Hội chứng "ngại chào"
Trong đám bạn tôi có một gã xuất thân bình thường, nghề nghiệp không quá xuất chúng, gia sản tầm trung, nhưng chỉ có điều, những kiến giải của hắn bao giờ cũng khác người. Nhỏ như chuyện tắc đường, lớn hơn đến sự bất ổn địa chính trị trên thế giới, bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ… hắn đều khiến mọi người đi từ ngạc nhiên này tới sự bất ngờ khác. Vì thế, mỗi lần chúng tôi tụ họp, bao giờ câu chuyện của hắn cũng được mọi người chú ý nhất. Lần tụ họp này, câu chuyện của hắn bất ngờ là… rất bình thường, ấy là chuyện chào hỏi nhau mỗi khi gặp mặt.
Mở đầu, hắn lần hỏi chúng tôi quan niệm thế nào về chào hỏi mỗi khi gặp mặt. Câu trả lời của chúng tôi đa phần giống nhau, đại loại, quen thân thì chào, giáp mặt người lạ thì gật đầu; ở nhà thì chào hàng xóm, đến cơ quan thì cấp dưới chào cấp trên, người ít tuổi chào người hơn tuổi… Nói chung, không có quy định nào về chuyện chào hỏi, người gặp ai cũng chào chưa hẳn là biểu hiện của văn hóa cao, người không chào hỏi ai bao giờ cũng chưa hẳn là người vô văn hóa, thậm chí, có người hôm qua chào mình khi gặp mặt, nhưng hôm nay không chào cũng không phải là thể hiện của sự thù địch .v.v…
Tay lắm chuyện lắc đầu như trống bỏi mà rằng, mấy ý kiến của các ông thì ai cũng biết, có điều, khi mới chuyển về cơ quan mới, thấy nơi đó có hiện tượng "chào hữu hạn", có nghĩa, nhân viên bộ phần kinh doanh chỉ chào nhân viên trong ban kinh doanh; nhân viên bộ phận kế hoạch, tài chính, hành chính… sẽ không bao giờ chào người ngoài bộ phận, thậm chí, anh kinh doanh ngồi cạnh anh hành chính nhưng khi gặp cũng… coi như không nhìn thấy! Tức là, các nhân viên ở đây chỉ duy trì giao tiếp với những người có liên quan trực tiếp trong công việc, trong bình bầu thi đua, trong phối hợp công tác!
Khi mới chuyển công tác đến cơ quan mới, chứng kiến hiện tượng "chào hữu hạn", hắn nghi ngờ rằng, nhất định có một bộ phận cơ quan bắt đầu có dấu hiệu của Hội chứng sợ giao tiếp xã hội (social anxiety disorder). Nghe nói, tại Hoa Kỳ nơi mà sức ép công việc cực lớn, Dữ liệu của Học viện Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ (NIHM) cho thấy, tỷ lệ người mắc hội chứng này lên tới 13,3% dân số.
Nhưng quan sát cả tháng, hắn thấy, các đồng nghiệp không hề có một chút xíu nào của "biểu hiện lo sợ, hoảng loạn, sợ hãi quá mức khi phải đối mặt với các tình huống tương tác xã hội thông thường" như biểu hiện của Hội chứng, không những thế, họ còn rất tự tin, tự tin từ bước đi tới cách thể hiện và bạn tôi còn phát hiện ra rằng, những con người tưởng như rất chi lạnh lùng đó bỗng hoàn toàn trở nên khác lạ khi bắt đầu những giao tiếp trên môi trường mạng.
Dẫn chứng là, trên các group chat của cơ quan, tất cả những thắc mắc về các quy định của cơ quan đối với nhân viên mới như anh ta đều lập tức nhận được rất nhiều lời giải thích cặn kẽ, nhiệt tình từ nhiều thành viên. Điều đó cho thấy, ngay cả với nhân viên mới toe như anh cũng không hề bị ghẻ lạnh hay xa lánh, chỉ có điều… khi gặp nhau vẫn không chào hỏi!
Vì sao tự nhiên hắn lại quan tâm chuyện này? Hắn cho rằng, thứ nhất là cách ứng xử quá khác lạ so với cơ quan cũ, thứ nữa, bạn cho rằng, việc chào hỏi nhau không chỉ thể hiện sự cởi mở trong giao tiếp, mà nó còn là cơ sở cho sự kết nối và là chất xúc tác tốt cho mỗi cá nhân khi làm việc nhóm. Ngoài ra, việc mấy chục con người ra vào, sớm tối gặp nhau hầu như không cất tiếng chào hỏi nhau thì đúng là rất bất thường!
Tuy vậy, sau sự lạ lẫm ban đầu khi đã thực sự hòa nhập với cơ quan mới, dù vẫn thấy có chút ngại ngùng, nhưng cuối cùng, hàng ngày hắn cũng lạnh lùng lướt qua đồng nghiệp ngoài khối công tác và luôn thầm tự an ủi, sao phải câu nệ những chuyện mà bấy lâu cả cơ quan đều coi là "lông gà, vỏ tỏi"?
Hơn nữa, bao lâu nay, "chào hữu hạn" thì đã sao, năm nào cơ quan chẳng hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó và cũng chẳng có cá nhân nào bị khiển trách kỷ luật, thậm chí suốt một thời gian dài không có vụ kiện tụng, khiếu nại nào. Việc không chào nhau chẳng mảy may ảnh hưởng đến sự vững mạnh của cơ quan!
Vậy, chào nhau khi gặp mặt phỏng có ích gì và cũng vì thế, lâu dần, bạn đến cơ quan cũng… hữu hạn chào, tệ hơn, anh ấy còn cho rằng đó là một phong cách mới và đặt tên là "phong cách tối giản"!
Lúc này tôi mới nhớ ra, lúc gặp mặt bọn tôi, anh bạn vốn xởi lởi ngày nào cũng không chào đứa nào cả, tôi bỗng phát buồn vì mức độ đồng hóa tới mức đậm đặc của hắn. Ừ thì công việc chúng tôi không liên quan đến hắn, ừ thì chúng tôi không có quyền bỏ phiếu cho hắn lên chức hay quyết định danh hiệu thi đua của hắn, nhưng mà…
Bỗng nhiên một người hỏi cả bọn: "Các ông có tin rằng, có cơ quan kinh doanh có lượng nhân sự lên đến hàng ngàn người, nhưng tận mắt tôi chứng kiến trong nhiều ngày rằng, chưa bao giờ khi gặp mặt, cấp dưới quên chào cấp trên, người ít tuổi không chào người hơn tuổi. Không những thế, những nhân viên của cơ quan ấy, tại nơi công cộng, vô tình thấy người mặc đồng phục cơ quan thì đều phát tín hiệu "đã nhận ra đồng nghiệp", mà quan trọng là, không có bất kỳ văn bản nào quy định nào cách ứng xử ấy"?
Nhìn vẻ nghi ngờ hiện lên trên mặt bạn, tôi biết, bạn tôi đã hoàn toàn bị đồng hóa trong môi trường mới nên chắc chắn không thể tin những điều theo hắn là kỳ diệu đó. Nhưng thôi kệ, bạn tin cũng được mà không tin cũng chẳng ảnh hưởng tới việc, với những người bạn cũ như chúng tôi, dù không có liên quan gì tới công việc sẽ vẫn chào nhau khi gặp mặt và việc "phát tín hiệu" thì không bao giờ quên.
Tuy nhiên, tôi vẫn bị ám ảnh khi nghĩ tới hình ảnh một đoàn người lừ lừ trôi từ cổng vào bàn làm việc và trên đường đi, tất cả đều không nhìn thấy ai và tự hỏi, vì sao người ta có thể chịu đựng được khi hàng ngày đối mặt với sự lạnh lùng, vô cảm như vậy nhỉ? Không biết khởi đầu là "hữu hạn chào", tiếp theo sẽ là hữu hạn gì nữa?
Và, tự nhiên tôi liên tưởng đến việc, nhất định những người "chào hữu hạn" ấy hẳn sẽ không bao giờ "nhìn thấy" hàng xóm nơi họ cư trú, bởi họ chắc chắn không có mối liên quan gì đến công việc tại cơ quan, chẳng thể đưa ra ý kiến trong các buổi bình xét cuối quý, cuối năm…!
Chẳng phải người xưa vẫn thường răn dạy rằng "lời chào cao hơn mâm cỗ" đó sao.
Tác giả: Ông Tô Ngọc Doanh có gần 30 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, hiện là chuyên gia Truyền thông và Thương hiệu ngành ngân hàng.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!