Tâm điểm
Hữu Bình

"Giấc mơ" nâng tầm bóng đá Việt Nam liệu có khả thi?

Làng bóng Việt những ngày cận Tết có 2 thông tin đáng chú ý. 

Một là việc huấn luyện viên (HLV) Kim Sang-sik đã chủ động rút ngắn kỳ nghỉ phép xuống chỉ còn một tuần, sớm trở lại Việt Nam để kịp theo dõi các lượt trận giáp Tết của V.League. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần chuyên nghiệp mà cả quyết tâm của ông trong việc dẫn dắt các đội tuyển của bóng đá Việt Nam chinh phục mục tiêu trong năm 2025.

Thông tin tiếp theo là việc cầu thủ Jason Quang Vinh - một cầu thủ mang trên mình một nửa dòng máu Việt, đang được hỗ trợ nhập tịch để có thể sớm khoác áo đội tuyển Việt Nam. Động thái này cho thấy những người làm bóng đá Việt Nam không ngừng nỗ lực tìm kiếm tài năng có thể góp phần phát triển sức mạnh của đội tuyển bóng đá quốc gia trong thời gian tới.

Sẽ không có chuyện đội tuyển Việt Nam nhập tịch ồ ạt như cách mà Indonesia hay gần đây là Malaysia đang làm. Nhưng việc đón nhận những người con gốc Việt trở về, hay tăng cường sức mạnh bằng một vài "ngoại binh" thật sự yêu đất nước này, xem Việt Nam như quê hương thứ hai và mong muốn cống hiến cho bóng đá Việt Nam thì tại sao lại không?

Giấc mơ nâng tầm bóng đá Việt Nam liệu có khả thi? - 1

Khoảnh khắc các cầu thủ nâng cao cúp vô địch AFF Cup 2024 (Ảnh: Hướng Dương).

Những ngày này, cảm xúc ngọt ngào về hành trình đi tới ngôi vô địch giải bóng đá Đông Nam Á - ASEAN Cup 2024 vẫn còn đó với người hâm mộ bóng đá nước nhà. Nhưng từ chinh phục đỉnh cao của khu vực tới giữ vững vị thế và nâng tầm bóng đá Việt, để hiện thực hóa "giấc mơ World Cup", hay gần hơn là mục tiêu vươn lên top 10 châu lục thì vẫn còn rất nhiều việc cần làm.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam sắp tới sẽ đá vòng loại giải vô địch châu Á - Asian Cup, cùng bảng với đội tuyển Malaysia - một đội tuyển đang "theo bài nhập tịch" của Indonesia (dự kiến sẽ có khoảng 15 cầu thủ "Tây" trong đội hình), và cuối năm là chiến dịch hướng tới tấm huy chương vàng  SEA Games 33 trên đất Thái Lan cùng đội tuyển U22.

Vô địch ASEAN Cup 2024 không có nghĩa là chúng ta đã đương nhiên ở trình độ cao nhất và sẽ không thể bị các đối thủ từng là "bại tướng" vượt qua. Indonesia vừa sa thải HLV Shin Tae-yong ngay sau ASEAN Cup (chấp nhận bồi thường số tiền tương đương 110 tỷ đồng) để đưa tên tuổi lừng danh Patrick Kluivert về làm HLV trưởng. Họ thậm chí còn đưa ra mức lương cao nhất châu Á để có được sự phục vụ của HLV huyền thoại Luis Val Gaal trong vai trò giám đốc kỹ thuật.

Bằng nguồn tài chính đầu tư cực mạnh (vượt xa so với Việt Nam), bóng đá "xứ Vạn đảo" rất khao khát có thể chinh phục tấm vé dự World Cup 2026, dù cơ hội tại vòng loại cuối cùng là rất khó khăn. Thái Lan cũng đã hạ quyết tâm sẽ sớm đòi lại vị thế số 1 sau thất bại vừa qua, với lứa tài năng trẻ và sự góp sức của nhiều tỷ phú người Thái. Malaysia thì như đã nêu ở trên, chuẩn bị "làm mới" đội tuyển với dàn cầu thủ đến từ châu Âu… Còn bóng đá Việt Nam sẽ làm gì?

Mấy hôm trước, trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón chào Xuân mới và "khí thế" của chức vô địch khu vực, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (Liên đoàn) mời các phóng viên báo chí tới dự cuộc gặp mặt. Sau những lời chúc mừng, tôi đặt câu hỏi với ông Trần Anh Tú - Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn của Liên đoàn: "Chúng ta đã vô địch Đông Nam Á rồi, nhưng mục tiêu tiếp theo của bóng đá Việt Nam là gì? Và chúng ta sẽ làm gì để đạt được mục tiêu ấy, thưa ông?".

Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của VPF - đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp, ông Tú khẳng định cần tiếp tục nâng cao chất lượng giải đấu quốc gia, mong muốn các câu lạc bộ sẽ cùng Liên đoàn và ban tổ chức chuyên nghiệp hóa từ cơ cấu tổ chức tới hoạt động.

Ông Tú cũng nhấn mạnh vấn đề căn bản nhất vẫn là phải đầu tư mạnh mẽ hơn cho công tác đào tạo trẻ, ngay từ cấp câu lạc bộ (chứ không chỉ cho các đội tuyển trẻ) một cách toàn diện, bao gồm cả nâng cấp cơ sở vật chất, sân bãi, trình độ của HLV, áp dụng tiến bộ về khoa học công nghệ trong huấn luyện và tập luyện…

Còn trong vai trò lãnh đạo Liên đoàn, ông Tú cho biết Liên đoàn sẽ chăm chút, tạo điều kiện tốt nhất để các đội tuyển trẻ từ U17 tới U22 tập luyện, thi đấu cọ xát quốc tế và tập huấn dài ngày tại các nền bóng đá phát triển. Ông cũng không quên đề cập tới Đề án phát triển bóng đá Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được xây dựng, xem đấy như một "kim chỉ Nam" để các giới chức bóng đá nước nhà cùng hướng tới.

Triển khai hàng loạt giải pháp, chúng ta sẽ không chỉ cần đứng vững ở vị trí hàng đầu Đông Nam Á mà còn lấy mục tiêu vào World Cup 2030 làm động lực, cũng như cần cố gắng phấn đấu để nâng tầm vị thế vào tốp 10 của châu lục một cách chắc chắn (thay vì chỉ 1-2 giải mà thôi).

Vâng, có thể hiểu rằng bóng đá Việt Nam đang và sẽ nỗ lực phát triển với các giải pháp đồng bộ, và việc đầu tư, tăng cường nhân lực cho đội tuyển quốc gia chỉ là phần ngọn trong cả hệ thống ấy, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai lâu dài.

Có làm được như vậy mới mong "giấc mơ" nâng tầm bóng đá Việt thực sự khả thi, chứ không phải sự mơ mộng hão huyền phi thực tế!

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình là Phó giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!