DMagazine

Người dân nền kinh tế số một thế giới "mua sắm trả thù" Covid-19 ra sao?

(Dân trí) - Cảnh tượng xếp hàng, chen chúc, thậm chí đánh nhau, giành giật để mua đồ hầu như không còn xuất hiện nữa. Nhưng làn sóng "mua sắm trả thù" Covid-19 vẫn không kém sôi động.

5h sáng. Trong cái lạnh 20 độ F (khoảng -7 độ C), Francisco Martinez, 22 tuổi, là một trong hơn 100 người đứng bên ngoài siêu trung tâm mua sắm Walmart ở khu phố Kilbourn Park của Chicago, Mỹ để "săn" hàng giảm giá. Lát sau, một nhân viên Walmart đến phát phiếu giảm giá cho những mặt hàng như Apple AirPods, đồng hồ và máy tính xách tay Gateway.

Còn với nhân viên các trung tâm mua sắm, mọi thứ càng trở nên bận rộn hơn trong dịp khuyến mại lớn nhất năm. Daniella Rangel, 19 tuổi, thậm chí còn đến văn phòng từ… 2h sáng để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho một buổi sáng "siêu bận rộn".

"Tôi muốn mua một chiếc TV Element 65 inch với mức giảm 350 USD," Martinez đang co ro trong 3 lớp áo, nói với Reuters. "Tôi sẽ đến cửa hàng để mua. Bây giờ mọi người không còn phải chen chúc như những năm trước đây". Dù không khí "săn sale" có bớt nhộn nhịp hơn mọi năm thì bất chấp trời lạnh, nhiều người dân Mỹ vẫn lao ra đường để mua quà Giáng sinh vào dịp này.

Khoảng 2 năm nay, cảnh giành giật, chen lấn để "săn" một món hàng khuyến mại dịp Black Friday hầu như không còn xảy ra. Những video "mua sắm điên cuồng", tranh cướp hàng hóa xuất hiện trên báo chí hay mạng xã hội trong dịp này cũng ngày càng ít. Có lẽ là do Covid-19 và việc các đơn vị bán hàng đưa ra những chương trình khuyến mại sớm.

Người dân nền kinh tế số một thế giới mua sắm trả thù Covid-19 ra sao? - 1

Thực tế cũng cho thấy, mùa mua sắm Black Friday năm nay diễn ra khá yên bình.

Theo ghi nhận của Reuters, năm nay, các cửa hàng bớt nhộn nhịp hơn mọi năm khi các nhà bán lẻ lớn của Mỹ đưa ra những chương trình khuyến mại sớm. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến, cộng thêm lo ngại của người dân về dịch bệnh, mức giảm giá kém hấp dẫn so với mọi năm cũng là lý do khiến cho mọi thứ có phần trầm hơn.

Thậm chí còn xuất hiện một số cách thức mua hàng tương đối đặc biệt…

Ian Korolenko, 29 tuổi, nhân viên bán hàng được Target điều động cho chiến dịch Black Friday, cho biết: "Khách hàng đến mua ngồi trong ô tô, họ thậm chí còn không bước vào cửa hàng. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do khiến cho không khí mua sắm bớt náo nhiệt".

Khi mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến, số lượng khách mua tại các cửa hàng đã giảm bớt, đặc biệt là vào năm 2020 khi người dân chưa được tiêm phòng Covid-19.

Walmart, Best Buy và Target năm nay còn không yêu cầu những người mua sắm đã được tiêm phòng phải đeo khẩu trang nhưng một số trung tâm mua sắm vẫn khuyến khích khách hàng đeo khẩu trang khi vào mua sắm. Ở Chicago, Reuters cho biết cả nhân viên và người mua hàng ở các cửa hàng đều đeo khẩu trang.

"Chicago khá an toàn. Tôi đã tiêm thuốc tăng cường nên tôi không quá lo lắng về điều đó", Kelsey Hupp, nhà môi giới bất động sản 36 tuổi, thường mua sắm tại cửa hàng bách hóa Macy's ở trung tâm thành phố Chicago trong dịp Black Friday. Và năm nay, đại dịch Covid-19 vẫn không thể ngăn cản cô tiếp tục thói quen này.

Rod Sides, lãnh đạo bán lẻ của Deloitte tại Mỹ, nói: "Mọi người mong muốn cuộc sống trở lại bình thường. Cả người mua sắm qua mạng hay trực tiếp tại cửa hàng có thể mua được hàng với ưu đãi vào dịp này".

Còn theo một cuộc khảo sát của Deloitte, mọi người đã chi tiêu 80 -85% số tiền của mình trước dịp Black Friday.

Gallup, một công ty tư vấn và phân tích ở Mỹ, dự đoán, doanh số bán lẻ ở Mỹ trong mùa lễ hội năm nay dự kiến sẽ tăng từ 3,7% đến 5,3% so với năm ngoái.

"Nhiều yếu tố, đặc biệt là lạm phát và đại dịch, có thể ảnh hưởng đến việc chi tiêu của người dân trong mùa lễ hội năm nay. Nhưng kể từ tháng 11, người dân dự định chi một số tiền khá lớn và điều này tương đương với một doanh số bán hàng khủng trong kỳ nghỉ lễ của nền kinh tế Mỹ", đơn vị trên nhận định.

MUA SẮM TRẢ THÙ

Theo cuộc khảo sát của Diageo, người dân Mỹ đã sẵn sàng tận hưởng kỳ nghỉ lễ này nhiều hơn so với những gì họ đã làm vào năm ngoái khi cuộc sống hàng ngày gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.

Những thương hiệu lớn như Guinness, Ciroc và Smirnoff cho biết gần 22% người Mỹ nói rằng năm ngoái họ đã không được ăn mừng kỳ nghỉ lễ theo cách mà họ muốn bởi dịch bệnh. Và giờ đây, họ đã sẵn sàng để bù đắp cho khoảng thời gian đã mất đó.

Ana Fitzgibbons, giám đốc của Diageo in Society, chia sẻ với Yahoo Finance: "Chúng tôi dự đoán người dân sẽ tổ chức ăn mừng dịp lễ năm nay khi các xét nghiệm và tiêm chủng Covid-19 được đẩy mạnh". Bà cũng đề cập đến kết quả khảo sát của Diageo trong chiến dịch "Know when to stop" ( tạm dịch "Biết khi nào nên dừng lại") tại Mỹ, một sáng kiến nhằm giáo dục người tiêu dùng về việc uống có trách nhiệm trong mùa lễ này.

Và đúng với tinh thần ngày lễ, đồ ngọt và rượu mạnh là những thứ được mua nhiều nhất vào dịp lễ hội cuối năm, đặc biệt là vào năm nay.

Người Mỹ sẵn sàng giao lưu và ăn mừng trong dịp lễ. 81% người dân cho biết họ có kế hoạch làm ít nhất một việc "vượt mức" hoặc nhiều hơn mức họ thường làm. Ngoài ra, hơn một nửa (55%) số người được khảo sát nói rằng họ có kế hoạch thưởng thức nhiều đồ ngọt trong năm nay, trong khi 43% muốn đi xem phim, và khoảng 42% dự định mua sắm.

Người dân nền kinh tế số một thế giới mua sắm trả thù Covid-19 ra sao? - 2

Bất chấp trở ngại, chi tiêu cho kỳ nghỉ năm ngoái vẫn tăng 8,2% so với năm 2019 (Ảnh: The New York Times).

Đối với một số người Mỹ, những thú vui này là một trong những điều bí mật của họ. Theo khảo sát, 40% người thuộc gen Y thú nhận rằng họ sẽ cảm thấy "xấu hổ" nếu người khác biết họ uống nhiều hơn mức cần thiết, con số này lần lượt là 23%, 37% và 33% đối với gen Z, gen X và Boomers.

Còn theo một cuộc khảo sát mới từ MassMutual, người dân Mỹ đang cảm thấy lạc quan về tài chính của mình và có kế hoạch chi trung bình 1.243 đô la cho việc mua sắm trong kỳ nghỉ lễ năm nay. Theo đó, mặc dù lạm phát cao kỷ lục, 73% số người được khảo sát cho biết họ cảm thấy lạc quan về tài chính của mình và 35% cảm thấy "rất lạc quan".

Chia với MarketWatch qua email, Paul LaPiana, chuyên gia hoạch định tài chính và người đứng đầu bộ phận sản xuất tại MassMutual, ho biết: "Lạm phát có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến một số nhóm nhất định, chẳng hạn như những người về hưu, những người có thu nhập cố định và các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn. Điều đó cũng có nghĩa người có nhiều tiền mặt sẽ chi tiêu tùy ý hơn và cảm thấy tự tin hơn, mặc dù lạm phát gia tăng".

Nhìn chung, người tiêu dùng bày tỏ họ cảm thấy rất lạc quan về chi tiêu của họ. Những người có thu nhập cao và thế hệ trẻ đã sẵn chi  tiền cho việc mua sắm trong dịp lễ cuối năm. Theo khảo sát của MCKinsey, một nửa số người được hỏi cho biết họ kiếm được ít nhất 100.000 đô la mỗi năm và 47% người thuộc Gen Y nói rằng họ rất hào hứng hoặc háo hức với những ngày lễ.

THÓI QUEN MUA SẮM ĐỔI THAY VÌ COVID-19

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trên nhiều kênh hơn và điều này được kỳ vọng sẽ kéo dài trong suốt mùa lễ hội. Đối với hầu hết các danh mục liên quan đến kỳ nghỉ lễ, 60- 70% nguời được khảo sát cho biết họ đang mua sắm trên các kênh khác nhau, gần một nửa dự kiến sẽ tích cực mua sắm online hơn so với năm ngoái. Mua hàng trực tuyến tăng hơn so với trước đại dịch (2019) và McKinsey dự đoán mức tăng sẽ là 30% trong suốt mùa lễ.

Nhiều người tiêu dùng tìm cảm hứng cho kỳ nghỉ đang trên các nền tảng xã hội. 58% người dân được hỏi nói rằng mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua sắm trong kỳ nghỉ của họ và các nền tảng đang ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi tiêu dùng của hộ là Facebook (67%), YouTube (57%) và Instagram (52 %). Trong đó, 87% gen Z nói rằng Instagram và TikTok là những nguồn cảm hứng lớn cho việc mua sắm dịp lễ hội của họ.

Người tiêu dùng Mỹ có thể chờ đợi đến phút cuối cùng để mua quà tặng, nhưng năm nay, nhiều người đã chi tiền sớm hơn. 45% người trả lời khảo sát nói rằng họ đã bắt đầu mua sắm vào dịp lễ vào đầu tháng 10. Trong số những người mua sắm sớm đó, 31% nói rằng họ đã hoàn thành hơn 3/4 số lần mua hàng dự kiến. Chỉ 11% số người được hỏi nói rằng họ sẽ đợi đến tháng 12 để bắt đầu mua sắm so với những năm trước đó là Covid-19 khi hơn 25% người tiêu dùng cho biết họ đã mua sắm trong vài tuần trước Giáng sinh.

Người dân nền kinh tế số một thế giới mua sắm trả thù Covid-19 ra sao? - 3

Người tiêu dùng cho biết họ mua sắm sớm hơn để đảm bảo rằng họ sẽ mua được đồ mình cần và đối với một số người thì đây như một lối thoát khỏi cuộc sống bị ảm ảnh bởi dịch bệnh. Những người muốn mua sắm sớm hơn cho biết họ lo lắng về tình trạng sẵn có của hàng hóa (51%), thời gian vận chuyển lâu (45%) và những thách thức không mong đợi do Covid-19 (44%). Ngoài ra, 29% người tiêu dùng nói rằng họ đã mua sắm sớm vì họ muốn làm "điều gì đó thú vị ngay bây giờ".

Nếu mọi năm trước, người dân Mỹ thường chờ đợi đến phút cuối cùng để mua quà tặng người thân, bạn bè dịp nghỉ lễ, thì năm nay, nhiều người đã mua sắm sớm hơn. 45% người trả lời khảo sát của McKinsey rằng họ đã bắt đầu mua sắm cho dịp lễ từ đầu tháng 10. Trong số những người mua sắm sớm đó, 31% nói rằng họ đã mua xong hơn 3/4 số hàng dự kiến. Chỉ 11% số người được hỏi nói rằng họ sẽ đợi đến tháng 12 để bắt đầu mua sắm, con số này là 25% trong những năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Lý do về việc mua sắm sớm hơn bình thường là để cho yên tâm và đó cũng là một cách thoát khỏi sự ám ảnh của dịch bệnh trong suốt năm qua. 51% người được khảo sát nói rằng họ lo ngại về tình trạng không đủ hàng hóa, 45% lo lắng thời gian vận chuyển lâu và 44% e ngại những thách thức bất ngờ do dịch bệnh có thể gây ra. Ngoài ra, 29% người tiêu dùng nói rằng họ đã mua sắm sớm vì họ muốn làm "điều gì đó thú vị ngay lập tức".

Những lo ngại của người dân hoàn toàn có cơ sở do những thách thức trong chuỗi cung ứng. Các nhà bán lẻ hiện đang phải đối mặt với chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn do sự chậm trễ của cảng và hàng đến. Chi phí tăng lên do nhu cầu thương mại điện tử tăng cao và tình trạng thiếu công nhân, với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 1,7 điểm phần trăm so với trước đại dịch Covid-19.

 THÁCH THỨC VỚI NHÀ BÁN LẺ

Các nhà bán lẻ chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức trong mùa lễ hội năm nay. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm mạnh mẽ sẽ mang lại cơ hội đáng kể cho các công ty với các kênh tiếp thị phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Và việc duy trì, thậm chí gia tăng, lòng trung thành của người tiêu dùng là chìa khó cho vấn đề này.

Theo McKinsey, việc cung cấp sản phẩm rất quan trọng vì người tiêu dùng sẽ không ngần ngại chuyển sang mua sắm ở nơi khác nếu bạn không có sản phẩm họ cần. Do đó, các nhà bán lẻ nên khuyến khích người tiêu dùng đặt hàng sớm. Ví dụ, vào ngày 6 tháng 10 năm 2021, Giám đốc điều hành của hãng sản xuất quần áo trẻ em Hanna Andersson đã gửi email cho khách hàng, cảnh báo họ về những thách thức tiềm ẩn về hàng tồn kho và đề nghị họ đặt hàng từ rất sớm. Các nhà bán lẻ cũng có thể cho phép khách hàng kiểm tra xem các mặt hàng có còn trong kho hay không và khi các vấn đề chuỗi cung ứng không mong muốn xuất hiện, họ có thể thông báo các lựa chọn thay thế cũng như ngày các mặt hàng sẽ trở lại trong kho.

Một điều nữa là do người tiêu dùng mua sắm cho những ngày lễ, nên các chương trình khuyến mãi nên được đưa ra sớm. Vào giữa tháng 10,  Walmart đã thông báo rằng họ sẽ tổ chức các sự kiện tiết kiệm trong suốt tháng 11 và cho phép các thành viên của Walmart + có cơ hội mua sắm sớm hơn bốn giờ so với người khác. Amazon thậm chí còn bắt đầu chương trình sớm hơn, giảm giá trong thời gian có hạn trong suốt tháng 10 và tháng 11.

Người dân nền kinh tế số một thế giới mua sắm trả thù Covid-19 ra sao? - 4

Ảnh hưởng của mạng xã hội đến quyết định mua sắn của người dân Mỹ (Ảnh chụp màn hình McKinsey).

Để tận dụng lượng người tiêu dùng trẻ tuổi mong muốn mua sắm và chi tiêu trong năm nay, các nhà bán lẻ có thể sử dụng phương tiện truyền thông xã hội sớm và tác động đến việc cân nhắc và mua hàng của họ. Old Navy và các nhà bán lẻ quần áo khác đang tạo video trên TikTok với hy vọng chúng sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán hàng ở phân khúc người tiêu dùng trẻ tuổi. Ngoài ra, với xu hướng mua sắm đa kênh, các nhà bán lẻ cũng nên đầu tư nhiều hơn vào các nền tảng xã hội và kỹ thuật số.

McKinsey cũng đưa ra lời khuyên cho các nhà bán lẻ là cần tạo cho khách hàng những trải nghiệm tích cực và có ý nghĩa để củng cố thương hiệu và danh tiếng của họ sau những thách thức của trước mùa. Ví dụ, nhà bán lẻ quần áo trẻ em Carter's đã xoa dịu sự khó chịu của khách hàng do việc chậm trễ giao hàng bằng cách giảm giá thêm cho họ trong các lần mua sắm tiếp theo. Điều này không chỉ lấy lại sự hài lòng của khách hàng mà còn tạo ra các cơ hội bán hàng trong tương lai.

Ngoài ra, trước rủi ro trong việc giữ chân nhân viên và nhà bán lẻ có tỷ lệ doanh thu cao ngay cả trong thời gian không có đại dịch, người sử dụng lao động cần phải giữ vững đội ngũ nhân viên của mình. Các nhà bán lẻ hàng đầu thưởng cho lực lượng lao động của họ bằng nhiều cách sáng tạo khác nhau. Ví dụ, nhân viên của Walmart làm việc vào ngày Lễ Tạ ơn được một bữa ăn miễn phí và giảm 15% cho nhiều loại sản phẩm ngoài chiết khấu 10% cho nhân viên của công ty.

Cuối cùng, các nhà bán lẻ nên ưu tiên mua sắm những mặt hàng thiết yếu nhất cho mùa lễ hội năm nay đề phòng những rủi ro về hàng tồn kho. Những thách thức trong chuỗi cung ứng dự kiến sẽ còn kéo dài đến năm 2022, vì vậy các nhà bán lẻ nên đa dạng hóa và xây dựng nguồn dự phòng cho các nhà cung cấp và vận chuyển, lập kế hoạch cho từng đơn vị và xây dựng khả năng hiển thị theo thời gian thực cao hơn đối với các điểm tồn kho trên toàn bộ chuỗi cung ứng.

Mặc dù trong kỳ nghỉ lễ  năm nay, sẽ có nhiều thách thức đặt ra cho các nhà bán lẻ, nhưng đây cũng là cơ hội duy nhất cho họ để tăng doanh thu. Công ty nào có thể dự đoán và có các biện pháp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sẽ nhận được "quà tặng" ngày lễ của riêng họ.