Trong Covid-19, bảo hiểm thất nghiệp càng thể hiện rõ vai trò "bà đỡ"

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - "Trong thời điểm này, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa của các chính sách trong Luật Việc làm đối với người lao động gặp khó do Covid-19 và qua đó giúp họ nhanh chóng trở lại thị trường lao động…".

Trong Covid-19, bảo hiểm thất nghiệp càng thể hiện rõ vai trò bà đỡ - 1

Buổi làm việc tại Cục Việc làm. (Ảnh: Đỗ Linh)

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - trao đổi tại buổi làm việc với Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), chiều 17/12 tại Hà Nội.

Đánh giá chung về những kết quả của Bộ LĐ-TB&XH trong triển khai công tác xây dựng thể chế những năm gần đây, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng có nhiều điểm nhấn quan trọng.

"Đơn cử như việc soạn thảo trình Chính Phủ dự thảo và trên cơ sở đó, Quốc hội đã xem xét và thông qua Luật Lao động 2019 và Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt việc Việt Nam tham gia các công ước quốc tế số 98 và 105 về lĩnh vực lao động, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)…" - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Bên cạnh đó, ông Bùi Sỹ Lợi cũng đánh giá cao vai trò tổ chức triển khai, điều hành của Cục Việc làm tới hệ thống 63 trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước trong việc thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mất việc do Covid-19 thời gian qua, theo quy định của Luật Việc làm.

Trong Covid-19, bảo hiểm thất nghiệp càng thể hiện rõ vai trò bà đỡ - 2

Ông Bùi Sỹ Lợi phát biểu (Ảnh: Đỗ Linh)

Với phần nhiệm vụ được phân công, Cục Việc làm còn tham mưu tới lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH những nội dung liên quan trong xây dựng dự thảo Nghị quyết 42/NQ-CP và dự thảo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, qua đó trình Chính phủ xem xét và ban hành.

Trong các đối tượng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP, 3 nhóm đối tượng thuộc lĩnh vực của Cục Việc làm, gồm: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. 

"Chính trong những lúc khó khăn do Covid-19 gây ra, những chính sách hỗ trợ tới người lao động càng thực sự có ý nghĩa và là "cứu tinh" phần nào giúp người lao động vượt qua khó khăn và sớm quay trở lại thị trường lao động…" - ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá.

Khẳng định trọng trách lớn của Cục Việc làm trong năm 2021, ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý việc tham mưu xây dựng chính sách cần quan tâm và lường trước các tác động của đại dịch Covid-19 tới thị trường lao động, việc xây dựng chính sách để phù hợp với giai đoạn Việt Nam kết thúc thời kỳ của dân số vàng bắt đầu thời kỳ già hóa dân số...

Nhiều vấn đề mới 

Cũng tại buổi làm việc, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) - đã tiếp thu và đánh giá cao những góp ý của Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội củaa Quốc hội.

"Khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường lao động Việt Nam đã thay đổi một cách cơ bản. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, quy mô của thị trường lao động lớn hơn rất nhiều và những vấn đề đặt ra với thị trường lao động vượt về thể chế, chính sách vượt xa đòi hỏi 10 năm trước" - ông Vũ Trọng Bình nhận định.

Trong Covid-19, bảo hiểm thất nghiệp càng thể hiện rõ vai trò bà đỡ - 3

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH). Ảnh: Đỗ Linh

Những yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đặt ra đối với sự phát triển thị trường lao động rất lớn. Theo ông Vũ Trọng Bình, Nghị quyết mới đây của Trung ương Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng dành một phần nội dung nhắc tới việc xây dựng thị trường lao động.

Chính điều này đòi hỏi Cục Việc làm, trong phạm vi được lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH phân công, phải có những nỗ lực lớn để tham mưu các chính sách về thị trường lao động đáp ứng sự phát triển của xu thế chung. 

"Trong đó, việc nhận thức về thị trường lao động cần bắt đầu từ việc chú trọng phát triển các hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, thúc đẩy cái vai trò của Quỹ quốc gia về việc làm, thu thập thông tin về thị trường. Đặc biệt là vấn đề kết nối cung cầu lao động…Tất cả những vấn đề này đòi cần được định hình đầy đủ, chi tiết trong quá trình xây dựng đề án về cung cầu lao động" - ông Vũ Trọng Bình cho biết.

Thống kê của Cục Việc làm, tính đến tháng 11/2020 cả nước có tổng số 96.700 lao động nước ngoài đang làm việc, trong đó số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 84.000 người.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội hơn 15,6 triệu người (đạt 95,6% kế hoạch được giao), trong đó số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 13 triệu người (đạt 93% kế hoạch được giao). Ước tính hết năm 2020, trên 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm trên 27% lực lượng lao động trong độ tuổi...

Theo Cục Việc làm, tính đến hết tháng 11/2020, tổng số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước là hơn 1.028 triệu người, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2019; 986.416 người có quyết định hưởng BHTN, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2019...