Hết thời "học tủ, học vẹt" môn Văn
Tôi luôn tự hào mình là người sống được nhờ viết văn, kiếm được những đồng tiền chính đáng đầu tiên từ những năm còn đang ngồi trên ghế nhà trường bằng chữ nghĩa của mình.
Nhưng tôi cũng rất xấu hổ để thú nhận, tôi từng thi lại môn Văn năm lớp 10, khi mà trên báo Hoa Học Trò ngày đó, tên tôi vẫn xuất hiện dày đặc dưới mỗi bài thơ, truyện ngắn và trở nên nổi tiếng trong giới học trò những năm 1993- 1996, khi đang học THPT Trần Phú, Hà Nội.
Tôi học rất dốt môn Văn dù bố tôi gần như tuần nào cũng mua ít nhất một cuốn sách cho tôi. Dù tôi là con nghiện đọc sách, bao nhiêu tiền bán báo Thể Thao cũ của bố, tôi đều đổ hết vào tiền đi thuê sách. Nhưng tôi vẫn luôn nằm ở nhóm điểm kém môn Văn. Suốt 12 năm học, ngay cả khi được thầy giáo hay cô giáo dạy Văn ưu ái chấm rộng tay cho tôi thì tôi cũng chưa từng đạt điểm 7 môn Văn. Lý do là tôi không bao giờ học thuộc nổi bài thơ hay những bài văn mẫu cô giáo, thầy giáo đã bày cho chúng tôi. Lần nào làm bài cũng thành… sáng tác mới. Suy nghĩ của một đứa trẻ trước một bài văn, bài thơ nhiều khi chẳng giống như dàn ý mà thầy cô, sách giáo khoa đã đưa ra. Mà thiếu ý, không đúng dàn ý, thầy cô nào ngày đó "dám" chấm điểm cao? Chưa kể năm lớp 10 tôi bị thi lại chỉ vì bài kiểm tra cuối kỳ của mình bị thầy giáo phê: Viết nhăng viết cuội. Không hiểu bài.
Tôi không có ý đổ lỗi cho cách dạy môn Văn của các thầy cô hay cách chấm điểm môn Văn ngày ấy triệt tiêu đi tính sáng tạo, sự độc lập trong cảm nhận hay cả việc văn mẫu. Tôi chỉ tiếc. Tiếc cho những đứa trẻ bị "đồng phục trong suy nghĩ", thậm chí khoác một suy nghĩ mà đến nhà văn, cha đẻ của bài văn đó, cũng không nghĩ vậy khi họ viết.
Tiếc cho những bài thơ đẹp bị nhốt trong mấy gạch đầu dòng yêu cầu phải có trong phân tích bài thơ. Tiếc cho cả những truyện ngắn hay, trích đoạn thú vị bị coi là ác mộng mỗi khi nó bị đưa vào đề thi tốt nghiệp. Như con gái tôi, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, mừng húm vì đề thi là bài "Đất Nước" chứ không phải một bài trong sách giáo khoa mà con đã "rất ghét". Lũ trẻ luôn có những bài chúng rất sợ, rất ghét, rất đau khổ nếu nó được đưa vào đề thi như thế.
Thật may, công văn số 3935 /BGDĐT-GDTrH, V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 ra đời. "Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".
Tôi nói thật may không phải vì những đứa trẻ được giải phóng khỏi những đề văn có những bài không mong muốn trong sách giáo khoa. Tôi nói thật may vì môn Văn đang đời hơn, được sử dụng thay vì dùng để… "áp dụng". Là bọn trẻ sử dụng được những gì chúng học thay vì "áp dụng" những gì chúng được dạy. "Áp dụng" tôi đặt trong ngoặc kép là áp đặt phải sử dụng, kiểu hướng dẫn sử dụng chung cảm xúc, cảm nhận - thứ đã từng khiến tôi và nhiều đứa trẻ khác đã từng điểm kém môn Văn.
Tôi vẫn cho rằng học Văn là học cách nói lên suy nghĩ của mình, cảm xúc của mình, cảm nhận của mình. Chứ không phải nói bằng suy nghĩ của văn mẫu, cảm xúc như văn mẫu, cảm nhận theo văn mẫu. Thậm chí, tôi còn nghĩ, môn Văn là môn không thể quay cóp nhất trong những môn thi của tụi trẻ con. Bởi tôi luôn nhớ một câu rằng: Một tác phẩm văn học luôn có 2 linh hồn. Một là của người viết ra chúng. Và linh hồn còn lại chính là linh hồn của người đọc nó.
Thật may và thật mừng vì khi đề thi không từ sách giáo khoa sẽ giúp môn Văn được "đời" hơn với không chỉ người học mà còn cả người dạy. Sẽ không còn cảnh đọc trăm bài thi cùng một giọng cảm nhận, đếm ý chấm điểm như nhiều thầy cô dạy Văn của chúng tôi ngày trước hay than thở. Mỗi bài thi sẽ được "đo lường" bằng không chỉ khả năng đọc, hiểu và viết mà còn được "tính điểm" bằng cảm xúc trong mỗi đứa trẻ khi chúng cảm nhận về đề thi mới toanh, tạo được cảm hứng mới cho những đứa trẻ yêu văn học.
Tôi có quá mơ mộng không khi nghĩ rằng lũ trẻ của chúng ta sẽ yêu lại môn Văn vì những đề thi "đời" hơn như thế, những đề thi tươi rói, sống động, mới mẻ. Bởi văn chính là đời, chuyển động theo cuộc sống hiện tại chứ không chỉ là những dòng chảy ước lệ trong sách giáo khoa. Bởi học Văn cũng là cách chúng ta mong những đứa trẻ được nói lên suy nghĩ của mình, được bày tỏ cảm xúc của mình, được sử dụng những kiến thức đã học, soi chiếu chính mình qua những đề thi mới. Nhất là khi các môn khác đã chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, môn Văn thật sự cần được thi bằng trải nghiệm. Để đứa trẻ nào cũng được làm văn thay vì chép văn.
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!