cáo là người trực tiếp duyệt, ký công văn đồng ý cho doanh nghiệp đưa công dân về cách ly tại Quảng Nam. Quá trình làm việc, ông Tân 9 lần nhận tiền từ Công ty Bluesky, tổng 5 tỷ đồng.

"Bị cáo nhận thức đây là tiền của doanh nghiệp không phải ngân sách Nhà nước", bị cáo Tân khai và phân trần khi đưa tiền, đại diện doanh nghiệp nói đây là quà cảm ơn, quà sinh nhật, quà cuối năm, quà Tết.

Trước tòa, bị cáo khai từng có ý định trả lại tiền cho doanh nghiệp nhưng không thể vì "quá thời hạn". Sau khi giữ lại tiền nhận hối lộ, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói đã sử dụng vào "việc có ý nghĩa".

Những lời khai mâu thuẫn

Trong vụ án này, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị cáo buộc là người nhận hối lộ nhiều nhất, về cả số lần nhận cũng như tổng số tiền đã cầm.

Tại phiên tòa ngày 11/7, có 3 bị cáo là đại diện doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu có những lời khai cáo buộc cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế "vòi tiền".

Cụ thể, Đào Minh Dương (cựu Giám đốc Công ty cổ phần Vijasun) khai, quá trình xin được cấp phép tổ chức chuyến bay, bị cáo không liên hệ với ai. Song, Dương bị ép phải nộp tiền "bôi trơn" cho thư ký của Thứ trưởng.

Trước tòa, Dương khẳng định, khi gặp cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã chứng kiến vị này quát tháo các doanh nghiệp và yêu cầu phải đưa 150 triệu đồng.

Nhật ký xét xử chuyến bay giải cứu: Kẻ bật khóc, người run rẩy - 3

Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: Hải Nam).

Bị cáo Lê Hồng Sơn (Công ty Bluesky) cũng khai bị cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế "làm giá". Theo lời khai, Sơn đề nghị với cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế giá 100 triệu đồng/chuyến bay nhưng không được chấp thuận. "Theo barem rồi" - Sơn nhắc lại lời nói của cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.

Tương tự, bị cáo Vũ Minh Thắng (Công ty Thuận An) cũng khai bị cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế "báo giá" 15 triệu đồng/khách lẻ về nước. Sau khi được Cục Lãnh sự thông báo chấp thuận cho tổ chức chuyến bay, Thắng bị cựu thư ký Thứ trưởng gọi lên phòng làm việc, yêu cầu lại phải chi 150 triệu đồng/chuyến bay.

Trước những lời khai trên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thể hiện thái độ gay gắt, khẳng định là không đúng sự thật.

"Các doanh nghiệp đều chủ động gọi điện, xin đến gặp để được giúp đỡ. Họ đến gặp bị cáo sau khi các công việc đã được triển khai, thực hiện một cách bình thường, không gặp trở ngại nào", cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nói.