Hiện tượng bác sĩ mạng và thói quen tự chữa bệnh
Ngày nay thông tin được cung cấp đến mọi người rất phong phú và đa dạng, không còn dòng thông tin một chiều từ số ít cá nhân đến đông đảo quần chúng nữa, công nghệ đã cho phép ai cũng có thể tự xuất bản thông tin của mình. Mặt tốt của quá trình này là thúc đẩy dân chủ hóa trong thông tin, nhưng mặt trái của nó làm giảm chất lượng tin tức. Ở đây tôi muốn nói về ảnh hưởng của thông tin tràn lan trên mạng tới sức khỏe người dân.
Mặt tốt của thông tin về y học trên mạng là góp phần phổ cập kiến thức. Với điện thoại thông minh, bạn có thể tìm bất kỳ chủ đề y khoa nào để đọc. Chỉ sau vài giây bạn sẽ tìm thấy hàng trăm, hàng nghìn bài viết về chủ đề đó. Nếu biết ngoại ngữ, thì số bài viết còn tăng lên gấp bội. Các kiến thức này vượt xa so với cách giáo dục sức khỏe theo kiểu cổ điển qua pa nô, áp phích hoặc các chuyên mục trên báo chí hay truyền hình thời trước. Nhớ lại hồi đại dịch Covid-19, không chỉ báo chí mà các bài viết trên mạng xã hội cũng đã góp phần giúp mọi người hiểu về dịch bệnh và cùng với ngành y chống dịch.
Các thông tin y tế trên mạng xã hội còn giúp ích ngay cho những người làm trong ngành y. Bản thân tôi cũng thường xuyên lên mạng đọc bài của các thầy, các đồng nghiệp. Vì ngành y rất rộng, hiểu biết của mỗi bác sĩ thường chỉ trong lĩnh vực quen thuộc đang làm hàng ngày, còn những vấn đề của chuyên ngành khác, hoặc những vấn đề mới thì kiến thức của mình còn thiếu là tất nhiên. Nếu tìm đọc một cách bài bản sẽ mất nhiều thời gian, do vậy, tham khảo nhanh các bài viết trên mạng đã giúp ích cho chúng tôi trong công việc hàng ngày.
Trong thời đại bùng nổ thông tin thì vấn đề nằm ở chỗ cách tiếp nhận và xử lý thông tin sao cho đem lại lợi ích tốt nhất, tránh được mặt trái. Nhìn từ góc độ trách nhiệm của người đọc thì khi gặp một thông tin nào đó, chúng ta phải kiểm tra giá trị của thông tin ấy. Đầu tiên là nguồn gốc, tác giả có uy tín trong giới không. Tiếp đến chất lượng thông tin, bài viết ấy có trích dẫn từ những nguồn tin chính thống nào không, nội dung có thể kiểm tra chéo với các nguồn tin khác không, nội dung có những vấn đề quá khác so với cách hiểu truyền thống không...
Thông thường người đọc phải có những kiến thức cơ bản khi tiếp cận và khai thác một bài viết chuyên môn về y tế, nếu không thì rất khó lĩnh hội. Trong giới y khoa, các nguồn tin chính thống là các kết luận của các hội chuyên ngành như hội tim mạch, hội nội tiết, hội tiêu hóa... Bạn nào cần tìm hiểu các kiến thức về lĩnh vực đó thì nên vào các trang hội chuyên ngành này tìm đọc.
Nguồn tin chính thống tiếp theo là các bài báo của các tạp chí y học. Các tạp chí tên tuổi có quá trình xét duyệt bài rất kỹ lưỡng, nên những bài viết được đăng trên tạp chí cung cấp các thông tin có chất lượng cao về các lĩnh vực y khoa. Nhưng các bài báo khoa học này gồm nhiều kiến thức chuyên sâu, nhiều thuật ngữ y học khó hiểu, tôi chắc người đọc phổ thông sẽ không bao giờ tiếp cận các nguồn tin này.
Còn một nguồn tin y học nữa cũng tương đối tốt, đó là trang web của các bệnh viện, chuyên mục sức khỏe của các báo lớn. Các bài viết ở đây cũng do các nhà chuyên môn phụ trách, chủ định viết cho người đọc phổ thông nên tương đối dễ hiểu, gần gũi.
Nhưng xét về số lượng các thông tin y học trên mạng hiện nay thì nguồn tin không chính thống chiếm ưu thế. Tất cả những ai có hiểu biết về y khoa, có thú vui viết lách, đều có thể đưa những bài về y khoa lên trang cá nhân của mình, hoặc tạo nội dung dưới dạng video ngắn, video dài. Vì có nhiều người viết thành ra một "rừng" nội dung về y khoa trên mạng, có thể là sao chép kiến thức y khoa từ các nguồn chính thống, cho đến những kinh nghiệm cá nhân.
Chất lượng những bài viết này không ai kiểm duyệt, người đọc chỉ còn biết trông cậy vào uy tín cá nhân của người viết. Mà uy tín cá nhân của những người trên cõi mạng thì chỉ còn biết tin là chính, chứ cũng không biết lấy gì để xác thực. Rút cục những lời khéo ăn khéo nói, đánh trúng tâm lý đám đông, dễ trở nên nổi tiếng.
Nhiều kiến thức sai lệch được lan truyền như: thực dưỡng chữa ung thư, thụt tháo thải độc cơ thể, chữa khỏi tiểu đường... Nhiều bài viết còn đi xa hơn, khéo léo pha trộn một ít kiến thức y học hiện đại với một ít kiến thức y học cổ truyền, một chút kinh nghiệm đời thường, có khi pha thêm một chút tâm linh, tạo ra những lập luận mập mờ, dễ thuyết phục những người không có chuyên môn. Bằng những bài viết kiểu này, nhiều cá nhân đã trở nên nổi tiếng, có lượng người tin theo khá đông, trở thành những "thần y", "giáo sư bác sĩ" mạng.
Sở dĩ những thông tin y học trên mạng có đất sống, thậm chí còn nở rộ vì có môi trường tốt. Đó chính là thói quen tự chữa bệnh qua mạng, qua những lời đồn thổi, qua những mách bảo. Phần nào đó là thói quen, là tập quán của một nền văn hóa nông nghiệp tự cấp tự túc. Người dân đã tự chữa bệnh cho mình và cho người thân theo kiểu như vậy từ lâu trong quá khứ, và bây giờ tiếp tục trong điều kiện mới. Phần nữa, sự phát triển của lối chữa bệnh qua những lời đồn thổi trên mạng còn phản ánh góc độ nào đó thất bại của nền y học chính thống. Người dân thất vọng vì y học chính thức không đáp ứng kịp những đòi hỏi của họ, nên đã quay ra tự tìm cách chữa cho mình.
Như vậy nguy hiểm của thông tin y học trên mạng, cũng như các loại thông tin trên mạng khác, là thật giả lẫn lộn. Những thông tin y học sai lệch sẽ nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người đọc. Để cho các thông tin y học sai lệch lan truyền rộng trên mạng là trách nhiệm của nhà quản lý. Đây không phải vấn đề tự do ngôn luận nữa, mà là vấn đề pháp luật.
Trên cõi mạng bạn có thể nói về tất cả những gì mà bạn thích, nhưng nếu ai đó vì tin những điều bạn nói mà ảnh hưởng đến sức khỏe, thì bạn đã vi phạm luật pháp. Chỉ có khẳng định như vậy thì tất cả những ai khi định chia sẻ điều gì lên mạng sẽ phải suy nghĩ lại một lần trước khi nhấn nút Enter.
Trên các trang mạng y học nước ngoài luôn có một câu tuyên bố để miễn trừ trách nhiệm pháp lý với các thông tin y học đã đăng: "Thông tin trên trang này không nhằm mục đích tư vấn chuyên môn và không nhằm thay thế tư vấn cá nhân với bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe có trình độ chuyên môn. Người đọc không nên bỏ qua lời khuyên y tế hoặc trì hoãn việc tìm kiếm nó vì điều gì đó được tìm thấy trên trang web này".
Hy vọng với trình độ dân trí ngày một nâng cao cùng với hệ thống pháp luật ngày càng chặt chẽ thì mối lo ngại về các thông tin y học sai lệch trên mạng mới vơi đi, và người dân mới dần thay đổi thói quen tự chữa bệnh qua mạng.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!