Chủ đầu tư lợi dụng tin sáp nhập để tăng giá bất động sản 10% một đêm?

Tâm Nguyên

(Dân trí) - Theo chuyên gia, hiện cơn sốt đất nền theo tin sáp nhập đã hạ nhiệt, nhà đầu tư không còn tất tay. Thời điểm”sốt”, có chủ đầu tư tận dụng sóng để ra hàng, điều chỉnh giá bán tăng 10% trong một đêm.

“Cơn sốt” đất sáp nhập tỉnh, thành phố nhanh chóng hạ nhiệt

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong 6 tháng đầu năm, tổng nguồn cung bất động sản nhà ở đạt 64.000 sản phẩm, xấp xỉ 80% cả năm 2024. Trong đó, có hơn 51.000 sản phẩm mới, còn lại là hàng tồn kho tiếp tục chào bán ra thị trường.

Mặc dù nguồn cung bất động sản tăng nhưng vẫn mất cân đối, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Thị trường chủ yếu mở bán căn hộ cao cấp, hạng sang, gần như không có chung cư thương mại dưới 60 triệu đồng/m2.

Về giá bán, chung cư tại Hà Nội đạt mức trung bình 75,5 triệu đồng/m2, tăng 7,7% so với quý trước. Đà tăng giá chủ yếu đến từ việc các chủ đầu tư tiếp tục chào bán hàng tồn kho với mức giá điều chỉnh tăng lên.

Bên cạnh đó,lượng dự án chung cư dự kiến mở bán có giá trên 100 triệu đồng/m2 cũng tăng trưởng đột biến, dù thanh khoản không có nhiều cải thiện. Tại TPHCM, giá trung bình chung cư đạt mức 77,1 triệu đồng/m2, tăng nhẹ so với quý trước đó.

Chủ đầu tư lợi dụng tin sáp nhập để tăng giá bất động sản 10% một đêm? - 1

Giá chung cư mới tiếp tục tăng (Ảnh minh họa: Tâm Nguyên).

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm, thông tin sáp nhập tỉnh, thành đã tác động giá đất nền tại nhiều địa phương tăng nhanh. Ghi nhận của đơn vị trên cho thấy đợt sóng mạnh nhất trên thị trường bất động sản bắt đầu từ khoảng nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Ở thời điểm đỉnh sóng, có những bất động sản đạt mức tăng giá lên tới 40%. Tuy nhiên, “cơn sốt” nhanh chóng hạ nhiệt chỉ trong thời gian rất ngắn.

Theo dữ liệu của một đơn vị bất động sản, trong tháng 5, phân khúc đất nền trên cả nước có lượng người quan tâm giảm mạnh nhất là 15%. Theo các chuyên gia của đơn vị này, sau khi lập đỉnh ở tháng 3, mức độ quan tâm đất nền có dấu hiệu giảm tốc ở tháng 4 do nhà đầu tư chờ đợi những thay đổi rõ ràng hơn của sự sáp nhập tỉnh thành.

Chuyên gia: Có chủ đầu tư tận dụng sóng sáp nhập tỉnh, thành để ra hàng, tăng giá bán 10% trong một đêm

Bà Phạm Miền - chuyên gia bất động sản - cho rằng, cơn sóng bất động sản vừa qua chủ yếu là phân khúc đất nền, tập trung mạnh vào một số địa phương như Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương (cũ) và vùng ven Hà Nội... 

“Có chủ đầu tư tận dụng "sóng" sáp nhập tỉnh, thành phố để ra hàng, thậm chí điều chỉnh giá bán tăng 10% trong một đêm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4, cơn sốt trên thị trường  bất động sản đã dần ổn định. Đến giờ, cơn sốt đầu tư theo trào lưu sáp nhập đã hạ nhiệt và được kiểm soát, nhà đầu tư không còn tất tay. Thay vào đó, họ dừng lại nghe ngóng thông tin rồi mới đưa ra quyết định có xuống tiền hay không”, bà nói. 

Bà nêu, tại các địa phương từng xuất hiện sóng bất động sản vừa qua, đặc biệt là tại các địa phương không thuộc quy hoạch trung tâm hành chính, thanh khoản đã có dấu hiệu chững lại trên mặt bằng giá mới. 

Ngoài việc hình thành làn sóng đầu tư, bà Miền cho biết việc sáp nhập các tỉnh, thành phố còn đem lại 3 tác động tích cực cho thị trường bất động sản. Thứ nhất, tinh gọn bộ máy quản lý, rút ngắn một số thủ tục hành chính giúp giảm thời gian và chi phí thực hiện dự án, tạo dư địa giảm giá bán. Đây là căn cứ giúp chủ đầu tư xác định giá bán ở mức phù hợp và ưu đãi hơn. 

Chủ đầu tư lợi dụng tin sáp nhập để tăng giá bất động sản 10% một đêm? - 2

"Cơn sốt" đất nền theo tin sáp nhập tỉnh, thành phố nhanh chóng hạ nhiệt (Ảnh: Tâm Nguyên).

Thứ hai, việc sáp nhập giúp quy mô thị trường được mở rộng, tạo không gian cho các chủ đầu tư phát triển dự án quy mô và đồng bộ. Thứ ba, các địa phương được sáp nhập vừa có cơ hội phát huy thế mạnh sẵn có, vừa được khai thác thêm các tiềm năng mới nhờ thừa hưởng kinh nghiệm phát triển, quy hoạch và quản lý từ các trung tâm kinh tế lớn. 

Ông Lê Đình Chung - chuyên gia bất động sản - đánh giá, sau khi xuất hiện các thông tin liên quan đến đề án sáp nhập tỉnh, thành, phân khúc đất nền tại một số nơi đã lần lượt lên cơn sốt cục bộ trong thời gian ngắn, kéo dài khoảng 2-3 tuần, sức nóng chủ yếu tập trung ở những khu vực trung tâm. 

“Đất nền vốn là phân khúc nhạy cảm, phần lớn phục vụ đầu tư, đầu cơ. Do đó, khi có thông tin mang tính chất vĩ mô, thị trường sẽ chịu sự tác động, dễ lên nhanh xuống nhanh”, ông nói. 

Theo ông, năm nay được dự báo là thời của bất động sản tỉnh. Sau khi sáp nhập, tiềm lực về địa lý, đầu tư, hạ tầng của các địa phương mới sẽ càng được đẩy mạnh hơn nữa. 

Tuy nhiên, ông Chung cho rằng từ nay đến cuối năm, các cơn sốt đất cục bộ sẽ khó có thể tiếp tục xảy ra. Lý do là đa số người dân hay có thói quen đầu tư bất động sản theo tâm lý đám đông, đợt sóng cũ vừa qua thì đợt mới rất khó hình thành trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, tại một số nơi sốt đất hồi đầu năm, hiện tại, dấu hiệu giao dịch đã chậm hơn, nhiều vị trí ghi nhận thực trạng giảm giá bán.