Tâm điểm
Trần Văn Phúc

Đối diện với ung thư

Báo Dân trí mấy hôm nay phản ánh sự việc nhiều người dân tìm đến một cô đồng để làm lễ bói toán cầu may, thậm chí là chữa bệnh hiểm nghèo, rốt cuộc tiền mất bệnh vẫn mang. Trong nghề nghiệp của mình, tôi cũng đã chứng kiến những sự việc tương tự.

Nhiều người dân quan niệm ung thư như bản án tử hình và có bệnh thì vái tứ phương. Điều khó khăn nhất với họ chính là sự lựa chọn. Ví dụ, bác sĩ nói khối u cần phẫu thuật, nhưng anh hàng xóm tốt bụng nói có người thân bị bệnh giống thế, uống thuốc sẽ khỏi; lúc này nghe thầy thuốc hay nghe hàng xóm?

Về nguyên tắc, ung thư và bác sĩ có mối tương quan, trong khi anh hàng xóm không có chuyên môn y, nên việc nghe theo bác sĩ là hợp lí. Nhưng thực tế tôi thấy nhiều người đã nghe anh hàng xóm, tìm đến ông lang bà mế, uống lá lẩu, bói toán và cúng bái.

Là bác sĩ, tôi không tin vào cúng bái mà chỉ có một niềm tin khoa học rằng các khối u có thể được loại bỏ và bệnh nhân ung thư có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, hay các phương pháp can thiệp khác nhờ công nghệ y học tiên tiến.

Tôi nhớ chiều 27 Tết cách đây mấy năm, một bệnh nhân đặc biệt đến gặp tôi, chị cũng là bác sĩ của một bệnh viện Trung ương. Căn bệnh của chị là ung thư dạ dày, đã mổ 3 lần, di căn toàn ổ bụng, di căn phổi và hạch trung thất. Chị đau đớn và không thở được. Gia đình đưa đến, chỉ mong tôi và đồng nghiệp diệt hạch thân tạng giúp giảm cơn đau, sống được qua ba ngày Tết.

"Tại sao chị không nghĩ về cuộc sống?". Tôi ngồi xuống, nắm tay, hỏi chị và nói về cuộc sống sau ung thư. Tôi khuyên chị mỗi bữa ăn một miếng cơm cho cháu nội, thêm miếng nữa cho người chồng cũng là bác sĩ nghỉ hưu đang chăm sóc vợ, miếng nữa cho con trai, miếng nữa cho con dâu. Khuyên chị nghe nhạc, sau này tôi còn khuyên cả học đàn Piano, lời khuyên rất hay với bệnh nhân ung thư mà tôi dự định sẽ viết một bài riêng. Tôi khuyên chị tập thiền. Cứ thế, chị đã vịn vào chồng vào con vào cháu, vịn vào từng nốt nhạc, đứng dậy vui vẻ sống.

Hai năm sau chị gọi điện mời tôi đến nhà. Chị nói sẽ nấu chiêu đãi tôi một món ăn, chơi cho tôi một bài Piano, rồi nói lời chia tay vì chị biết mình sẽ không sống thêm được nữa. Nhưng chị rất mãn nguyện. Vì chị đã làm được rất nhiều việc trong hai năm, quãng thời gian hai năm ấy có giá trị hơn rất nhiều bao năm tháng tuổi trẻ.

Tôi kể câu chuyện trên để muốn nói rằng, từ trải nghiệm của chính mình sau nhiều năm quan sát, tôi nhận thấy ở bệnh nhân ung thư, bên cạnh y học hiện đại, vẫn còn có hai thứ rất quan trọng là "thân thể" và "tinh thần".

Tôi cho rằng, điều trị bệnh nhân ung thư không chỉ có mỗi mình bác sĩ, mà phải bao gồm cả người bệnh và gia đình. Y học hiện đại là xương sống, nhưng còn thể chất và tâm hồn, điều trị ung thư là sức khỏe tổng thể. Làm được như vậy thì rất nhiều bệnh nhân khỏi ung thư. Ung thư vòm họng, ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư túi mật, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư hạch… đến nay đã có 33% được chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Nhưng tôi vẫn muốn con số nhiều hơn 33% như hiện nay, có thể là gấp đôi, tại sao lại không gấp ba; muốn vậy chúng ta cần hiểu hơn nữa về ung thư.

Các khối u có hai đặc điểm là di truyền và hoàn cảnh. Di truyền là con cái mang gen từ cha mẹ, nhưng vẫn có cách để vượt qua di truyền. Tôi lấy ví dụ, một người có bố bị đau tim, xảy ra ở tuổi 60 chẳng hạn. Nếu người con thừa hưởng gen trội quả tim từ bố, có nghĩa là phần lớn cấu trúc quả tim của người con giống cha, nên người con có thể bị đau tim ở tuổi 60 trong tương lai. Nếu người con phải chịu áp lực công việc quá nhiều, căng thẳng và stress lặp đi lặp lại, thì 40 tuổi đã bị đau tim. Ngược lại, người con có một cuộc sống tích cực, công việc không bị áp lực, cuộc sống vui vẻ, có điều kiện chăm sóc bản thân, tối đi ngủ sớm và sáng dậy sớm, thể dục đều đặn; thì phải đến 80 tuổi mới bị đau tim.

May mắn hơn, người con thừa hưởng gen trái tim khỏe mạnh từ mẹ, thì phải 90 tuổi, thậm chí 100 tuổi vẫn chưa mắc bệnh, có khi chết vì những nguyên nhân tự nhiên của tuổi già.

Còn hoàn cảnh là sao? Cơ thể con người giống như một "quốc gia", não bộ giống như "hoàng đế", hệ thống miễn dịch giống như "cảnh sát", các tế bào giống như "người dân bình thường". Nếu hoàng đế ra sức bóc lột người dân, rồi bỏ mặc họ sống vạ vật trong tuyệt vọng, thì sẽ có nguy cơ xuất hiện cuộc nổi dậy của một nhóm người nông dân, rất có thể cả một đế chế sẽ bị sụp đổ.

Tôi lấy ví dụ một người hút thuốc lá, do não bộ người đó thích hút để sảng khoái, vô hình trung tế bào biểu mô trong phổi bị đầu độc bởi chất nicotin. Hàng ngày có rất nhiều tế bào bị nicotin giết chết. Nicotin và xác những tế bào chết tạo ra môi trường vô cùng độc hại. Phổi sẽ phải sinh nhiều tế bào khác để lấp chỗ trống. Những tế bào này bị đầu độc. Một ngày nào đó, lợi dụng hệ miễn dịch suy yếu, có một tế bào trong số bị đầu độc nổi giận, chúng bất chấp mà nhân lên bất thường, tạo thành khối ung thư.

Một ví dụ khác, chẳng hạn những người uống rượu bia quá nhiều, ăn uống vô độ, làm cho gan phải tăng cường làm việc để xử lý lượng chất dư thừa qua gan. Để tăng công suất, thì gan phải tuyển thêm nhân công, tuyển nhiều và tuyển gấp sẽ đối diện với rủi ro, có khi tuyển phải nhóm công nhân toàn thằng lưu manh, chúng tụ tập nhau lại thành ung thư, sẽ rất phiền.

Còn một yếu tố tối quan trọng nữa là tâm lí.

Tôi nhắc lại, cơ thể con người giống như một quốc gia, có nhà vua là bộ não tinh thần, cảnh sát là hệ miễn dịch, dân thường là các tế bào. Đa số các tế bào đều chăm chỉ làm công việc của mình, không vi phạm pháp luật, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh. Nhưng đó đây vẫn xuất hiện những tế bào lạ được hiểu như những tên tội phạm, chúng nhởn nhơ khắp nơi, sơ hở là gây án. Nếu vị hoàng đế là bộ não luôn để tinh thần sáng suốt, giữ gìn khí tiết và phẩm giá trong sạch, không đam mê rượu chè cờ bạc hay hút chích, không hoang dâm vô độ; thì đội ngũ cảnh sát là hệ miễn dịch sẽ răm rắp tuân lệnh, suốt ngày suốt đêm tuần tiễu, gặp những tên tội phạm là tế bào lạ sẽ khống chế không cho chúng gây án, hoặc bắt nhốt, thậm chí những tên ác ôn sẽ bị tiêu diệt từ trong trứng nước. Chìa khóa để phòng chống và chữa ung thư chính là tinh thần, hệ miễn dịch và y học.

Mọi người hay đặt câu hỏi tại sao mình lại bị ung thư? Và nguyên nhân thường đổ lỗi cho bên ngoài. Thực tế ung thư đa số do chính mình thực hành lối sống không bình thường. Cụ thể là ăn uống vô độ thiếu khoa học, ngủ muộn và ngủ không đủ giấc, công việc quá áp lực… Một người có lối sống tiêu cực thì nhiều khả năng là tinh thần không tốt. Tinh thần không tốt thì não bộ, vùng dưới đồi tuyến yên và tuyến thượng thận sẽ không tiết được những hormone tích cực, dẫn đến hệ miễn dịch bị ức chế, cơ thể sẽ uể oải mệt mỏi. Khi hệ miễn dịch bị ức chế, thì các tế bào lạ trong cơ thể không bị khống chế, không bị tiêu diệt, dẫn đến khả năng xuất hiện ung thư.

Tôi tin rằng ung thư không thể chữa khỏi bằng cúng bái. Tất nhiên bác sĩ cũng chỉ có giới hạn. Với bệnh nhân ung thư bác sĩ cũng chỉ giúp được đến mức nào đó. Đôi khi bác sĩ có thể mắc sai lầm.

Ở thái cực khác, người bệnh và gia đình quá lo lắng, chỉ muốn bác sĩ nổi tiếng và phương pháp điều trị hiện đại. Trong thời đại hôm nay, bác sĩ nổi tiếng và bác sĩ giỏi, có khi là khác nhau. Bác sĩ càng nổi tiếng thì càng bận rộn. Một người bình thường còn chẳng nhớ nổi tối qua mình ăn gì, thì làm sao một bác sĩ nổi tiếng có thể nhớ rõ chi tiết từng bệnh nhân, chưa kể khám bệnh chỉ 5 phút. Những phương pháp gọi là tiên tiến đôi khi cũng vậy. Máy bay từ lúc phát minh đến khi bay thương mại cũng phải mất vài chục năm. Huống hồ một phương pháp điều trị y khoa. Với những công nghệ mới, có thể có những sai sót, nên cần thời gian hiệu chỉnh.

Bệnh nhân ung thư như đi trên một con đường, càng ngày càng hẹp lại, không ngừng thỏa hiệp và từ bỏ, cuối cùng không thể phục hồi. Nhiều người vì thế mà tuyệt vọng. Càng tuyệt vọng thì con đường đi càng hẹp và càng ngắn. Vậy chỉ có cách đi chậm, bình thản và buông bỏ tất cả, thì hành trình mới bớt đi những khó khăn nhọc nhằn.

Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!