Tâm điểm
Phúc Hưng

Băn khoăn việc loại nhà đầu tư cá nhân khỏi thị trường trái phiếu riêng lẻ

Cuối tháng 9 và đầu tháng 10, tôi tham gia một số sự kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của nhóm các doanh nhân tại Hà Nội. Điều gây chú ý hơn với tôi không nằm ở chủ đề buổi trao đổi và những gì đang diễn ra trên hội trường, mà ở một số vị khách đặc biệt. Đó là những nhà đầu tư và chuyên gia chứng khoán, trẻ có, người dạn dày trên thương trường hàng chục năm cũng có. Họ trao đổi say sưa bên lề về một điều họ lo lắng, thị trường vốn Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng.

Điều này đến từ dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán, với đề xuất hạn chế nhà đầu tư cá nhân tham gia trực tiếp vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Băn khoăn việc loại nhà đầu tư cá nhân khỏi thị trường trái phiếu riêng lẻ - 1

Theo đề xuất mới, nhà đầu tư cá nhân không được tham gia trực tiếp vào thị trường trái phiếu DN riêng lẻ (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Trong tờ trình dự án luật mới nhất, cơ quan soạn thảo đề xuất chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Các nhà đầu tư cá nhân không được tham gia trực tiếp vào thị trường này. Một trong những lý do được cơ quan soạn thảo nêu lên cho việc cấm nhà đầu tư tham gia trực tiếp vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là "hạn chế về khả năng quản trị rủi ro và nguồn lực".

Những lo lắng này dường như đã được lắng nghe, khi tại phiên họp thứ 38 ngày 10/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, quá trình thẩm tra, có ý kiến cho rằng nhà đầu tư cá nhân là nhóm lớn tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Việc loại họ sẽ dẫn đến thu hẹp thị trường này và ảnh hưởng lớn tới thanh khoản, khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp.

Qua đó, thay vì loại bỏ đối tượng trên, kết quả thẩm tra cho rằng nên giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xác định nhà đầu tư cá nhân khi tham gia đầu tư.

Có lẽ nhiều người chưa quên, quan điểm hạn chế các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được nêu lên từ dự thảo được đưa ra trước đó và vấp phải sự lo lắng, phản đối của nhiều nhà đầu tư cũng như giới chuyên gia.

Đại diện một số tổ chức kinh tế khi đó đã lên tiếng, đề xuất của dự thảo khiến nhiều người dân không thể tiếp cận cơ hội đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng như làm giảm sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây là vấn đề đáng lo bởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp vốn đang có quy mô tương đối nhỏ và có phần trầm lắng.

Mục tiêu của chính sách là đúng đắn vì muốn bảo vệ nhà đầu tư cá nhân - đối tượng dễ tổn thương trên thị trường tài chính do khả năng chịu đựng rủi ro thấp. Nhưng bảo vệ nhà đầu tư không đồng nghĩa phải thu hẹp đối tượng được quyền giao dịch trái phiếu.

Về tầm nhìn, việc loại bỏ nhà đầu tư cá nhân tưởng như để bảo vệ các đối tượng đó nhưng thực tế lại không tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển về dài hạn. Chúng ta đang hướng tới thị trường trái phiếu trưởng thành và minh bạch thì điều cần là xây dựng niềm tin của nhà đầu tư, nâng cao nhận thức, năng lực của các nhà đầu tư chứ không nên để họ đứng ngoài cuộc chơi.

Thay vì cấm các nhà đầu tư tham gia trái phiếu riêng lẻ, điều nên làm là tạo điều kiện để những đối tượng này tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực hiểu biết và đầu tư. Khi có đủ năng lực, chính các nhà đầu tư cá nhân sẽ tự có phương pháp quản trị rủi ro theo "khẩu vị" từng người. Về dài hạn, khi từng thành phần tham gia trưởng thành, thị trường trái phiếu cũng sẽ sôi động và bền vững hơn.

Theo một chuyên gia kinh tế, khủng hoảng trên thị trường trái phiếu trong thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ những vấn đề liên quan đến rủi ro đạo đức. Đề xuất trên nếu được thực hiện sẽ khiến trái phiếu mất đi vai trò là thị trường mà mọi nhà đầu tư đều có thể tham gia và để nhà đầu tư lựa chọn dựa trên khẩu vị rủi ro của mình.

Chuyên gia này đã dẫn ra số liệu cho rằng, nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ khoảng 25-30% khối lượng trái phiếu doanh nghiệp trên toàn thị trường. Trong trường hợp nhiều nhà đầu tư có thể sẽ rút khỏi thị trường, hậu quả là thị trường vốn sẽ lộ ra khoảng trống hàng nghìn tỷ đồng.

Tựu trung, thay vì lựa chọn việc "cấm cửa" nhà đầu tư cá nhân trên sàn trái phiếu, cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện hơn để vừa bảo vệ nhà đầu tư, vừa thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ có như vậy, thị trường vốn Việt Nam mới thực sự trở thành bệ phóng cho nền kinh tế.

Tác giả: Nhà báo Phúc Hưng là Tổng thư ký tòa soạn báo Dân trí.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!