Chứng khoán "Black Friday": Hơn 40.000 tỷ đồng đổ vào "săn sale" cổ phiếu

Mai Chi

(Dân trí) - Nếu thị trường hàng tiêu dùng đang chứng kiến ngày hội giảm giá "Black Friday" thì thị trường chứng khoán phiên hôm nay (26/11) cũng trải qua đợt chiết khấu trên diện rộng.

Có đến 712 mã trên toàn thị trường ghi nhận tình trạng sụt giảm trong phiên hôm nay, tuy nhiên, do không xảy ra hiện tượng bán tháo nên chỉ có 24 mã giảm sàn. Phía tăng vẫn có 484 mã, tới 117 mã tăng trần.

Như vậy, đây đơn thuần vẫn là phiên điều chỉnh thông thường khi nhà đầu tư thực hiện chốt lời trong bối cảnh VN-Index đang trên vùng "tâm lý" 1.500 điểm.

Chỉ số chính VN-Index giằng co tương đối căng thẳng trong suốt phiên giao dịch, tuy nhiên đã đánh mất trạng thái tăng điểm vốn được bảo lưu khá tốt trong buổi sáng.

Đóng cửa, chỉ số sàn HSX lùi về 1.493,03 điểm, mất 7,78 điểm tương ứng 0,52%. Tuy mất mốc 1.500 điểm nhưng chỉ số vẫn đóng trên 1.490 điểm.

Chứng khoán Black Friday: Hơn 40.000 tỷ đồng đổ vào săn sale cổ phiếu - 1

Thanh khoản sàn HSX tăng mạnh so với phiên hôm qua (Ảnh chụp màn hình).

VN30-Index giảm 5,91 điểm tương ứng 0,38% còn 1.566,55 điểm. HNX-Index giảm 1,04 điểm tương ứng 0,23% còn 458,63 điểm và UPCoM-Index cũng giảm 0,27 điểm tương ứng 0,24% còn 114,34 điểm.

Thanh khoản thị trường cải thiện mạnh so với các phiên trước. Tuy thận trọng trong quyết định mua đuổi nhưng dòng tiền vẫn chực chờ bắt đáy, theo đó không để cho chỉ số giảm sâu.

Sàn HSX ghi nhận giá trị giao dịch 35.414,54 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 1,06 tỷ đơn vị. HNX có 133,67 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.700,41 tỷ đồng và UPCoM có 202,88 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.557,8 tỷ đồng. Như vậy, tổng lượng tiền đổ vào giải ngân cổ phiếu trong phiên cuối tuần lên tới 41.673 tỷ đồng.

Chứng khoán Black Friday: Hơn 40.000 tỷ đồng đổ vào săn sale cổ phiếu - 2

Hầu hết chỉ số giảm giá, ngoại trừ VNSML-Index của dòng vốn hóa nhỏ (Ảnh chụp màn hình).

Phần lớn cổ phiếu trong rổ VN30 giảm giá và cổ phiếu ngân hàng cũng bị chốt lời mạnh. TPB giảm 3,5%; HDB giảm 3,5%; SAB giảm 2,9%; SSI giảm 2,7%; PNJ giảm 2,5%; MWG giảm 2,4%... Thế nhưng, việc một số mã lớn tăng giá đã có ảnh hưởng rất tích cực đối với bình diện chung.

Đóng góp quan trọng trong việc giữ nhịp thị trường và không để chỉ số xuống sâu phải nói tới VIC của Vingroup. Chỉ tính riêng mã cổ phiếu này đã mang lại cho VN-Index tới 4,41 điểm. VIC hôm nay tăng 4,8% lên 98.500 đồng.

Bên cạnh đó còn có VPB tăng 3,2%; PDR tăng 1,7%; VNM tăng 0,9%. VPB vẫn là cổ phiếu khiến giới đầu tư "tốn kém" nhất. Khối lượng giao dịch tại mã này lên tới 44,75 triệu cổ phiếu. VPB mang lại 1,39 điểm cho VN-Index, "kéo" chỉ số trụ trên vùng 1.490 điểm.

Phiên này hầu hết cổ phiếu ở các dòng đều bị chốt lời ngắn hạn. Tuy nhiên, một số mã cổ phiếu dường như vẫn đứng ngoài tác động chung. Ở dòng thủy sản, IDI vẫn tăng trần lên 24.250 đồng, trắng bên bán; CMX tăng 6,7% lên 22.400 đồng. Tại dòng bất động sản, bên cạnh VIC thì DRH, LDG, PTL tăng trần, CCI tăng 4,4%, HPX tăng 4,4%; DIG tăng 3,6%; ITA tăng 3,4%.

Kỳ vọng vào sự khởi sắc của đầu tư công vào cuối năm, những mã cổ phiếu liên quan đến mảng này như xây dựng, nguyên vật liệu xây dựng đều tăng giá tốt. Dòng xây dựng chứng kiến diễn biến tăng trần tại TCR, MCG, C47 cũng tăng 6,4%; CEE tăng 6%, PXI tăng 5,8%; SMC, KSB, TLH, SVT, TNI tăng trần; TNA tăng 5,2%, TNT tăng 5,1%, HAP tăng 2,9%.

Với tình trạng giằng co, rung lắc (sideway) của chỉ số, dòng tiền lại chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tìm kiếm lợi nhuận. Nhiều mã cổ phiếu smallcap như SMC, CVT, DCL, FCN, HAX, KSB, LCG… đều tăng trần.

Thị trường chứng khoán trong nước phiên hôm nay chịu ảnh hưởng bởi tình trạng giảm điểm diện rộng trên thị trường tài chính quốc tế.

Đóng cửa phiên 26/11, chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng giảm 2,53%; Topix giảm 2,01%; Kospi giảm 1,47%; HangSeng giảm 2,59%; Shanghai Composite giảm 0,56% và ASX 200 cũng giảm 1,73%. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,88%. Ở thị trường Mỹ và châu Âu, các chỉ số cũng đang diễn biến bất lợi.

Đà lao dốc của chứng khoán thế giới diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay đang theo dõi biến chủng mới của Covid-19 với rất nhiều đột biến. Tổ chức này dự kiến họp khẩn ngay trong ngày 26/11 để bàn về tác động của biến chủng mới tới vaccine và cách điều trị.