DMagazine

Singapore, Đức và Hàn Quốc đã dập tắt "khủng hoảng rác" như thế nào?

(Dân trí) - Bằng những cách khác nhau, Singapore, Đức hay Hàn Quốc đều đã trở thành những người tiên phong với hệ thống xử lý rác tiên tiến của mình.

Quản lý chất thải là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cũng là một trong những thách thức lớn nhất đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu trở nên phức tạp và tình trạng thu hẹp diện tích đất đai. 

Nhằm đối phó với chúng, các nước phát triển đã và đang triển khai những biện pháp cụ thể để biến rác thải từ một gánh nặng, trở thành tài nguyên quý giá của quốc gia, cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Singapore, Đức và Hàn Quốc đã dập tắt khủng hoảng rác như thế nào? - 1

Tại nhiều quốc gia, các bãi chôn lấp rác thường hiện lên với hình ảnh kém vệ sinh, khi hàng tấn rác được chất đống, bốc mùi và chờ được xử lý.

Ở Singapore thì khác. Tại một quốc gia với những nguồn tài nguyên hạn chế, họ đã xử lý rác thải theo một quy trình rất khoa học, và được nhiều nơi khác học theo.

Thậm chí, người Singapore đã xoay xở để biến nơi chôn lấp rác thành một hòn đảo du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách đến tham quan. Đó là đảo Pulau Semakau.

Thảm cỏ xanh, những bông hoa giấy đỏ rực, rặng dừa mướt mát, san sát bên cạnh các trại nuôi tôm, cá… Đó là những gì đập vào mắt du khách khi họ được đặt chân tới hòn đảo.

Singapore, Đức và Hàn Quốc đã dập tắt khủng hoảng rác như thế nào? - 4

Song, những người này không hề biết rằng bản thân hòn đảo là một nơi tiếp nhận rác, và thậm chí là nơi chôn lấp rác duy nhất của toàn bộ quốc gia Singapore.

Tất nhiên, để có được sự trong lành của hòn đảo, đa số lượng chất thải được chôn đa số đều đã hóa thành tro sau một quá trình đốt rác tại các nhà máy biến rác thải thành năng lượng (WTE).

Toàn bộ ý tưởng thú vị này đã được đưa ra và bắt đầu triển khai vào năm 1979, khi các nhà máy WTE đi vào hoạt động.

Singapore, Đức và Hàn Quốc đã dập tắt khủng hoảng rác như thế nào? - 5

Theo một báo cáo được đăng trên Tech Talkers, quy trình xử lý rác thải khép kín của WTE bao gồm việc đốt rác và xử lý khí thải.

Tại đây, dưới ngọn lửa lên tới 1.000 độ C của lò đốt, phần lớn rác sẽ bị thiêu hủy, chỉ còn lại một ít tro tàn. Bởi đó, khối lượng chất thải rắn trước khi được chôn sẽ giảm đi rất nhiều, lên tới 90%. 

Nhiệt lượng từ quá trình đốt rác tạo ra hơi nóng. Hơi nóng này tiếp tục được chuyển hóa thành điện năng thông qua các máy phát điện tua bin hơi nước.

Theo thống kê, các máy phát này có thể tạo ra khoảng 120 megawatt điện mỗi giờ, tương đương với nhu cầu sinh hoạt của khoảng 240.000 hộ gia đình.

Lượng khí thải sinh ra từ quá trình đốt sẽ được xử lý cẩn thận thông qua một hệ thống lọc chuyên nghiệp, nhằm loại bỏ các hạt nặng có hại cho môi trường.

Theo EPA, những lò đốt này tạo ra lượng khí thải nhà kính chỉ nhiều hơn một chút so với khí tự nhiên, và được kiểm soát nghiêm ngặt để hạn chế lượng phát thải trong giới hạn cho phép.

Theo tổ chức môi trường National Environment Agency (NAS), 42% rác thu thập vào năm 2021 tại Singapore được chuyển hóa thành năng lượng tại các WTE theo cách này.

Tro rác tiếp tục được vận chuyển một quãng đường dài 33km bằng các sà lan trên biển tới đảo Semakau để chuẩn bị cho quá trình chôn lấp.

Tại đây, các máy đào lớn và các gầu ngoạm được thiết kế đặc biệt có nhiệm vụ dỡ chất thải rắn và tro rác xuống một bãi chứa có tải trọng lên tới 35 tấn.

Sau đó, lượng tro này được vận chuyển đến một vùng nước không chạm vào nước biển, khiến nó trở nên tuyệt đối an toàn với môi trường biển.

Bằng chứng là một hệ sinh thái đa dạng, với hơn 700 loài động thực vật khác nhau, đã tồn tại trên đảo Semakau suốt hàng chục năm. Trong đó có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá heo trắng Trung Quốc, diệc mỏ dài...

Đây còn là nơi có trang trại cá chẽm lớn nhất Singapore do có dòng biển mạnh và hàm lượng oxy trong nước cao. Ngoài ra, quanh đảo còn có hai khu rừng ngập mặn.

Mỗi tháng, các chuyên gia đều lấy mẫu nước biển xung quanh đảo để xét nghiệm, đảm bảo các chỉ số luôn ở mức an toàn.

Singapore, Đức và Hàn Quốc đã dập tắt khủng hoảng rác như thế nào? - 7

Thế nhưng, chính hệ động thực vật phong phú trên đảo mới là thước đo phản ánh chính xác nhất cho những nỗ lực của Singapore trong việc cải tạo rác, và thoát khỏi gánh nặng từ những hệ lụy dành cho môi trường.

Dẫu vậy, Singapore vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề nhất định, phát sinh từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, khiến hiện trạng môi trường tại quốc gia này dần trở nên phức tạp.

Một trong những khó khăn mà người Singapore gặp phải, là tỷ lệ tái chế rác chỉ duy trì ở mức khoảng 20% trong suốt hơn một thập kỷ.

Nguyên nhân là bởi người dân tại Singapore còn thiếu hiểu biết về các tiêu chuẩn tái chế và phân loại rác. Trong khi ở các nước phát triển, đặc biệt là khu vực Tây Âu, thì tái chế rác đã là một tiêu chuẩn phổ biến rộng rãi.

Singapore, Đức và Hàn Quốc đã dập tắt khủng hoảng rác như thế nào? - 9

Nhắc tới rác tái chế, không thể không kể tới Đức - quốc gia được tôn vinh là dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này.

Giống như một số quốc gia khác trong khu vực, như Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy... thành công của Đức bắt nguồn từ 2 yếu tố: Chính sách mạnh mẽ của chính phủ, và nhận thức cao của cộng đồng tái chế.

Trong 2 thập kỷ qua, Đức đã áp dụng một loạt các chiến lược mạnh mẽ, chẳng hạn như chính sách phân loại rác bắt buộc hay chương trình hoàn trả tiền đặt cọc (DRS) cực kỳ hiệu quả.

Trong đó, chương trình DRS không chỉ có ở Đức, mà đã mở rộng ra 10 quốc gia Châu Âu, cũng như một số bang ở Bắc Mỹ và Nam Úc.

Singapore, Đức và Hàn Quốc đã dập tắt khủng hoảng rác như thế nào? - 11

Theo chương trình này, khi người tiêu dùng mua những loại đồ uống sử dụng chai, lọ có thể tái chế, họ sẽ phải trả thêm một khoản tiền đặt cọc, dao động trong khoảng 0,08 - 0,25 euro (tương đương 2 - 6,5 ngàn VNĐ).

Tuy nhiên, số tiền thêm sẽ được hoàn trả ngay lập tức sau khi chai rỗng được trả lại cho cửa hàng bán lẻ. Những chai này sau đó sẽ được đưa tới nhà máy tái chế, và tiếp tục vòng đời của mình.

Nguyên tắc này dựa trên niềm tin rằng những người tạo ra ô nhiễm phải chịu chi phí quản lý để ngăn chặn những hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe con người, cũng như môi trường.

DRS đã được chứng minh là cực kỳ hiệu quả ở các quốc gia như Đức, khi đạt tỷ lệ hoàn vốn đáng kinh ngạc, lên tới 98,4% kể từ khi áp dụng.

Bắt đầu từ năm 2024, thậm chí các hộp đựng sữa và sản phẩm từ sữa cũng sẽ phải nộp thêm tiền đặt cọc.

Một chính sách khác ở Đức đã được thông qua, góp phần quan trọng trong "cuộc cách mạng xử lý rác", là Đạo luật quản lý chất thải và chu trình khép kín năm 1996, được sửa đổi vào năm 2012.

Đạo luật này khuyến khích các doanh nghiệp tái cơ cấu lại hệ thống sản xuất, nhằm đảm bảo rằng hầu hết các sản phẩm được sản xuất bằng vật liệu có thể tái chế, cũng như thúc đẩy các mặt hàng có lợi cho môi trường.

Những chính sách kể trên đã góp phần mang lại kết quả tích cực, khi tỷ lệ tái chế rác ở Đức tăng vọt. Quan trọng hơn, Đức đã thành công xây dựng được sự hiểu biết và chấp nhận của công chúng về văn hóa tái chế. 

Nó cũng khuyến khích chính quyền địa phương áp dụng các quy định chặt chẽ hơn và các công ty áp dụng các tiêu chuẩn tái chế rắn hiệu quả hơn.

Singapore, Đức và Hàn Quốc đã dập tắt khủng hoảng rác như thế nào? - 14

Việc phân loại rác ở Đức (thuật ngữ địa phương là: Mülltrennung) cũng được người dân thực hiện triệt để và nghiêm túc.

Gần như việc phân loại rác đúng cách đã ăn sâu vào huyết quản của mỗi người dân sống ở Đức ngay từ nhỏ, với ít nhất 3 - 4 loại thùng rác khác nhau xuất hiện trong các gia đình ở Đức.

Những thùng rác này sẽ phân loại rác ra làm rất nhiều loại khác nhau, như rác hữu cơ/sinh học, nhựa và kim loại mềm, giấy và bìa cứng, sản phẩm vệ sinh, chai thủy tinh...

Nếu vi phạm các quy định về phân loại rác, người dân sẽ bị phạt rất nặng, có thể lên tới 1.500 euro (tương đương 38 triệu đồng).

Hệ thống phân loại trước cho phép Chính phủ Liên bang tiết kiệm tiền cho việc xử lý và quản lý chất thải, đồng thời giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm của vật liệu tái chế.

Đây chắc chắn là giải pháp quản lý chất thải thành công với tác động tích cực đến không chỉ việc giảm thiểu phát sinh rác thải, mà còn giúp các ngành công nghiệp cũng như người tiêu dùng phát triển tư duy có trách nhiệm và bền vững hơn.

Bên cạnh những chính sách hiệu quả, Đức cũng liên tục đầu tư vào hạ tầng xử lý chất thải tiên tiến, áp dụng công nghệ cao, với tiêu chí hàng đầu là giảm tác động đến môi trường. 

Đồng thời, quốc gia này đã địa phương hóa các nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng, từ đó giúp giảm thiểu khoảng cách vận chuyển chất thải.

Đối với việc chôn lấp rác thải, Đức cũng làm rất tốt. Vào năm 2017, Đức đã đạt thành công khi chỉ 1% rác thải đô thị được đưa đến các bãi chôn lấp. Để so sánh, mục tiêu của nhiều nước EU hướng đến vẫn là tỷ lệ chôn lấp rác phải dưới 10% vào năm 2035.

Trước những nỗ lực này, tỷ lệ tái chế rác ở Đức ngay trong năm 2002 đã đạt 56%, và lên tới 67% vào năm 2019.

Mặc dù dẫn đầu về tái chế và có phương pháp quản lý chất thải rắn đứng đầu thế giới, nhưng hệ thống này vẫn được đánh giá là chưa hoàn hảo.

Một trong những lý do là bởi Đức vẫn sản xuất rác thải bao bì, đặc biệt là nhựa, với tỷ lệ cao nhất trên toàn châu Âu. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới lượng chất thải trung bình được tạo ra tại quốc gia này.

Ước tính từ năm 2005 đến 2016, lượng chất thải trung bình được tạo ra ở các quốc gia EU khác đã giảm, trong khi ở Đức thậm chí tăng gần 10%. 

Một thống kê gần đây của Văn phòng Thống kê Liên bang cho thấy vào năm 2020, năm đầu tiên xảy ra đại dịch Covid-19, gần 6,5 triệu tấn chất thải bao bì đã được thu gom tại Đức, và chất thải bao bì tính theo đầu người tăng 6kg so với năm 2019.

Singapore, Đức và Hàn Quốc đã dập tắt khủng hoảng rác như thế nào? - 15

Nếu như người Đức có thể tự hào về thành tích dẫn đầu thế giới trong tái chế rác, thì tại một quốc gia châu Á nhỏ bé, tái chế rác lại là cách mà họ thoát khỏi cuộc khủng hoảng vào những năm đầu của thập niên 90.

Như đã biết, Hàn Quốc sở hữu diện tích tương đối hạn chế. Phạm vi lãnh thổ của quốc gia này chỉ đạt 100,363 km (xếp hạng 107 trên thế giới), nhưng lại là một trong những nước có tỷ lệ rác thải thực phẩm cao nhất thế giới.

Bắt đầu từ cuối những năm 1990, khi Hàn Quốc bước vào giai đoạn bùng nổ đô thị hóa, kéo theo hệ thống thực phẩm công nghiệp hóa và quy mô rác thải mới, họ đã đối mặt với một loạt những vấn đề nghiêm trọng, khi số lượng bãi chôn lấp rác ở Seoul đạt đến giới hạn.

Singapore, Đức và Hàn Quốc đã dập tắt khủng hoảng rác như thế nào? - 17

Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng về rác thải, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện một loạt các chính sách quyết liệt và mạnh mẽ. Một trong số đó là quy định cấm chôn rác thải hữu cơ tại các bãi chôn lấp vào năm 2005. 

Thế nhưng, một bài toán ngay lập tức được đặt ra, đó là làm thế nào để yêu cầu người dân phân tách thực phẩm thừa ra khỏi chất thải chung. Bởi hệ thống phân lọc rác luôn bị quá tải và không thể đảm nhiệm được một khối lượng rác khổng lồ.

Và rồi, câu trả lời khiến chúng ta ai cũng bất ngờ. Đó là những chiếc túi đựng rác.

Người dân Hàn Quốc bắt đầu được làm quen với những chiếc túi nhựa màu vàng đặc biệt, có thể dễ dàng được mua các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, với giá 300 won (tương đương 5.000 đồng) đối với loại 3 lít.

Trên chiếc túi là dòng chữ: "Túi đựng rác thực phẩm được chỉ định".

Chính phủ Hàn Quốc đưa ra một yêu cầu đơn giản, đó là người dân phải sử dụng những chiếc túi này để trút bỏ thức ăn thừa của họ, trước khi cho vào một thùng rác riêng biệt, đặt ở vệ đường.

Những chiếc túi này sẽ được chuyển đến một nhà máy tái chế để loại bỏ nhựa. 

Chất thải thực phẩm sau khi được thu gom, cũng được xử lý, nhằm loại bỏ độ ẩm để tạo khí sinh học và dầu sinh học.

Chất thải khô thì được biến thành phân bón, giúp phát triển ngành nông nghiệp đô thị của đất nước.

Singapore, Đức và Hàn Quốc đã dập tắt khủng hoảng rác như thế nào? - 19

Hệ thống tưởng như đơn giản này kỳ thực lại có mức độ hiệu quả vô cùng đáng kinh ngạc. Năm 1996, Hàn Quốc chỉ tái chế được 2,6% chất thải thực phẩm. Giờ đây, họ đạt con số xấp xỉ 100% mỗi năm.

Tính dễ sử dụng và khả năng tiếp cận là rất quan trọng đối với sự thành công của mô hình này ở Hàn Quốc.

"Hệ thống rác thải của Hàn Quốc, đặc biệt là về tần suất thu gom, cực kỳ tiện lợi so với các nước khác", Hong Su-yeol, chuyên gia về rác thải và Giám đốc Công ty Tư vấn Tái chế Tài nguyên, cho biết.

Ngoài sự tiện lợi, chuyên gia này cũng lưu ý về tầm quan trọng của việc cân bằng giữa san sẻ chi phí và khả năng chi trả của hệ thống.

Theo đó, chất thải thực phẩm thường nặng do có chứa nước bên trong, khiến cho việc vận chuyển trở nên tốn kém. Do vậy ở Hàn Quốc, doanh thu từ những túi màu vàng được chính quyền quận thu lại để giúp trang trải chi phí cho quá trình này.

Sau sự thành công của những chiếc túi đựng rác màu vàng, chính phủ Hàn Quốc triển khai mô hình tương tự với 4 loại túi khác, với tác dụng chứa chất thải sinh hoạt, chất thải kinh doanh, chất thải công cộng và chất thải xây dựng.

Cuối năm 2010, chính phủ cũng cho phép các chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn thay thế túi tạp hóa sử dụng một lần bằng túi nhựa đa năng, có thể được sử dụng làm túi đựng rác trong khu vực, nhằm giảm số lượng túi nhựa bị vứt bỏ sau khi mua sắm.

Động thái này giúp giảm một nửa số lượng rác thải nhựa dùng một lần vào năm 2022, đồng thời tăng tỷ lệ tái chế lên mức 70%.

Singapore, Đức và Hàn Quốc đã dập tắt khủng hoảng rác như thế nào? - 21

Nước này cũng đã ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ giảm thiểu chất thải và tình trạng lãng phí thực phẩm, vốn đã kéo dài trong suốt hàng thập kỷ.

Tại Seoul, ước tính có khoảng 6.000 thùng đựng rác được trang bị cân và cảm biến nhận dạng tần số vô tuyến (RFID). Hệ thống này cho phép tính toán trọng lượng chất thải thực phẩm và tính phí cư dân bằng thẻ ID.

Nói cách khác, càng đổ nhiều rác, đặc biệt là rác thực phẩm, thì người dân càng mất thêm tiền phí.

Theo các quan chức tại Seoul, hệ thống này đã góp phần giảm được 47.000 tấn rác thải thực phẩm thải ra chỉ trong vòng 6 năm, nhờ việc người dân hạn chế xả rác.

Bằng những cách khác nhau, Singapore, Đức hay Hàn Quốc đều đã trở thành những người tiên phong với hệ thống xử lý rác tiên tiến của mình.

Dẫu chưa thể hoàn hảo, song những phương pháp này đã và đang cho thấy sự khả thi, và những đóng góp trực tiếp tới việc giảm lượng rác thải ra môi trường, cũng như chung tay bảo vệ Hành tinh Xanh của chúng ta.

Nội dung: Minh Khôi