Mã số: 240400
Cuộc sống sang trang từ những ngôi nhà Nhân ái
(Dân trí) - Những ngôi nhà Nhân ái được báo Dân trí triển khai xây dựng, giúp nhiều gia đình ở Tuyên Quang thoát nghèo, "an cư lạc nghiệp".
Có nhà khang trang ở tuổi 80
Con đường từ trung tâm huyện Chiêm Hóa vào tới xã Trung Hà (1 trong 2 xã khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang) chỉ chừng 30km nhưng chúng tôi phải di chuyển cả tiếng đồng hồ.
Tuyến đường gập ghềnh bởi những ổ voi, ổ gà, thỉnh thoảng lại có xe tải chạy qua, bụi bay mù mịt. Những luồng gió cuốn theo đất cát ven đường như quất vào mặt người tham gia giao thông.
Sau hơn 5 tháng khởi công, 10 ngôi nhà Nhân ái kiên cố, khang trang tại xã Trung Hà trị giá hơn 1 tỷ đồng (trong đó bạn đọc Dân trí ủng hộ 500 triệu đồng) tặng các hộ dân nghèo đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng giữa tháng 11/2024.
Trong ngôi nhà mới kiên cố, khang trang, rộng hơn 60m2 với đầy đủ phòng ngủ, phòng khách, nhà vệ sinh, bếp ăn của gia đình, bà Ma Thị Nhe (ở thôn Nông Tiến 1, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đang ngồi ăn cơm. Ông Ma Văn Ngộ (chồng bà Nhe) bị tai biến, nằm trên chiếc giường cũ, thỉnh thoảng phát ra những tiếng kêu ú ớ.
Ở cái tuổi 80, đây là lần đầu tiên gia đình bà Nhe được ăn cơm trong ngôi nhà mới khang trang do bạn đọc Dân trí cùng chính quyền địa phương, bà con hàng xóm, các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ.
Vốn tuổi đã cao, tiếng Kinh lại không rành, gặp chúng tôi, bà Nhe rưng rưng nước mắt: "Cảm ơn nhiều lắm!".
Ông Seo Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Trung Hà cho biết, ngôi nhà Nhân ái của gia đình ông Ma Văn Ngộ, bà Ma Thị Nhe trị giá khoảng 100 triệu đồng. Trong đó, bạn đọc Dân trí ủng hộ 50 triệu đồng, còn lại, người dân trong thôn, bản, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp ủng hộ thêm.
Nhà ông Ngộ có 8 người con thì đều thuộc diện hộ nghèo và khó khăn phải tha hương để kiếm cái ăn.
"Ông bà ở cái tuổi gần đất xa trời, không có khả năng lao động, chính quyền địa phương xếp vào diện "nghèo bền vững", may mắn là cuối đời ông bà còn được ở nhà mới, khang trang", ông Sử chia sẻ.
Rời ngôi nhà bà Ma Thị Nhe, ông Ma Văn Ngộ, chúng tôi tới thăm gia đình chị Hoàng Thị Huyên và anh Quan Văn Biên (ở thôn Nông Tiến 2, xã Trung Hà) cũng thuộc diện hộ "nghèo bền vững", không có khả năng lao động. Chị Huyên trầm cảm sau sinh và đang phải điều trị tâm thần, chồng thì chậm phát triển trí tuệ.
Hiện lên trước mắt chúng tôi là ngôi nhà mới khang trang rộng tới cả trăm mét vuông của gia đình chị Huyên. Mặc dù giữa trưa nhưng chị Huyên vẫn ngồi lặng lẽ bên chiếc bàn uống nước, thỉnh thoảng cười một mình và nói lảm nhảm, vu vơ.
Ông Nguyễn Văn Quế, Bí thư kiêm trưởng thôn Nông Tiến 2 cho biết, ngôi nhà Nhân ái của vợ chồng chị Huyên là khang trang nhất trong hàng chục ngôi nhà thuộc diện được hỗ trợ. Bởi hoàn cảnh gia đình rất đáng thương nên mọi người đều chung tay giúp đỡ. Hơn nữa, anh Quan Văn Biên tuy chậm phát triển về trí tuệ nhưng có sức khỏe, thỉnh thoảng đi phụ hồ nên cũng có thêm thu nhập.
Ông Quế ước tính, ngôi nhà Nhân ái của gia đình anh Biên rộng chừng 110m2 bao gồm phòng khách, 2 phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh, trị giá khoảng 120 triệu đồng. Trong đó, số tiền bạn đọc Dân trí ủng hộ 50 triệu đồng, còn lại là người dân trong thôn và anh em họ hàng đóng góp bằng ngày công.
Điều đặc biệt làm nên những ngôi nhà Nhân ái
Ngoài 2 hộ gia đình ông Ma Văn Ngộ và anh Quan Văn Biên, chúng tôi đến thăm 8 hộ gia đình ở các thôn Bản Ba 1, Bản Tháng, Khuôn Pồng, Khuôn Nhòa (xã Trung Hà).
Ông Seo Văn Sử, Chủ tịch xã Trung Hà vừa dẫn chúng tôi đi, vừa tâm sự về sinh kế, giúp người dân trong xã thoát nghèo. Ông cho biết, người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp như trồng lúa, ngô, khoai, sắn…, một số gia đình thì trồng cam trên các triền núi.
Theo ông Sử, cuộc sống của người dân nơi đây bị "cái khó bó cái khôn" nên cũng không biết xoay xở thế nào để thoát nghèo. Nhiều hộ gia đình trở thành "hộ nghèo bền vững" vì không có khả năng lao động. Thời gian tới, khi người dân có những ngôi nhà mới khang trang "an cư lạc nghiệp" thì chính quyền địa phương cũng sẽ từng bước giúp họ thoát nghèo.
Ông Sử tâm sự, xã Trung Hà thuộc vùng sâu, vùng xa, bốn bề được bao bọc bởi núi rừng. Ở đây, buổi sáng phải 7h mới nhìn thấy mặt trời ló lên, nhưng tới 16h nhiều nơi trong các thôn, bản, mặt trời đã gác núi.
Dẫn chúng tôi đi các thôn, bản, ông Seo Văn Sử cho biết: "Ở xã này cán bộ tay bị chai hết rồi, năm nào chúng tôi cũng tham gia sửa chữa, xây nhà mới cho dân mà mãi không xóa hết nhà tạm".
Bây giờ nhìn những ngôi nhà Nhân ái khang trang được quét sơn mới thấp thoáng sau những ngọn cây trong các thôn, bản, ông Sử xúc động nói:
"Đến giờ tôi vẫn còn lâng lâng hạnh phúc và như chưa thể tin được, chỉ trong vòng có hơn 5 tháng mà đã xây dựng được hàng chục ngôi nhà Nhân ái. Bản thân tôi và chính quyền địa phương cùng bà con nhân dân các dân tộc trong xã biết ơn bạn đọc Dân trí, các đơn vị, nhà hảo tâm đã chung tay giúp đỡ người dân nơi đây".
Ông Sử nhớ lại thời điểm tháng 5/2024, khi phóng viên Dân trí tới thăm, xã Trung Hà vẫn còn 57 ngôi nhà dột nát, số hộ nghèo, cận nghèo chiếm tới hơn 50%. Lúc đó, địa phương cũng chưa biết lấy đâu nguồn kinh phí để xây dựng nhà cho người dân. Thế nhưng, chỉ sau hơn 5 tháng, nguồn tiền 500 triệu đồng hỗ trợ đầu tiên của bạn đọc báo Dân trí đã giúp địa phương tháo gỡ khó khăn.
Tháng 11/2024, xã Trung Hà đã xây dựng được 39 ngôi nhà Nhân ái từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau.
Ông Sử cho biết, 10 ngôi nhà Nhân ái được xây dựng trên địa bàn xã thật sự rất ý nghĩa, không chỉ xóa đi những căn nhà tạm mà còn lan tỏa yêu thương, giúp người dân thoát nghèo.
Chia sẻ về điều đặc biệt làm nên những ngôi nhà Nhân ái trên địa bàn xã, ông Seo Văn Sử cho biết, số tiền 500 triệu đồng mà bạn đọc báo Dân trí ủng hộ xây dựng 10 ngôi nhà Nhân ái tại địa phương mang ý nghĩa nhân văn rất lớn.
Ông Sử tâm sự, chính quyền xã đi vận động, xin từng bộ cửa, mái tôn, thùng sơn để giúp dân. Lãnh đạo xã cũng trực tiếp cầm bay xây nhà Nhân ái. "Tất cả với phương châm ai có công góp công, ai có của góp của. Ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít", ông Sử nói.
Anh Ma Doãn Đàm, người bán vật liệu xây dựng tại trung tâm xã Trung Hà chia sẻ, khi được Chủ tịch UBND xã đề nghị trợ giá giúp bà con xây nhà, anh vui vẻ nhận lời.
"Mình thấy các hộ gia đình nghèo quá, bình thường bán cát, sỏi thì lấy lãi chút ít nhưng bán cho họ thì mình chỉ lấy giá gốc, còn hỗ trợ chở vật liệu vào tới tận nhà", anh Đàm nói.
Ngoài anh Đàm trợ giá vật liệu xây dựng giúp bà con, Công ty TNHH xây dựng Dân Hương đóng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa cũng chung tay ủng hộ toàn bộ thiết bị vệ sinh trị giá hàng chục triệu đồng cho các hộ gia đình.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành 10 ngôi nhà Nhân ái, nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng biên tập báo Dân trí cho biết, hưởng ứng phong trào thi đua của Chính phủ và lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, báo Dân trí đã triển khai chương trình xây dựng nhà Nhân ái với mục tiêu đến hết năm 2025 hoàn thành ít nhất 100 ngôi nhà.
Nhờ sự tin tưởng, đồng hành của bạn đọc, các nhà hảo tâm trên cả nước, đến nay báo Dân trí đã khởi công xây dựng 76 ngôi nhà Nhân ái tại nhiều địa phương trên khắp cả nước.
"Chúng tôi quyết tâm, đến ngày 15/7/2025, nhân kỷ niệm 20 năm ngày báo điện tử Dân trí chính thức ra mắt bạn đọc, cố gắng hoàn thành sớm chỉ tiêu 100 ngôi nhà Nhân ái, đến hết năm 2025 xây dựng thêm nhiều ngôi nhà để vượt kế hoạch đã đề ra", nhà báo Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, lễ khánh thành 10 ngôi nhà Nhân ái là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm gắn bó, sự sẻ chia giữa bạn đọc báo Dân trí với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chiêm Hóa.
Theo ông Dũng, huyện Chiêm Hóa là địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tiêu chí về nhà ở còn hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của bà con nhân dân.
Trong giai đoạn 2021-2025, toàn huyện có 539 hộ nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát cần được làm mới và sửa chữa, đến nay đã làm xong 395 nhà, đạt 73,3%. Riêng xã Trung Hà có 615 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 34,57%; 358 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 20,12%.
Qua rà soát, năm 2024 huyện có 102 hộ nghèo cần phải làm nhà ở mới và sửa chữa nhà ở; đến nay đã làm được 41 nhà (làm mới 39 nhà và sửa chữa 2 nhà), trong đó có 10 nhà được bạn đọc báo Dân trí ủng hộ.
"Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, huyện Chiêm Hóa tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ báo Dân trí, giúp người dân có được những ngôi nhà kiên cố, góp phần thực hiện tốt phong trào "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên địa bàn huyện Chiêm Hóa nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung", ông Dũng nói.
Hưởng ứng mục tiêu của Chính phủ và lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung "chung tay để thực hiện tốt nhất mục tiêu hết 2025 không còn nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước", báo Dân trí triển khai chương trình xây dựng 100 ngôi nhà Nhân ái, tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng lao động trên cả nước.
Mục tiêu của báo Dân trí đề ra, mỗi hộ gia đình sẽ được hỗ trợ tối thiểu 50 triệu đồng từ nguồn tiền ủng hộ của bạn đọc, mạnh thường quân trong và ngoài nước.
Từ 10/4/2024 đến nay, đã có 76 ngôi nhà Nhân ái được báo Dân trí khởi công xây dựng. Trong số đó, 12 nhà Nhân ái được xây dựng theo kế hoạch tái thiết cuộc sống người dân vùng lũ, tặng 12 hộ bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra.
Tính đến ngày 1/2, có 66/76 ngôi nhà Nhân ái đã được khánh thành.