DNews

Giới trẻ Nhật Bản kiệt sức vì "mắc kẹt" trong văn hóa công sở lỗi thời

Việt Trinh

(Dân trí) - Để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhiều người trẻ Nhật Bản quyết định tìm kiếm cơ hội mới ở các nước phương Tây.

Giới trẻ Nhật Bản kiệt sức vì "mắc kẹt" trong văn hóa công sở lỗi thời

Khi mới gia nhập công ty ngay sau khi tốt nghiệp đại học tại Nhật Bản, Jun Shigeno (24 tuổi) mang trong mình sự nhiệt huyết với công việc, hào hứng được học hỏi, phát triển kỹ năng và đóng góp vào sự phát triển của công ty. Hơn thế nữa, anh mong muốn tiết kiệm được một khoản tiền sau khi bước vào chốn công sở.

Tuy nhiên, sau hai năm làm việc, Jun Shigeno luôn trong tình trạng mệt mỏi, hiếm khi có thời gian gặp bạn bè và gia đình. Số tiền trong tài khoản ngân hàng của anh chỉ "nhỉnh" hơn một chút so với trước đây.

Chứng kiến các đồng nghiệp tiền bối "vật lộn" với công việc, chàng trai 24 tuổi lo sợ rằng, áp lực làm việc đè nặng lên anh sẽ trở nên khốc liệt hơn. Chính vì vậy, Shigeno bắt đầu tìm kiếm các công việc ở các nước như Đức và Canada.

Giới trẻ Nhật Bản kiệt sức vì mắc kẹt trong văn hóa công sở lỗi thời - 1
Nhiều người trẻ Nhật Bản chia sẻ, lịch làm việc dày đặc khiến họ không có thời gian dành cho bản thân (Ảnh: AP).

Văn hóa công sở lỗi thời

Khi Nhật Bản đang vật lộn với tình trạng thiếu nhân lực ngày càng trầm trọng, những nhân viên có trình độ và năng lực là đối tượng các công ty nên tìm cách giữ chân. Nhưng đối với nhiều người trẻ, văn hóa doanh nghiệp lỗi thời đang đẩy họ ra xa hơn.

Trong quá trình tuyển dụng, công ty của Shigeno đã trấn an rằng, họ muốn nhân viên có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng điều đó không kéo dài được lâu.

"Ban đầu thì đúng là như vậy. Bây giờ, tôi phải làm tối thiểu 60 tiếng mỗi tháng, thậm chí có thể lên tới 80 tiếng", Jun Shigeno chia sẻ với SCMP.

Mặc dù làm việc trong 80 tiếng, chàng trai Nhật Bản chỉ được trả lương trong 40 tiếng. Đây là quy định được áp dụng tại hầu hết công ty ở xứ sở hoa anh đào.

"Lịch làm việc dày đặc cùng mức lương không khá hơn so với các nước châu Âu khiến tôi không có thời gian dành cho bản thân. Thậm chí, tôi còn phải đi học vào cuối tuần", nam thanh niên cho hay.

Công ty của Shigeno mong muốn anh có 3 bằng cấp chuyên môn bổ sung hàng năm. Vì vậy, Jun Shigeno phải đi học với lịch học duy nhất là vào cuối tuần.

Giới trẻ Nhật Bản kiệt sức vì mắc kẹt trong văn hóa công sở lỗi thời - 2

Việc thanh niên Nhật Bản xuất ngoại làm việc có thể mang lại một số lợi ích nhất định (Ảnh: AFP).

Nagisa Ota - vợ sắp cưới của Shigeno - cũng cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình và sẵn sàng chuyển sang nơi khác để sinh sống, làm việc.

"Tôi cảm thấy việc đi làm ở Nhật Bản không dành cho tôi. Tôi từng hoàn thành khóa thực tập ở Úc và cảm thấy rất hài lòng với thái độ làm việc tại đây.

Tại đó, không ai nhắc đến công việc một khi đã tan làm và mọi người sẽ đi về đúng giờ vào cuối tuần. Đối với người Úc, họ không coi công việc là trọng tâm của cả cuộc đời. Đây chính là phương châm mà tôi hướng đến, tôi chỉ muốn có chút tự do mà thôi", Nagisa Ota cho biết.

Mặc dù không có số liệu chính thức của chính phủ về số lượng thanh niên Nhật Bản nghỉ việc để tìm công việc ở nước ngoài, các trường hợp của nhiều cá nhân đã chứng minh, đây là xu hướng dần trở nên phổ biến với những đối tượng trẻ.

Giới trẻ Nhật Bản kiệt sức vì mắc kẹt trong văn hóa công sở lỗi thời - 3

Sự khác biệt về quan điểm và thói quen nơi công sở khiến nhiều thanh niên Nhật Bản xuất ngoại để làm việc (Ảnh: Bloomberg).

Martin Schulz - nhà kinh tế chính sách thuộc Đơn vị tình báo thị trường toàn cầu của Fujitsu - cho biết, việc thanh niên Nhật Bản xuất ngoại làm việc có thể mang lại một số lợi ích.

"Có thể nói, vài năm qua, có quá ít người Nhật Bản đi ra nước ngoài. Khi thế giới chúng ta xích lại gần nhau, học hỏi các kỹ năng và quan điểm mới của nhiều quốc gia khác trên thế giới là việc cần thiết", Martin Schulz chia sẻ.

Theo ông, việc phát triển năng lực trong các môi trường khác biệt sẽ cho phép người trẻ củng cố và tích lũy những kinh nghiệm mà họ có thể áp dụng khi quay trở lại Nhật Bản.

Mắc kẹt trong thế giới nhỏ bé

Emily Izawa - 21 tuổi, người Nhật Bản, sinh viên năm 3 tại một trường đại học ở Tokyo - đã bị sốc trước những quan điểm khác biệt về công việc sau khi trải qua hai tháng sinh sống ở châu Âu.

"Tại Nhật Bản, hầu như mọi người sẽ gắn bó với một công việc cho đến cuối sự nghiệp, còn người châu Âu lại có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt. Để được thăng chức, khả năng làm việc là yếu tố quan trọng nhất bởi họ không quan trọng tuổi tác, giới tính hay ngôi trường mà bạn theo học", Emily Izawa nói.

Không chỉ vậy, nữ sinh 21 tuổi cho biết, phụ nữ ở châu Âu có thể cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Trong khi tại Nhật Bản, nhiều bà mẹ phải hy sinh một trong hai. Thậm chí, nhiều công ty ở xứ sở hoa anh đào không muốn thăng chức cho phụ nữ vì cho rằng, họ sẽ nghỉ việc sau khi lập gia đình.

Bên cạnh đó, thói quen nói chuyện thoải mái, bình đẳng của người nước ngoài là yếu tố khác khiến Emily Izawa bất ngờ so với phong cách trò chuyện nghiêm túc và trang trọng của người Nhật Bản.

"Tôi cảm thấy mình như đang bị mắc kẹt trong một thế giới nhỏ bé ở Nhật Bản. Tôi muốn nhiều hơn những gì đất nước này có thể mang lại", Alyssa Hirata - nữ sinh quyết định nghỉ việc sau 18 tháng làm tại công ty Nhật Bản - cho biết.

Giới trẻ Nhật Bản kiệt sức vì mắc kẹt trong văn hóa công sở lỗi thời - 4

Quan niệm công việc là tất cả của người Nhật Bản khiến không ít người trẻ quyết định chuyển tới các nước phương Tây để làm việc (Ảnh: EPA-EFE).

Hirata (23 tuổi) đang tham gia một khóa học đào tạo tiếp viên máy bay và hy vọng sẽ tìm được việc ở một công ty nước ngoài.

"Tại công ty trước của tôi, mọi người đều coi công việc là toàn bộ cuộc sống của họ. Tôi không đồng ý với quan niệm đó và đã phá vỡ các quy tắc bất thành văn tại nơi công sở. Một trong số đó là tan làm và về nhà đúng giờ.

Nhiều đồng nghiệp nói tôi dũng cảm nhưng tôi không quan tâm, bởi bản thân tôi chỉ muốn dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Tôi muốn tự quyết định tương lai của chính mình và phương pháp tối ưu nhất là làm việc ở nước ngoài", Hirata chia sẻ.