Mẹ bầu chạy bộ
Trong giải chạy bộ đường dài (Marathon) được tổ chức ở Hạ Long vào ngày 22/9, một người phụ nữ 25 tuổi xuất hiện trên đường đua với bụng bầu 29 tuần tuổi, đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Người phụ nữ này là một người thường xuyên tập luyện chạy bộ (runner) ở Tuyên Quang, cô từng chinh phục cự ly bán marathon (cự ly 21km dành cho các vận động viên chuyên nghiệp), từng tốt nghiệp ngành y và từng công tác trong ngành sản phụ khoa. Cô mang thai 29 tuần và bụng chửa đã vượt mặt.
Ở giải chạy này, để đảm bảo an toàn cô đã chạy cùng chồng, Ban tổ chức cũng bố trí đội ngũ y tế theo sát runner đặc biệt này suốt dọc đường chạy, để có những hỗ trợ kịp thời nếu cần.
Mặc dù chị chỉ hoàn thành 5km sau gần 41 phút, nhanh hơn đi bộ một chút, nhưng vẻ mặt thoải mái và nhịp độ hoạt bát của chị vẫn khiến mọi người ấn tượng.
Tuy nhiên, khi nhìn thấy hình ảnh "bà bầu chửa vượt mặt đang chạy bộ" xuất hiện trên báo chí và mạng xã hội, nó khiến nhiều người bị sốc. Một cuộc tranh cãi đã nổ ra. Có hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về việc có nên chạy bộ khi mang thai hay không. Những người yêu thích chạy bộ thì hoàn toàn ủng hộ. Một số khác cho rằng tập thể dục khi mang thai quá nguy hiểm, có hại cho phụ nữ mang thai và thai nhi, thậm chí sẩy thai hoặc thai lưu.
Thực ra, những hình ảnh phụ nữ mang thai tập thể dục hay chạy bộ nhẹ nhàng có vẻ rất khó tin ở Việt Nam, chứ đừng nói tới chạy marathon - môn thể thao gây nguy hiểm gấp đôi cho trẻ em và người lớn. Nhưng hình ảnh phụ nữ mang thai chạy marathon lại không hiếm ở nước ngoài. Ở một số nước châu Âu như Hoa Kỳ và Thụy Điển, nhiều vận động viên chạy marathon và chạy bộ sẽ tiếp tục tập luyện trong vài tháng đầu của thai kỳ. Ngay cả sau khi đường cong cơ thể trở nên rõ hơn, thậm chí bụng vượt mặt, thì các bà bầu vẫn tiếp tục tập luyện một cách chậm rãi và không quá gắng sức.
Keil, 35 tuổi, đến từ Minneapolis (Mỹ), cô tham gia giải chạy Boston Marathon năm 2015, hoàn thành chặng đua 42km với cái bụng bầu gần 8 tháng. Trước khi chạy, Keil có hỏi ý kiến Jodi Abbott, một bác sĩ tại Trung tâm Y tế Boston chuyên về y học bà mẹ và thai nhi, nhưng bác sĩ không thể nói cụ thể trường hợp của Keil có nên chạy hay không. Bác sĩ Abbott cho biết, đối với các vận động viên ưu tú, thì việc chạy khi đang mang thai thường không phải là vấn đề.
Mang thai ở tuần thứ 23, Anna Rohrer đã trở thành tâm điểm chú ý khi cô giành chiến thắng ở cự ly 21km tại giải chạy ở Indianapolis (Mỹ), với thời gian 1:15:18, nhưng Rohrer là một vận động viên chạy đường dài người Mỹ, nên việc tham gia giải chạy của cô không gặp trở ngại gì lớn.
Tại giải chạy Boston Marathon năm 2021, Huang đã hoàn thành 42km trong 3 giờ 42 phút, nhưng lúc đó cô không biết mình đang mang thai. Ở tuần thứ 32 của thai kỳ Huang đã hoàn thành cuộc đua này lần thứ hai. Huang không còn xa lạ với các giải marathon, cô đã chạy hơn một chục cuộc đua trong những năm gần đây, bao gồm các giải Philadelphia, New York City và Wineglass. Năm 2019, cô đã hoàn thành một cuộc thi ba môn phối hợp bao gồm chạy, đạp xe và bơi lội hơn 140 dặm.
Trên Internet không thiếu những phụ nữ chửa vượt mặt vẫn chạy. Ở Châu Phi, nơi có nhiều vận động viên chạy đường dài, điều kiện y tế tương đối lạc hậu khiến nhiều trẻ em vẫn phải sinh nở tại nhà. Một số nữ vận động viên da đen thường phát hiện ra mình có thai một hoặc hai tháng, trong thời gian đó, việc tập luyện và chạy đường dài vẫn duy trì bình thường.
Trong khi đó, các quan niệm truyền thống của người Việt có tính bảo thủ hơn. Trong hầu hết các lời bình luận về chủ đề "bà bầu có nên chạy bộ" trên Internet, mọi người đều phản đối, ngay cả những bác sĩ và chuyên gia chủ yếu khuyên nên tránh tập thể dục hay vận động nặng nhọc. Mục đích chính của tất cả là để bảo vệ thai nhi.
Nhìn chung các chuyên gia chưa bao giờ phủ nhận hoàn toàn tác dụng lành tính của việc tập thể dục, nhưng cũng chẳng ai dám đưa ra lời khuyên cụ thể phải tập như thế nào. Thay vào đó, bác sĩ và chuyên gia chỉ nhắc đến việc tập "chậm rãi", "tránh tập luyện vất vả", tránh phải "gắng sức" và "nghỉ ngơi đầy đủ", cần giữ "tình trạng thể chất tốt", đó là những từ khóa thông dụng nhất.
Trên thực tế, không có giới hạn y khoa hoặc hướng dẫn nào về mức độ tập thể dục an toàn cho phụ nữ đang mang thai, chạy marathon lại càng không có. Tất cả phụ thuộc vào từng cá nhân và thời điểm họ bắt đầu biểu hiện những dấu hiệu cảnh báo nhất định. Các bác sĩ thường khuyên rằng, tập thể dục thường xuyên giúp phụ nữ khỏe mạnh khi mang thai, ngăn ngừa tiểu đường thai kỳ, đặc biệt với những người có chỉ số BMI >33 (chỉ số thể hiện cơ thể bắt đầu thừa cân), giảm nguy cơ tiền sản giật, trẻ sinh có cân nặng bình thường, ngăn ngừa mẹ và bé bị thừa cân.
Ngoài ra, tập thể dục khi mang thai còn giúp cải thiện khả năng đương đầu với công việc, giảm các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Việc tham gia tập luyện cũng sẽ giúp sản phụ lấy lại vóc dáng sau khi sinh con và đẩy nhanh quá trình quay trở lại cân nặng như trước khi mang thai.
Mang thai chính là chạy marathon! Bởi vì, trong 9 tháng 10 ngày mang thai, năng lượng tiêu thụ ở người phụ nữ giống như "thể dục rèn luyện sức bền", nó tương đương với việc chạy marathon trong 40 tuần liên tục.
Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), trong hầu hết các tình trạng sức khỏe bình thường, miễn là không phải là bài tập có nguy cơ cao thì việc tập thể dục trong phạm vi an toàn sẽ không làm tăng nguy cơ sảy thai. Nó cũng nhắc nhở rằng, với người ít vận động, có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà bầu.
Tuy nhiên, đặc điểm sinh lí của mỗi giai đoạn mang thai là khác nhau, nên các phương pháp tập luyện cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai nhi vẫn đang trong giai đoạn phôi và chưa ổn định, bà bầu không nên thể dục quá mạnh để tránh sảy thai, lựa chọn tốt nhất lúc này là đi bộ. Các bài tập khác, có thể chạy nhanh hơn đi bộ một chút, hoặc các bài tập thể dục nhẹ nhàng vừa phải.
Trong 3 tháng tiếp theo của thai kỳ, quá trình cấy ghép của thai nhi đã ổn định, phụ nữ mang thai có thể tùy theo thể trạng cá nhân và điều kiện tập luyện trước đây để tăng cường vận động một cách thích hợp, việc chạy có thể được duy trì nếu điều kiện cho phép để tránh những căng thẳng không cần thiết cho cơ thể.
Rung lắc khi chạy sẽ không khiến thai nhi cảm thấy chóng mặt, cơ thể người mẹ sẽ hình thành nhau thai để bảo vệ em bé, nước ối chính là thiết bị bảo vệ tốt nhất.
Các bài tập như bơi lội, thể dục dụng cụ dành cho phụ nữ mang thai, yoga, v.v. đều có ích. Tốt nhất, nên tập thể dục nhịp điệu với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, mỗi lần 20-30 phút, để giúp bà mẹ duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm đau các bộ phận trên cơ thể, giảm táo bón, tăng chất lượng giấc ngủ, giảm tiểu đường thai kỳ, và tăng huyết áp do mang thai.
Khi thai kỳ bước sang 3 tháng cuối, bà bầu nên giảm lượng vận động trở lại, có thể đi dạo hoặc làm một số công việc nhà thay vì tập thể dục nhưng nên tránh dùng lực quá mạnh, đặc biệt là nâng, mang vác vật nặng.
Quá trình luyện tập, bà bầu cần chú ý không để nhịp tim vượt quá nhịp tim tối đa càng nhiều càng tốt (Nhịp tim tối đa = 220 - tuổi của bạn x 0,6). Nếu bà bầu thấy chóng mặt, buồn nôn hoặc mệt mỏi khi tập thể dục thì nên ngừng tập thể dục ngay lập tức; nếu thấy đau bụng thì nên đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.
Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!