DMagazine

"Tôi hối hận khi phẫu thuật thẩm mỹ mắt hai mí ở tuổi 18"

(Dân trí) - Nhiều năm sau kể từ thời điểm dao kéo, nhà văn Iris Kim đã có những suy nghĩ của mình về việc phẫu thuật thẩm mỹ và tiêu chuẩn về cái đẹp phi thực tế tại Hàn Quốc.

Nhiều năm sau kể từ thời điểm dao kéo, nhà văn Iris Kim đã có những suy nghĩ của mình về việc phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc và tiêu chuẩn về cái đẹp không tưởng tại quê hương.

Hầu hết vào mùa hè trong tuổi thơ của tôi, bố mẹ đều gửi tôi về quê ngoại ở Seoul. Những buổi chiều oi ả, tôi nằm dài trên chiếc chiếu tre, xem những bộ phim truyền hình Hàn Quốc cùng các chương trình K-pop phát trên các kênh do chính phủ tài trợ.

Tôi mê mẩn ngắm nhìn những ngôi sao Hàn Quốc sở hữu thân hình mảnh mai cùng làn da trắng bóc trên màn ảnh với những cốt truyện bi kịch. Hay những thần tượng khoe những điệu nhảy cá tính, khỏe khoắn trên nền giai điệu K-pop sôi động.

Trông họ chẳng giống tôi chút nào, từ xương quai hàm nhỏ cho đến đôi mắt to tròn, làn da trắng sữa như trong phim hoạt hình.

"Tại sao mắt con không giống như vậy?". Tôi hỏi gia đình tôi.

"Đó là bởi vì họ đều đã phẫu thuật mắt hai mí", dì tôi giải thích. "Mọi nữ diễn viên mà con thấy đều đã trải qua một số cuộc phẫu thuật. Con cũng có thể phẫu thuật khi con lớn lên".

Sau buổi học thêm ông đón tôi đi bộ về nhà, tôi liếc nhìn những người phụ nữ đi ngang chúng tôi trên đường phố Bangbae-dong. Đôi mắt của họ trông giống như những gì tôi nhìn thấy trên vô tuyến, tròn và có nếp gấp phía trên mí mắt.

Mùa hè kết thúc, khi trở về nhà ở nước Mỹ, tôi soi mình trong gương phòng tắm và nheo mắt để tạo ra những nếp gấp với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Tôi cắt những miếng kích mí (loại băng keo trong suốt mỏng hình trăng lưỡi liềm) phù hợp với hình dạng mí mắt của mình, sau đó dán chúng lên mi.

Dải băng keo gấp da của tôi lại để tạo nếp gấp theo đường cong của mắt. Hài lòng, tôi mỉm cười với mình trong gương với đôi mắt mới do chính tôi tạo hình.

Ở Hàn Quốc rất ít người được sinh ra với đôi mắt hai mí, nhưng hầu như các thành viên trong gia đình tôi đều có đôi mắt hai mí bẩm sinh. Còn tôi thì ngược lại, nó dường như là sự sắp đặt nghiệt ngã của số phận đối với tôi từ khi sinh ra.

"Bố mẹ sẽ lo chi phí để con phẫu thuật. Con sẽ trông đẹp hơn với đôi mắt hai mí. Nó sẽ làm khuôn mặt con trở nên tươi sáng hơn". Bố mẹ tôi trấn an.

"Con sẽ trông đẹp hơn với mắt hai mí. Nó sẽ làm sáng khuôn mặt của con hơn"

Tại Mỹ ngày nay, hình dạng mắt của người Châu Á vẫn thường bị chế giễu bằng hàng loạt các hành động và cử chỉ phân biệt chủng tộc.

Những lời nhận xét từ các thành viên trong gia đình, vẻ đẹp thanh tao của ngôi sao Hàn Quốc và những tiêu chuẩn khuôn mẫu được xây dựng trong nhiều năm đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin để tôi có thể lựa chọn con đường phẫu thuật mí mắt.

Tôi hối hận khi phẫu thuật thẩm mỹ mắt hai mí ở tuổi 18 - 1

Tác giả Iris Kim trước khi phẫu thuật thẩm mỹ. (Ảnh: Harper's Bazaar)

Tôi có một người chị là người Mỹ gốc Hàn trở về từ Seoul vào mùa hè trước khi cô ấy học đại học. Đôi mắt của cô ấy tăng gấp ba lần kích thước so với trước đây. Toàn bộ khuôn mặt của cô ấy dường như đã được thay đổi hoàn toàn sau cuộc tiểu phẫu.

Đó là điều mà tôi cần. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh thay đổi cuộc đời sau phẫu thuật cắt mắt hai mí.

Tôi đã giải thích cho những người bạn hầu hết không phải người châu Á của mình ở trường trung học rằng cuộc phẫu thuật sẽ thay đổi điều gì. Tôi đã gặp phải những cái nhìn bối rối.

"Ý của bạn là gì, bạn đang muốn tạo một nếp gấp trên mắt sao?". Họ hỏi tôi đầy bối rối.

"Bạn có thấy mắt bạn có một nếp nhăn, một nắp gấp phía trên hàng mi không. Còn của tôi thì không?"

Tôi lấy ngón tay trỏ véo lớp da chùng trên mí mắt, mở to mắt để tạo ra một nếp gấp và giữ nguyên vị trí trong vài giây trước khi tôi chớp mắt.

"Vậy nên đây là những gì cuộc phẫu thuật sẽ làm". Tôi nói để chứng minh và đưa mắt trở lại bình thường. "Còn đây là không có. Hãy nhìn xem nó tạo ra sự khác biệt như thế nào".

Các bạn tôi lắc đầu cười khúc khích. "Chúng tôi thậm chí còn không biết rằng mí mắt là một tiêu chuẩn của cái đẹp đó", họ nói.

Hồi đó, tôi không hề ngạc nhiên khi biết rằng, bản thân đang mong muốn phẫu thuật thẩm mỹ để có được đôi mắt hai mí, trong khi những người khác không coi đó là tiêu chuẩn của cái đẹp.

Ngay trước thềm năm nhất đại học, mẹ tôi đã lên lịch tư vấn với một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng. Tôi và mẹ cùng nhau đến đó vào một buổi sáng sớm tháng bảy.

Bác sĩ tư vấn là một người điềm đạm, ăn mặc chỉnh tề. Ông giải thích rằng có hai loại phẫu thuật mắt hai mí khác nhau, theo thuật ngữ y học gọi là tạo hình mí mắt.

Như những gì được tư vấn, tôi có thể lựa chọn chỉ khâu thẩm mỹ hoặc kỹ thuật rạch xâm lấn. Ông ấy chẩn đoán mí mắt của tôi bị sụp mí, cơ yếu, chảy xệ. Điều này thường gặp ở những người có mắt một mí. Vị bác sĩ tư vấn nên rạch xâm lấn và thêm một cuộc phẫu thuật sụp mí để khắc phục tình trạng này. Đó là sự lựa chọn đắt tiền nhất.

Ông ấy lướt qua một vài bức ảnh trước và sau phẫu thuật tạo hình mí mắt trên màn hình máy tính để bàn của mình. Trái tim tôi nhảy dựng lên khi thấy một đôi mắt đẹp hoàn toàn mới. Bức ảnh sau phẫu thuật đã mở ra một thế giới đầy hy vọng và sự tin tưởng trong tôi vào dao kéo. Tôi đã sẵn sàng kể từ ngày tôi nhìn thấy ngôi sao K-pop đầu tiên của mình.

Mãi cho đến khi học đại học, tôi mới biết rằng phẫu thuật tạo hình mí mắt đã được phổ biến ở Hàn Quốc vào những năm 1950 bởi David Ralph Millard, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của quân đội Mỹ.

Các cuộc phẫu thuật đã được diễn ra ở Hàn Quốc thời hậu chiến, nơi khao khát những khuôn mẫu lý tưởng thể chất phương Tây, của những người đi chiếm đóng nước họ..

Các phòng khám cung cấp phẫu thuật tạo hình mí mắt và các thủ thuật khác nở rộ ở Hàn Quốc vào những năm 60 và đến những năm 90, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia phẫu thuật thẩm mỹ lớn trên thế giới.

Tôi hối hận khi phẫu thuật thẩm mỹ mắt hai mí ở tuổi 18 - 2
Chính phủ Hàn Quốc quảng cáo đất nước như một điểm đến du lịch phẫu thuật thẩm mỹ cho các nước châu Á láng giềng và phương tiện truyền thông Hàn Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Theo một số ước tính, Hàn Quốc hiện có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ trên đầu người cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Cứ ba người phụ nữ thì có một người đã trải qua một số loại phẫu thuật thẩm mỹ.

Chính phủ Hàn Quốc quảng cáo đất nước như một điểm đến du lịch phẫu thuật thẩm mỹ cho các nước châu Á láng giềng, tiêu thụ nội dung và phương tiện truyền thông Hàn Quốc.

Như So-Rim Lee đã viết trong The Drama Review: "Sự mở rộng toàn cầu của hai ngành công nghiệp do nhà nước tài trợ là K-pop và du lịch chăm sóc sức khỏe". Trong những năm 2010 đã dẫn đến "sự phổ biến đồng thời của hai ngành này", hình thành ý tưởng về cơ thể như một phần vốn có thể thay đổi được bằng phẫu thuật.

Cho đến nay, phẫu thuật tạo hình mí mắt là phẫu thuật phổ biến nhất và hiện được coi là một thủ thuật tương đối nhỏ. Bệnh nhân có thể tiếp tục công việc cuộc sống hàng ngày ngay sau đó, vì vết sưng thường giảm chỉ sau hai tuần.

Tất cả những gì bệnh nhân cần làm là đeo kính râm ở nơi công cộng trong khoảng một tuần. Đó dường như đã trở thành một nghi thức ở độ tuổi trưởng thành với các bạn trẻ Hàn Quốc.

Các bậc phụ huynh ở đây thanh toán hóa đơn phẫu thuật thẩm mỹ như một món quà tốt nghiệp dành cho sự nỗ lực của con cái mình sau khi trải qua hệ thống giáo dục nghiêm ngặt nổi tiếng của Hàn Quốc.

Hàn Quốc có một thị trường việc làm cực kỳ phân biệt giới tính và có sức cạnh tranh cao. Trong xã hội có sự phân biệt giới tính cao của Hàn Quốc, đàn ông không phải đáp ứng những kỳ vọng gần như cứng nhắc về hình dạng khuôn mặt hoặc mắt ở nơi làm việc, nhưng các ứng viên nữ thường bị đánh giá trắng trợn dựa trên sức hấp dẫn của họ.

Đôi mắt to sau cuộc phẫu thuật có thể tăng cơ hội thành công trong sự nghiệp của người phụ nữ. Trước tình trạng phân biệt giới tính tràn lan như vậy, thật khó để đổ lỗi cho những người phụ nữ trẻ cố gắng thực hiện các cuộc phẫu thuật để tăng kích thước đôi mắt hay bậc cha mẹ đã hỗ trợ cho nỗ lực của họ.

Tôi hối hận khi phẫu thuật thẩm mỹ mắt hai mí ở tuổi 18 - 3

Con mắt sau phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình hai mí (Ảnh: Harper's Bazaar).

Những gì tôi nhớ về ca phẫu thuật là việc bác sĩ trải một tấm vải màu xanh nhạt có khoét mắt trên cơ thể tôi. Tôi từ từ hít vào và thở ra bằng lỗ mũi, cẩn thận để không làm dịch chuyển tấm màn vô trùng. Những mũi tiêm gây mê, như những gì người bạn Mỹ gốc Hàn của tôi đã trải qua ca phẫu thuật đã cảnh báo. Nó vô cùng đau đớn.

Có tổng cộng bốn mũi tiêm trên mỗi góc mí mắt. Mỗi cảm giác giống như bị một con ong bắp cày chích và cực kỳ đau đớn và tôi hét lên trong lòng mỗi khi cảm thấy bị chích.

Phần còn lại là một ký ức mơ hồ, tôi trôi vào trạng thái trốn chạy, nửa mê sảng vì đau đớn, nửa bình yên lạ lùng trong khoảnh khắc định mệnh không thể tránh khỏi này.

Sau cuộc phẫu thuật, mí mắt của tôi tê liệt vì thuốc mê kéo dài, tôi loạng choạng bước ra khỏi văn phòng. Mắt tôi sưng lên, rỉ máu qua vết phẫu thuật. Tôi đeo chiếc kính râm lớn, nắm tay mẹ và trở về nhà. Tôi ngả ghế ra sau hết mức có thể. Trong suốt chuyến đi, tôi chườm túi nước đá bọc trong khăn giấy lên mắt để giảm sưng và thấm máu, trong khi mẹ tôi ngân nga theo điệu nhạc cổ điển.

"Nếp mí mới rạch của tôi không cân đối, bên trái rõ hơn bên phải một chút"

Khi vết sưng đã giảm đủ để tôi mạo hiểm ra ngoài, tôi và mẹ lái xe quay lại để cắt chỉ. Trong vài tháng đầu tiên sau cuộc phẫu thuật, tôi ghét đôi mắt của mình. Bác sĩ không phải là phù thủy thẩm mỹ như những gì ông ta đã tuyên bố trước đó.

Nếp mí mới rạch của tôi bị lệch, bên trái rõ hơn bên phải một chút. Tôi bực bội với khoảng cách bị lệch nửa milimet trên mắt trái của mình. Đối với tôi nó trông như một hẻm núi đang bị khoét mà ngay cả những người đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy.

Tôi hối hận khi phẫu thuật thẩm mỹ mắt hai mí ở tuổi 18 - 4
Tác giả tại lễ tốt nghiệp đại học của cô. (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nick Lie)

Mặc dù vào mỗi mùa hè, tôi được bố mẹ cho bay qua Thái Bình Dương về quê hương với mục đích khiến tôi trở nên "Hàn Quốc hóa" nhiều hơn, nhưng thay vào đó, tôi lại cố gắng để cải thiện ngoại hình của mình bằng cách trải qua một ca phẫu thuật mà một bác sĩ phương Tây du nhập vào Hàn Quốc thực hiện.

Trớ trêu thay, các tiêu chuẩn sắc đẹp phương Tây thậm chí có thể trở nên méo mó và xấu xí hơn ở các quốc gia không phải phương Tây.

Hơn nữa, ở các quốc gia phương Tây, tiêu chuẩn sắc đẹp đặc biệt là các đặc điểm ngoại hình mang nét riêng của dân tộc kết hợp với nét đẹp sắc sảo của châu Âu.

Điển hình có thể thấy như Henry Golding, nam diễn viên mang một nửa dòng máu châu Á. Nét đẹp châu Á của anh được pha trộn với nét đẹp châu Âu như một sự cân bằng hoàn hảo giữa Đông và Tây.

Ngoài ra, xu hướng mắt xếch cũng trở thành một phong cách phổ biến trên Tiktok. Những người có ảnh hưởng như Kendall Jenner và Emma Chamberlain đã tạo nên vẻ quyến rũ, cá tính khi sở hữu "đôi mắt cáo" ấy.

Người phương Tây muốn sở hữu một làn da trắng rám nắng để trông "rực rỡ" hơn với làn da mang "màu oliu". Tuy nhiên, cơ thể thực tế với tông da mà họ mong muốn được coi là kém hấp dẫn hơn nhiều đối với sắc đẹp và sự hấp dẫn tự nhiên của người châu Âu.

Con dao là vũ khí thuộc địa hay là công cụ tạo nên vẻ đẹp phi thực tế?

Những người bạn Mỹ gốc Hàn của tôi và tôi gần đây đã thảo luận về những người đã trải qua phẫu thuật mắt hai mí khi còn là thanh thiếu niên. Chúng tôi có hối hận hay không khi biết những gì chúng tôi đã làm có khiến chúng tôi cảm thấy hài lòng với lựa chọn của mình? Câu trả lời phức tạp hơn tôi muốn thừa nhận.

Ngay sau khi phẫu thuật, trong thời gian học đại học, tôi cảm thấy tự tin hơn với đôi mắt mới "Mỹ" hơn. Điều này khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn khi ở trong các mối quan hệ với bạn bè người da trắng ở trường học.

Tôi hối hận khi phẫu thuật thẩm mỹ mắt hai mí ở tuổi 18 - 5
Tác giả sau vài năm phẫu thuật thẩm mỹ. (Ảnh: RANDY SHROPSHIRE)

Bảy năm sau cuộc phẫu thuật cắt mí, nếp gấp lệch bên phải của tôi gần như đã được nới lỏng hoàn toàn. Vết lõm sâu trước đây giờ chỉ còn là một vết hằn mờ nhạt. Nhưng tôi vẫn hiếm khi cho những người bạn thân nhất của mình thấy tôi trông thế nào khi không trang điểm mắt.

Nhiều người góp ý với tôi hãy sửa lại đôi mắt của mình cho hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, những gì tôi đã trải qua trong bảy năm, sự đau đớn về thể xác khi phẫu thuật và cả lúc đau đớn khi nhìn thấy mí mắt bị xếp một cách lộn xộn khiến tôi không muốn làm theo những gì họ góp ý.

Con dao là vũ khí ám ảnh chúng ta, gây ra vết thương lâu dài, hay là công cụ của thế kỷ 21 có thể giúp chúng ta có được nhiều sự ưu ái hơn, bất chấp cái giá phải trả?

Chúng ta có thể thừa nhận những lời chỉ trích về phẫu thuật thẩm mỹ và xu hướng đẹp của phương Tây trong khi không lên án những người lựa chọn nó hay không?

Trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, từ các loại kem chống lão hóa được sử dụng rộng rãi ở Hàn Quốc cho đến phẫu thuật tạo hình mí mắt, chúng ta thấy được rằng ranh giới giữa vẻ đẹp tự nhiên và nhân tạo quả thực quá mong manh.

Chỉ có một cảm giác không đổi là mỗi lần trở lại Hàn Quốc, tôi lại nhìn thấy những người phụ nữ giống nhau trên đường phố, những người có mái tóc hoàn hảo trong ký ức tuổi thơ của tôi. Tôi tự hỏi sẽ như thế nào nếu trông giống như họ. Tôi cố gắng kìm nén những suy nghĩ đó nhiều nhất có thể.

Nội dung: Bùi Ngọc

Thiết kế:Huy Khánh