1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao Hà Nội chưa công bố dịch sởi?

(Dân trí) - Trong hơn 7.000 ca mắc sởi trong cả nước, Hà Nội chiếm 30% số bệnh nhân (địa phương này cũng chiếm 50% số bệnh nhân tử vong do sởi trong cả nước). Người đứng đầu ngành y tế Hà Nội vẫn chưa trả lời được câu hỏi, liệu Hà Nội có công bố dịch sởi?

Sáng 16/4, tại cuộc họp “kín” do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đích thân chủ trì với sự tham gia của chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và các bệnh viện chữa bệnh nhi, bệnh truyền nhiễm tại Hà Nội, thực trạng bệnh sởi nóng bỏng tại Hà Nội đã được đem ra thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi biến chứng viêm phổi điều trị tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: H.Hải
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi biến chứng viêm phổi điều trị tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: H.Hải
 
Bà Tiến cho biết, Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu trong cả nước về số ca mắc sởi, tiếp đó là TP Hồ Chí Minh. Nhưng có điều đặc biệt là các ca tử vong phần lớn đều là ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, trong khi phía Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào.

Sau khi phân tích và xem xét vì sao miền Bắc lại có số bệnh nhân kỉ lục và nhiều ca tử vong, các chuyên gia quốc tế cho rằng yếu tố khí hậu nóng ẩm trong nhiều ngày qua tại Hà Nội là một trong những điều kiện lý tưởng cho vi rút sởi phát triển.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, trước tình trạng bệnh sởi diễn biến phức tạp tại Hà Nội, Bộ trưởng đã hỏi ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về việc Hà Nội có công bố dịch sởi hay không, TS Hiền cho biết, phải báo cáo, xin ý kiến UBND Hà Nội.

“Công bố dịch hay không là quyền của UBND các tỉnh, Bộ Y tế không được phép can thiệp. Ví như với bệnh tay chân miệng, UBND tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn chủ động công bố dịch, không có sự tác động nào của Bộ Y tế. Trong tình huống này, chúng tôi cũng không được quyền trả lời thay y tế địa phương, hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến của UBND Hà Nội. Có công bố dịch hay không là quyền của họ, sau đó Bộ Y tế mới có thể có ý kiến”, nữ Bộ trưởng cho biết.

Bổ sung phác đồ điều trị sởi

PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đang gấp rút bổ sung vào phác đồ điều trị bệnh sởi, trong đó bổ sung một số thuốc điều trị tăng cường miễn dịch cho trẻ. Sau khi hoàn thiện, phác đồ điều trị sởi sẽ được chuyển đến tất cả các cơ sở điều trị từ tuyến cơ sở đến tuyến trung ương để áp dụng trong điều trị bệnh nhân sởi.

Cũng trong chiều 16/4, Giám đốc Nguyễn Khắc Hiền đã tham gia một cuộc họp “nóng” của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP Hà Nội  để nghe báo cáo và tìm giải pháp phòng chống dịch sởi.

Theo báo cáo từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát hiện 2.287 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 452/584 xã phường của 30 quận, huyện. Trong đó qua xét nghiệm có 1.052 ca dương tính với sởi (tổng số tính từ tháng 12/2013 là 1.062). Các quận, huyện có số bệnh nhân mắc bệnh đông gồm quận Hai Bà Trưng (122 ca); Đống Đa (97 ca); Hoàng Mai (95 ca); Hà Đông (76 ca); Ba Đình (58 ca). Những tuần gần đây, số ca mắc chững lại nhưng vẫn đang duy trì ở mức cao. Theo phân tích có 88,5% số ca mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, trong đó 24% là trẻ dưới 9 tháng tuổi.
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội từ khảo sát nhanh, đã xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân tại các khoa nhi của các Bệnh viện đa khoa công lập trên địa bàn. Cụ thể từ tháng đầu 3 đến nay số lượng bệnh nhân tăng đột biến từ 150 đến 200%, nguyên nhân chủ yếu là nhiễm sởi, sốt vi rút bội nhiễm viêm phổi.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, việc Hà Nội có công bố dịch hay không công bố không quan trọng, quan trọng nhất là phải triển khai quyết liệt và có hiệu quả công tác phòng chống dịch, khống chế dịch.

Thời gian qua, dịch sởi tại Hà Nội diễn biến rất phức tạp với hơn 1.000 ca mắc. “Trong số ca mắc sởi, có đến 88,5% do chưa tiêm chủng. Đây là điều trăn trở vì chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng chỉ rõ trách nhiệm phòng chống dịch là của Chủ tịch UBND các cấp. Cụ thể, các quận, huyện phải có trách nhiệm phòng ngừa ngay từ cơ sở, phân công trách nhiệm cụ thể từng cấp từng ngành, nắm rõ từng trường hợp trong đối tượng phòng chống dịch; kiểm tra thường xuyên công tác tiêm phòng, diễn biến dịch bệnh. Các gia đình không đưa con đi tiêm chủng, đề nghị phải làm việc với tổ dân phố đến động viên, tuyên truyền. Về các giải pháp, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, mục tiêu phải ngăn chặn, khống chế dịch ngay, không để phát triển thêm, hạn chế tối đa số ca tử vong.

Bà Ngọc cũng yêu cầu ngành y tế cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền để kêu gọi trẻ đi tiêm phòng đầy đủ.  Ngành y tế chủ trì cùng các quận/ huyện tổ chức tiêm vét đạt 95% trở lên. Hiện tỷ lệ tiêm mới đạt 75,3%, số trẻ còn lại cần phải tiêm là gần 2.000 cháu. Trong khi đó, nếu đạt tỉ lệ tiêm cao, đủ liều cả hai mũi, hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên đến 95% sẽ giảm được nguy cơ mắc sởi trong cộng đồng rất lớn.

Sáng 16/4, cùng thời điểm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhi điều trị sởi tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, bệnh nhi Hồ Ngọc P (9 tháng tuổi quê Hưng Yên) đã trút hơi thở cuối cùng sau hơn 1 tuần chống chọi với căn bệnh sởi tại đây. Như vậy, số bệnh nhi tử vong do sởi và các biến chứng liên quan đến sởi tại BV Nhi Trung ương đã tăng lên con số 104 cháu bé. Trưa cùng ngày tại khoa Nhi BV Bạch Mai cũng có thêm 1 trẻ tử vong do sởi nâng số ca tử vong liên quan đến sởi ở BV Bạch Mai lên 5 trường hợp và 1 trường hợp ở BV bệnh Nhiệt đới Trung ương. Như vậy tổng số ca tử vong do sởi là 110 trường hợp trong cả nước.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm