"Cuộc chiến" với thuốc lá điện tử đang bắt đầu
Theo Nghị quyết 173 của Quốc hội, từ đầu năm nay, việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người (gọi tắt là thuốc lá điện tử) nằm trong nhóm những hành vi bị nghiêm cấm; các cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành.
Đây là một chủ trương rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nước đầu tiên trên thế giới kiên quyết nói không với thuốc lá điện tử.
Thống kê của ngành Y tế cho hay trong năm 2023, trên toàn quốc có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, 6 tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử và bóng cười, thậm chí có người nhập viện 2 lần; có người gặp biến chứng suy đa tạng, tổn thương não sau khi dùng thuốc lá điện tử.
Qua xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử và bóng cười, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều mẫu có ma túy với các chủng loại liên tục thay đổi và chưa có trong danh mục, thường phải mất nhiều thời gian mới xác định được.
Sau khi Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử vào tháng 11/2024, tình hình đã có những chuyển biến tích cực bước đầu. Báo chí phản ánh nhiều cửa hàng thuốc lá điện tử và bóng cười đã đóng cửa, chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác… Tuy nhiên, phóng sự phát trên Đài truyền hình Việt Nam tuần trước cho thấy một số cửa hàng dù bên ngoài đã tháo/xóa biển kinh doanh thuốc lá điện tử và bóng cười, nhưng bên trong vẫn hoạt động mua, bán như cũ.
Trên không ít hội nhóm mạng xã hội, việc mua, bán và quảng cáo thuốc lá điện tử, bóng cười vẫn diễn ra rầm rộ; nhiều tài khoản cá nhân công khai đăng tải thông tin về các loại thuốc lá điện tử, bóng cười với mẫu mã đa dạng, mức giá khác nhau.
Như vậy, có thể thấy để việc cấm thuốc lá điện tử khả thi thì còn nhiều việc cần làm ngay từ đầu năm 2025 này, nếu không quy định sẽ chỉ nằm trên văn bản mà ít phát huy hiệu lực, hiệu quả trong cuộc sống. Đặc biệt trong bối cảnh đây là lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận và nhiều chủ cửa hàng có thể đã đầu tư lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng song chưa bán hết số hàng đã nhập về trước khi quy định cấm có hiệu lực.
Ngoài ra, một quy định mới khi đi vào thực tiễn sẽ ít nhiều có những khó khăn, vướng mắc về hành lang pháp lý. Tại hội thảo về việc thi hành nghị quyết 173 của Quốc hội (liên quan đến các quy định mới đối với thuốc lá điện tử) được tổ chức gần đây, đại diện Vụ Pháp chế Bộ Y tế nêu vấn đề "hiện chúng ta chưa có quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử và bóng cười". Vì vậy, Bộ Y tế đang đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 117 của Chính phủ, trong đó dự kiến bổ sung hành vi "chứa chấp", "sử dụng" thuốc lá điện tử và bóng cười gây tác hại cho sức khỏe con người.
Có thể nói "cuộc chiến" với thuốc lá điện tử đang ở giai đoạn khởi động, mà những biện pháp cụ thể lúc này sẽ đặt nền móng và quyết định đến mức độ thành công của cuộc chiến trong thời gian tới.
Trước hết, chúng ta cần khẩn trương bổ sung quy định, chế tài cụ thể để xử lý việc buôn bán, tàng trữ và sử dụng thuốc lá điện tử. Về mức phạt, kinh nghiệm của Singapore là quy định mức phạt nặng từ 2.000 tới 20.000 đô la Singapore (hơn 36 triệu đồng đến trên 369 triệu đồng) đối với việc sử dụng, sở hữu hoặc mua bán bất kỳ sản phẩm nào mô phỏng/bắt chước thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng…
Việc tăng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ vừa được áp dụng đã đem lại những chuyển biến bước đầu rất tích cực về kỷ cương, văn hóa giao thông những ngày đầu năm 2025, chính là bài học bổ ích để Bộ Y tế mạnh dạn kiến nghị mức xử phạt các vi phạm liên quan đến sử dụng, buôn bán thuốc lá điện tử đủ sức răn đe.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tập trung ngăn chặn từ gốc nguồn đưa thuốc lá điện tử bên ngoài vào Việt Nam, triệt phá mạng lưới lưu thông mặt hàng trái phép này trên cả nước. Chính quyền địa phương có thể xem xét, cân nhắc đưa ra biện pháp hỗ trợ phù hợp "có lý, có tình" đối với những chủ cửa hàng buôn bán thuốc lá điện tử chủ động chuyển đổi mặt hàng kinh doanh, gương mẫu thực hiện quy định của Nhà nước.
Chúng ta cần có một chương trình thông tin, giáo dục sâu rộng, bài bản về tác hại của thuốc lá điện tử dưới nhiều hình thức khác nhau, tập trung hướng tới giới trẻ và học sinh, để các em hiểu rõ nguy cơ đối với sức khỏe bản thân và tương lai của mình nếu nghiện thuốc lá điện tử, bóng cười...
Các cơ quan trong hệ thống chính trị nên có quy định về trách nhiệm tuyên truyền, ngăn chặn, giám sát và xử lý liên quan đến thuốc lá điện tử. Tương tự như quy định trách nhiệm không sử dụng đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, trường hợp nào vi phạm quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử sẽ bị thông báo về cơ quan, áp dụng biện pháp kỷ luật theo quy định.
Triển khai quyết liệt lệnh cấm đối với thuốc lá điện tử chính là để góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, và tương lai giống nòi của dân tộc.
Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!