Đường trở về của "nhà vô địch Olympia"
Đa số các quán quân sau khi sang Australia du học đã chọn ở lại hoặc sang nước thứ ba, ít ai trở về. Bởi vậy, vấn đề mọi người nêu lên là sự "chảy máu chất xám" và làm sao để thu hút nguồn lực chất lượng cao, được đào tạo ở nước ngoài về xây dựng quê hương.
"Đường lên đỉnh Olympia" là game show có tuổi đời dài nhất của Đài truyền hình Việt Nam, đến nay đã trải qua 22 năm, nghĩa là chúng ta có 22 quán quân. Dù con số các quán quân là rất ít để có thể đại diện cho cộng đồng du học sinh Việt Nam, và dù ngày nay có nhiều cách đóng góp cho đất nước không hẳn cứ phải học xong trở về, nhưng đúng là câu chuyện kiến tạo môi trường thu hút, sử dụng nhân tài không chỉ trong hơn 20 năm qua mà ở bất cứ giai đoạn nào cũng luôn thời sự, luôn đáng để bàn luận.
Ở nhiều nước trên thế giới, khối tư nhân thường có ưu thế trong tuyển dụng và bổ nhiệm người tài, họ làm việc này rất tốt, nhất là các tập đoàn lớn. Thực tế đó đã thúc đẩy sự tìm hiểu cách thức vận hành và sự thành công của khu vực tư nhân để áp dụng khi quản trị các cơ quan nhà nước. Trào lưu này được gọi là "Quản lý công mới". Rất nhiều quốc gia đã vận dụng trào lưu đó và thu được những thành công đáng kể, có những nước đã hóa rồng, hóa hổ mà Singapore là điển hình.
Con người sống, đi làm và cống hiến cho một tổ chức thì họ đều hướng đến cái danh và lợi, khối nhà nước có thể giúp cho người ta có danh, còn chiều ngược lại khối tư nhân giúp họ có lợi. Chính phủ Singapore đã thiết kế chính sách để những người làm việc trong các cơ quan nhà nước đạt cả hai điểm này.
Trước hết, cái lợi cho các công chức nhà nước là mức thu nhập rất cao. Thậm chí Singapore trả lương cho những vị trí quản lý, cụ thể là cho các vị trí lãnh đạo đất nước cao gần gấp 5 lần mức lương các vị trí tương đương ở Hoa Kỳ. Điều này giúp Singapore thu hút nhân sự xuất sắc không chỉ trong nước mà trên phạm vi toàn cầu.
Thứ hai là tuyển dụng và đào tạo người tài. Đảng Hành động Nhân dân (PAP) - chính đảng cầm quyền tại Singapore, tuyển lựa kỹ càng và đào tạo bài bản ngay từ khi họ phát hiện các tài năng ở độ tuổi còn là học sinh, sinh viên. Họ làm việc này bằng nhiều phương pháp khác nhau, như sự giới thiệu từ giáo viên trong các trường học, hay tổ chức thi cử để phát hiện học sinh tài năng… Những tài năng này được đào tạo bài bản ngay từ lúc còn nhỏ, đã giúp cho PAP tạo nguồn nhân sự giỏi nắm giữ các trọng trách quản trị đất nước.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của trong hơn 30 năm đổi mới. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của đất nước ngày càng được nâng lên. Nhưng vẫn còn đó những trăn trở về câu chuyện thu hút nhân tài và tạo môi trường để họ cống hiến, phát huy được năng lực, sở trường của mình.
Thời gian qua chúng ta ghi nhận một số trường hợp lãnh đạo tài năng của khu vực tư không thành công khi tham gia quản trị trong khu vực công, mà trường hợp ông Lê Nguyễn Minh Quang là một ví dụ.
Ông Quang đã chứng minh được năng lực xuất sắc ngay từ thời đi học, giành nhiều học bổng để học tập và nghiên cứu trong nhiều nền giáo dục tiên tiến. Ông là Tiến sĩ ngành Xây dựng tại Pháp năm 1995, Thạc sĩ Quản trị doanh nghiệp Nantes University năm 1997, Thạc sĩ ngành quản lý hành chính công tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) và trường Chính phủ Harvard Kennedy (Mỹ) năm 2011.
Tài năng của ông được minh chứng qua sự thăng tiến trong hơn 20 năm làm việc tại Công ty Bachy Solatenche (một tập đoàn lớn của Pháp trong lĩnh vực nền móng và công trình ngầm xây dựng). Từ những vị trí nhỏ nhất, ông được cất nhắc lên Giám đốc dự án, rồi đến Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc. Làm việc ở tập đoàn đa quốc gia và sinh sống tại nước ngoài không chỉ cho ông thu nhập cao, môi trường sống tốt mà còn giúp cho gia đình con cái có môi trường quốc tế để phát triển.
Nhưng, với tinh thần phụng sự và mong muốn cống hiến, ông dành nhiều thời gian để xây dựng các kế sách phát triển quê hương đất nước. Năm 2000, ông gửi thư góp ý với Thủ tướng về chính sách sử dụng nhân tài, thu hút du học sinh về nước làm việc.
Tháng 6/2016, ông nhận lời mời làm Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM với mức lương chỉ bằng 5% so với lương tổng giám đốc Bachy Solatenche. Nhưng ông đã phải rời vị trí này sau một thời gian ngắn ngủi chưa đầy hai năm.
Có nhiều lý do khiến ông phải rời đi, trong đó như chính ông chia sẻ với báo chí là "tôi không ngờ chính việc sáng tạo, quyết liệt của tập thể các kỹ sư trong đó tôi là người đứng đầu vì lợi ích của dự án… lại khiến chúng tôi phải thực hiện những báo cáo, giải trình suốt thời gian dài, hết sức mệt mỏi...".
Ông Quang còn ngạc nhiên khi từ chối phong bì của các nhà thầu, nghĩ rằng đó là lẽ phải nhưng không ngờ lại gây mất lòng nhiều người.
Một tài năng đã trải qua thử thách như ông Lê Nguyễn Minh Quang nhưng chỉ trụ được thời gian ngắn ở khu vực công, và đành nói rằng "tôi sẽ tìm cách khác để cống hiến", cho thấy việc thu hút cũng như tạo môi trường làm việc cho các bạn trẻ từ nước ngoài trở về không hề đơn giản. Bởi vậy, sự lựa chọn của đa số quán quân nhận học bổng Đường lên đỉnh Olympia trong việc "về hay ở" là điều dễ hiểu.
Kinh nghiệm thế giới và những bài học thực tiễn trong nước cho chúng ta thấy rằng, không thể nói thu hút nhân tài chung chung mà đạt được mục tiêu.
Đó phải là đảm bảo cái danh và cái lợi chính đáng.
Đó phải là môi trường làm việc minh bạch.
Đó phải là một cơ chế trọng dụng nhân tài rõ ràng, áp dụng cho tất cả chứ không phải một vài trường hợp đơn lẻ.
Tất nhiên điều kiện mỗi nước khác nhau, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài phải có sự vận dụng phù hợp với tình hình trong nước. Nhưng cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài giữa khu vực công và khu vực tư, giữa quốc gia này với quốc gia khác, sẽ tuân theo quy luật "nước chảy chỗ trũng", "đất lành chim đậu".
Đường trở về xây dựng quê hương của các quán quân Đường lên đỉnh Olympia nói riêng, và của các tài năng người Việt trên thế giới nói chung, là con đường phải xây dựng những cơ chế để nhân tài phát huy năng lực của họ.
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; nghiên cứu viên về Luật và Chính sách công; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!