Từ hero đến zero - Pi trở thành "meme coin" đúng nghĩa?
(Dân trí) - Pi Network từng được ca ngợi là "crypto cho mọi nhà". Nhưng chỉ 24 giờ sau khi Open Network, giấc mơ tỷ đô sụp đổ, giá Pi lao dốc hơn 60%, rơi từ đỉnh 1,97 USD xuống 0,65 USD.
Trong thế giới đầy biến động của tiền mã hóa, hiếm có câu chuyện nào từng tỏa sáng rực rỡ rồi sụp đổ thảm khốc như Pi Network và đồng Pi.
Bắt đầu từ năm 2019 với những giấc mơ lớn từ các "bộ óc thiên tài" của trường Đại học Stanford, Pi hứa hẹn mang đến cơ hội "làm giàu ngay trên điện thoại". Không cần dàn máy đào đắt đỏ, chỉ cần chạm vào ứng dụng mỗi ngày, ai cũng có thể sở hữu Pi và nuôi hy vọng đổi đời.

Pi Network - dự án được phát triển bởi một nhóm tiến sĩ và chuyên gia công nghệ từ Đại học Stanford (Minh họa: Freepik).
Nhưng chỉ trong vòng 24 giờ sau khi ra mắt Open Network, giấc mơ tỷ đô của hàng triệu Pioneers đã tan thành mây khói. Từ mức đỉnh gần 92 USD trên thị trường IOU, mỗi Pi rơi tự do xuống chỉ còn 1,23 USD, mất hơn 98% giá trị.
Giờ đây, cộng đồng tiền điện tử không còn xem Pi là một "đồng coin tiềm năng" nữa, nó đã trở thành một meme coin đúng nghĩa, được nhắc đến với sự chế giễu nhiều hơn là kỳ vọng.
Từ hy vọng tràn trề…
Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 14/3/2019 (còn được gọi là ngày Pi - Pi Day) với một ý tưởng đơn giản: tiền điện tử cho mọi người. Dưới sự dẫn dắt của Tiến sĩ Nicolas Kokkalis và Tiến sĩ Chengdiao Fan, đồng Pi ra đời với phương thức khai thác mới mẻ: không cần máy đào đắt đỏ, không tiêu tốn điện năng, mà chỉ cần mở ứng dụng mỗi ngày để nhận Pi.
Thông tin lan truyền nhanh chóng khắp thế giới. Từ những đô thị sầm uất ở Ấn Độ đến các khu phố nhộn nhịp tại Nigeria, hàng triệu người đã tham gia, khiến cộng đồng đào Pi đạt hơn 60 triệu thành viên tính đến năm 2025. Họ tự gọi mình là "Pioneer", cùng nhau xây dựng một thế giới nơi "Pi trở thành đồng tiền công bằng cho tất cả". Với giới hạn 100 tỷ coin, họ tin rằng tài sản của mình đang chờ đợi một ngày bùng nổ.
15h theo giờ Việt Nam ngày 20/2 vừa qua, Open Network của Pi chính thức ra mắt. Đây là khoảnh khắc hàng triệu Pioneer đã mong đợi: Pi có thể liên kết ví, giao dịch trên sàn và bước vào cuộc sống số thực sự. Nhóm phát triển ăn mừng khi có 10 triệu Pioneer xác minh danh tính sẵn sàng giao dịch.
Thị trường bùng nổ. Các IOU của Pi - giao dịch đặt cược sớm trên HTX và BitMart - tăng vọt 70%, từ 50 USD lên 90 USD chỉ trong vài giờ. Nhiều người dự đoán giá Pi sẽ dao động từ 30 đến 50 USD do nguồn cung hạn chế. Cộng đồng tiền điện tử hân hoan vì 6 năm kiên trì cuối cùng cũng có kết quả.

Ngày 14/3/2019, Pi coin ra đời mang đến hy vọng làm giàu cho hàng triệu "Pioneer" (Minh họa: Getty Images).
… đến cơn ác mộng
Nhưng niềm vui không kéo dài lâu. Chỉ một giờ sau khi ra mắt, sự phấn khích chuyển thành hoang mang. Hàng loạt lỗi xuất hiện. Nhiều người không thể chuyển Pi dù đã hoàn tất KYC, lỗi trong "Security Circles" và thậm chí mất coin.
Các sàn giao dịch bắt đầu quay lưng: Bybit từ chối niêm yết, Bitget rút lui, OKX bị đồn đoán liên quan đến mô hình kim tự tháp tại Trung Quốc, còn Binance vẫn im lặng. Các Pioneer bị mắc kẹt với lượng Pi không thể sử dụng.
Giá lao dốc nhanh chóng. Các IOU từ 90 USD gần như mất giá trị, một số nền tảng thậm chí hiển thị con số "0,0". Với 562 triệu coin được mở khóa và hàng tỷ coin khác chờ đợi, thị trường tràn ngập người bán. Giới hạn 100 tỷ coin, từng được xem là điểm mạnh, giờ trở thành gánh nặng nhấn chìm cả dự án.
Những người hoài nghi cười nhạo, gọi đây là một trò lừa đảo ngay từ đầu. Trong khi đó, những người trung thành cố gắng giữ vững niềm tin dù giấc mơ của họ đang dần tan biến.
Sau khi mở giao dịch với mức giá hơn 2 USD trên các sàn như OKX, Gate.io và Bitget, đồng Pi nhanh chóng mất giá, rơi xuống 0,65 USD vào chiều thứ sáu (ngày 21/2).
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, vào khoảng 20h theo giờ Việt Nam, giá Pi trên Bitget là 0,666 USD, trong khi trên OKX là 0,657 USD. Hiện tại, Bitget và OKX là 2 nền tảng giao dịch lớn nhất đang niêm yết đồng tiền này.
Đây không còn là một màn ra mắt mà là lời tạm biệt.

Pi coin bay hơi 2/3 sau 24 giờ ra mắt (Minh họa: Cointelegraph).
Điều gì đã sai?
Vậy, điều gì đã khiến Pi rơi vào tình cảnh này? Có phải hệ sinh thái quá lớn để quản lý? Những năm trì hoãn có làm mất đi niềm tin? Hay thị trường đơn giản là không chấp nhận một đồng coin dựa trên sự cường điệu? Có lẽ tất cả yếu tố này đã góp phần tạo nên cú lao dốc này, từ lỗi kỹ thuật, rào cản pháp lý, đến niềm tin của cộng đồng dần cạn kiệt.
Giá Pi lao dốc không phanh, biến một trong những "dự án cộng đồng lớn nhất" thành một trò hề của thị trường. Pioneer giờ chia làm 2 phe. Một số vẫn nắm giữ Pi, hy vọng nhóm phát triển sẽ tìm ra giải pháp.
Sự sụp đổ của Pi không chỉ là sự mất giá của một đồng coin. Đó là câu chuyện về những con người đã dám ước mơ, rồi chứng kiến giấc mơ ấy sụp đổ ngay trước mắt. Liệu Pi có thể trỗi dậy từ đống tro tàn hay sẽ biến mất mãi mãi?
Pi giờ chỉ còn là một "meme coin"?
Nếu trước đây, Pioneer tin rằng Pi sẽ thách thức bitcoin, thì giờ đây, cộng đồng crypto lại xếp Pi vào nhóm "meme coin" cùng với Dogecoin hay Shiba Inu. Sự thay đổi này xuất phát từ việc Pi Network thiếu minh bạch về công nghệ blockchain và chưa cung cấp bằng chứng rõ ràng về một chuỗi khối thực sự, dẫn đến nghi ngờ về tính hợp pháp của dự án.
Hơn nữa, Pi Network chưa được niêm yết trên các sàn giao dịch lớn như Binance, Coinbase hay Kraken. Điều này làm giảm khả năng tiếp cận và thanh khoản cho người dùng. Điều này càng củng cố quan điểm rằng Pi thiếu giá trị kinh tế nội tại và chủ yếu dựa trên sự lan truyền và hứng thú của cộng đồng, giống như các meme coin khác.
Việc thiếu ứng dụng thực tế và sự chấp nhận rộng rãi trong các giao dịch hàng ngày cũng khiến Pi khó có thể cạnh tranh với các đồng tiền điện tử hàng đầu. Thay vào đó, nó được xem như một hiện tượng mang tính giải trí hơn là một tài sản đầu tư nghiêm túc.
Hơn nữa, Giám đốc điều hành của Bybit, Ben Zhou, đã gọi Pi là một dự án lừa đảo, dẫn lại cảnh báo từ cảnh sát Trung Quốc về dự án cộng đồng này vào năm 2023, mô tả đây là một "trò lừa đảo" nhắm vào người cao tuổi. Vị lãnh đạo của Bybit nhấn mạnh rằng sàn giao dịch này không có kế hoạch niêm yết token của Pi Network.
Không có Elon Musk hậu thuẫn như Dogecoin, không có cộng đồng sôi động, và cũng chẳng có giá trị gì để đầu cơ, những điều này đã dẫn đến việc Pi bị coi là một "meme coin".

Rớt giá thảm hại, Pi coin được cộng đồng crypto xếp vào nhóm "meme coin", cùng với Dogecoin hay Shiba Inu (Minh họa: Coinpedia).
Câu hỏi đặt ra là liệu Pi còn cơ hội để lội ngược dòng? Có thể, nhưng rất khó. Nếu đội ngũ phát triển không nhanh chóng đưa ra giải pháp về thanh khoản, sàn giao dịch, và hệ sinh thái thực sự, Pi sẽ mãi mãi là một đồng coin "chết yểu".
Từ hero (người hùng) đến zero (con số 0) chỉ trong một ngày, Pi Network vừa để lại một bài học đắt giá: trong thế giới tiền điện tử, niềm tin chính là tài sản quý giá nhất - và cũng là thứ khó giữ nhất.