Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Một ngày để nghĩ về gia đình

Năm 2019, nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng tình bổ sung một ngày nghỉ trong năm và đề xuất chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Đề xuất này đã không được thông qua. Nhưng tôi cứ giả định như hôm nay chúng ta được nghỉ. Chúng ta sẽ nghĩ và dùng nó thế nào trong ngày nghỉ này?

Lúc đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương) phân tích, gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm hạnh phúc, bình yên, là nơi trở về của mỗi người những lúc buồn vui, thành công hay thất bại. Gia đình hạnh phúc thì đất nước mới hạnh phúc. Hơn nữa, sống trong xã hội hiện đại, cuộc sống đầy đủ tiện nghi hơn nhưng cũng đầy áp lực, cạm bẫy. Tổ ấm gia đình đang bị lung lay bởi những tác động trực tiếp, gián tiếp. Vì vậy, có thêm ngày nghỉ để các thành viên trở về, sum họp là rất cần thiết.

"Chúng ta đã có ngày nghỉ 10/3 là Giỗ Tổ - dành cho tổ tiên, nghỉ ngày Quốc khánh 2/9 - dành cho đất nước, nếu có ngày nghỉ 28/6 - dành cho gia đình, cho tổ ấm thì rất hợp lý và tiến bộ" - ông Nguyễn Anh Trí nói.

Nếu có một ngày nghỉ để dành cho gia đình, cho tổ ấm, không nghĩ đến mưu sinh (vì vẫn được hưởng lương), chúng ta sẽ dùng nó làm gì? Tôi đặt câu hỏi giả định này vì cuộc sống hiện đại, áp lực mưu sinh đã khiến nhiều gia đình lung lay hoặc tan vỡ; trực tiếp là 13% từ yếu tố kinh tế như trong số liệu của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới thống kê, còn gián tiếp thì có lẽ cũng rất nhiều.

Chẳng hạn, trong tỷ lệ 27,7% gia đình tan vỡ vì mâu thuẫn về lối sống, có bao nhiêu là từ giờ giấc, sinh hoạt liên quan đến mưu sinh? Trong tỷ lệ 6,7% từ yếu tố bạo lực gia đình thì có bao nhiêu là từ vất vả mưu sinh? Trong tỷ lệ 1,3% do sống xa nhau nhiều ngày thì có bao nhiêu là từ đi làm xa nhà?

Một ngày để nghĩ về gia đình - 1

(Ảnh minh họa: TP)

Nhiều người chồng nói với tôi rằng vợ họ chẳng thông cảm việc chồng phải ký hợp đồng trên bàn nhậu. Nhiều người vợ cũng nói với tôi rằng họ cũng muốn trở thành những người vợ luôn tươi cười với chồng con, làm đẹp để hấp dẫn chồng đấy, nhưng vất vả đi làm về lại vật vã cơm nước, con cái làm sao họ còn thời gian để cười với chồng, để đẹp cho chồng? Đó là còn chưa kể hàng trăm đứa trẻ đã viết thư cho anh Chánh Văn, là tôi, để chán nản nói về việc cha mẹ quá bận rộn không quan tâm đến chúng. Đúng là có thực mới vực được đạo, no bụng thì mới nghĩ được những thứ khác.

Nhưng ngay cả khi chúng ta đã đủ đầy về kinh tế, bao nhiêu gia đình hiện đại vẫn cứ tan vỡ? Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới đưa ra những con số đau lòng tại TPHCM bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn (chiếm hơn 35%). Độ tuổi ly hôn dưới 35 tuổi chiếm 30%. Trung bình mỗi tháng, TPHCM có 80-100 vụ ly hôn tại mỗi quận, huyện.

Một thống kê khác của Tòa án nhân dân tối cao cho biết, năm 2018, các vụ hôn nhân và gia đình mà tòa án thụ lý là 262.906 vụ (trong đó ly hôn do mâu thuẫn gia đình chiếm tới 73,6%). Năm 2019, tòa án thụ lý 256.793 vụ (trong đó ly hôn do mâu thuẫn gia đình chiếm 84,2%). Năm 2021, số vụ ly hôn do mâu thuẫn gia đình mà tòa án thụ lý chỉ là 162.072 vụ, chua chát thay con số giảm là vì Covid và giãn cách xã hội.

Gia đình Việt thời hiện đại đang đối mặt với vô vàn những vấn đề về tính bền vững. Các chức năng cơ bản của gia đình đã bị thay đổi như chức năng sinh sản để tạo nòi giống cũng được báo động khi tỷ lệ sinh tụt giảm, nhiều phụ nữ ở các thành phố lớn chỉ sinh một con hoặc thậm chí không muốn sinh con. Hay chức năng nuôi dưỡng và chăm sóc người thân trong gia đình cũng chịu ảnh hưởng, khi mô hình gia đình thu hẹp lại thành gia đình hạt nhân (cha mẹ với con cái chưa trưởng thành). Ngày càng nhiều những ý kiến bàn luận chuyện không muốn về quê dịp lễ, Tết, hạn chế các hoạt động sum vầy mang tính đại gia đình.

Bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" có lẽ vì thế mà có rating (lượt xem) cao, vì những mâu thuẫn thế hệ được giải quyết bằng cách cực đoan: Nước sông không phạm nước giếng - Con ai người nấy chăm. Có những trào lưu cực đoan, độc hại khắp trên mạng xã hội về phụ nữ độc lập là "chẳng cần phải lo cho bố con thằng nào". Phải chăng vì thế mà những thống kê cho thấy gần 80% người đứng đơn trong các vụ ly hôn là nữ giới?

Giả định có một ngày nghỉ để nghĩ về gia đình, nghĩ đến sự bền vững của gia đình trong ngày Gia đình Việt Nam không phải là giải pháp. Mà nó chỉ là một giả định mang tính nhắc nhở. Nó nhắc nhở mỗi chúng ta về vai trò quan trọng của gia đình trong sự phát triển chung của xã hội và chính bản thân mình.

Có lẽ bởi tôi thuộc týp người của gia đình nên thấy thế chăng? Nghĩ về gia đình tôi thấy sợ những định kiến giới cả cũ và mới. Cũ như "chồng là Trụ Cột", mới như "vợ là Nóc Nhà". Trụ Cột thì oằn lưng. Nóc Nhà thì bạc mặt.

Theo điều 18 của Luật bình đẳng giới thì vợ chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong quyết định các nguồn lực trong gia đình, trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp,... các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình. Thực thi bình đẳng mới là giải pháp cốt lõi. Là sự tôn trọng cũng như trách nhiệm. Để gia đình bắt đầu từ 2 chữ Cùng Nhau. Cùng Nhau Nghĩ. Cùng Nhau Làm. Cùng Nhau Sửa. Cùng Nhau Già Đi và Cùng Nhau Hạnh Phúc.

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 cũng đã được 22 năm rồi (từ quyết định chính thức năm 2001), nhưng dường như chúng ta vẫn để nó trôi đi, thậm chí còn chẳng rộn rã bằng ngày lễ "ngoại nhập" như Noel, Valentine, Halloween... Bởi truyền thông và sự quan tâm đến những giá trị bền vững của gia đình dường như là chuyện của gia đình người khác chứ không phải gia đình của mình.

Bởi vậy, giả định 28/6 hàng năm được nghỉ một ngày vẫn có lương chính là để chúng ta có một ngày quay vào bên trong chính gia đình của mình vậy. Một ngày để không cần nghĩ đến cơm áo gạo tiền, một ngày để khoe lên mạng xã hội những hình ảnh gia đình đoàn tụ, sum vầy lan tỏa giá trị gia đình. Một ngày để chúng ta thay vì nói với nhau, hãy nói với chồng, với vợ, với con, với ông bà, cha mẹ. Nói với nhau về việc sẽ cùng nhau già đi chứ đừng để số lượng những cuộc hôn nhân chết trẻ tiếp tục tăng như hiện nay.

Bạn có một gia đình để sử dụng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 này chứ?

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!