1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hai người Việt muốn hiến một phần phổi cho phi công mắc Covid-19 nguy kịch

(Dân trí) - “Nếu cũng như thận, chỉ lấy một phần phổi thì em xin phép đăng ký hiến tặng. Cuộc sống vốn vô thường...", là dòng tin nhắn xúc động của một phụ nữ trước bệnh tình của người phi công.

Theo Sở Y tế TP HCM đến sáng 13/5, bệnh nhân mắc Covid-19 số 91 (phi công người Anh) đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM vẫn có tiên lượng xấu. Hiện bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục dẫn lưu màng phổi, lọc máu, tiếp tục thở máy.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã hội chẩn các chuyên gia đầu ngành của nhiều bệnh viện lớn để cân nhắc phương án ghép phổi. 

Hai người Việt muốn hiến một phần phổi cho phi công mắc Covid-19 nguy kịch - 1
Các bác sĩ Chợ Rẫy đặt ECMO thay thế hoàn toàn hệ thống tim phổi cho bệnh nhân.

Một số người vẫn liên hệ với Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người bày tỏ mong muốn được hiến tặng một phần lá phổi cho bệnh nhân. Trường hợp người phụ nữ ngoài 40 tuổi là một ví dụ. Chị đang khỏe mạnh, có một gia đình hạnh phúc và mong muốn “để tình thương lan tỏa tình thương”. 

“Anh ơi, anh cho em hỏi nhờ ạ. Nếu đăng ký hiến tạng sống, hiến tặng phổi thì sẽ lấy như thế nào ạ? Hay phải chờ bệnh nhân chết não để lấy hết phổi ạ? Nếu cũng như thận, chỉ lấy một phần phổi thì em xin phép đăng ký hiến tặng nhé!”, là tin nhắn đầy xúc động người phụ nữ ấy gửi tới cán bộ Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. 

Theo chị cuộc sống vô thường, hơn 40 năm qua chị đã nhận được rất nhiều yêu thương, giúp đỡ và may mắn...

“Thôi thì cứ để tình thương lan tỏa tình thương, mang yêu thương chia sẻ và giúp đỡ lại những người khác. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang làm rất tốt việc phòng chống dịch Covid-19, nước ta chưa có một trường hợp tử vong nào", người phụ nữ ấy chia sẻ. 

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết dù chưa biết tình hình cũng như diễn tiến của bệnh nhân 91 như thế nào, nhưng những chia sẻ thiện tâm, những nghĩa cử ấy thực sự là nguồn động viên, khích lệ ngành y tế rất nhiều trong việc cố gắng cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo, bất kể người ấy là ai. 

Trường hợp người cựu chiến binh ở Đắk Nông cũng là một ví dụ. Ông vẫn đau đáu, hai lần liên lạc tới Trung tâm để sẵn sàng hiến một phần lá phổi của mình vì tưởng bệnh nhân đã được chuyển tới bệnh viện khác để ghép. Ông sẵn sàng hiến tặng phổi của mình dù không có biết có đủ điều kiện, đủ tuổi không.

Qua hội chữ thập đỏ, ông tìm được số điện thoại liên hệ với Trung tâm bày tỏ nguyện vọng đó của mình. 

“Tôi tự hào về nền y tế của Việt Nam, Chính phủ đã rất nỗ lực trong thời gian qua, trên tinh thần làm tất cả vì bệnh nhân, để không bỏ lại người nào phía sau. Số trường hợp tử vong trên thế giới nhiều như thế trong khi nước ta chưa có ai”, cụ ông ngoài 70 tuổi xúc động chia sẻ. 

Theo ông Phúc, vấn đề có ghép phổi cho bệnh nhân hay không, ghép như thế nào… là do hội đồng chuyên môn đánh giá. Tuy nhiên ưu tiên số một vẫn là tìm người chết não hiến tạng, nếu bệnh nhân có chỉ định ghép phổi. 

“Dù có thế nào đi chăng nữa thì tấm lòng của họ vẫn là điều hết sức đáng trân trọng. Xung quanh chúng ta vẫn có rất nhiều con người thực sự tuyệt vời”, ông Phúc nói. 

Theo ông Phúc, trong vài năm trở lại đây số người đăng ký hiến mô tạng tại Việt Năm tăng lên rất nhiều, hiện xấp xỉ gần 33.500 người đăng ký. Đây là con số thực sự ấn tượng, ngay cả thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều người dân vẫn gửi đơn đăng ký hiến tạng qua đường bưu điện. 

Điều đáng mừng nữa là số người không may bị chết não gia đình đồng ý hiến tạng cũng tăng lên rất nhiều. 5 năm về trước, số người cho tạng thực sự rất ít, một năm chỉ vài người. Từ đầu năm đến giờ đã có khoảng 10 người người chết não được gia đình đồng ý hiến tạng. 

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Việt Nam mới thực hiện 5 ca ghép phổi và hiện nay 3 ca còn sống. Ghép phổi là một kỹ thuật cực kỳ khó, đặc biệt chăm sóc, điều trị sau ghép phổi còn khó gấp bội.

Kỹ thuật này đòi cần phải chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ càng bởi vì tỷ lệ thành công sau ghép phổi trên thế giới không bằng ghép gan, ghép tim, ghép thận. 

Ghép phổi hiện nay có hai nguồn, một là lấy một thuỳ phổi, một phần phổi của người cho sống ghép cho người có bệnh; nguồn thứ hai lấy từ người cho chết não ghép cho người có bệnh. Theo tài liệu trên thế giới, ghép hai phổi từ người cho chết não là tốt nhất. Bởi vì ghép phổi từ người cho sống thì chỉ lấy được một phần. 

Nam Phương