Giải mã sức hút Blackpink và những đề xuất cho V-pop
Ngoại hình cuốn hút? Tài năng toàn vẹn? Vũ điệu sôi động? Các bản MV (video ca nhạc) tỷ view?
Đúng rằng sức hút của Blackpink được thể hiện rất rõ về lượng và chất khi đánh giá cụ thể vào nhóm nhạc này. Tuy nhiên, sẽ là thiển cận nếu chỉ suy xét độ thành công của nhóm nhạc nữ, có thể nói là số một thế giới hiện nay, nếu không đặt Blackpink vào bối cảnh phát triển của K-pop nói riêng và nền công nghiệp văn hóa nói chung của Hàn Quốc.
Sơ lược lịch sử K-pop
Tuy K-pop thường được gắn liền với sự nổi lên của "Hàn lưu" (Hallyu hay còn gọi là "Làn sóng văn hóa Hàn Quốc"), nhưng thực tế sự phát triển của K-pop bắt nguồn từ đầu thập niên 1990 khi Hàn Quốc đang cố gắng thoát ra khỏi sự "đô hộ" văn hóa của Nhật Bản và muốn tìm một định hình riêng cho nền âm nhạc quốc gia này.
Nhóm nhạc được cho đi tiên phong trong phong trào K-pop là "Seo Tai-ji and The boys", đã đặt nền móng cho việc tự sản xuất một sản phẩm âm nhạc và tạo tiền đề cho quy trình hóa trong việc sản xuất K-pop về sau.
Một trong những vũ công nền (back-up dancer) của nhóm, Yang Hyun Suk, sau này đã tiếp nối truyền thống trên để tạo ra một trong ba "ông lớn" trong K-pop và cũng là công ty chủ quản hiện tại của Blackpink - YG Entertainment.
Từ xuất phát điểm đơn giản này, K-pop đã có cú hích đầu tiên khi SM Entertainment tiến hành "dây chuyền sản xuất" cho các sản phẩm âm nhạc của họ. Từ việc du nhập hệ thống đào tạo thần tượng của Nhật Bản đến kết hợp sản xuất với các nhà sản xuất âm nhạc tại Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và châu Âu, SM Entertainment đã dần học hỏi và xây dựng toàn bộ đội ngũ ngay tại Hàn Quốc.
Cùng với trào lưu Hallyu đưa các sản phẩm văn hóa Hàn mà chủ yếu là phim ảnh ra thế giới, SM Entertainment và các công ty giải trí khác cũng bắt đầu "xuất khẩu" K-pop.
Điểm rơi tốt nhất
Trong hơn ba thập kỷ trở thành làn sóng toàn cầu, K-pop trải qua 4 thời kỳ:
* Thế hệ thứ nhất (1996 - 2005), các nhóm tiêu biểu: H.O.T, S.E.S, Fin.K.L, Shinhwa.
* Thế hệ thứ hai (2005-2011), các nhóm tiêu biểu: Girls' Generation, Super Junior, Big Bang, Wonder Girls.
* Thế hệ thứ ba (2012-2018), các nhóm tiêu biểu: BTS, Blackpink, EXO.
* Thế hệ thứ tư (2018 - nay), các nhóm tiêu biểu: ITZY, AESPA, IVE, Stray Kids
Từ "Gangnam Style" (2012) của Psy đến "Blood, Sweat & tears"(2016) của BTS và "Ddu-du ddu-du" (2018) của Blackpink, các sản phẩm âm nhạc của thế hệ thứ ba đã chinh phục người hâm mộ quốc tế và dần đưa K-pop thành hiện tượng âm nhạc toàn cầu.
Có ba yếu tố về thời cuộc giúp thế hệ thứ ba này, trong đó có Blackpink, đạt được điểm rơi tốt và có sức hút vượt bậc.
Thứ nhất, những bước nhảy vọt kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc là bệ đỡ vững chắc cho Hallyu nói chung và K-pop nói riêng.
Ngược lại, việc phát triển K-pop cũng mang lại những lợi ích kinh tế cho Hàn Quốc không chỉ về âm nhạc từ việc sản xuất album, nguồn thu qua nền tảng chia sẻ nhạc như Youtube, mà còn là một hệ sinh thái xoay quanh việc tiêu thụ âm nhạc, như du lịch, quảng cáo, các sản phẩm lưu niệm v.v.
Chính tiềm năng kinh tế này đã dẫn đến đòn bẩy thứ hai cho K-pop vươn ra biển lớn: Sự đầu tư từ chính phủ. Năm 2012, chính phủ Hàn Quốc chi mạnh tay 257.5 tỷ Won (khoảng 200 triệu USD), gấp hơn 200% so với năm 2011, cho việc phát triển Hallyu, và xếp Hallyu vào nhóm các lĩnh vực kinh tế xuất khẩu mũi nhọn của đất nước này.
Con số đầu tư vẫn tiếp tục tăng qua các năm trong thập niên 2010 và gần nhất là gói đầu từ 790 tỷ won (khoảng 600 triệu USD) của chính phủ cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất nội dung để giúp thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa của nước này.
Sự công nhận và đầu tư đó cho thấy động thái của Seoul đã và đang chuyển đổi K-pop thành nền công nghiệp văn hóa, thay vì chỉ là một trào lưu âm nhạc nhất thời.
Thứ hai, về ngoại giao, chính phủ Hàn Quốc chính thức công nhận K-pop là một công cụ ngoại giao trong bộ Luật Ngoại giao công chúng (Public Diplomacy Act) ban hành năm 2016 - cũng trùng hợp là năm Blackpink xuất hiện trước công chúng.
K-pop từ đó là một cầu nối hiệu quả cho việc đưa hình ảnh Hàn Quốc đến với cộng đồng quốc tế.
Yếu tố thứ ba cũng là yếu tố nền tảng tạo nên cú hích cho K-pop thế hệ ba là sự bùng nổ của các nền tảng chia sẻ nhạc và mạng xã hội.
K-pop đặt trọng tâm vào hình ảnh của ca sĩ và yếu tố vũ đạo bắt mắt đồng đều để thuyết phục khán giả. Đồng thời, K-pop đã rất sớm cập nhật các sản phẩm âm nhạc trên nền tảng quốc tế như Youtube, và sự phát triển của Youtube giúp K-pop chạm đến khán giả toàn cầu như mong đợi.
Trong thời gian 2013 -2015, một nền tảng phát nhạc cũng bắt đầu gây được tiếng vang và dần tạo được một lượng người dùng bền vững là Spotify. Và đương nhiên, K-pop cũng nhanh chóng trở thành một trong những thể loại phổ biến trên nền tảng này.
Việc số hóa trong việc đưa K-pop tới khán thính giả còn được củng cố thêm với tính kết nối cao của các mạng xã hội như Twitter và Facebook - nơi đặt nền móng cho việc kết nối cộng đồng fan quốc tế với các thần tượng của xứ sở kim chi.
Cộng đồng fan K-pop (fandom) của những năm cuối thập niên 2010 đã gắn kết và phát triển nhiều hơn về mặt tổ chức cũng như văn hóa nhóm.
Fandom không đơn thuần là một nhóm khách hàng tiêu thụ âm nhạc mà họ tạo ra văn hóa fan, kết nối bằng các hành vi trong nhóm giúp định hình được người trong và ngoài nhóm. Điều này giúp fan K-pop có được cảm giác thuộc về tổ chức nào đó (sense of belonging) theo Tháp nhu cầu của Maslow.
Nhờ có sự bùng nổ của mạng xã hội mà việc xây dựng fandom không còn bị cục bộ mà có thể phủ sóng toàn thế giới. Fan không còn thụ động tiêu thụ nhạc mà họ tự kiến tạo ra thế giới thần tượng của mình như remix nhạc, đoán ý nghĩa bài hát, tự tạo chiến dịch nhân đạo từ tên của thần tượng...
Fan được kết nối với idol nhiều hơn qua các nền tảng phát sóng trực tiếp (livestream), giúp thúc đẩy việc tiếp nhận văn hóa fan diễn ra mạnh mẽ hơn. Vì thế việc Blackpink hay các nhóm nhạc thuộc thế hệ ba có ra ít nhạc đi nữa thì cũng ko mấy quan trọng cho việc fandom tồn tại và phát triển, miễn là thành viên ban nhạc vẫn có những tương tác với fan.
Có thể hiểu tóm gọn, sức hút của Blackpink mà chúng ta được thấy ngày nay là một thể hiện của việc Hallyu đã vượt ra khỏi định hình một cơn sóng và đang khẳng định mình là nền công nghiệp văn hóa vững mạnh.
Đây là ngành công nghiệp khai thác được đòn bẩy của xu hướng số hóa, đồng thời được đầu tư từ chính phủ, các doanh nghiệp có liên quan và tiềm năng phát triển lâu dài trên mạng lưới cộng đồng người hâm mộ có tính kết nối cao.
Đề xuất cho V-pop
Trong bối cảnh Chính phủ nước ta đưa công nghiệp văn hóa vào trong các mục tiêu phát triển của chiến lược Ngoại giao Văn hóa theo Quyết định 2013/QĐ-TTg, việc giải mã sức hút của Blackpink nói riêng và sự thành công của nền sản xuất âm nhạc Hàn Quốc nói chung mang lại những bài học quan trọng và cấp thiết cho Việt Nam.
Trước nhất, đà tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây là nền tảng vật chất cho việc tăng đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp văn hóa.
Thứ hai, sự phối hợp trong đào tạo và sản xuất các sản phẩm âm nhạc Việt Nam cần được ưu tiên để tiếng vang của V-pop không chỉ dừng lại ở những nỗ lực đơn lẻ như việc một số ca sĩ Việt Nam kết hợp với nghệ sĩ quốc tế (có thể kể đến Sơn Tùng MTP kết hợp cùng Snoop Dog hay Đức Phúc kết hợp cùng 911).
Sự nổi lên của hiện tượng "See Tình" của Hoàng Thùy Linh hay "Hai phút hơn" của Pháo cho thấy V-pop vẫn có tiềm năng thu hút lượng lớn fan, tuy nhiên đây chỉ là những cơn sóng nếu không nhân rộng công thức âm nhạc này cho toàn V-pop.
Thứ ba, đặt số hóa vào trọng tâm của việc phát triển nền công nghiệp âm nhạc, cụ thể là nắm bắt các xu hướng chuyển dịch nền tảng số, ví dụ như hiện nay là sự nổi lên của video ngắn, và tăng cường phát triển đa nền tảng không chỉ cho việc truyền tải âm nhạc mà còn để kết nối người hâm mộ và nghệ sĩ Việt Nam.
Cuối cùng, tìm ra điểm chuyên biệt có thể khai thác thành "thương hiệu" cho V-pop, ví dụ gần đây là sự nổi lên của việc hiện đại hóa các nét truyền thống văn hóa trong các bài hit của V-pop như "Kẻ cắp gặp bà già" (Hoàng Thùy Linh), "Đẩy xe bò" (Phương Mỹ Chi) và "Thị Mầu" (Hòa Minzy).
Tác giả: Lê Ngọc Thảo Nguyên hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Chính trị & Lịch sử tại trường Đại Học Nottingham, chi nhánh Ninh Ba (Trung Quốc). Lĩnh vực nghiên cứu của bà tập trung vào ngoại giao công chúng, ngoại giao văn hóa và sức mạnh mềm của Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trước đó, bà đã có hơn 6 năm nghiên cứu và giảng dạy về Quan hệ Quốc tế tại các trường đại học tại TPHCM như ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc tế Hồng Bàng và ĐH Kinh tế- Tài chính TPHCM. Bà nhận bằng Thạc sỹ Chính trị toàn cầu từ ĐH Aberystwyth (Anh Quốc) và bằng Cử nhân Quan hệ quốc tế từ ĐH Nottingham (Anh Quốc).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!