Ngắm nữ sinh trường Múa biểu diễn ballet trong kỳ thi tốt nghiệp
(Dân trí) - Trong 3 ngày từ 1 - 3/6, Học viện Múa Việt Nam (Hà Nội) tổ chức chương trình Thi tốt nghiệp ngành Nghệ thuật biểu diễn kịch múa với sự tham gia của hàng chục nữ sinh tại nhiều khóa, lớp.
Sáng 1/6 tại Sân khấu C - Học viện Múa Việt Nam (Mai Dịch, Hà Nội) - đã diễn ra Chương trình thi tốt nghiệp ngành Nghệ thuật biểu diễn, Kịch múa trình độ Trung cấp các khóa 5K41/6KM và 5K1/5KM.
Chương trình kéo dài trong 3 ngày từ 1- 3/6 với nhiều nội dung thi như: Múa Cổ điển châu Âu cho nam và nữ; Múa Dân gian dân tộc Việt Nam; Kỹ thuật biểu diễn tác phẩm múa; Múa Đương đại...
Mở đầu ngày thi là các phần thi Múa Cổ điển châu Âu lớp 5K41/6 nữ A. Đây là buổi thi được mong chờ nhất trong các ngày thi khi khán giả được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các chú nữ sinh thể hiện những động tác khó nhất, đẹp nhất của ballet.
Các nữ sinh đeo số báo danh, thể hiện các động tác cơ bản nhất trong Múa ballet Cổ điển châu Âu để Ban giám khảo chấm điểm trực tiếp.
Nữ sinh Vũ Khánh Băng lớp Múa Cổ điển châu Âu với động tác fouette - động tác xoay liên tục 32 vòng tại chỗ bằng mũi ngón chân.
Cuối chương trình buổi sáng là phần thi các nội dung Múa Dân gian dân tộc Việt Nam của lớp K1/5 Kịch múa.
Các phần thi bao gồm: Dân tộc Kinh (múa ngón); Dân tộc Tày (phần quạt); Dân tộc Thái (phần khăn); Dân tộc Lô Lô; Dân tộc Mông (phần ô); Dân tộc Dao (phần chũm chọe); Dân tộc Khơ Mú, Dân tộc Ê đê và Dân tộc Gia Rai.
Khác hoàn toàn với động tác múa của Cổ điển châu Âu, múa Dân gian dân tộc Việt Nam thể hiện những động tác đậm nét đặc trưng văn hóa dân tộc Việt truyền qua ngàn năm, biến tấu từ các hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt... trong đời sống nhân dân bao đời nay.
"Em cảm thấy khá hài lòng về bài thi của mình, nhưng mà có rất nhiều cảm xúc lẫn lộn ạ. Vì cũng là kết thúc chặng đường 5 năm môn Dân gian tại ngôi trường này, lúc làm đến bài cuối cùng em cảm thấy nghẹn ngào và lúc kết thúc thì òa khóc luôn ạ. Có rất nhiều tình cảm được xây đắp cùng các bạn, cùng cô Thoa giảng viên phụ trách môn Dân gian lớp em", nữ sinh Bùi Ngọc Lam (số báo danh 07) tâm sự.
"Với nghề múa em nghĩ khó khăn nhất là sự bền bỉ và kiên trì. Đây là nghề làm việc với cường độ tập luyện cao và vất vả, phải ép cân nếu có tăng số cân quy định, phải duy trì thể lực và cả độ mềm dẻo... Sau khi ra trường em có ý định làm diễn viên trải nghiệm cuộc sống bên ngoài một thời gian, sau đó sẽ quyết định học lên tiếp trình độ đại học", nữ sinh múa 18 tuổi tâm sự thêm khi kết thúc phần thi của mình.
Trước đó, vào buổi chiều ngày 31/5 tại Nhà hát Tài năng trẻ (Sân khấu A3) trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cũng đã diễn ra Chương trình thi tốt nghiệp K39 ngành Huấn luyện múa - Biên đạo múa (hệ Đại học chính quy, Khóa học 2019 - 2023).
Mặc dù là chương trình thi cho các huấn luyện viên/biên đạo, tuy nhiên cũng có sự tham gia của phần lớn các bạn trẻ sinh viên trường Múa.
Các nữ sinh tham gia biểu diễn tiết mục múa Cổ điển châu Âu.
Các diễn viên tham gia tiết mục có nhiều sinh viên đang học trong trường múa và cả những diễn viên đã tốt nghiệp đi làm được nhiều năm. Dù là bài thi của các biên đạo/huấn luyện viên nhưng họ có sự tập luyện, chuẩn bị kỹ càng như chính phần thi của cá nhân mình vậy.
Chương trình thi tốt nghiệp múa của các nữ sinh Học viện Múa Việt Nam và các huấn luyện viên/biên đạo múa trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội diễn ra trong 2 ngày đã kết thúc tốt đẹp.
Ngày 2 - 3/6, tại trường Học viện Múa Việt Nam sẽ tiếp tục thi các nội dung múa Dân gian dân tộc Việt Nam, múa Đương đại và Kỹ thuật biểu diễn tác phẩm múa.
Bài và ảnh: Minh Quân