Vì sao ông Nguyễn Quang Tuấn được tuyên án nhẹ hơn nhiều khung truy tố?
(Dân trí) - HĐXX nhận định ông Tuấn gây án trong thời điểm khó khăn, thiếu thốn về vật tư, thiết bị y tế, vì nôn nóng, thiếu hiểu biết nên vi phạm.
Chiều 21/4, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) 3 năm tù giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Mức án này thấp hơn so với mức án cơ quan công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Tuấn là 4-5 năm tù, thậm chí, thấp hơn nhiều nếu so với khung hình phạt 10-20 năm tù mà ông Tuấn bị truy tố.
Tại phòng xét xử, chủ tọa phiên tòa đánh giá hành vi của ông Tuấn và các bị cáo đã xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, làm giảm uy tín của Bệnh viện Tim; đi ngược công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nên cần áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc, tương xứng với hành vi.
"Sai phạm của các bị cáo gây dư luận xấu, làm giảm lòng tin của nhân dân trong lĩnh vực đấu thầu", chủ tọa phiên tòa nói.
Theo HĐXX, nhóm bị cáo tại Bệnh viện Tim Hà nội đã tham gia tổ chức, thực hiện chỉ định trái pháp luật nhiều gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế, thông đồng với các bị cáo tại Công ty thẩm định giá AIC để ban hành chứng thẩm định giá theo thỏa thuận, yêu cầu từ trước.
Bị cáo Tuấn và các đồng phạm tại bệnh viện còn bị xác định đã thông đồng với các bị cáo tại 2 doanh nghiệp để hợp thức hồ sơ đấu thầu, gây thiệt hại số tiền lớn.
Trong vụ án này, HĐXX nhận định ông Nguyễn Quang Tuấn giữ vai trò chính khi yêu cầu cấp dưới lập, trình hồ sơ rồi phê duyệt đơn giá vật tư theo đề nghị của các Công ty Hoàng Nga, Kim Hòa Phát.
Đánh giá riêng đối với bị cáo Tuấn, chủ tọa phiên tòa cho rằng, ông Tuấn từng là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, sau đó là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, là người có trình độ chuyên môn cao, chuyên gia đầu ngành về tim mạch, được đánh giá cao trong nước và quốc tế.
Quá trình công tác, ông Tuấn được trao tặng nhiều huân huy chương cao quý. Bị cáo cũng nguyên là Đại biểu quốc hội, bản thân là giáo sư, tiến sĩ, đã cứu sống cho nhiều bệnh nhân, được nhân dân khen ngợi, yêu quý.
HĐXX nhận định ông Tuấn gây án trong thời điểm khó khăn, thiếu thốn về vật tư, thiết bị y tế, vì nôn nóng, thiếu hiểu biết nên vi phạm. Mặc dù vậy, tòa án ghi nhận ông Tuấn đã chủ động nhận trách nhiệm, thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hơn 6 tỷ đồng dù không có trách nhiệm phải nộp.
"Hành vi phạm tội của bị cáo Tuấn không liên quan đến chuyên môn ngành y mà trong công tác quản lý", chủ tọa nói và cho biết đây là những tình tiết giảm nhẹ hình phạt đáng kể, nên có thể áp dụng hình phạt thấp để ông Tuấn sớm trở về đóng góp cho đất nước và xã hội.
Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo tại Công ty Hoàng Nga và Kim Hòa Phát lợi dụng mối quan hệ với ông Nguyễn Quang Tuấn đã đặt vấn đề và được đồng ý cho ký gửi, bán các mặt hàng vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch vào bệnh viện, với đơn giá theo đề nghị 2 doanh nghiệp.
Năm 2016-2017, Viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu 5 gói đấu thầu rộng rãi trị giá hơn 247 tỷ đồng và 4 gói thầu chỉ định thầu rút gọn trị giá gần 348 tỷ đồng. Sau đó, Công ty Hoàng Nga trúng 5 gói thầu, còn Kim Hòa Phát trúng 4 gói thầu. Tuy nhiên, một số mặt hàng trong các gói thầu trên đã bị nâng giá cao hơn thực tế.
Để hợp thức hồ sơ thầu, bị cáo Tuấn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim, Quỹ bảo hiểm xã hội hơn 22,8 tỷ đồng tại 5 gói thầu năm 2016 và hơn 30 tỷ đồng với các gói thầu năm 2017; tổng là hơn 53 tỷ đồng.
Về dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Nguyễn Đức Đảng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thiết bị y tế Hoàng Nga) và Phạm Thị Kim Oanh (Kế toán Trưởng Công ty Hoàng Nga) bồi thường 14 tỷ đồng cho Bệnh viện Tim Hà Nội. Tòa cũng tịch thu 10.000 USD mà ông Tuấn nhận từ Nguyễn Đức Đảng.