CEO Hà Nội 18 tuổi gọi vốn thành công từ Shark Hưng là ai?
(Dân trí) - Sau khi bị mẹ từ chối mở rộng vốn, Đinh Phúc Khang quyết định đến chương trình "Shark Tank" để kêu gọi.
Bộ suit 3 mảnh tông xám, giày da, chiếc cà vạt đỏ đồng điệu với túi hình con mèo đã tạo nên vẻ ngoài chững chạc, có phần già hơn tuổi của Đinh Phúc Khang khi xuất hiện tại Shark Tank. Thần thái tự tin, cách trình bày thuyết phục của Khang càng khiến nhiều người xem không thể tin chàng trai này chỉ mới 18 tuổi.
Thậm chí, Phúc Khang đang điều hành công ty túi xách của riêng mình. Đặc biệt, nam sinh này xử lý mọi công việc khi sống ở nơi cách công ty nửa vòng Trái Đất.
Khang lớn lên tại Hà Nội. Hiện tại, nam sinh thường trú ở bang Virginia (Mỹ) và theo học cấp 3 tại Woodberry Forest School. Vì học nội trú, Khang dành phần lớn thời gian ở khuôn viên trường. Sau khi học xong buổi sáng và chiều, Khang tham gia một số hoạt động ngoại khóa. Đến tối, Khang tập trung xử lý các công việc của công ty.
Giấc mơ của người họa sĩ
"Vì rất thích màu đỏ nên khi lên hình Shark Tank, tôi đeo cà vạt đỏ. Nếu có thể tóm gọn phong cách của tôi bằng một từ, đó sẽ là rock chic. Tôi thích phong cách của nhà thiết kế Hedi Slimane.
Phong cách này trông hơi bụi bặm qua những chiếc áo da biker hay cũng có thể lịch lãm khi mặc bộ suit trào lưu mod (phong cách hoài cổ của giới tri thức) những năm 1960 tại Anh. Khi đi gọi vốn, tôi chọn suit để hợp với tình cảnh", chàng trai SN 2005 mở đầu cuộc phỏng vấn với phóng viên Dân trí bằng câu chuyện thời trang.
Từ khi còn là cậu học sinh cấp 2, Phúc Khang đã nhận ra bản thân có niềm đam mê với thời trang. Là em trai của MC Mai Ngọc, Khang có cơ hội tiếp xúc với môi trường kinh doanh sớm. Năm 2021, Khang được học hỏi nhiều điều khi làm stylist tại tuần lễ thời trang Việt Nam.
Khi học cấp 3 tại Mỹ, Phúc Khang phát hiện mình yêu thích hội họa và nghệ thuật ứng dụng. Bố mẹ Khang rất am hiểu về hội họa, đặc biệt là tranh sơn mài Việt Nam. Do đó, chàng trai càng cảm thấy yêu nghệ thuật truyền thống của quê hương.
Năm 2022, Khang quyết định thành lập thương hiệu riêng mang tên L'Arlésīenne để có thể gửi gắm nền văn hóa đặc sắc qua những chiếc túi.
Khang bày tỏ quan điểm: "Tôi nghĩ cách để phát triển nền văn hóa Việt Nam là culture export (xuất khẩu văn hóa). Hiện nay, xu hướng này rất thịnh hành tại những nước giàu di sản như Hàn Quốc và Nhật Bản. Với việc hiện đại hóa nghệ thuật và bản sắc truyền thống, tôi mong có thể góp phần phát triển văn hóa Việt Nam ra thế giới".
Phúc Khang đặt tên thương hiệu là L'Arlésīenne (cô gái đến từ Arles), dựa vào nguồn cảm hứng từ vở opera của Alphonse Daudet. L'Arlésīenne được ví như giấc mơ không thể chạm tới được. Khang khiêm tốn khi cảm thấy tầm nhìn của mình cho thương hiệu vẫn còn khá xa so với hiện thực.
Họa sĩ luôn muốn các tác phẩm của họ phải hoàn hảo. Song sự cầu toàn này thường không khả thi. Vì vậy, Khang lấy cái tên L'Arlésīenne để tượng trưng cho giấc mơ người họa sĩ, luôn cải thiện để khiến bản thân tiến bộ hơn.
"Tự thân vận động" sau lời từ chối của mẹ
Vì vẫn còn là học sinh cấp 3, chưa có khả năng tự tạo thu nhập, Phúc Khang bắt đầu giấc mơ xây dựng thương hiệu bằng cách huy động vốn từ người thân. Sau khi trình bày ý tưởng chi tiết, mẹ Khang đồng ý đầu tư.
"Tiền vốn điều lệ của tôi là một khoản đầu tư từ gia đình. Được gia đình hỗ trợ về mặt tài chính lẫn tinh thần là điều khiến tôi thấy may mắn. Tuy nhiên sau đó, tôi vẫn quyết định lên gọi vốn tại Shark Tank. Bởi việc ỉ lại vào gia đình là không nên. Tôi muốn cuộc sống tự lập. Bố mẹ cũng hy vọng thế. Đó cũng là lý do tôi đi du học từ sớm", Khang bộc bạch.
Chàng trai Hà Nội từng trao đổi việc tăng vốn cho công ty với mẹ để sản xuất bộ sưu tập mùa tiếp theo. Tuy nhiên, mẹ Khang từ chối và khuyên nam sinh nên gọi vốn bên ngoài.
Ngoài việc gọi vốn, Khang còn có mong muốn tìm được nhà đầu tư chiến lược và người thầy dẫn dắt mình khi đến Shark Tank. Kiến thức trong quản trị kinh doanh, sale, marketing… là những điều Khang đang rất khao khát được lấp đầy.
Trải qua những khó khăn trong việc gọi vốn và điều hành doanh nghiệp khi ít có sự trợ giúp từ gia đình, Khang nhận được nhiều bài học quý giá. Với nam sinh 18 tuổi, đó là kỷ niệm không thể mua bằng tiền.
Trong quá trình xây dựng thương hiệu, Khang không đơn độc. Cộng sự của Khang là Khánh Linh - du học sinh 16 tuổi. Linh đảm nhận vị trí giám đốc mỹ thuật, chịu trách nhiệm lên ý tưởng và thiết kế sản phẩm.
Sau khi trải qua nhiều quá trình thiết kế, Khang sẽ đảm nhận vai trò quản lý sản xuất, biến các bản vẽ mỹ thuật thành những sản phẩm thực đến tay khách hàng.
Khi mở thương hiệu, khâu khó khăn nhất của Khang là tìm kiếm nhà sản xuất tại Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu. Bởi chàng trai Hà thành định hướng theo đuổi phân khúc cao cấp. Khang nhận thấy, các xưởng đạt tiêu chuẩn sản xuất đồ da xuất khẩu rất hiếm.
Sau quãng thời gian tìm kiếm trên mạng và khảo sát, Khang tìm được một xưởng của người Ý mở tại Việt Nam, có kinh nghiệm hơn 20 năm sản xuất đồ da xuất khẩu ra châu Âu.
"Khó diễn tả được bằng lời" là câu nói ngắn gọn Khang dùng để kể lại cảm xúc lúc chiếc túi đầu tiên của mình được khách hàng mua. Đó là cột mốc khiến Khang cảm thấy giấc mơ trở thành hiện thực.
Khó khăn trong việc quản lý cách nửa vòng Trái Đất
Những chiếc túi của Phúc Khang được bán với giá từ 4,5 triệu đồng, thậm chí có chiếc hơn 18 triệu đồng. Theo lời nhận xét từ các shark, mức giá này có thể không phù hợp với thu nhập trung bình của người lao động trong nước.
Đối diện với nỗi băn khoăn này, Khang cho biết, bản thân đã đọc nhiều số liệu và thấy nhu cầu sử dụng hàng cao cấp của người Việt dần tăng lên. Khang tự tin khi những chiếc túi được làm bằng da thật kết hợp công nghệ từ Ý, kỹ thuật thủ công của nghệ nhân Việt Nam. Qua đó, mỗi chiếc túi đều có câu chuyện riêng.
"Với tôi, việc mua chiếc túi chất lượng, dùng được lâu dài giống như đi đầu tư", Khang nói.
Nhờ bản lĩnh của tuổi trẻ, chàng trai Hà thành được Shark Hưng đồng ý đầu tư 300 triệu đồng. Với số tiền này, Khang bắt đầu việc sản xuất bộ sưu tập mới mang tên "Le Chat".
Điều hành công ty khi còn trong độ tuổi đi học vẫn là trở ngại lớn với Khang. Khâu sản xuất của những thiết kế độc đáo thường tốn nhiều thời gian và chi phí. Hơn nữa, khi đi học xa nhà, Khang không thể trực tiếp kiểm soát các quá trình sản xuất.
Khi suy nghĩ kỹ, Khang nhận thấy, bản thân có thể khắc phục bằng việc quản lý thời gian, tự tạo thói quen để tránh xao nhãng học và làm. Cụ thể, Khang tạo deadline (hạn chót) và mục tiêu cho cả đội.
Sau đó, Khang dành 1-2 giờ vào buổi tối cho việc kiểm tra tiến độ, làm kế hoạch marketing, brainstorm (quy trình sáng tạo ý tưởng) và trao đổi phần thiết kế với nhóm. Khang luôn cố gắng hoàn thiện phần học trước khi ăn tối.
Khi tham gia chương trình, Khang nhận nhiều lời khuyên tập trung cho việc học rồi mới chú tâm vào xây dựng thương hiệu.
Khang nghĩ, nếu tập trung vào một việc, hiệu quả đạt được sẽ cao hơn. Tuy nhiên, Khang cũng đồng tình với quan điểm của Shark Hưng về việc "vừa học vừa làm".
Nam sinh Hà thành chia sẻ: "Tôi nghĩ ai cũng học cả đời. Việc học không chỉ dừng lại ở ghế nhà trường. Quá trình trải nghiệm cuộc sống và làm việc cũng có thể dạy cho chúng ta nhiều điều. Với tôi, việc kinh doanh từ sớm cũng là cơ hội giúp bản thân nhận lại nhiều giá trị riêng".