(Dân trí) - "Trong bối cảnh Covid-19, kết quả trọng tâm nhất của Cục trong năm 2020 là đẩy mạnh xây dựng thể chế, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo…".
Triển khai thành công các nhiệm vụ lao động việc làm trong bối cảnh Covid-19
"Trong bối cảnh Covid-19, kết quả trọng tâm nhất của Cục trong năm 2020 là đẩy mạnh xây dựng thể chế, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo…".
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), trao đổi về công tác xây dựng chính sách về lao động việc làm trong năm 2020.
Thưa ông, những kết quả từ việc ứng phó với trước tác động của Covid-19 trong lĩnh vực quản lý của Cục thời gian qua ra sao?
- Ngay từ giữa quý 1/2020, Cục đã tích cực chỉ đạo hệ thống 63 trung tâm dịch vụ việc làm, thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp, các thủ tục được rút gọn, để hỗ trợ ngay cho người lao động gặp khó khăn do Covid-19 gây ra. Tới hết tháng 11/2020, số lao động được giải quyết chính sách đã lên tới hơn 1,02 triệu người, tương ứng với số tiền lên tới 17.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với vai trò điều phối, Cục đã chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm kết nối, san sẻ cung cầu lao động giữa các địa phương và ngay từng địa phương để cung cầu, tránh tình trạng "tắc nghẽn".
Việc thu thập thông tin về thị trường lao động việc làm, trong thời điểm tháng 4-9/2020 đã được tổng hợp hàng tuần để báo cáo lãnh đạo Bộ, qua đó trình Chính phủ. Cục đã tổ chức ngay các đoàn công tác làm việc với các địa phương khi có các doanh nghiệp dự kiến cho lao động ngừng việc hoặc dừng hợp đồng lao động. Quỹ quốc gia vay vốn việc làm được huy động tối đa để cho vay hỗ trợ tạo việc làm.
Việc quản lý lao động, nhất là lao động nước ngoài được tham mưu, thực hiện hết sức thận trọng trong bối cảnh dịch, vừa đảm bảo khống chế dịch theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, cũng đảm bảo cho chuyên gia, kỹ thuật cao, các giám đốc điều hành, cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp được vào nước ta có trật tự, tổ chức và đúng qui định cách ly y tế
Trong lĩnh vực được phân công, Cục đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ, ra sao nhằm ứng phó với đại dịch Covid 19, thưa ông?
- Từ giữa tháng 2/2020, Cục cũng đã chủ trì với các địa phương thống kê, cập nhật hàng ngày các số liệu, thông tin về thị trường lao động, cụ thể là số doanh nghiệp ngừng sản xuất, tình hình người lao động mất việc hoặc ngừng việc, người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc.
Từ tháng 2 - 9/2020, Cục đã chủ động nghiên cứu, tổng hợp cơ sở lý luận về đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới tình hình lao động - việc làm trong nước. Bên cạnh đó, Cục còn nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm của hơn 120 quốc gia trên thế giới về các chính sách hỗ trợ người dân ứng phó dịch Covid-19. Nghiên cứu phương pháp, thu thập dữ liệu và thực hiện các báo cáo dự báo nhanh về thị trường lao động -việc làm và ảnh hưởng của dịch tới lao động việc làm để báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Với tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng "không để ai bị bỏ lại phía sau" khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Cục đã chủ động, tích cực và sáng tạo tham mưu cho Bộ để góp phần cho Bộ tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động ứng phó với dịch Covid 19, trong đó có 3/5 đối tượng do Cục việc làm trực tiếp chịu trách nhiệm tham mưu và thuộc chức năng nhiệm vụ của Cục.
"Xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 với tư duy bám sát thực tiễn, giải quyết các vấn đề thực tiễn, thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm tiến tới xây dựng thể chế thị trường lao động đồng bộ, hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa" - Cục trưởng Vũ Trọng Bình cho biết.
Sau khi các chính sách hỗ trợ được ban hành, Cục cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền triển khai, có thời điểm tới gần 2 tháng, Cục trưởng Cục Việc làm phụ trách số điện thoại Hotline để trả lời người dân, các trưởng phòng thay nhau chỉ đạo tuyên truyền và giải đáp chính sách với hơn 20 cán bộ trực đường dây nóng 111.
Đồng thời thu thập thông tin từ địa bàn về các đối tượng chịu trách nhiệm. Cục cũng đã chủ động tổ chức và tham mưu cho Bộ tổ chức các buổi tọa đàm với doanh nghiệp, làm việc với các địa phương, trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân để kịp thời có những đề xuất sửa đổi, bổ sung trong chính sách, phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Trong năm 2021, Cục sẽ có những định hướng hoạt động chính ra sao, thưa ông?
- Năm 2021, Cục sẽ tiếp tục đối mới tư duy và phương pháp làm việc trong xây dựng thể chế chính sách, quản lý nhà nước và theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cập nhật tình hình thông tin thị trường lao động việc làm, cung cầu lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ, Chính phủ các chính sách phù hợp.
Về xây dựng thể chế, Cục sẽ chuẩn bị hồ sơ sửa Luật Việc làm, hướng tới thể chế hóa các cơ chế vận hành của thị trường lao động, củng cố bảo hiểm thất nghiệp để thực sự là giá đỡ cho người lao động và là công cụ để điều phối thị trường, đẩy mạnh hiệu quả sử dụng Quỹ Quốc gia về việc làm để tạo việc làm mới, việc làm bền vững, đặc biệt ở các địa bàn đặc thù.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Cục sẽ thúc đẩy tư duy số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong thị trường lao động, hướng dẫn chỉ đạo hệ thống Trung tâm DVVL tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, xây dựng sàn giao dịch việc làm đúng nghĩa, kết nối cung - cầu lao động và giải quyết bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả, nhất là đối với các địa phương bị tác động bởi dịch Covid-19.
Năm 2021 sẽ là một dấu mốc quan trọng cho sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động sau Covid và là nền tảng cho sự phát triển của giai đoạn sau. Cục vì vậy sẽ làm hết sức có thể để hỗ trợ thị trường phát triển liên thông, đồng bộ trên toàn quốc, kết nối, hội nhập quốc tế, để thị trường từng bước vận hành theo đúng cơ chế thị trường lao động đồng bộ, hiện đại định hướng XHCN như chủ trương của Đảng và Nhà nước.
- Xin cảm ơn ông