Sự thật đằng sau những bài đăng cổ vũ phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng

Khánh Hoài

(Dân trí) - "Làm đẹp vốn dĩ đã phải đánh cược 50/50, đạt được 80% như kỳ vọng có thể coi là phẫu thuật thẩm mỹ thành công", một người từng nhiều lần phẫu thuật thẩm mỹ, chia sẻ.

Quảng cáo tràn lan 

Hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ trở nên phổ biến. Việc này mang lại ngoại hình cho người thực hiện, nhưng mặt khác, kéo theo nhiều hệ lụy, đỉnh điểm là sự trả giá bằng cả tính mạng của hàng loạt phụ nữ từ trẻ tuổi đến trung niên.

Sự thật đằng sau những bài đăng cổ vũ phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng - 1

Người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên được lấy làm hình mẫu cổ xúy trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ những năm gần đây (Ảnh chụp màn hình).

Theo ước tính của Fortune Business Insights, ngành thẩm mỹ dự đoán sẽ chiếm 58,78 tỷ USD vào năm 2028, cao hơn nhiều lần so với năm 2018 chỉ đạt mức 962,7 triệu USD. Còn theo Market Research, thị trường làm đẹp tại Việt Nam vào năm 2021 tăng trưởng 6,22% so với các năm trước.

Trong giai đoạn bùng nổ sự phát triển của Internet và mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bài đăng quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ để có nhan sắc đẹp như siêu sao và người nổi tiếng. Từ đó, trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ để có vẻ ngoài giống với thần tượng của mình, hay đơn giản có vẻ ngoài thu hút hơn, thậm chí muốn đổi đời, đã thẩm thấu vào tư duy của nhiều bạn trẻ, không chỉ nữ giới mà cả nam giới.

Có cầu ắt có cung, các cơ sở y tế, thẩm mỹ viện phục vụ cho công cuộc làm đẹp, trùng tu nhan sắc mọc lên như nấm trong vài năm trở lại đây. Bằng nhiều hình thức quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, TikTok hay YouTube, hầu hết cơ sở làm đẹp đều tâng bốc về chất lượng, sự hài lòng của khách hàng, kèm theo hình ảnh hay câu chuyện phẫu thuật thẩm mỹ thành công nhằm thu hút khách hàng.

Tuy nhiên trên thực tế, việc lựa chọn cơ sở y tế, hay thẩm mỹ không chỉ đơn giản dừng ở việc xem quảng cáo rồi đưa ra quyết định ngay tức khắc như mua một món đồ. Với dịch vụ này, khách hàng cần phải xem xét kỹ lưỡng chất lượng của cơ sở làm đẹp, các y bác sỹ, giá cả, điều kiện về sức khỏe của bản thân... Chính vì vậy, hàng loạt beauty blogger (người có ảnh hưởng về việc làm đẹp trên mạng) hay Tiktoker, thậm chí cả bác sĩ trong ngành, đã đưa ra lời khuyên cho khách hàng có ý định phẫu thuật thẩm mỹ.

Kẻ tung hô, người phán xét phẫu thuật thẩm mỹ

Tìm kiếm từ khóa "phẫu thuật thẩm mỹ" trên YouTube sẽ cho ra vô số video của những người có ảnh hưởng trong giới làm đẹp tại Việt Nam. Điển hình như kênh của H.L, một beauty blogger với hơn 1 triệu người đăng ký trên YouTube, có video về quá trình phẫu thuật nâng sống mũi. Cô đã chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết của bản thân làm thông tin tham khảo cho người đang có ý định làm đẹp bằng dao kéo.

Video này thu hút hàng chục ngàn lượt xem. Trong phần bình luận, nhiều cô gái trẻ cho biết video này tiếp thêm động lực để họ quyết định đi sửa mũi.

Sự thật đằng sau những bài đăng cổ vũ phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng - 2

Hot beauty blogger chia sẻ về việc phẫu thuật thẩm mỹ (Ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh đó, cũng có một số beauty blogger đã thẳng thắn chia sẻ rằng đã hối hận vì quyết định phẫu thuật thẩm mỹ của mình. Nữ chủ nhân của một kênh YouTube khác đã đăng tải video về trải nghiệm kinh hoàng tháo sụn mũi sau một tháng thực hiện tiểu phẫu vì lý do nhiễm trùng.

Nữ Youtuber này cho biết cô cảm thấy vô cùng tuyệt vọng và stress khi đã dành quá nhiều tiền, thời gian và sức khỏe nhưng đổi lại kết quả không được như ý muốn.

Trên TikTok, kênh cá nhân của một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có tiếng hiện thu hút hơn 200 nghìn người theo dõi và 2,5 triệu lượt thích, có nội dung chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm của người trong nghề xoay quanh việc cắt mí, nâng mũi, nâng ngực, thậm chí giải thích những định kiến của xã hội về ngành phẫu thuật thẩm mỹ.

Tất cả nội dung này phần nào đưa người xem có cái nhìn thực tế hơn về việc làm đẹp hiện nay. Vị bác sĩ tuyên bố đã làm tổng cộng gần 730 nghìn ca nâng mũi và sửa mũi trong suốt thời gian hành nghề của mình. Bên cạnh đó, anh cũng cho biết đã xử lý rất nhiều trường hợp "giời ơi đất hỡi" từ những spa làm đẹp để lại. Thông tin này mới chỉ là một chiều nhưng thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng.

Kết quả của chạy đua làm đẹp bằng công nghệ vốn dĩ là 50/50

Sự thật đằng sau những bài đăng cổ vũ phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng - 3

Nhiều người mong muốn có vẻ ngoài lộng lẫy nên đi tìm tới phương pháp bằng dao kéo (Ảnh: Dân Trí).

Chị Cẩm Tú (sinh sống tại Quảng Ninh) đã từng nhiều lần phải sửa lại mũi do kết quả không như ý muốn. Sau khi trải qua quá trình thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần, chị rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân.

Việc đầu tiên là nên tìm hiểu kỹ cơ sở thẩm mỹ và người sẽ chịu trách nhiệm thực hiện cho mình là ai. Theo chị, nên chọn bác sĩ chuẩn, chất lượng, người có bằng cấp và chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ đầy đủ; thường trong khi nghe tư vấn, chị sẽ hỏi trực tiếp về vấn đề này. Chị đã từng gặp nhiều trường hợp chọn phải bác sĩ, người làm không có chuyên môn, hậu quả nhận lại là làm đẹp không thấy, chỉ thấy mất của, mất thời gian đi sửa chữa, thậm chí còn làm cho khuôn mặt xấu đi.

Bên cạnh đó, người có nhu cầu làm đẹp trước khi thực hiện bất cứ tiểu phẫu hay đại phẫu nào cần phải được kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm một số hạng mục cần thiết và thử phản ứng thuốc; những bước chuẩn bị này cơ sở thẩm mỹ sẽ đảm nhiệm. Chị Tú cho biết đây cũng là một trong những cách để phân biệt giữa bệnh viện uy tín và "lò mổ" không đạt chất lượng.

Thứ hai, chị Cẩm Tú khẳng định rằng mỗi người cần biết hài lòng với ngoại hình của bản thân mình và không nên chạy theo xu hướng. Bản thân chị tìm đến những bác sỹ có kinh nghiệm, chuyên môn nhưng vì kết quả không như chị mong đợi nên phải làm đi làm lại nhiều lần. "Làm đẹp vốn dĩ đã phải đánh cược 50/50, đạt được 80% như kỳ vọng có thể coi là phẫu thuật thẩm mỹ thành công", chị chia sẻ.

Bên cạnh đó, chị cũng khuyên rằng không nên phẫu thuật quá đà, hậu quả không chỉ gây ra những tác hại về sức khỏe như viêm nhiễm, hoại tử mà còn tốn thêm chi phí, thời gian, thậm chí chữa "lợn lành thành lợn què."

Sự thật đằng sau những bài đăng cổ vũ phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng - 4

Phẫu thuật thẩm mỹ quá đà sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho người thực hiện (Ảnh: Dân Trí).

Còn theo chia sẻ của chị Trang (nhân viên văn phòng tại Hà Nội), vì tình cờ một lần xem chương trình phát trên TV nói về một ca phẫu thuật thẩm mỹ thành công thay đổi cả cuộc đời của nhân vật nên mẹ chị đã gợi ý chị về việc "trùng tu" nhan sắc bằng dao kéo. May mắn hơn nhiều người khác, chị đã có một vẻ ngoài nổi bật hơn, ưa nhìn hơn.

Chị bộc bạch: "Phải mất một thời gian mình mới có thể quen với dung mạo mới, mặc dù mình có thực hiện phẫu thuật nhưng tất cả những phương pháp mình làm đều là tiểu phẫu, như nâng mũi vừa đủ hay cắt mí mắt nên ngoại hình không thay đổi quá nhiều so với trước. Tuy nhiên, mình vẫn cảm thấy may mắn vì phẫu thuật đã thành công, nhiều người nhận xét rằng vẻ ngoài tự nhiên, không bị quá giả".

Suy nghĩ về việc phẫu thuật thẩm mỹ, chị Trang cho biết thêm, mặc dù chị là người đầu tiên và duy nhất thực hiện những ca làm đẹp bằng dao kéo, tuy nhiên, chị luôn có cái nhìn tích cực cho việc này. Nữ nhân viên cho rằng, phẫu thuật nếu thành công sẽ được nhiều hơn mất, giúp chị tăng sự tự tin, phong thái từ đó các cơ hội về tình yêu, việc làm cũng đến nhiều hơn. Từ khi hoàn thành những lần "trùng tu" nhan sắc, chị đã và đang dần trải nghiệm những kết quả tốt đẹp mà thẩm mỹ mang lại.

Mục Nhịp Sống Trẻ rất mong nhận được ý kiến bình luận của bạn về chủ đề của bài viết. Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn nhé!