PhotoNews

Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép

Thực hiện: Thúy Hường - Nguyễn Ngọc Anh - Phạm Bảo Ngọc

(Dân trí) - Địa đạo Củ Chi là biểu tượng cho ý chí kiên cường và sức sáng tạo vô song. Hơn 200km đường hầm không chỉ là căn cứ địa vững chãi mà còn là mái nhà che chở, chiến hào kiên cố trong những năm tháng kháng chiến oanh liệt.

Khám phá căn cứ kháng chiến trong lòng đất ở TPHCM

Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép - 1

Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, tên gọi Địa đạo Củ Chi cũng xuất hiện từ đó. Lúc đầu, địa đạo chỉ có những đoạn ngắn, cấu trúc đơn giản, dùng để giấu tài liệu, trú ém cán bộ trong vùng địch hậu. Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địa đạo được gia cố và mở rộng.

Từ năm 1961, khi Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định chọn Củ Chi làm địa bàn hoạt động, thì hệ thống địa đạo ở đây phát huy tối đa tác dụng.

Với tổng chiều dài hơn 200km, các đường hầm tỏa nhánh như mạng nhện dưới lòng đất, được thiết kế ba tầng kiên cố với độ sâu khác nhau, đủ sức chống chọi với bom đạn, sức nặng của xe tăng và xe bọc thép.
Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép - 2
Địa đạo Củ Chi là một sáng tạo độc đáo, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các cuộc chiến tranh vệ quốc trên thế giới. Nơi đây không chỉ là không gian sinh hoạt, ẩn náu, nuôi dưỡng lực lượng và cất giữ quân nhu, mà còn là một "pháo đài ngầm" thực thụ, nơi quân dân ta trực tiếp chiến đấu, đánh trả quân xâm lược, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc.
Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép - 3
Dẫu bom đạn ngày đêm trút xuống, mặt đất trên đầu bị giặc Mỹ tàn phá thành "vùng trắng", những chiến sĩ du kích kiên cường vẫn bám trụ, âm thầm lớn mạnh, nuôi dưỡng ý chí chiến đấu quật cường.
Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép - 4
Đặt chân đến Củ Chi, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi địa đạo vẫn vẹn nguyên cấu trúc ban đầu. Những đường hầm kiên cố, nối dài xuyên suốt lòng đất, tựa như mạch nguồn văn hóa Việt bền bỉ, trường tồn cùng dòng chảy lịch sử.
Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép - 5

Chật hẹp và mờ ảo là hai điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất khi di chuyển trong địa đạo - vốn là những đường hầm nối liền những căn phòng dưới lòng đất.

Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép - 6

Ngày 8/1/1967, quân đội Mỹ - Ngụy phát động chiến dịch Cedar Falls nhằm triệt hạ gốc rễ các căn cứ của quân giải phóng ở vùng "Tam giác sắt" gồm Bến Súc - Củ Chi - Bến Cát. Sau trận càn, Củ Chi gần như bị san phẳng. Khu tái hiện vùng giải phóng thuộc di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi được dựng nên nhằm tái hiện các không gian, quan cảnh vùng giải phóng Củ Chi sau 1961 đến trước khi vùng đất bị sang bằng.

Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép - 7

Ngôi chùa tan hoang, những căn nhà dân được sử dụng như một trạm giao liên, những lớp học Thành đoàn, cảnh mẹ khóc trước mộ con… được tái hiện lại vô cùng chân thật.

Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép - 8
Đến với địa đạo Củ Chi, hình ảnh thường thấy là những du khách quốc tế không khỏi ngạc nhiên, thán phục khi tận mắt chứng kiến những miệng hầm bí ẩn.
Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép - 9

Phát triển du lịch, tham quan khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi không chỉ là phương án phát triển kinh tế, mà còn thể hiện giá trị nhân văn khi chúng ta biết ơn sự hy sinh của những người đã nằm xuống; đồng thời, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh.

Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép - 10

"Mình thuộc thế hệ Gen Z nhưng rất thích tìm hiểu lịch sử. Thăm địa đạo Củ Chi, mình hiểu rõ hơn về chiến tranh và cách ông cha ta đã chiến đấu theo đúng những gì mà lịch sử đã diễn ra", Xuân Mai, một du khách trẻ chia sẻ.

Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép - 11

Trải qua hai cuộc kháng chiến, quân và dân Củ Chi đã chiến đấu với hơn 4.000 trận đánh lớn, nhỏ; loại khỏi vòng chiến đấu 22.500 tên địch, phá hủy và đánh chiếm hơn 5.160 xe quân sự; bắn rơi và làm hư hỏng 256 máy bay…

Và ngày nay, con người vùng "đất thép thành đồng" vẫn một lòng đem "công trình thế kỷ" đến gần hơn với người dân trong và ngoài nước.

Khám phá địa đạo Củ Chi: Kỳ quan giữa lòng đất thép - 12

Địa đạo Củ Chi, không chỉ là một công trình quân sự, mà còn là biểu tượng của ý chí quật cường. Nơi đây, đất mẹ ôm ấp, chở che hàng trăm trái tim sục sôi căm thù giặc, cùng quân dân viết nên bản hùng ca chiến thắng. Sức mạnh phi thường của địa đạo, sự bền bỉ vượt thời gian của nó, bắt nguồn từ chính sức mạnh đoàn kết của quân và dân Củ Chi anh hùng, như lời thơ lay động của Bùi Minh Quốc đã khắc họa:

Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh

nay mẹ đã phơ phơ bạc đầu

mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác

bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh.

Đất quê ta mênh mông

quân thù không xăm hết được

lòng mẹ rộng vô cùng

mẹ giấu cả sư đoàn dưới đất

nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất

nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam.