Chính phủ giải trình việc "cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe"
(Dân trí) - Cho biết sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng việc cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn, Chính phủ giải thích quy định như vậy nhằm hạn chế tai nạn giao thông, đảm bảo sức khỏe người tham gia giao thông.
Chiều 24/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự luật này đã được thảo luận tại tổ hôm 10/11, tại đợt 1 của kỳ họp.
Vì sao cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn?
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hầu hết đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành luật với 100 ý kiến ủng hộ.
Bên cạnh đó, có 5 ý kiến băn khoăn về việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Báo cáo của Chính phủ về dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm ký, cũng giải trình rõ nội dung này.
Bộ trưởng Công an khẳng định việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan.
Mục tiêu quan trọng nhất của việc này là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phát triển, quản lý hạ tầng giao thông…, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". 10 ý kiến thể hiện quan điểm này cho rằng cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất.
Giải trình nội dung này, Đại tướng Tô Lâm cho rằng việc luật quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm, nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.
Nội dung này cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).
Theo lý giải của Chính phủ, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Bộ trưởng Công an cho biết vừa qua, sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.
Với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Đại tướng Tô Lâm khẳng định Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.
Sẽ mở rộng đấu giá biển số xe máy?
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật và có thể triển khai đấu giá với tất cả các loại biển số xe, Bộ trưởng Công an cho biết Chính phủ tiếp thu theo hướng bổ sung vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về đấu giá biển số xe, bao gồm: ô tô, mô tô, xe gắn máy.
Nhưng việc này không áp dụng với xe cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Tòa án, Viện kiểm sát, các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và người nước ngoài làm việc trong cơ quan đó.
Theo Đại tướng Tô Lâm, việc đấu giá biển số để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân và tạo sự công khai, bình đẳng trong tiếp cận, sở hữu biển số xe theo sở thích.
Bên cạnh đó, việc triển khai đấu giá biển số ô tô thời gian qua được nhân dân rất đồng tình. "Bổ sung quy định về đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước, tránh lãng phí tài sản công", theo quan điểm của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết Chính phủ đã tiếp thu và bổ sung hành vi cấm đối với việc điều khiển, sử dụng thiết bị bay không người lái trên mặt đường, trong phạm vi bảo vệ trên không, hành lang an toàn đường bộ mà pháp luật cấm điều khiển, sử dụng.