Tâm điểm
Bích Diệp

Lạ lùng đồ ăn bị gọi là "bẩn" mà vẫn tồn tại

Vài tháng trước, phụ huynh lớp con tôi vừa phải hội ý về một chuyện mà chúng tôi đánh giá là "nghiêm trọng". Những đứa trẻ lớp 2 bằng cách nào đó đã có được 50.000 đồng rồi rủ nhau mua "xiên bẩn" và những thứ nước siro đầy màu sắc bày bán ngay cạnh cổng trường. Chúng tôi thống nhất cùng sát sao các con hơn, do lo sợ nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

"Xiên bẩn" là cách gọi chung của các món ăn được làm theo dạng xiên que như thịt xiên, cá viên xiên, xúc xích, hồ lô, ốc viên, đậu bắp, nem xiên… Dù được gọi theo đúng nghĩa đen là "bẩn" (chế biến và bày bán ở môi trường mất vệ sinh, thực phẩm không rõ nguồn gốc, chiên rán trong chảo dầu đen, đặc quánh…) nhưng điều trớ trêu, xiên bẩn lại là món ăn vặt phổ biến của ẩm thực đường phố.

Có lần tôi đem thắc mắc của mình, rằng "vì sao biết bẩn vẫn ăn", hỏi một vài bạn trẻ. Câu trả lời mà tôi nhận được là "ngon", "vui", "tiện" và "rẻ". Tức là, đa số mọi người thích ăn xiên bẩn vì món này dễ mua, thường ăn cùng bạn bè và được chế biến hợp khẩu vị số đông. Việc một nhóm bạn, chủ yếu là lứa tuổi học sinh, sinh viên, rủ nhau ngồi ăn vặt vỉa hè với trà chanh và những que xiên bẩn đã trở thành một thú vui.

Về phía người bán, kinh doanh xiên bẩn không đòi hỏi nhiều vốn liếng hay phải thuê mặt bằng đắt đỏ, thường chỉ cần một quầy bán lưu động, có khi thêm vài chiếc bàn, ghế bằng nhựa đặt trên vỉa hè, cạnh các trường học, khu tập thể, chung cư… là đã nườm nượp khách.

Lạ lùng đồ ăn bị gọi là bẩn mà vẫn tồn tại - 1

Thịt xiên, viên xiên... được bày bán trên đường phố, không có phương tiện che chắn bụi bặm (Ảnh: Tú Anh).

Chính bởi tính chất kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát và tổ chức ăn uống trong những điều kiện phức tạp (lề đường khói bụi, không được che chắn) nên chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng, thời điểm giao mùa nhiều dịch bệnh... Hồi tháng 4 năm ngoái, 12 học sinh ở TP Nha Trang, Khánh Hòa, bị ngộ độc thực phẩm sau khi mua thức ăn tại vỉa hè trước cổng trường.

Đáng nói ở đây là người mua biết bẩn vẫn ăn, còn người bán chỉ cần đắt khách, bán chạy. Không mấy ai quan tâm đến câu chuyện chất lượng thực phẩm và nguy cơ ngộ độc, hay những hệ lụy lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng. Ngay cả trường hợp bị đau bụng, ngộ độc sau khi mua đồ ăn bên lề đường, mấy ai nghĩ đến chuyện sẽ quay trở lại đòi người bán chịu trách nhiệm? Hôm sau, người bán vẫn tiếp tục công việc của họ, còn người mua chưa chắc đã nhớ được ai đã bán đồ ăn khiến mình ngộ độc, mà dẫu có nhớ cũng chỉ biết "rút kinh nghiệm" chứ đâu dễ đòi lẽ công bằng.

Bởi vậy, như đầu bài viết có nêu, ở cương vị phụ huynh, chúng tôi chịu trách nhiệm chính với con cái: hướng dẫn, dặn dò kỹ lưỡng về những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, tránh việc đưa tiền khi con còn quá bé. Tuy nhiên, về phía nhà trường và cơ quan quản lý ở các địa phương cũng cần có vai trò, trách nhiệm khi để tồn tại tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng quán trên vỉa hè, trong khuôn viên trường học hay ở nơi công cộng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong một động thái gần nhất, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đã ban hành công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương triển khai các nội dung đảm bảo an toàn thực phẩm đường phố; chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm. Theo đó, địa phương cần kiểm tra chặt chẽ nguồn nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, dầu mỡ chiên rán thực phẩm, đặc biệt đối với các mặt hàng thịt nướng, xiên que, đồ ăn nhanh… tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, thức ăn xung quanh trường học, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Thông điệp này thiết nghĩ cũng cần gửi đến các địa phương và đơn vị khác có liên quan trên cả nước. Điều này là quan trọng, bởi phải đặt sức khỏe con người lên trên hết, đồng thời cũng chính là để bảo vệ người bán - dù với quy mô nhỏ nhưng có thể tồn tại lâu dài và bền vững; hướng hoạt động kinh doanh ẩm thực đường phố đi vào quy củ, trở nên chuyên nghiệp hơn.

Chúng ta biết rằng, đằng sau một xe đẩy thức ăn, một gánh xôi, một vài ba chiếc bàn ghế nhựa của điểm bán đồ ăn vặt mỗi sáng, mỗi chiều… có thể là kế sinh nhai nuôi sống một gia đình. Việc kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát là bến đỗ, cũng có thể là bước đệm cho bộ phận người lao động yếu thế, lao động vừa mất việc chính thức kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Song dù là kinh doanh ở quy mô nào cũng cần tuân thủ quy định pháp luật và đặt ra những quy tắc đạo đức nhất định.

Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố (nơi bày bán, nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm…) đều đã được quy định rất rõ trong Luật An toàn thực phẩm 2010. Bên cạnh đó, quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng đã nêu tại Điều 16 Nghị định 115/2018 của Chính phủ. Vấn đề là thực thi ra sao, có dung túng, có tắc trách, có sự làm ngơ của chính quyền địa phương hay không?

Ở thời đại công nghệ số, khi mà mỗi hàng rong, xe bán hàng lưu động đều có mã QR, khi các quán vỉa hè đều có thể tạo địa điểm kinh doanh trên bản đồ giúp khách hàng lui tới "checkin", "review" (đánh giá) công khai… thì tôi tin rằng, việc quản lý cũng sẽ dễ dàng, hiệu quả và bớt nhiêu khê nhiều hơn so với trước.

Kinh doanh thức ăn đường phố đa số có quy mô nhỏ nhưng xét về tổng thể thì số lượng lại nhiều. Nằm ở khu vực phi chính thức của nền kinh tế thế nhưng đôi khi, hình ảnh những gánh hàng rong, tên tuổi của một vài hàng quán vỉa hè vô hình trung lại gắn liền với thương hiệu địa phương, trở thành một trong những địa điểm phải lui tới đối với khách du lịch. Chẳng hạn cố đầu bếp nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain từng chia sẻ, ông thích ăn ở các quán ăn đường phố bình thường và bày tỏ rất thích phở Việt Nam hay cơm hến ở Huế…

Nói vậy để thấy rằng, cần quan tâm hơn công tác quản lý, động viên, hỗ trợ và phát triển nhóm kinh doanh này. Chúng ta cũng có thể học tập Thái Lan cách bảo vệ văn hóa ẩm thực và an toàn thức ăn đường phố thông qua những chiến dịch "chuẩn hóa" quy trình, hỗ trợ, hướng dẫn người bán nhằm đảm bảo vệ sinh trong mọi khâu. Làm được vậy, niềm vui, sự trải nghiệm của thực khách sẽ trọn vẹn hơn, đặc biệt là các bậc phụ huynh như chúng tôi cũng trút được mối lo lớn.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!