"Giải cứu" những chậu hoa bị đập bỏ
Những ngày Tết, tôi đọc báo thấy những người bán hoa Tết khắp nơi tự tay tiêu hủy hàng trăm chậu hoa hay chặt bỏ các cành hoa đào do không muốn bán giá rẻ như cho. Chẳng hạn trên báo Dân trí phản ánh ngày 29 và 30 Tết, trên con đường Đào Tấn và đường xung quanh sân vận động tỉnh Nghệ An, có hàng trăm quầy bán đào và các loại cây cảnh song người đến xem và mua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước việc khách mua đìu hiu, nhiều thương lái nơi đây đã quyết định chặt bỏ đào rồi dọn dẹp để về quê đón Tết sớm.
Các thương lái cho biết, sở dĩ họ phải chặt phá đào vì người mua không có, cộng với việc giá đào bị trả quá thấp. Hơn nữa, nếu họ xả hàng bán rẻ thì tạo thói quen và khó buôn bán hơn trong những năm sau. Vì vậy, nhiều thương lái đành ngậm ngùi chặt những gốc đào của mình chứ không chấp nhận bán lỗ.
Dù phá bỏ hay làm gì với các chậu hoa, cành đào đó là quyền của người bán, nhưng với tôi thì thấy làm như vậy không ổn chút nào. Chắc chắn là họ có cái lý của họ, nhưng chọn giải pháp tiêu hủy những sản phẩm mà người nông dân đã dày công chăm sóc cả năm trời rõ ràng là một sự lãng phí to lớn cho xã hội.
Chưa kể về mặt nhân văn, văn minh, giáo dục, không biết người lớn sẽ giải thích như thế nào cho trẻ nhỏ khi phải chứng kiến cảnh người bán hoa tự tay đập phá, chặt bỏ các chậu hoa, cành đào còn mới nguyên như vậy giữa thanh thiên bạch nhật. Cho nên câu chuyện này không còn là câu chuyện riêng của những người bán hoa nữa, mà là câu chuyện chung của xã hội - nhất là nó cứ lập đi lập lại mỗi lần Tết đến Xuân về.
Người viết bài này chợt nghĩ, nếu không muốn bán tháo giá bèo thì tại sao không tặng không cho ai đó không dính dáng đến khách hàng tiềm năng của năm sau - thay vì đập bỏ!
Mỗi một chậu cây như vậy sẽ đem lại bao nhiêu điều hữu ích cho người nhận, cho xã hội. Nhà thờ, nhà chùa, nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, trường học, cô nhi viện, cơ quan nhà nước và biết bao nhiêu địa chỉ khác không có ảnh hưởng tiêu cực gì đến giá hoa bán ra trong tương lai. Ngược lại nữa đằng khác.
Được biết một tập đoàn lớn trong nước cách đây không lâu đã trao tặng toàn bộ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của họ được đầu tư hiện đại nhiều triệu đôla cho một tập đoàn giáo dục, một đơn vị không phải là đối thủ cạnh tranh hay có mâu thuẫn quyền lợi mà lại có cam kết sẽ tiếp tục duy trì định hướng đóng góp cho bóng đá nước nhà.
Câu chuyện trên cho thấy vấn đề là chọn đúng địa chỉ để trao đi. Trong kinh doanh, đó cũng là một cách kết thúc hiệu quả. Xây dựng sợi dây tình cảm với xã hội, với thị trường mới là chìa khóa thành công về mặt đường dài.
Tìm ra phương cách trao tặng coi vậy không phải dễ đối với các nhà kinh doanh nhỏ bán hoa mùa Tết đang "bù đầu rối tóc" với tâm trạng đầy ngổn ngang ở những giây phút cuối cùng của "trận đấu". Không ai còn tâm trí nào để nghĩ đến những chuyện xa xôi.
Do đó ý tưởng và cách thức trao tặng phải cần đến một cơ quan hay tổ chức thiện nguyện nào đó đứng ra chủ trì hướng dẫn và kết nối. Khi đó, với những chương trình cụ thể đầy ý nghĩa thì biết đâu người dân nói chung hay các nhà hảo tâm sẽ sẵn sàng chung tay san sẻ...
Cho thì bao giờ cũng tốt hơn hủy bỏ, nhưng tôi nhấn mạnh lại là phải có cá nhân, đơn vị đứng ra tổ chức thay người bán để họ không mất thêm thời gian và chi phí. Và như vậy các chậu hoa - những sản vật đẹp nhờ bàn tay con người chăm sóc, sẽ không còn bị phá bỏ. Mỗi dịp Tết đến không còn cảnh đập phá, chặt bỏ ngay trên đường phố khiến không chỉ người trong cuộc mà xã hội cũng mất vui.
Tác giả: Ông Lý Quý Trung là nhà đồng sáng lập thương hiệu Phở 24, tác giả một số đầu sách về quản trị kinh doanh và xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi. Ông lấy bằng cử nhân và thạc sỹ tại Australia và bằng tiến sỹ tại Mỹ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!