DMagazine

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ "vượt ải" Covid-19

(Dân trí) - 2020 là một năm sóng gió với nền kinh tế toàn cầu khi đại dịch Covid-19 cuốn nhiều nền kinh tế lớn bao gồm cả Mỹ, Anh, EU vào vòng xoáy suy thoái.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ

"vượt ải" Covid-19

2020 là một năm sóng gió với nền kinh tế toàn cầu khi đại dịch Covid-19 cuốn nhiều nền kinh tế lớn bao gồm cả Mỹ, Anh, EU vào vòng xoáy suy thoái. Với đặc thù vị trí địa lý và quan hệ kinh tế, thương mại mật thiết với Trung Quốc - tâm chấn đợt bùng phát dịch đầu tiên, các nước ASEAN là những quốc gia đầu tiên hứng chịu tác động rõ rệt của cuộc khủng hoảng đại dịch.

Tính đến ngày 31/12/2020, số liệu thống kê bởi ASEAN Briefing cho thấy các quốc gia Đông Nam Á đã báo cáo tổng cộng 1.521.328 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, Indonesia là ổ dịch lớn nhất ASEAN với 743.198 ca nhiễm, Philippines xếp ngay sau với 474.064 ca nhiễm và Myanmar là ổ dịch lớn thứ ba với 123.740 ca nhiễm.

So sánh với các ổ dịch lớn trên thế giới như Mỹ (19,8 triệu ca nhiễm), Ấn Độ (10,3 triệu ca nhiễm), Brazil (7,6 triệu ca nhiễm), tình hình dịch bệnh ở ASEAN có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tác động kinh tế trên toàn khu vực là không thể coi nhẹ.

Nhà kinh tế trưởng Joseph Incalcaterra từ HSBC Global Research nhận định: "Dưới góc độ kinh tế, Đông Nam Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh năm nay. Dịch Covid-19 đã làm tổn thương động lực tiêu dùng truyền thống. Trên cơ sở mức độ thiệt hại nặng nề đó, chúng tôi chưa thấy khả năng phục hồi rõ rệt của kinh tế ASEAN trong ngắn hạn".

Đáng chú ý, một số quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines hiện vẫn đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh mới khi số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày lên tới 4 con số.

Nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đăng trên tờ Nikkei cho rằng, nền kinh tế khu vực ASEAN khó phục hồi về mức trước đại dịch cho đến năm 2022.

Trong đó, 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN (gọi tắt là ASEAN-5 - bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) được dự báo sẽ chứng kiến tăng trưởng GDP thấp kỷ lục -5% trong năm 2020.

Indonesia

Năm 2019, khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia, ông Joko 'Jokowi' Widodo từng tự tin công bố kế hoạch "Indonesia Emas 2045" (tạm dịch: Thế hệ vàng 2045), trong đó đặt mục tiêu đưa quốc gia này trở thành một trong năm nền kinh tế hàng đầu thế giới từ nay đến năm 2045. Nhưng đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn đáng kể quỹ đạo tăng trưởng của Indonesia và lu mờ tham vọng của Tổng thống Joko Widodo.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 1
ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 2

Là ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ hai châu Á chỉ sau Ấn Độ, Indonesia hiện xác nhận 743.198 ca nhiễm Covid-19 và 22.138 ca tử vong, theo số liệu tính đến ngày 31/12 của ASEAN Briefing. Con số ca nhiễm thực tế thậm chí có thể cao hơn do năng lực xét nghiệm Covid-19 hạn chế của quốc gia này.

Cái giá mà Indonesia phải trả cho các biện pháp hạn chế kiểm dịch và cách ly xã hội trong thời gian dài là nền kinh tế rơi vào suy thoái, GDP giảm tốc 3 quý liên tiếp: -2,97% trong quý I/2020, -5,3% trong quý II/2020 và -3,5% trong quý III/2020. Gần 40.000 công ty buộc phải sa thải hoặc cắt giảm nhân sự, số lao động mất việc tăng vọt 2,7 triệu người chỉ trong tháng 8/2020, đưa tỷ lệ thất nghiệp nước này lên mức 7,1% - mức cao nhất kể từ năm 2011.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 3

Cuộc khủng hoảng đại dịch cũng đưa nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói. Dựa theo số liệu được tổng hợp bởi Tiến sĩ Siwage Dharma Negara (điều phối viên chương trình Nghiên cứu Indonesia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á), chỉ trong tháng 3/2020 - thời điểm làn sóng dịch bệnh đầu tiên bùng phát ở Indonesia, số người nghèo đói đã tăng vọt 1,63 triệu, qua đó nâng tỷ lệ nghèo đói lên 9,8% (tương đương 26,4 triệu người).

Khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp gây áp lực lên tâm lý đầu tư và tiêu dùng, phản ứng của chính phủ Indonesia trở thành động lực chính cho phục hồi kinh tế. Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã tăng chi tiêu chính phủ lên 18,6% so với mức năm 2019 để tài trợ cho các gói cứu trợ Covid-19. Ước tính trong năm 2020, chính phủ đã chi 695,2 nghìn tỷ Rp (47 tỷ USD) ngân sách cho các biện pháp kích thích kinh tế. Dự thảo ngân sách năm 2021 của Indonesia cũng phân bổ 356 nghìn tỷ Rp (24 tỷ USD) cho các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 4

Khi nguồn thu thuế dự kiến giảm đáng kể và thâm hụt ngân sách tăng mạnh sau các gói kích thích tài khóa, chính phủ sẽ phải dựa vào việc phát hành trái phiếu để đảm bảo nhu cầu tài chính. Kết quả nhãn tiền từ cuộc khủng hoảng Covid-19 là nợ quốc gia Indonesia sẽ bị đẩy lên mức kỷ lục mới. Tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP của quốc gia này dự kiến sẽ tăng từ mức 30% trong năm 2019 lên 38% trong năm 2020 và 41% trong năm 2021.

Ước tính đến năm 2021, Indonesia sẽ phải dành 373,2 nghìn tỷ Rp (26,5 tỷ USD) cho việc chi trả lợi suất trái phiếu. Con số này chiếm tới 10% ngân sách chính phủ, có nguy cơ làm giảm đáng kể dư địa chính sách tài khóa vốn đã hạn chế. Điều này đồng nghĩa Indonesia cần thận trọng trong điều hành nền kinh tế vĩ mô.

Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani dự báo Indonesia sẽ chứng kiến GDP giảm tốc khoảng 1,7-2,2% trong năm 2020 trước khi đạt mức tăng trưởng 4,5-5,5% vào năm 2021. Đó là trong tình huống lạc quan, giả định Indonesia kiểm soát thành công dịch bệnh trong năm tới, khi vaccine Covid-19 được phổ biến rộng rãi. Nhưng nguy cơ làn sóng dịch bệnh tiếp theo buộc chính phủ tái thắt chặt hạn chế kiểm dịch cũng như sự chậm trễ trong triển khai vaccine có thể vẫn là mối đe dọa với nền kinh tế.

Các nhà kinh tế học từ JECR thì dự báo Indonesia sẽ ghi nhận mức GDP -2,1% trong năm 2020 trước khi tăng trưởng 3,6% vào năm 2021.

Malaysia

Malaysia hiện ghi nhận 113.010 ca nhiễm Covid-19 và 471 ca tử vong tính đến hết ngày 31/12/2020, cũng theo số liệu thống kê bởi ASEAN Briefing.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 5

Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM), nền kinh tế Đông Nam Á này đã chính thức rơi vào suy thoái sau hai quý liền tăng trưởng âm liên tiếp: -17,1% trong quý II/2020 và -2,7% trong quý III/2020. Quý II cũng là quý chứng kiến mức giảm tốc GDP tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế Malaysia hiện đại và là quý GDP âm đầu tiên kể từ năm 2009.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng làm giảm đáng kể niềm tin đầu tư và tiêu dùng tại Malaysia, đưa đầu tư cố định giảm 13,4% và chi tiêu cá nhân giảm 4,8% trong năm 2020. GDP Malaysia dự kiến giảm tốc 5,8%.

Cũng theo WB, thâm hụt ngân sách của Malaysia có thể tăng lên mức 6% GDP trong năm 2020 do tác động của cuộc khủng hoảng đại dịch và suy thoái kinh tế. Mức thâm hụt ngân sách tăng mạnh lên 86,5 tỷ RM của Malaysia được thúc đẩy phần lớn bởi các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ. Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách Malaysia đã tung ra hàng loạt gói kích thích với tổng trị giá lên tới 305 tỷ RM, tương đương 21,2% GDP quốc gia.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 6

Cũng như trường hợp của Indonesia, thâm hụt tài khóa gia tăng sẽ buộc chính phủ Malaysia phát hành nhiều trái phiếu hơn, khiến nợ chính phủ tăng mạnh lên mức 60,7% GDP vào cuối tháng 9/2020. Để mở rộng không gian tài khóa đối phó với khủng hoảng đại dịch, Quốc hội nước này đã buộc phải thông qua các biện pháp tạm thời cho phép nâng mức trần nợ chính phủ cho đến năm 2023.

Trong một kịch bản lạc quan, WB dự báo kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 khi xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư phục hồi trở lại. "Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc triển khai chương trình tiêm chủng vaccine trong nước cũng như môi trường kinh tế thế giới… Đại dịch sẽ để lại những vết sẹo không thể xóa nhòa trong năng suất kinh tế thông qua sự gián đoạn đầu tư và nguồn cung lao động. Điều này dự kiến sẽ tạo nên lực cản đáng kể trong quá trình phục hồi kinh tế".

Philippines

Trước khi cuộc khủng hoảng đại dịch bùng phát, Philippines là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Nhưng đến tháng 3/2020, Tổng thống Rodrigo Duterte đã áp đặt lệnh phong tỏa với hầu hết các địa phương để ngăn chặn sự lây lan đại dịch chết người. Các biện pháp phong tỏa kiểm dịch của Philippines được mô tả là một trong những chiến dịch "khắc nghiệt và kéo dài lâu nhất trên thế giới". Bất chấp những nỗ lực, Philippines vẫn trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai Đông Nam Á với tổng cộng 474.064 ca nhiễm và 9.244 ca tử vong.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 7

Cái giá của việc phong tỏa kéo dài là nền kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức kỷ lục 17,7%, tương đương 7,3 triệu người trong tháng 4/2020. Các trường học và trung tâm thương mại đóng cửa trong thời gian dài, doanh nghiệp phá sản hoặc sa thải lao động. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc 3 quý liên tiếp: -0,7% trong quý I/2020, -10,7% trong quý II/2020 và -11,5% trong quý III/2020.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 8

Hồi đầu tháng 12/2020, các quan chức Philippines đã buộc phải thừa nhận thiệt hại kinh tế từ đại dịch Covid-19 với quốc gia này nghiêm trọng hơn những dự báo trước đây. Tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 dự kiến sẽ giảm sâu xuống mức -8,5% đến -9,5%.

Phản ứng của chính quyền ông Duterte trong việc xử lý khủng hoảng đại dịch đã bị dư luận chỉ trích dữ dội đến mức ngay cả các đồng minh của ông Duterte ở Thượng viện cũng ký vào thông điệp yêu cầu Tổng thống thay thế Bộ trưởng Y tế. Bản thân ông Duterte cũng bị cáo buộc phớt lờ khuyến cáo của các nhà khoa học về việc xét nghiệm hàng loạt và truy vết ca bệnh thay vì chỉ buộc người dân không ra khỏi nhà.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 9

Dự báo về triển vọng kinh tế, Bộ trưởng Ngân sách & Quản lý Philippines Wendel Avisado cho rằng, việc dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế Covid-19 sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và kích thích chi tiêu tiêu dùng tăng trở lại. Theo đó, dự kiến kinh tế Philippines có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% -7,5% vào năm 2021 và 8% -10% vào năm 2022. Bộ trưởng Avisado cũng cho biết thâm hụt ngân sách năm 2020 ước đạt 7,6% GDP quốc gia, thấp hơn mức dự báo 9,6% do chính sách tài khóa thận trọng của chính phủ.

Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez thì khẳng định chính phủ Philippines có đầy đủ nguồn lực cần thiết để đối diện với những thách thức kinh tế, nhưng cần thận trọng và tiết kiệm nguồn lực để phát huy tối đa hiệu quả của kích thích.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 10

Quốc hội Philippines đã thông qua gói ngân sách kỷ lục 4,5 nghìn tỷ peso (94 tỷ USD) cho năm 2021, trong đó một phần đáng kể được sử dụng để mua vaccine Covid-19. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 1/3 dân số quốc gia trong năm 2021 để sớm khôi phục trạng thái kinh tế bình thường.

Singapore

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tăng trưởng GDP Singapore đã chậm lại mức 0,7% trong năm 2019, mức tăng GDP thấp nhất trong một thập kỷ. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự suy thoái theo chu kỳ trong lĩnh vực điện tử toàn cầu.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 11

Với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế như Singapore, môi trường thương mại toàn cầu là yếu tố ảnh hưởng quyết định. Do đó, cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 nhanh chóng mang tới những hệ lụy cho Singapore. Khi nhiều quốc gia chưa dỡ bỏ hạn chế Covid-19 và kinh tế thế giới trì trệ, Singapore cũng rơi vào suy thoái sâu.

Đảo quốc sư tử biển báo cáo GDP quý III/2020 -5,8% sau mức -0,7% hồi quý I và -13,2% trong quý II. Theo dự báo chính thức được chính phủ nước này công bố, nền kinh tế Singapore có thể giảm tốc 6-6,5% trong năm 2020 - cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Ước tính trong năm 2020, chính phủ Singapore đã chi khoảng 100 tỷ SGD (75,64 tỷ USD), tương đương 20% GDP quốc gia cho các gói cứu trợ Covid-19, bao gồm cả hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp. Các biện pháp kiểm soát đại dịch và kích thích kinh tế có vẻ đang phát huy hiệu quả khi nền kinh tế Singapore bắt đầu cho thấy những dấu hiệu phục hồi.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 12

Hôm 31/1/2020, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định trong bài phát biểu chào mừng năm mới: "Sau thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ khi độc lập đến nay, chúng tôi kỳ vọng phục hồi kinh tế trong năm 2021, mặc dù sự phục hồi có thể không đồng đều và nền kinh tế không sớm trở lại mức trước đại dịch Covid-19".

Nhà phân tích Joseph Incalcaterra từ HSBC Global Research cũng cho rằng: Singapore đã "kiểm soát thành công các đợt bùng phát dịch Covid-19. Vào thời điểm mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang tái thắt chặt những hạn chế kiểm dịch do làn sóng dịch bệnh tiếp theo thì Singapore là một trong những quốc gia hiếm hoi đi ngược dòng".

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đặt tham vọng cung cấp đủ vaccine Covid-19 cho mọi người dân Singapore vào quý III/2020. Những yếu tố sẽ tạo tiền đề cho triển vọng phục hồi kinh tế.

Theo dự báo chính thức từ chính phủ, kinh tế Singapore có triển vọng tăng trưởng 4-6% trong năm 2021.

Thái Lan

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 13

Trước đại dịch Covid-19, kinh tế Thái Lan đã đối diện với nhiều thách thức trong vấn đề cơ cấu khi tăng trưởng kinh tế năm 2019 chỉ đạt 2,4%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Trong giai đoạn 2009-2019, tăng trưởng kinh tế bình quân nước này đạt 3,6%, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Việt Nam (6,5%), Philippines (6,3%), Malaysia (5,3%). Tỷ lệ đói nghèo cũng có dấu hiệu tăng trở lại khi thống kê cho thấy khoảng 1/10 dân số Thái Lan sống với mức thu nhập bình quân dưới 2,85 USD/ngày. Nợ hộ gia đình lên mức 80% GDP quốc gia trong khi xu hướng dân số già hóa và hiện tượng độc quyền kìm hãm khả năng đổi mới nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã làm tổn thương hai động lực tăng trưởng chính của Thái Lan - xuất khẩu và du lịch, đưa quốc gia này rơi vào suy thoái sâu. GDP Thái Lan giảm tốc 6,4% trong quý III/2020 sau mức -12,2% hồi quý II và -1,8% trong quý I. Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ rơi xuống mức -6%, lạc quan hơn so với dự báo -7,7% của Bộ Tài chính. Còn Ngân hàng Trung ương Thái Lan thì tỏ ra tích cực hơn khi dự báo GDP -5,3% trong năm 2020 trước khi khôi phục về mức 3% trong năm 2021.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 14

Với một quốc gia mà ngành du lịch đóng góp 20% vào GDP quốc gia như Thái Lan, các biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt trên toàn cầu rõ ràng là một đòn giáng lớn vào nền kinh tế. Nước này đã mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài vào tháng 10/2020 sau gần 7 tháng ròng rã đóng cửa. Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 9 triệu lượt khách du lịch trong năm 2021, thấp hơn đáng kể so với con số 40 triệu lượt du khách ghé thăm Thái Lan năm 2019.

Nếu ngành du lịch không có dấu hiệu khởi sắc, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có khả năng tiếp tục mờ nhạt trong năm tới, cảnh báo được đưa ra hồi đầu tháng 12/2020 bởi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwart-Narueput.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 15

Tiến sĩ Kirida Bhaopichitr, Giám đốc phụ trách Nghiên cứu Kinh tế quốc tế và Chính sách Phát triển tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan dự báo phải đến cuối năm 2022, nền kinh tế Thái Lan mới khôi phục về mức trước đại dịch Covid-19. Trong kịch bản bi quan, nếu làn sóng dịch bệnh tiếp theo bùng phát hoặc công tác triển khai tiêm chủng vaccine bị trì hoãn, sự phục hồi có thể còn chậm chạp hơn.

Việt Nam

Trong khi 5 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á đều rơi vào suy thoái do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nổi bật khi vẫn duy trì được tăng trưởng dương.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 16

Tổng hợp dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF về các nền kinh tế Đông Nam Á, tờ tạp chí kinh tế - tài chính Nikkei hồi cuối tháng 12 dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 đạt 2,91% và là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới ghi nhận tăng trưởng GDP thực trong bối cảnh đại dịch. Con số này phù hợp với ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê và vượt ước tính 2,8% của Bloomberg. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc 4% trong cùng kỳ, theo Ngân hàng Thế giới.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định đại dịch Covid-19 đã đưa tăng trưởng kinh tế năm nay xuống mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Trong tháng 12/2020, số liệu chính thức được công bố cho thấy kim ngạch xuất khẩu nước ta tăng vọt 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu tăng 22,7%. Trung bình cả năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 6,5% và nhập khẩu tăng 3,6%.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 17

Lấy dữ liệu kinh tế năm 2019 làm đường cơ sở, Nikkei cũng xếp hạng Việt Nam là quốc gia có triển vọng phục hồi kinh tế mạnh nhất ASEAN trong năm 2021, xếp trên Indonesia và Malaysia.

Báo cáo kinh tế thường niên của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra dự báo mức tăng trưởng kinh tế 6,8% cho Việt Nam trong năm 2021 nhờ kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, tạo tiền đề thu hút vốn FDI đóng góp vào động lực tăng trưởng kinh tế.

Nhà kinh tế trưởng Joseph Incalcaterra từ HSBC Global Research cũng ca ngợi năng lực xử lý cuộc khủng hoảng đại dịch của Chính phủ Việt Nam, cho rằng đây là cơ sở vững chắc giúp Việt Nam củng cố sức hút với luồng vốn FDI nước ngoài trong năm 2021.

ASEAN-5 lún vào suy thoái, Việt Nam mạnh mẽ vượt ải Covid-19 - 18

Trong một báo cáo hôm 10/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,1% trong năm 2021.

Về phía Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra cho năm 2021 là khoảng 6%. Theo Tổng cục Thống kê, đây là thách thức lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, dễ chịu tác động của biến động thị trường. Ngoài tiềm năng về dòng vốn FDI, hàng loạt hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP cũng được kỳ vọng sẽ tác động tích cực với dòng chảy ngoại thương quốc gia.