Cơ hội và thách thức với khu thương mại tự do ở Đà Nẵng
Khu thương mại tự do (FTZ) là mô hình đã quen thuộc trên thế giới. Nhiều nước ở ngay quanh Việt Nam cũng đã có các khu này, như Batam, Bintang của Indonesia, Clark, Subic của Philippines, Port Klang, Tanjung Pelepas ở Malaysia.
Singapore ban hành luật về khu thương mại tự do từ năm 1966 và hiện có 9 FTZ. Còn nước láng giềng chúng ta là Trung Quốc hiện có 21 FTZ đặt ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Về mặt danh chính ngôn thuận, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên ở Việt Nam được làm khu thương mại tự do.
So với khu công nghiệp, khu chế xuất - những mô hình hiện có ở nước ta, thì khu thương mại tự do có những điểm khá tương đồng. Về quy mô, đó đều là những khu vực có diện tích rộng từ hàng trăm ha trở lên, do doanh nghiệp đứng ra đầu tư, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng của khu và sau đó mời gọi các doanh nghiệp khác vào xây dựng cơ sở kinh doanh.
Tuy nhiên, khu công nghiệp không phải là khu phi thuế quan. Hàng hóa ra vào khu công nghiệp không đòi hỏi có sự giám sát của lực lượng hải quan, đây chỉ là hàng hóa lưu thông trong nội địa như các hàng hóa thông thường.
Trong khi đó, khu chế xuất và khu thương mại tự do đều là khu phi thuế quan. Với khu chế xuất, doanh nghiệp trong khu chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến. Còn với khu thương mại tự do, ngoài doanh nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến thì có thể có các doanh nghiệp dịch vụ. Đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ liên quan đến khâu xử lý hàng hóa như chia tách, đóng gói, dán nhãn, phân loại, sơ chế trước khi chuyển tiếp đi các nước khác hoặc đưa vào thị trường Việt Nam. Hàng hóa trung chuyển, phân phối vào thị trường các nước lân cận thông qua khu thương mại tự do có thể luân chuyển nhanh hơn, khối lượng lớn hơn.
Như vậy, khu chế xuất thường chỉ tập trung vào sản xuất hàng hóa để xuất khẩu, trong khi khu thương mại tự do bên cạnh hàng hóa sản xuất tại chỗ thì còn tập trung vào việc thu hút, kéo nguồn hàng từ các nước khác đến để rồi lại đi. Bằng việc gia tăng luồng hàng như vậy, các dịch vụ đi kèm, từ cảng, kho bãi, giao nhận cũng đều tăng theo.
Đó là lý do tại sao chúng ta nói khu thương mại tự do là một động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.
Với Đà Nẵng, khu thương mại tự do được xác định gắn với cảng biển Liên Chiểu để trở thành điểm nhấn để thu hút đầu tư, cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, làm mới động lực để phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố trong giai đoạn tới.
Một khi khu thương mại tự do được hình thành, thu hút các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng thì điều này sẽ làm gia tăng hoạt động sản xuất, tăng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và lưu chuyển trong nước.
Cùng với đó, khu thương mại tự do cũng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho ngành dịch vụ logistics. Đà Nẵng đang muốn định vị mình như một điểm đầu của Hành lang Kinh tế Đông - Tây thì đây sẽ là một điểm nhấn quan trọng giúp Đà Nẵng làm việc này.
Bên cạnh cơ hội, thách thức đặt ra là dự án cảng Liên Chiểu đang ở giai đoạn khởi động, chưa có nhà đầu tư chính thức nên hiệu quả thu hút cho khu thương mại tự do chưa thật sự rõ ràng. Nhưng cũng có thể, khi công bố về khu thương mại tự do này thì các nhà đầu tư vào cảng biển Liên Chiểu sẽ quan tâm, mạnh dạn hơn.
Tìm kiếm nhà đầu tư khu thương mại tự do có đủ năng lực triển khai là một thách thức. Ở đây không chỉ là vấn đề vốn để đầu tư hạ tầng ban đầu, giống như đầu tư một khu công nghiệp, mà còn là quan hệ, uy tín để có thể mời gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đặt cơ sở kinh doanh ở đây.
Ngoài ra, về quy mô thì có thể hình dung diện tích khu thương mại tự do của Đà Nẵng không quá lớn. Vì diện tích đất gắn với khu vực cảng Liên Chiểu không nhiều, bị chia cắt bởi các tuyến quốc lộ 1A, cao tốc Bắc Nam, đường sắt và hạn chế do gần núi, đã có nhiều công trình dân sinh.
Thành phố Đà Nẵng đang lấy ý kiến về 4 vị trí đề xuất thành lập các khu chức năng thuộc khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu. Vừa qua cũng có ý kiến đề xuất xem xét vị trí khu thương mại tự do gắn với sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Về nguyên tắc, khu thương mại tự do đặt ở những nơi có luồng hàng hóa giao lưu mạnh với nước ngoài mới có thể phát huy được tối đa lợi thế, lợi ích của mình. Những nơi như vậy có thể là cảng biển, sân bay, cửa khẩu đường bộ. Những nơi có luồng hàng phong phú nhưng không phải là hàng hóa giao lưu với nước ngoài thì cũng không phù hợp với khu thương mại tự do.
Sân bay cũng là nơi hàng hóa giao lưu mạnh, nên cũng có thể phát triển khu thương mại tự do. Khu thương mại tự do gắn với sân bay rất thích hợp để đặt các trung tâm phân phối, gia công, lắp ráp các mặt hàng giá trị cao như hàng điện tử, mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang.
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển đột biến như hiện nay, khu thương mại tự do đặc biệt thích hợp để đặt các trung tâm chia chọn (sorting center) và hoàn thiện đơn hàng (fulfillment center) cho hàng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng cần phải tính toán nếu làm khu thương mại tự do gắn với sân bay. Trước hết, tên khu thương mại tự do được Quốc hội duyệt trong Nghị quyết đã gắn với "cảng biển Liên Chiểu". Có thể Đà Nẵng muốn quảng bá cho cảng biển Liên Chiểu trong tương lai nên đã đưa luôn tên của cảng này vào Nghị quyết. Điều quan trọng nữa, là sân bay Đà Nẵng nằm ở giữa thành phố, không còn có đủ diện tích để xây dựng một khu chức năng xử lý hàng hóa, chưa nói đến một khu thương mại tự do.
Cũng có thể, Đà Nẵng sẽ lựa chọn phương án xây dựng một khu thương mại tự do không phải nằm ngay sát cảng biển hay sân bay. Trong trường hợp này, cơ chế giám sát hải quan sẽ phức tạp thêm một chút, nhưng vẫn là một phương án đáng xem xét trong bối cảnh Đà Nẵng không có nhiều lựa chọn về mặt vị trí cho khu này.
Việc hình thành khu thương mại tự do ở Đà Nẵng, nếu thành công, là mô hình tốt để có thể triển khai tiếp ở những nơi khác có tiềm năng. Đơn cử, với Hải Phòng là khu vực Đình Vũ - Cát Hải. Hay Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương có thể triển khai thành lập được ngay một khu thương mại tự do dọc theo các bến cảng từ Thị Vải xuống Cái Mép.
Như vậy, cơ hội với Đà Nẵng cũng là cơ hội cho những địa phương khác trên cả nước trong thời gian tới.
Tác giả: Ông Trần Thanh Hải là Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!