Tâm điểm
Quan Thế Dân

Náo nức ngày 10/10

Từ hồi còn nhỏ sống cùng gia đình ở khu vực phố cổ Hà Nội, cứ đến ngày 10/10 là tôi lại thấy náo nức. Không khí như ngày Tết.

Bà ngoại tôi kể, ngay từ tháng 5/1954, sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ, nhiều lính Tây chán chường, say rượu đi trên phố, sà vào cướp bóc các hàng quán. Nên vì thế các nhà mặt phố bảo nhau lắp cửa sắt kéo.

Cứ thấy lính Tây say đến đầu phố là các nhà gõ mâm chậu báo hiệu cho nhau đóng cửa hàng. Tiếng cửa sắt kéo sầm sập vang lên khắp cả phố. Bây giờ chúng ta xem ảnh chụp phố Hà Nội trước năm 1954, thấy nhiều nhà có cửa sắt kéo là vì thế.

Hôm rồi có bạn xem ảnh cưới bố mẹ tôi năm 1958, có bình luận rằng "hồi ấy sang nhỉ, đã có cửa sắt kéo", nhân dịp này tôi xin giải thích lý do tại sao người Hà Nội lúc đó lại lắp cửa sắt kéo theo hiểu biết của tôi như vậy.

Náo nức ngày 10/10 - 1

Cột cờ Hà Nội là một trong những công trình lịch sử ở Hà Nội thu hút đông đảo du khách cả trong và ngoài nước (Ảnh: Tuấn Huy)

Người Hà Nội mong chờ Chính phủ kháng chiến thắng trận trở về. Oai hùng lắm chứ. Tuy sống và làm ăn trong thành phố bị tạm chiếm, nhưng lòng dân vẫn hướng về Chính phủ kháng chiến, vẫn coi đó là Chính phủ hợp pháp của mình.

Sau khi hiệp định Genève được ký kết, bố tôi lúc ấy mới 21 tuổi, là hiệu trưởng của một trường tư thục, được sở giáo dục của chính quyền cũ mời lên, trịnh trọng nói: "Mời ông đưa trường học đi Nam, tất cả bàn ghế phí tổn di chuyển chính phủ lo". Bố tôi chỉ cảm ơn, và không đi, ở lại chờ đón Chính phủ kháng chiến.

Ngày 10/10, bố tôi mặc comple đẹp, dẫn tất cả học sinh của trường, cũng ăn mặc đẹp lên phố chính xếp hàng chào đón đoàn quân chiến thắng.

Ngày 9/10, những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Lính Pháp rút khỏi đến đâu thì phố xá liền mở cửa ùa ra cờ hoa đón chào đoàn quân giải phóng đến đó. Người Hà Nội, đã chuẩn bị cờ hoa từ mấy hôm, nay diện những bộ quần áo đẹp, các tiểu thư mặc áo dài, các anh, các chú diện comple, và mọi tầng lớp người dân Hà Nội, tràn ra hai bên hè phố vẫy chào. Nhiều tài tử mang đàn ra hè phố chơi nhạc chào mừng.

Gần đây, một số ý kiến nêu vấn đề nên gọi là ngày "Tiếp quản Thủ đô" để mô tả sự kiện. Tuy không phải là một người nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, nhưng tôi nghĩ rằng để có ngày 10/10/1954, dân tộc ta đã phải trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh. Và nếu nhìn lại lịch sử, từ ngày Pháp đánh thành Hà Nội 1873, với vết đại bác trên Cửa Bắc thành Hà Nội nay vẫn còn, biết bao thế hệ người Việt chúng ta, trong đó có người Hà Nội, đã đứng lên đấu tranh cho nền độc lập, tự do của nước nhà. Vậy nên 10/10/1954 là ngày "Giải phóng Thủ đô", là ngày "5 cửa ô đón chào đoàn quân chiến thắng trở về", mở ra một thời kỳ mới không chỉ của Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội mà của cả dân tộc Việt Nam.

Theo các tư liệu lịch sử, lúc 15h ngày 10/10/1954, quân dân Hà Nội thay mặt đồng bào cả nước làm lễ chào cờ, nghe thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể...".

Với cá nhân tôi là một người Hà Nội, ngày 10/10/1954 là ngày "Giải Phóng Thủ Đô", thời gian đã thay đổi nhiều thứ nhưng ý nghĩa của ngày 10/10 vẫn vẹn nguyên, không hề thay đổi trong tâm khảm của tôi.

70 năm qua Hà Nội đã phát triển vượt bậc về tầm vóc, diện mạo. Từ diện tích chỉ từ vài chục km vuông nay đã lên hàng nghìn km vuông. Dân cư từ vài chục vạn ban đầu nay đã lên gần 10 triệu người. Nhìn trên bản đồ ta thấy Hà Nội cũ chỉ là một diện tích nhỏ xíu quanh Hồ Gươm, chiếm một phần rất nhỏ so với diện tích của Hà Nội bây giờ.

Trong quá trình phát triển, Hà Nội cũng có lúc lúng túng trong quy hoạch, trong quản lý xã hội, làm mất đi ít nhiều bản sắc tốt đẹp của mình. Bảo tồn khu vực phố cổ còn bất cập, kiến trúc quanh Hồ Gươm còn bị vi phạm, và cả những mất mát về di sản đô thị khác, khiến người dân không khỏi lo lắng.

Thành phố phát triển nhanh nên dân số tăng nhanh là không tránh khỏi. Những vấn nạn của một siêu đô thị đang gây khó cho người dân: tắc đường, ngập úng, hỏa hoạn cháy nổ, ô nhiễm môi trường sống, thiếu trường học, thiếu bệnh viện…

Rồi nếp sống thanh lịch của người Hà Nội đang bị phai nhạt. Bún mắng cháo chửi, nói năng chanh chua chỏng lỏn, xả rác bừa bãi, va chạm giao thông một chút là yêng hùng "biết bố mày là ai không". Một số thành ngữ mới trong tiếng Việt như: "Hà Lội", "Hà Nội không vội được đâu"…

Nhưng tôi tin Hà Nội với bề dày văn hóa, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, và đã bao lần vượt qua những gian nguy trong lịch sử thì nhất định sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm vai trò của mình. Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội. Nhân tài vật lực cả nước về đây xây dựng Thủ đô. Hà Nội từ nay đã trở thành quê hương của hàng triệu người con trên khắp mọi miền đất nước.

Nhiều đường xuyên tâm và đường vành đai mới mở, nhiều cầu lớn vượt sông Hồng. Thành phố vươn mình, từ chỗ lấy Hồ Gươm làm trung tâm nay vươn lên bao quanh Hồ Tây và phát triển sang cả bên kia sông Hồng, nối với vùng đất lịch sử Cổ Loa. Tất cả để xây dựng thành phố thành nơi đáng sống, thành phố vì hòa bình, thành phố của nghìn năm văn hiến.

Với tôi thì ngày 10/10 luôn là ngày Giải phóng Thủ đô. Ngay từ khi còn nhỏ, ngày này thể nào tôi cũng lên Bờ Hồ xem triển lãm mỹ thuật chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô. Ở đấy tôi lại được xem tranh Bùi Xuân Phái vẽ phố cổ Hà Nội. Tôi mê tranh của ông Phái từ lâu, nhưng mỗi năm vào dịp này mới được ngắm tranh của ông. Và giờ tuy đã lớn tuổi, tôi vẫn thấy náo nức khi ngày 10/10 về.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!