Đạo văn - Đạo đức
Câu chuyện nữ sinh 15 tuổi Lý Khánh Mai Chi tại trường trung học Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh bị "đánh cắp" ý tưởng trong một cuộc thi đã khiến xã hội xôn xao trong thời gian gần đây. Nữ sinh đã nhận được phản hồi từ ban tổ chức, thầy giáo Nguyễn Minh Trung liên quan tới vụ đạo văn đã lên tiếng xin lỗi, câu chuyện cụ thể khép lại song mở ra những vấn đề đáng suy nghĩ.
Thực ra chúng ta hiểu rằng sự việc trên chỉ như giọt nước tràn ly. Hàng loạt chia sẻ trên mạng xã hội là hàng trăm câu chuyện giãi bày của nhiều thế hệ học sinh đã từng bị đạo văn, bởi bạn bè, đồng nghiệp, giáo viên nhưng đều không có kết quả. Bởi vậy, nhiều người hy vọng sự việc này sẽ tạo một "bước ngoặt" nhận thức về chuyện đạo văn.
Đã không ít lần, tôi gặp các bài viết trong những nhóm du học sinh với câu chuyện, "các anh chị ơi, em phải làm sao bây giờ, bài thi của em bị phát hiện đạo văn, trong khi em chỉ copy có một chút…". Tôi chỉ đọc đến đây là có thể nhìn ra câu chuyện. Trong giới hạn của nhiều sinh viên Việt Nam, "copy một chút", "tham khảo", "thêm ít số liệu" vốn không phải một điều gì to tát nhưng tại nhiều quốc gia khác, bạn không thể ngụy biện cho hành vi đạo văn của mình.
Điều này không thể trách sinh viên hoàn toàn, khi quy định trên văn bản cũng như việc kiểm soát đạo văn trong thực tế tại nhiều trường đại học Việt Nam còn lỏng lẻo.
Bài học đầu tiên trong chương trình học ngành Truyền thông tại Mỹ của tôi là về liêm chính trong học thuật. Ở bất cứ môn học nào, giảng viên cũng dành một thời lượng trong buổi học đầu tiên để nhắc nhở học sinh về liêm chính học thuật, bao gồm các vấn đề như Gian lận, Đạo văn, Thay đổi và làm giả số liệu…. Sinh viên phải hiểu rõ như thế nào được coi là gian lận, là đạo văn. Đến khi tôi trở thành trợ giảng tại trường đại học, các buổi tập huấn lại nhấn mạnh hơn về vấn đề này.
"Đạo văn đề cập tới việc sử dụng các nội dung của một ai đó trong các sản phẩm của mình; các nội dung không được trích nguồn đầy đủ và phù hợp, cho dù nội dung đã được xuất bản hay chưa. Việc không nhận thực được hành vi đạo văn hay các lỗi lầm không chủ đích vẫn bị coi là hành vi đạo văn".
Đây gần như là điều sinh viên phải nằm lòng trong suốt quá trình học. Trên thực tế, những quy định chi tiết đạo văn còn dài và phức tạp hơn nữa.
Không thể phủ nhận rằng việc đạo văn diễn ra ở bất cứ nền học thuật nào, dù là nơi có những quy định nghiêm ngặt nhất. Tuy nhiên, ở các quốc gia phát triển thì đi kèm với đó là các hình phạt phù hợp, bao gồm cả việc đuổi học hay kiện ra tòa.
Khi sinh viên không thấy được "sức nặng" của việc đạo văn, làm sao để đảm bảo rằng họ sẽ không thực hiện? Và những thế hệ sinh viên xem nhẹ chuyện đạo văn khi ra trường sẽ tiếp tục giữ tư duy ấy trong cuộc sống: Copy một bài đăng trên mạng xã hội không có nguồn, ăn cắp ý tưởng nội dung thuyết trình của đồng nghiệp, đạo nhạc nhưng vẫn được người hâm mộ chấp nhận… Thậm chí, liệu xã hội có đang tưởng thưởng cho các hành vi đạo văn hoặc làm ngơ?
Đạo văn vẫn sẽ là câu chuyện phổ biến, chừng nào người ta còn cười xòa khi học sinh gian lận, bỏ qua khi học sinh bị bắt phao, tưng bừng trước cảnh tượng cha mẹ ném đáp án vào phòng thi cho con như cách đây hàng chục năm, và coi việc "mượn ý tưởng" là điều bình thường.
Vấn đề đạo văn sẽ ngày càng phức tạp hơn với sinh viên ngày nay với sự xuất hiện của ChatGPT. Liệu sử dụng các công nghệ hỗ trợ viết bài như vậy có phải là đạo văn hay không? Nếu đạo văn là việc sử dụng nội dung, ý tưởng từ một ai đó, sản phẩm được tạo ra từ ChatGPT có phải lấy từ một "ai đó" hay không?
Những câu hỏi trên sẽ tiếp tục gây tranh cãi trong cộng đồng học thuật. Các trường đại học đang có những quy định khác nhau về việc sử dụng ChatGPT và công nghệ AI. Tôi cho rằng sinh viên có thể "chui lọt" kẽ hở của đạo đức khi sử dụng ChatGPT nhưng khi đó, nhiều câu hỏi khác sẽ cần đặt ra: Vậy những sản phẩm ấy còn giá trị không? ChatGPT có làm thui chột nền học thuật hay không khi những nội dung bài viết của nền giáo dục bậc cao đều na ná nhau?
Điều tiếp theo cũng cần phải quan tâm là câu chuyện "đạo văn ngược" - từ dùng để chỉ hành vi đạo văn từ chính những người làm nhiệm vụ kiểm soát, phát hiện hành vi đạo văn của học sinh. Nói đơn giản hơn, đó là khi chính các giáo viên, giáo sư đạo văn của học sinh.
Tôi có ở trong nhóm Facebook "Liêm chính khoa học" - là nơi cộng đồng học thuật Việt Nam trao đổi thông tin. Đáng buồn, trong nhóm có rất nhiều bài đăng về những gian lận đạo văn tại Việt Nam, từ các giáo sư, giảng viên, sinh viên và ngay cả các trường đại học. Không ít trong số đó là câu chuyện những giáo viên, giảng viên đạo văn học sinh.
Câu hỏi đạo đức được đặt ra là: Vậy ai sẽ là người giám sát những người giáo viên, giảng viên trong môi trường học thuật? Ai sẽ kiểm tra xem họ có đạo văn hay không? Trang Plagrismtoday để lửng một câu trả lời, "phần lớn thời gian, sẽ không có ai làm việc đó."
Tại nhiều quốc gia với cơ chế luật pháp rõ ràng, sinh viên có quyền lên tiếng, thậm chí là kiện giảng viên. Năm 1997, một sinh viên MBA tại đại học Ottawa (Mỹ) đã kiện giáo sư ra tòa vì đạo văn. Chiến thắng thuộc về sinh viên và phía nhà trường phải đền bù 7.500 USD cùng chi phí pháp lý. Như vậy khởi kiện là khả thi nhưng nhìn chung đây vẫn là việc không dễ - sinh viên sợ bị ảnh hưởng tới việc học, bị "trù"; hơn nữa làm sao để phát hiện được giảng viên đạo văn khi kỹ thuật đạo văn cũng tinh vi hơn.
Ở những quốc gia mà việc thực thi luật bản quyền vẫn còn lỏng lẻo, phát hiện đạo văn và kiện đạo văn rất khó xảy ra, kể cả ngay giữa sinh viên chứ chưa nói tới sinh viên với giảng viên. Trong văn hóa phương Đông với truyền thống "tôn sư trọng đạo", ý niệm về "kiện giáo viên" là một điều gì đó quá xa vời, không chỉ trong các vụ đạo văn mà với cả nhiều câu chuyện xâm hại từng diễn ra trong trước đây.
Sự thành công của Mai Chi trong vụ việc được dư luận quan tâm không chỉ bởi vì em đã đòi lại được công lý cho bản thân; Mai Chi đã thực sự đòi được công lý cho nhiều học sinh khác, đâu đó từng là nạn nhân của các vụ gian lận hay bất công trong môi trường học thuật. Đó có thể là một "án lệ" để những người giáo viên, giảng viên phải thực sự nghiêm túc với câu chuyện liêm chính trong học thuật.
Trường học và giáo viên, dù ở bất cứ cấp độ nào, không nên là nơi dung dưỡng sự dối trá.
Sẽ không có sự tách bạch giữa việc làm sao để giáo dục sinh viên hay giáo dục giảng viên, giáo viên về đạo văn hay xa hơn là sự liêm chính trong học thuật.
Với tôi, giáo dục là cốt lõi, dù với sinh viên hay giáo viên. Những người giáo viên, giảng viên ấy cũng từng ngồi trên ghế nhà trường, từ những cấp nhỏ nhất cho đến đại học. Trong một nền giáo dục với những quan điểm đúng đắn về liêm chính trong học thuật được truyền thụ ngay từ những bậc học thấp nhất, người học cũng sẽ hiểu rõ hơn câu chuyện đạo văn. Tôi biết thay đổi từ gốc của giáo dục là điều không dễ, nhưng chúng ta có quyền hy vọng.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!