1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Kỳ lạ loài san hô biết đi

Phạm Hường

(Dân trí) - Có lẽ bạn thường nghĩ san hô là loài đứng im một chỗ. Trên thực tế, hầu hết san hô không di chuyển mà bám chặt vào nơi sinh sống, thường là rạn san hô được tạo nên từ xương của các lứa san hô trước.

Tuy vậy, một số loài san hô không tuân theo đa số, chẳng hạn như loài san hô nấm nhỏ có tên Cycloseris cyclolites. Nó có thể di chuyển dưới đáy biển đầy cát theo ánh sáng mặt trời.

Nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Queensland, Úc, đã theo dõi khả năng chuyển động của loài san hô này. Theo thang thời gian của con người thì san hô Cycloseris cyclolites di chuyển cực kỳ chậm, mỗi "con" chỉ đi được 4,4 cm trong 24 giờ.

Kỳ lạ loài san hô biết đi - 1

Đoạn ghi hình tua nhanh cho thấy quá trình san hô phồng lên, giúp giảm ma sát và tăng lực nổi, khiến nó di chuyển dễ dàng (Ảnh: Lewis et al., PLOS One, 2025).

Trong giờ đầu tiên, chúng phồng lên làm cho phần giữa thân nhô lên khỏi đáy biển. Sau đó, phần tiếp xúc với đáy biển biến đổi hình dạng giống như mọc ra chân, giúp nó bắt đầu di chuyển được.

Các "chân" này co và xoắn giúp san hô được đẩy về phía trước tương tự như cách chuyển động của loài sứa. San hô di chuyển hướng đến một nguồn sáng cố định.

Hầu hết san hô sống dựa vào sự cộng sinh với tảo giáp bám trong mô của chúng. Những sinh vật đơn bào này sản xuất năng lượng từ ánh sáng mặt trời, sau đó được san hô hấp thụ.

Vị trí và ánh sáng chiếu tới là yếu tố quan trọng. Đối với một loài san hô sống tự do như Cycloseris cyclolites, việc có thể trèo ra khỏi một con lạch râm mát, dù mất bao lâu, rất có thể là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.

Nhà sinh vật học Brett Lewis, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Khả năng di chuyển về phía các nguồn sáng cụ thể của Cycloseris cyclolites là điểm tương đồng thú vị với các loài sinh vật biển khác như sứa, điều này cho thấy chúng có hệ thần kinh phức tạp hơn so với suy nghĩ trước đây."

Để quan sát được chuyển động của loài san hô này, các nhà nghiên cứu đã thả chúng vào một bể nước gần như không có ánh sáng, chỉ có một phía được chiếu ánh sáng trắng hoặc xanh yếu ớt.

Có vẻ như chúng ưa thích ánh sáng xanh. 86,7% trong số chúng tìm kiếm ánh sáng xanh, chỉ có 13,3% thích ánh sáng trắng. Khi cả hai thứ ánh sáng được chiếu vào bể, tất cả san hô đều chọn phía ánh sáng xanh.

Video tua nhanh cho thấy chuyển động của san hô (Video: ScienceAlert).

Các nguồn sáng xanh hẹp (~420 nm và ~510 nm) tương tự như môi trường sống của các loài san hô ở các bãi cát nước sâu, nơi sóng ánh sáng trên khoảng 480 nm không thể chạm tới. Ánh sáng trắng, với độ rộng của bước sóng, giống với vùng nước bề mặt nông hơn.

Nhiệt độ vùng nước nông có thể gây hại cho quần thể tảo giáp của san hô, như chúng ta thấy ở hiện tượng san hô bị tẩy trắng, điều này có thể giải thích tại sao san hô tránh vùng nước có ánh sáng trắng.

Nhà sinh vật học Lewis cho biết những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiên cứu hệ sinh thái. Việc hiểu được cách di chuyển của san hô có thể giúp các nhà khoa học dự đoán cách chúng chống chọi hoặc thích nghi với những thay đổi trong điều kiện môi trường.

Với các yếu tố biến đổi ngày càng nhiều do khủng hoảng khí hậu hiện nay, tốc độ di chuyển càng nhanh càng giúp san hô có cơ hội sống sót cao hơn. Đồng thời, việc quan sát di chuyển của chúng cũng giúp các nhà khoa học đánh giá mức độ thay đổi của môi trường dưới đại dương.

Theo www.sciencealert.com