Hà Nội chưa đủ điều kiện công bố dịch sởi?

(Dân trí) - Dù chiếm tới 30% ca mắc, 50% số tử vong trong cả nước, số mắc mới nhập viện duy trì ở mức cao nhưng Hà Nội khẳng định, nếu “soi” vào diễn biến dịch và điều kiện công bố thì sởi đang xảy ra tại Hà Nội chưa đủ điều kiện công bố dịch.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết số lượng mắc bệnh sởi 3 tháng đầu năm trên địa bàn Hà Nội tăng cao hơn hẳn so với cùng năm ngoái. Song với con số này (1.108 trường hợp) là vẫn thấp hơn dự báo và so với 75.000 trường hợp có khả năng mắc sởi. Dù tỷ lệ bệnh nhân tử vong ở Hà Nội có cao song chỉ hơn 1% số người mắc dương tính sởi (14 trên 1.108 trường hợp).

Hà Nội chưa đủ điều kiện công bố dịch?

Hà Nội chưa đủ điều kiện công bố dịch?
Chiếm 30% số ca mắc của cả nước, trên 50% số ca tử vong liên quan đến sởi nhưng Hà Nội vẫn chưa đủ điều kiện công bố dịch. Ảnh: H.Hải

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, diễn biến thực tế dịch sởi tại Hà Nội tuy số mắc cao hơn so với cùng kỳ, nhưng số tử vong chỉ chiếm hơn 1% trong tổng số mắc, vi rút sởi cũng chưa có những biến đổi về độc lực, Hà Nội vẫn đang kiểm soát tốt dịch… vì thế chưa “hội tụ” đủ tiêu chuẩn để công bố dịch.

Theo các quy định của pháp luật, các địa phương sẽ công bố dịch bệnh truyền nhiễm khi đủ 2 nhóm điều kiện. Thứ nhất, số lượng bệnh dịch tăng vượt quá mức dự báo của cơ quan y tế địa phương và Trung ương; Thứ hai, có 1 trong 4 điều kiện: cơ quan y tế không kiểm soát được tình trạng dịch bệnh; Bộ Y tế có thông báo về biến đổi nguyên nhân lây bệnh và chưa có biện pháp phòng bệnh hiệu quả; tỷ lệ tử vong tăng cao, kết hợp với chưa rõ nguyên nhân dịch bệnh;dịch bệnh xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

“Nếu đối chiếu các điều kiện trên với tình hình thực tế tại Hà Nội hiện nay, cộng thêm tham vấn ý kiến của các cơ quan liên quan, nên thời điểm này ngành y tế và các chuyên gia chưa công bố dịch mà tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch để có tham mưu chính xác cho UBND TP. Và dù chưa công bố dịch nhưng chúng tôi vẫn quyết liệt chống dịch bằng tất cả các giải pháp, đặc biệt là quyết liệt trong việc triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ em”, ông Hạnh cho biết.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội vẫn đang triển khai chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ đến hết tháng 4 và đã đạt tỉ lệ trên 75%. Dự kiến, tổng số tiêm vắc xin trong tháng 3 và tháng 4 là 55.473 trường hợp. Theo ông Cảm, khi lượng tiêm bao phủ tốt, số bệnh nhân mới mắc sởi sẽ giảm đi. Sở Y tế đã bố trí 30 cán bộ ở 30 quận, huyện, thị xã và thành lập 5 đoàn đi tới các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tiêm phòng vắc xin sởi.

Ông Cảm cũng đưa ra nhận định, bệnh sởi đang chững lại, số ca mắc mới đã giảm. Lại thêm yếu tố tiêm vắc xin đạt hiệu quả cao, chắc chắn Hà Nội sẽ dần khống chế bệnh sởi trong thời gian gần nhất.

Liên quan đến tiêm chủng vắc xin sởi, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, mọi trẻ em và người lớn chưa có miễn dịch thì đều nên tiêm phòng. Vắc xin là biện pháp bảo vệ bản thân, cũng là bảo vệ cộng đồng. Vì thế mong muốn người dân nhận thức tốt hơn về hiệu quả của tiêm chủng.

“Hiệu quả tiêm chủng thể hiện rất rõ ràng, nếu Hà Nội tiêm chủng không tốt, dịch sẽ bùng lên theo ổ dịch, từng trường học. Nhưng sởi ở Hà Nội chỉ xảy ra rải rác tất cả xã phường, quận huyện. Trong khi đó, ở các tỉnh biên giới phía Bắc, bệnh sởi bùng phát theo từng khu vực, cả xã cùng bị. Nhưng sau khi được tiêm chủng, bệnh sởi ở các địa phương này đã giảm. Như tại Hà Giang, Yên Bái, từ chỗ 20 - 30 ca mắc sởi mới mỗi ngày nay đã giảm xuống chỉ còn 1 - 2 ca”, ông Phu dẫn chứng.
 

 “Nhiều bà mẹ cũng băn khoăn không nhớ con mình có được tiêm đủ hai mũi vắc xin không, hoàn toàn có thể cho con đi tiêm chủng lại. Nếu trẻ chưa tiêm đủ mũi tiêm này sẽ củng cố thêm hiệu quả bảo vệ (tiêm mũi một hiệu quả phòng bệnh đạt 87%, tiêm thêm mũi 2 hiệu quả phòng bệnh đạt 95%). Còn nếu đã tiêm đủ 2 mũi, việc tiêm thêm một mũi vắc xin sởi cũng không gây ảnh hưởng gì cho sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ mà chưa từng mắc sởi, chưa nhớ được tiêm chủng hay không cũng có thể bảo vệ chủ động bằng tiêm phòng trước khi mang thai”, TS Phu khuyến cáo.

Hồng Hải