(Dân trí) - Sự sụp đổ của FTX, một trong những sàn giao dịch lớn nhất và có uy tín nhất trên thị trường tiền số, đang dấy lên cảnh báo đối với những người sở hữu tiền điện tử khi các nhà đầu tư chạy trốn.
FTX sụp đổ và tương lai của ngành công nghiệp tiền số
Sàn giao dịch tiền điện tử FTX, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, đã nộp đơn xin phá sản. Trong khi đó, cách đây chưa đầy một năm, FTX được định giá hơn 30 tỷ USD.
"Các sự kiện trong 48 giờ qua là một cú sốc lớn đối với hệ thống tiền điện tử", Madeline Hume, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Morningstar, nói với Money hôm 10/11.
Thị trường tiền điện tử vốn nổi tiếng là không thể đoán trước và sự sụp đổ gần đây của FTX có thể gây ra tác động lớn đối với toàn bộ ngành.
Điều gì đã xảy ra với FTX?
"Điên cuồng", "hỗn loạn" là những từ mà các nhà đầu tư và chuyên gia về tiền điện tử đã sử dụng để mô tả sự sụp đổ của FTX, được ra mắt vào năm 2019 bởi Sam Bankman-Fried, một nhân vật nổi tiếng và có uy tín trên thị trường tiền số từng được ca ngợi là J.P. Morgan hiện đại.
Công ty được định giá 32 tỷ USD trong vòng gọi vốn mới nhất và đã được những tổ chức lớn ủng hộ bao gồm SoftBank, Tiger Global, Singapore's Temasek, cũng như những người nổi tiếng như Tom Brady, Gisele Bündchen và Naomi Osaka.
Tuần trước, CoinDesk đã báo cáo rằng công ty chị em của FTX là Alameda Research (cũng do Bankman-Fried thành lập) đang nắm giữ một lượng lớn mã thông báo có tên FTT, được tạo ra bởi FTX và sử dụng nó làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Báo cáo đó đã làm dấy lên những lo ngại lớn từ các nhà đầu tư về sự ổn định tài chính của cả hai công ty.
Sau khi Changpeng Zhao, Giám đốc điều hành của sàn giao dịch đối thủ Binance, thông báo họ sẽ bán mã thông báo FTT, giá trị của đồng tiền này bắt đầu lao dốc. Các nhà đầu tư hoảng loạn và đổ xô rút hàng tỷ USD ra khỏi sàn giao dịch FTX.
Công ty đã tạm dừng việc rút tiền để ngăn chặn tình trạng này trong khi cố gắng tìm đủ tiền mặt để thực hiện các nghĩa vụ của mình.
Một thương vụ mua lại tiềm năng của Binance đã diễn ra vào ngày 9/11. Vào sáng ngày 10/11, Wall Street Journal xác nhận rằng FTX đã cho Alameda vay tiền của khách hàng để tài trợ cho các giao dịch rủi ro. Bankman-Fried nói rằng Alameda Research sẽ giảm giao dịch, nhưng tương lai của FTX vẫn chưa chắc chắn.
Ngày 11/11, công ty cho biết thông qua Twitter rằng họ đã nộp đơn xin phá sản và Bankman-Fried đã từ chức Giám đốc điều hành. Tuy vậy ông vẫn sẽ "tiếp tục hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi có trật tự". Công ty sẽ "đánh giá tình hình của mình và phát triển một quy trình để tối đa hóa việc phục hồi cho các bên liên quan", theo tuyên bố.
Shan Jun Fok, đồng sáng lập của Moonvault Partners, một công ty đầu tư tiền điện tử có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: "Mọi người đều hơi sốc vì rất nhiều người đã tin tưởng FTX là tiêu chuẩn vàng".
Gia tăng khủng hoảng niềm tin
FTX đã cho vay hàng tỷ USD tiền gửi của người dùng cho một công ty giao dịch liên kết bị thua lỗ lớn do đặt cược rủi ro. Điều đó khiến FTX phải chịu khoản thiếu hụt lên tới 10 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là liệu khách hàng của sàn giao dịch này có mất tất cả hay không.
Có lẽ, khách hàng của FTX có thể sẽ phải chờ đợi một thời gian dài khi sàn giao dịch thực hiện các thủ tục phá sản. Nói chung, một công ty càng lớn và càng phức tạp, thì thời gian diễn ra các thủ tục phá sản càng lâu. Khách hàng của Voyager Digital và Celsius Network, hai nền tảng tiền điện tử đã bị phá sản vào đầu năm nay, hầu như vẫn bị khóa tài khoản và không biết liệu họ có thể thu hồi được số tiền của mình hay không. FTX cho đến nay vẫn chưa nói nhiều về ý định trả tiền cho các nhà đầu tư.
Sam Bankman-Fried đã tweet vào ngày 10/11 rằng khách hàng của FTX US - chi nhánh của sàn giao dịch Mỹ - sẽ không bị ảnh hưởng. Sàn giao dịch có "100% thanh khoản" và "người dùng hoàn toàn có thể rút được tiền".
Tuy nhiên, sau khi đế chế của Bankman-Fried đệ trình đơn xin phá sản vào ngày 11/11, các khách hàng của FTX US đã bị sốc và chuẩn bị tinh thần lên kế hoạch dài hơi để lấy lại bất kỳ khoản tiền nào.
Các nhà đầu tư tiền điện tử trên nền tảng FTX, sàn giao dịch tiền điện tử có số lượng hơn 5 triệu nhà đầu tư trên toàn thế giới vào thời điểm đỉnh cao, sẽ theo dõi chặt chẽ thủ tục phá sản để hy vọng họ có thể được hoàn lại tiền. Tuy nhiên, nhiều người đang cam chịu thực tế rằng số tài sản nắm giữ của họ có thể biến mất vĩnh viễn.
Justin Zhang, một kỹ sư 34 tuổi ở Los Angeles (Mỹ) cho biết: "Công ty và Sam Bankman-Fried có vẻ đáng tin cậy. Tôi đã nghĩ FTX US khác biệt vì tất cả các quy định được đưa ra. Tuy hiện thực tế không phải vậy".
Trong khi ứng dụng FTX cho biết việc rút tiền đã được xử lý, Zhang cho biết ngân hàng nói rằng họ chưa nhận được thông báo hoặc bất kỳ khoản tiền nào. Anh lo ngại tất cả tài sản của mình trong FTX US, bao gồm Bitcoin, Ether và NFT Golden Warrior trị giá 11.000 USD, có thể bị mất.
Còn đối với người dùng FTX International, tiền gửi của họ trên sàn giao dịch đó không được bảo vệ bởi bất kỳ cơ quan quản lý nào và không rõ liệu Bankman-Fried và FTX có thể huy động đủ tiền để trang trải tất cả các khoản tiền gửi của sàn này hay không.
Có thể các nhà đầu tư bán lẻ sẽ gặp "rất nhiều khó khăn trong việc lấy lại tiền", Hume nói.
Cuộc sụp đổ của FTX khiến cuộc khủng hoảng niềm tin vào tiền điện tử gia tăng. Ngày 10/11, các nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi Quốc hội ưu tiên lập luật để điều chỉnh tiền điện tử, vốn không được bảo vệ bởi các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng giống như các sản phẩm tài chính truyền thống khác.
"Các giao dịch tiền điện tử sẽ phải chịu những hậu quả lớn khi không có sự giám sát và bảo vệ mạnh mẽ của liên bang đối với người dùng", Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Maxine Waters cho biết trong một tuyên bố.
FTX đã cố gắng huy động tiền trong một nỗ lực cuối cùng để khắc phục sự thiếu hụt. Binance, nền tảng giao dịch lớn nhất theo khối lượng, ban đầu đã đồng ý mua FTX nhưng sau đó đã tuyên bố rút lui khi xem xét bảng cân đối kế toán.
Các giám đốc điều hành tiền điện tử Binance cho biết sự sụp đổ của FTX sẽ gây ra thiệt hại lâu dài về danh tiếng, cho rằng ngành công nghiệp này đã không thể loại bỏ tận gốc những tác nhân xấu làm suy yếu uy tín của tiền điện tử.
FTX được coi là một trong những công ty đáng tin cậy trong ngành công nghiệp tiền điện tử, tuy nhiên, nó đang góp phần nối dài danh sách các công ty tiền điện tử sụp đổ trong bối cảnh giá trị tiền điện tử giảm.
Công ty cho vay tiền điện tử C Network đã tuyên bố phá sản vào tháng 7 sau khi thổi tiền của người dùng vào các vụ đặt cược rủi ro, khiến công ty bị thiếu hụt 1,2 tỷ USD. Điều đó xảy ra ngay sau khi công ty cho vay tiền điện tử Voyager cũng tuyên bố phá sản. Cả hai công ty đều chặn người dùng rút tiền của họ.
Sự sụp đổ của FTX có thể khiến các công ty tiền điện tử khác bị ảnh hưởng. BlockFi, công ty đã nhận được một hạn mức tín dụng từ FTX để duy trì hoạt động vào tháng 6, đã tạm dừng rút tiền vào ngày 10/11, với lý do "thiếu rõ ràng" xung quanh FTX.
Giá trị tiền điện tử bắt đầu giảm mạnh vào tháng 5 sau khi TerraUSD, một đồng tiền ổn định (stablecoin) mất hầu hết giá trị trong vài ngày, xóa sạch khoảng 60 tỷ USD tiền đầu tư. Tiếp đó, sự cố sụp đổ đã khiến quỹ đầu cơ tiền điện tử Three Arrows Capital mất tài sản 10 tỷ USD.
Lãi suất tăng và lạm phát cao nhất trong 40 năm ở Mỹ đã khiến các nhà đầu tư rời xa tiền điện tử và các tài sản rủi ro khác, tàn phá ngành công nghiệp đang đặt cược vào sự tăng trưởng liên tục.
Liệu ngành công nghiệp tiền điện tử có thể tồn tại?
Các token liên quan đến Bankman-Fried đã giảm xuống khi cuộc khủng hoảng diễn ra. Solana, một token mà ông chủ của FTX ủng hộ và quảng bá, đã mất khoảng 50% vốn hóa thị trường trong vài ngày qua.
Tuy nhiên, Bitcoin lại tăng giá vào ngày 10/11. Đồng tiền điện tử đó là "liều thuốc giải độc cho rất nhiều nền tảng cơ bản của tiền điện tử mà toàn bộ vụ bê bối này đã được khai quật", Hume nói. Mặt khác, Bankman-Fried đã điều hành một sàn giao dịch tập trung và ủng hộ việc tập trung hơn trong ngành. Sự sụp đổ của sàn giao dịch tập trung đã khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Ông William Quigley, nhà đầu tư tiền số và blockchai, cho biết rằng ông hy vọng thị trường tiền điện tử sẽ phục hồi sau cú sốc trong những tháng tới.
"Trong thời gian tới, giá tiền điện tử sẽ giảm, nhưng thị trường tiền điện tử vẫn phục hồi", ông nói trong bài bình luận qua email được chia sẻ với Money. "Trong vòng 6 tháng, hầu hết tác động tiêu cực từ sự sụp đổ của FTX sẽ tiêu tan".
Các chuyên gia cho rằng sự sụp đổ của FTX có thể gây ra một thiệt hại lớn về cách mọi người nhìn nhận về ngành công nghiệp tiền điện tử. FTX "là một cái tên đã được công nhận và tin tưởng bởi những người bình thường", Hume nói.
Sự sụp đổ của FTX trong tuần này là "một thảm kịch và sự thất bại hoàn toàn trong quản trị", Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Blockchain.com, Peter Smith, nói với CNBC , nhưng nó sẽ không làm nền kinh tế tiền điện tử chìm nghỉm.
Theo ông Smith, sự sụp đổ nhanh chóng của công ty Sam Bankman-Fried sẽ thúc đẩy xu hướng quay trở lại các tổ chức tiền điện tử được quản lý cũng như chuyển hướng trở lại đối với các cá nhân nắm giữ tài sản tiền điện tử trên khóa riêng của họ.
"Tiền điện tử là một trong số rất ít tài sản trên thế giới mà bạn có thể tự lưu giữ và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy mọi người ngày càng quay trở lại mô hình đó cũng như chuyển sang mô hình tin tưởng các công ty được quản lý trong không gian tiền số", ông Smith nói.
Ông Smith cho biết, tổng thể nền kinh tế tiền điện tử và blockchain sẽ không gặp phải những rào cản lớn trong việc nhận tiền từ các nhà đầu tư. Ông cho rằng mọi người đang cường điệu vấn đề vì FTX không phải là người dẫn đầu thị trường hoặc người chơi quan trọng trong hệ sinh thái tiền điện tử. Theo ông Smith, điều này khiến ông bối rối vì các nhà đầu tư rất hào hứng với công ty có mức độ quản trị rất thấp và vụ việc FTX sẽ khiến nhiều nhà đầu tư tập trung hơn vào cấu trúc công ty tiền điện tử trong tương lai.
"Thực tế cuối cùng và phần thú vị nhất của tiền điện tử là bạn có thể lưu trữ tiền của mình trên khóa cá nhân của riêng mình mà không cần tiếp xúc với đối tác. Và nhiệm vụ của chúng tôi là thực hiện điều đó trong thập kỷ qua", ông Smith cho biết.
Chuyên gia Jog của Sei Labs cho biết: "Trong ngắn hạn, điều này sẽ thực sự rất tồi tệ đối với ngành công nghiệp tiền điện tử". Tuy nhiên, ông không cho rằng nó sẽ kết thúc hoàn toàn mà tin tưởng những sự cố sẽ góp phần thúc đẩy sự quan tâm đến hoạt động kinh doanh các sàn giao dịch tiền điện tử phi tập trung minh bạch hơn.
Ông James Malcolm, người đứng đầu chiến lược ngoại hối và nghiên cứu tiền điện tử tại UBS cho biết: "Nó củng cố quan điểm rằng bất kỳ loại hình doanh nghiệp tài chính nào cũng cần có quy định rộng rãi. Có lẽ vào năm 2024, thị trường tiền số trên thế giới được quản lý chặt chẽ hơn nhiều".
Nội dung: Cẩm Hà (tổng hợp)