1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch sởi chưa có dấu hiệu chững lại!

(Dân trí) - “Bài học” về dịch sởi vẫn còn nguyên giá trị khi mà dịch đã kéo dài 5 tháng mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì thế Bộ Y tế đã khẩn trương khởi động các biện pháp tăng cường ngăn chặn dịch bệnh mùa hè đang có nguy cơ bùng phát.

Các bác sĩ hội chẩn một ca diễn biến viêm phổi nặng do sởi tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. Ảnh: T.A
Các bác sĩ hội chẩn một ca diễn biến viêm phổi nặng do sởi tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. Ảnh: T.A
Ngày 19/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thi Xuyên đi chỉ đạo, kiểm tra công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm như sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai và BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
 
Theo Thứ trưởng, hiện nay TPHCM đang nóng với dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết, còn tại miền Bắc dịch sởi chưa thực sự hạ nhiệt, vẫn còn những ca bệnh nặng đang điều trị, trong khi đó, dịch bệnh mùa hè như tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng sắp bước vào giai đoạn bùng phát, vì thế, việc chủ động phòng ngừa các dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải lên các phương án chủ động về con người, về trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó, ngăn chặn ngay khi dịch bệnh có nguy cơ xảy ra.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, hiện số bệnh nhân đang điều trị sởi tại khoa là 73 trường hợp. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận rải rác 2-5 trường hợp sởi mới từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, trong đó có 4 ca diễn biến nặng, phải vào thở máy.

Còn tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Hoàng Văn Tuyết, Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, hiện còn 74 bệnh nhân sởi đang được điều trị, trong đó có 23 bệnh nhi, có 4 bệnh nhân nặng phải thở oxy. Hàng ngày các BV đều tiếp nhận lác đác ca bệnh thuỷ đậu, tay chân miệng ở thể nhẹ, không cần điều trị nội trú.

Trong ngày, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông báo trên cả nước ghi nhận thêm 31 trường hợp mắc sởi xác định. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước có 4.633 trường hợp mắc sởi trong số 22.146 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố. Tính đến ngày 19/5, tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt 95,3%.

Còn với dịch tay chân miệng, PGS.TS Trần Đắc phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, dịch bắt đầu có xu hướng gia tăng, trong đó có một số tỉnh/thành tăng cao so với cùng kỳ năm 2013. Từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã ghi nhận 20.500 trường hợp mắc tại 62 tỉnh /thành phố, có 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Số mắc bệnh tay chân miệng cao và tập trung tại một số tỉnh ở khu vực miền Nam chiếm 80,4%. Mặc dù số mắc giảm 18,6%, số tử vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013 nhưng số mắc tăng cao cục bộ tại một số địa phương như TP.HCM tăng 23,7%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 27,9%, Cà Mau tăng 17,2%, Bình Dương tăng 9,5%, Kon Tum tăng 44,6%.

Theo quy luật, tay chân miệng thường gia tăng từ tháng 5 trở đi. Trong các tháng tới bước vào thời điểm mùa hè với thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh, trong khi bệnh chưa có vắc xin phòng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc chủ động phòng dịch là vô cùng quan trọng.

Chia sẻ về dịch bệnh tay chân miệng, BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Nhi nhi đồng 1 cho biết, năm nay, tại  TP Hồ Chí Minh, số ca bệnh tay chân miệng tuy nhiều nhưng may mắn năm nay, số ca bệnh diễn biến nặng không nhiều như vụ dịch năm 2011.

BS Tiến lý giải, rất có thể có sự thay đổi trong chủng vi rút gây bệnh. Năm 2011 tỉ lệ mắc tay chân miệng do vi rút EV71 rất cao (loại vi rút độc lực cao nhất trong nhóm gây bệnh), năm nay, nhiều khả năng tay chân miệng do các nhóm vi rút đường ruột thông thường gây ra. “Có thể có sự thay đổi theo chu kỳ. Năm 2011 tỉ lệ nhiễm tay chân miệng do EV71 cao, diễn biến bệnh nặng, số ca mắc rất nhiều. Khi cộng đồng mắc lớn, tạo miễn dịch tự nhiên, bảo vệ được 2-3 năm với chủng vi rút gây bệnh. Khi hết nhóm tuổi đó (tay chân miệng hay gặp nhất là nhóm dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi), thêm số trẻ mới được sinh ra, chưa có miễn dịch lại có thể bùng lên đợt dịch mới. Vì thế, cũng rất khó có thể đưa ra nhận định vì hiện tại mới là đầu mùa dịch, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc chủ động các biện pháp phòng bệnh là rất quan trọng”, BS Tiến nói.

Cần theo dõi các bất thường ở trẻ

 

Để nhận biết dấu hiệu sớm trong 1 – 2 ngày đầu rất khó để phân biệt với các bệnh khác, vì vậy khi con ốm thì nên đưa trẻ đi khám và tuân thủ theo chỉ định tái khám hàng ngày của bác sĩ. Không nên đòi nhập viện theo dõi để phòng tránh lây nhiễm bệnh.

 

“Các dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng lên bắt buộc phải nắm được để kịp thời đưa con tới viện. Theo đó, với sốt xuất huyết khi có các dấu hiệu đau bụng, lăn lộn, chảy máu cam, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi là phải nhanh vào bệnh viện.

 

Với tay chân miệng con sốt cao giật mình chới với, sốt uống thuốc hạ sốt hoài mà không hạ, thở bất thường, thở nhanh, tay chân nổi vân tím cần nhanh chóng đưa con đến viện.

 

Còn với sởi, khi nổi ban không đáng ngại nhưng xuất hiện các triệu chứng thở nhanh. Sởi thì nổi ban không sợ, nhưng thở nhanh lên, có thể co giật, lơ mơ, li bì phải vào bệnh viện”, BS Tiến lưu ý.

Hồng Hải