Tâm điểm
Quan Thế Dân

Món quà quý giá nhất với cha mẹ

Hôm rồi con gái tôi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, con được các thầy cô cho loại xuất sắc. Bản khóa luận đã chỉnh sửa theo góp ý của các thầy cô trong hội đồng, được in đẹp để nộp lưu trữ trong thư viện trường, con còn in ra một cuốn đề tặng bố nhân ngày sinh nhật. Đây có lẽ là món quà sinh nhật mà tôi quý nhất.

Tôi có hai con gái, năm nay đều tốt nghiệp đại học. Một cháu ở TPHCM nên chỉ gửi lời chúc mừng sinh nhật bố qua điện thoại.

Thế là tôi đã hoàn thành một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của đời người là nuôi dạy con cái trưởng thành. Thời gian trôi thật nhanh. Chúng ta ai cũng có lúc giật mình một cách tự hào như vậy. Mới chớp mắt cái thôi mà con mình đã lớn từng này rồi. Bao vất vả lo toan như chưa từng xảy ra.

Món quà quý giá nhất với cha mẹ - 1

Phụ huynh đưa con em của mình đến điểm thi trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) ngày 27/6 (Ảnh: Nam Anh).

Hồi tôi nhỏ cũng chứng kiến y như vậy, thỉnh thoảng bà tôi, bố mẹ tôi lại kêu lên như vậy: "Thằng Thế lớn nhanh quá, cao bằng cái sào rồi này", trong tiếng kêu ngạc nhiên ấy chất chứa bao nhiêu niềm trìu mến, tự hào. Bây giờ là lúc tôi tự cho phép mình ngồi thả lỏng, hồi tưởng một cách sung sướng quá trình lớn lên của các con.

Cũng như các gia đình khác, hành trình nuôi dạy con của nhà tôi không chỉ hoàn toàn màu hồng. Con gái đầu của tôi học giỏi, thi đỗ trường Đại học Y. Đến năm thứ hai Đại học, bỗng một hôm cháu lúng túng bảo tôi, "bố ơi con không học Y được đâu, con bỏ học mấy tháng rồi".

Tôi nghe như có đất sụt dưới chân mình. Tôi muốn có một đứa con nối nghiệp bác sĩ biết bao, và đã chăm sóc, định hướng cho con học môn hóa, thi khối B từ khi con còn nhỏ. Con đã thi đỗ trường Y mà bao nhiêu người mơ ước, sao bây giờ con lại bỏ.  

Tôi và cả nhà xúm vào khuyên con đi học lại, đừng bỏ học. Con chỉ im lặng nghe, không cãi lại. Sau bao nhiêu ngày yên lặng, con nói thật là con không thấy hứng thú khi học Y, mà chỉ thích học ngành khoa học xã hội. Con đã âm thầm mua sách về ôn thi, xin được thi lại một lần, nếu trượt thì con sẽ quay lại trường Y.

Tất cả các thủ tục đăng ký thi con đã lẳng lặng tự làm từ lâu rồi, giờ chỉ còn chờ tôi đồng ý. Tôi đồng ý vì tôi thấy thương con quá. Người ta ôn thi thì cả nhà phục vụ chăm sóc, còn con phải ôn thi trong giấu giếm. Và rồi tôi lại chở con đi thi đại học lần nữa, trong tâm trạng lẫn lộn, vừa mong con làm được bài, lại có lúc mong con trượt để còn quay lại học ngành Y.

Khi báo điểm, con đã đỗ vào khoa Đông phương học của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội, khoa có điểm chuẩn cao. Thế là con đi nhập học trường mới và thấm thoắt đã 4 năm trôi qua.

Cầm quyển luận văn con tặng, tôi thấy con đã trưởng thành, bắt đầu mang dáng dấp của người làm nghiên cứu. Ở độ tuổi của con mà viết được một luận văn dày dặn, tham khảo trực tiếp được cả bằng hai ngoại ngữ, thì tôi thấy sự lựa chọn của con khi trước là đúng. Đọc lời khen của cô hướng dẫn, tiến sĩ công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tôi càng vui hơn.

Nhân sự kiện hai con gái tốt nghiệp đại học, có bạn nhắn tin hỏi tôi về phương pháp nuôi dạy con, làm tôi thấy lúng túng. Trước hết con tôi không phải có thành tích gì quá cao siêu, cũng giản dị như bao bạn bè cùng trang lứa.

Thứ hai là tôi cũng không có phương pháp đặc biệt gì ngoài việc: Khen ngợi và khen ngợi. Luôn luôn khen ngợi con, từ những thành tích nhỏ nhất, để con có sự tự tin, không bao giờ so sánh con mình với con nhà người ta.

Tôi luôn vui mừng với từng thành tích nhỏ nhất của các con có khi còn vì bệnh nghề nghiệp: Ở vị trí công tác của mình tôi đã chứng kiến nhiều cháu không may, gia đình chỉ mong cháu cất một tiếng gọi cha mẹ bình thường mà còn không được, thì các con mình chỉ cần lớn lên mạnh khỏe đã là hạnh phúc vô giá rồi.

Còn việc nữa là thái độ sống tích cực. Anh cần nêu gương về thái độ làm việc, có say mê không, có trung thực không, có lương thiện không. Rồi từ đó con tự khắc làm theo. Như tôi đã nhìn theo gương của bố mẹ tôi để lớn lên. Khi còn sống, bố đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn chăm chỉ lao động, vẫn khám chữa bệnh hàng ngày, chăm chỉ đọc sách, nghiên cứu bệnh khó, biên soạn sách. Bố mất khi cuốn sách bố đang soạn vẫn dang dở. Bố đã đi xa nhưng bố để lại cho con cháu một nhà đầy sách. Tôi bắt gặp con nhiều khi đứng đọc hàng giờ bên giá sách của ông để lại...

Cũng như nhiều phụ huynh khác, tôi hiểu rằng giáo dục nước ta còn nhiều bất cập, nhưng tôi chưa bao giờ chê bai ngành Giáo dục hay nói xấu một thầy cô nào. Vì tôi quan niệm rằng hãy để các con lớn lên với tâm hồn trong sáng, đừng sớm gieo vào đầu các con những ý nghĩ hoài nghi, bất mãn. Với tôi giáo dục ở nhà trường cung cấp cho con người kiến thức, nhưng để một đứa bé lớn lên và trưởng thành thì giáo dục ở gia đình mới là quan trọng nhất.

Thật vậy, gia đình là tổ ấm vững chắc cho các con lớn lên. Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6), nghĩ về gia đình mình, tôi không bao giờ quên những khoảnh khắc hạnh phúc, khi các con còn nhỏ, cả gia đình đi dạo phố, hai con nhỏ ngồi sau lưng bố, mẹ ngồi sau cùng. Cả nhà bốn người một chiếc xe máy, gió mát thổi vi vu, các con ríu rít nói những gì nghe không rõ, bàn tay bé xíu của các con tranh nhau bám lấy lưng bố.

Chúng tôi nuôi các con lớn lên, nhưng rồi chính các con lại biến đổi bố mẹ trở nên có trách nhiệm hơn, làm gia đình bền chặt hơn. Riêng với tôi, các con còn dạy tôi cách nhìn cuộc đời theo cách cởi mở hơn, bớt khắt khe đi. Những khoảnh khắc hạnh phúc nối tiếp nhau làm nên một cuộc đời hạnh phúc. Cám ơn các con đã đến bên bố mẹ, các con là những món quà quý giá nhất trong cuộc đời này.

Giờ đây các con đã bước vào cuộc sống tự lập, tôi lại mong đến ngày mình có các cháu, để tiếp tục được nhìn các thế hệ tương lai lớn lên.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!