Loại tên lửa Nga dùng để tập kích khiến phi công NATO lái F-16 thiệt mạng
(Dân trí) - Tên lửa Iskander-M ngày càng chứng tỏ được vai trò quan trọng trong những cuộc tập kích của Nga nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine.
Theo các nguồn tin quân sự Nga, Jepp Hansen - phi công người Đan Mạch kiêm huấn luyện viên máy bay chiến đấu F-16 đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Moscow vào một trung tâm huấn luyện của lực lượng vũ trang Ukraine tại Krivoy Rog ở vùng Dnepropetrovsk, miền trung Ukraine.
Khi bị tử nạn, Jepp Hansen đang tham gia chương trình huấn luyện cho phi công Ukraine học lái máy bay tiêm kích F-16. Hansen là phi công đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm điều khiển F-16 và từng giúp đào tạo hàng chục học viên người Ukraine.
Cùng với Iceland và Na Uy, Đan Mạch là một trong 3 nước thành viên sáng lập của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đan Mạch từng cam kết sẽ chuyển giao gần như toàn bộ số máy bay chiến đấu F-16 của nước này cho Ukraine để giúp Kiev đối phó với Nga.
Cả Đan Mạch và Hà Lan đều đã cho phép Ukraine sử dụng F-16 để thực hiện các cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Theo báo Gazeta, trong vụ tấn công vào thành phố Krivoy Rog khiến phi công người Đan Mạch Jepp Hansen thiệt mạng, quân đội Nga đã sử dụng tên lửa Iskander-M.
Iskander-M được định danh là dòng tên lửa đạn đạo cấp chiến thuật, mỗi tổ hợp có thể khai hỏa để tấn công 2 mục tiêu khác nhau trong vòng 1 phút. Tầm bắn của tên lửa Iskander-M thường đạt từ 50 tới 500km.
Iskander-M sử dụng loại đạn tên lửa nặng 3,8 tấn và mang theo đầu đạn nổ phá mảnh nặng 480kg. Iskander-M đặc biệt phát huy hiệu quả trong việc phá hủy các công trình quân sự cố định của đối phương như sân bay, kho tàng hay trung tâm chỉ huy.
Tên lửa Iskander-M ngày càng chứng tỏ được vai trò quan trọng trong các cuộc tập kích của Nga nhằm vào những mục tiêu ở Ukraine.
Mỗi lữ đoàn Iskander-M thường có 51 xe, trong đó có 12 xe phóng di động và 12 xe tiếp đạn, có khả năng triển khai đồng thời 48 tên lửa. Chúng được hỗ trợ bởi 11 xe chỉ huy, 14 xe hỗ trợ nhân sự, một xe chuẩn bị dữ liệu cùng một xe dịch vụ và sửa chữa.
Các tên lửa của hệ thống Iskander-M thường không bay theo quỹ đạo thông thường mà bay theo đường bán đạn đạo ở độ cao khoảng 50km và có thể thực hiện nhiều kiểu cơ động trên không trong toàn bộ đường bay của chúng. Đạn tên lửa cũng được điều khiển trong toàn bộ quá trình bay.
Tính năng này không chỉ khiến tên lửa Iskander-M cực kỳ khó phát hiện hoặc bám bắt mà còn cho phép chúng sử dụng các vây cánh để cơ động tốt hơn rất nhiều so với quỹ đạo đạn đạo tiêu chuẩn.
Trong cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã triển khai tên lửa Iskander-M để trấn áp mạng lưới phòng không đối phương, đặc biệt là để tấn công các hệ thống Patriot do Mỹ cung cấp.
Những năm gần đây, quân đội Nga đã liên tục nâng cấp tổ hợp Iskander-M với nhiều thay đổi phù hợp để tăng cường khả năng xuyên phá hệ thống lá chắn tên lửa của Ukraine.