1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Trung tâm nghiên cứu hoa lan rực rỡ, nhộn nhịp đón Tết cận kề

Minh Khôi

(Dân trí) - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, Cây cảnh, trải dài trên diện tích 3 héc-ta, là nơi trưng bày hàng nghìn cây lan hồ điệp với đủ chủng loại và màu sắc.

Tết Ất Tỵ 2025 đang tới gần. Thế nhưng, không khí rộn ràng của những ngày cuối năm đã tràn ngập tại trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng lan hồ điệp lớn nhất cả nước từ hơn một tháng nay.

Nơi đây không chỉ là địa điểm yêu thích của những người đam mê lan mà còn là biểu tượng cho nỗ lực bền bỉ suốt 18 năm của các nhà khoa học Việt trong việc nghiên cứu và phát triển giống lan hồ điệp.

Vườn lan giữa lòng trung tâm nghiên cứu

Trung tâm nghiên cứu hoa lan rực rỡ, nhộn nhịp đón Tết cận kề - 1

Vườn hoa lan tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, Cây cảnh (Gia Lâm, Hà Nội) (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, Cây cảnh, trải dài trên diện tích 3 héc-ta, là nơi trưng bày hàng nghìn cây lan hồ điệp với đủ chủng loại và màu sắc.

Những chậu lan được lai tạo và chăm sóc kỹ lưỡng đã sẵn sàng đến tay người yêu hoa trên khắp cả nước, mang đến một vẻ đẹp sang trọng, tinh tế cho mỗi gia đình trong dịp Tết.

Chị Duyên, một người mua lan tại đây, chia sẻ: "Lan hồ điệp ở đây không chỉ đẹp mà còn đảm bảo chất lượng vì được các nhà khoa học chăm sóc từ khâu lai tạo đến nuôi trồng. Mua tại nơi sản xuất, giá lại hợp lý, không lo bị đội giá như mua ngoài thị trường."

Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Hoàng, một người chơi lan lâu năm tại Hà Nội, cho biết: "Tôi thích lan hồ điệp vì vẻ đẹp sang trọng, tinh tế và bền lâu của nó. Mỗi năm Tết đến, tôi thường dành thời gian đến những vườn lan uy tín để chọn mua những chậu hoa đẹp về trang trí nhà cửa".

Không chỉ vậy, chậu lan hồ điệp còn là món quà ý nghĩa để biếu tặng người thân, bạn bè. "Tặng một chậu lan hồ điệp ngày Tết thay cho lời chúc năm mới an lành, may mắn và thành công. Tôi nghĩ đó là một món quà vừa sang trọng vừa tinh tế," anh Hoàng nói thêm.

"Đó là vì lan hồ điệp không chỉ làm đẹp không gian sống mà còn mang ý nghĩa phong thủy, tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và tài lộc trong năm mới".

Trung tâm nghiên cứu hoa lan rực rỡ, nhộn nhịp đón Tết cận kề - 2

Chị Duyên, một người mua lan cho biết thường tới đây mua lan vì không lo bị đội giá như mua ngoài thị trường (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Việc ưa chuộng lan hồ điệp của anh Hoàng, chị Duyên, phản ánh xu hướng chung của người tiêu dùng Việt Nam trong những năm gần đây, khi thị trường hoa Tết ngày càng phong phú với nhiều loại hoa hiện đại, được nghiên cứu và phát triển từ các trung tâm khoa học trong nước.

18 năm nỗ lực cho giống hoa hoàn hảo

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, cho biết: "Để tạo ra những giống lan hồ điệp hoàn hảo, chúng tôi đã phải mất từ 10 đến 15 năm cho mỗi chu trình nghiên cứu và lai tạo".

Quá trình này bắt đầu bằng việc thu thập nguồn gene từ các giống lan hoang dã trong và ngoài nước, sau đó phân tích để chọn ra các cặp lai bố mẹ mang những đặc tính nổi trội nhất như hoa to, bền màu, hương thơm và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Sau đó, các nhà khoa học tiến hành lai tạo, nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô hiện đại. Giờ đây, do đã có sự kế thừa những kết quả nghiên cứu từ nhiều năm trước, nên hàng năm sẽ cho ra được giống mới.

Trung tâm nghiên cứu hoa lan rực rỡ, nhộn nhịp đón Tết cận kề - 3

PGS.TS Đặng Văn Đông trên tay một lọ chứa chồi non hoa lan hồ điệp trong cơ sở nuôi cấy mô (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Nhờ mô hình nghiên cứu bài bản, Trung tâm đã trở thành một trong những cơ sở nuôi cấy mô lớn nhất Việt Nam, với khả năng sản xuất hơn 1 triệu cây lan hồ điệp mỗi năm. Được biết, những giống lan mới đều được đăng ký bản quyền trước khi được nhân rộng và đưa ra thị trường.

Từ một cá thể ban đầu này, hàng vạn cây con đồng nhất được nhân lên, tạo ra các giống lan hồ điệp có ngoại hình độc đáo, không giống bất kỳ loại nào khác. 

TS. Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: "Mặc dù đã làm chủ công nghệ lai tạo và nhân giống, nhưng năng lực sản xuất hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Bên cạnh mục tiêu thay thế hoa nhập khẩu, chúng tôi cũng hướng đến xuất khẩu lan hồ điệp ra thị trường quốc tế".

Được biết, những cây lan hồ điệp được nghiên cứu và nuôi cấy tại trung tâm đã và đang được các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu đón nhận.

"Việc xuất khẩu cành hoa lan hồ điệp không chỉ mở ra cơ hội tăng thu nhập cho người trồng hoa mà còn khẳng định vị thế của hoa Việt Nam trên thị trường quốc tế", TS. Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.

Trung tâm nghiên cứu hoa lan rực rỡ, nhộn nhịp đón Tết cận kề - 4

Hàng ngàn mầm lai tạo và nhân giống được bảo quản cẩn thận bên trong lọ thủy tinh với điều kiện độ ẩm, ánh sáng phù hợp để sinh trưởng (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Theo chuyên gia, dù xu hướng chơi hoa Tết đang nghiêng về các loại hoa mới, nhưng không thể bỏ qua việc khai thác và sử dụng hoa truyền thống. Dẫu vậy, hoa truyền thống cũng cần phải được cải tiến để phù hợp với thị hiếu và điều kiện sống hiện đại.

PGS.TS Đặng Văn Đông giải thích: "Thí dụ, trong môi trường đô thị, những cây đào to, nặng nề sẽ không còn phù hợp. Thay vào đó, cần phát triển những cây đào mini với kích thước nhỏ gọn, nhưng vẫn đảm bảo hoa sai, đẹp và bền. Để đạt được điều này, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tạo hình và kiểm soát kích thước cây một cách hiệu quả".

"Quá trình này là minh chứng rõ ràng cho việc áp dụng khoa học vào sản xuất hoa đã mang lại hiệu quả cao, không chỉ giúp người trồng hoa tăng thu nhập mà còn góp phần làm phong phú thêm thị trường hoa Việt Nam", ông chia sẻ.