DNews

Phát kiến đi ngược sự phát triển của nhân loại giúp tăng tốc vận tải xanh

Minh Khôi

(Dân trí) - Nỗ lực cắt giảm nhiên liệu đốt cháy trong ngành vận tải biển được cụ thể hóa để giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu.

Phát kiến đi ngược sự phát triển của nhân loại giúp tăng tốc vận tải xanh

Vào tháng 8, con tàu chở hàng Pyxis Ocean đã chính thức ra khơi, đánh dấu cuộc cách mạng để quay trở lại "thời cổ đại" của con người.

Khác với những tàu chở hàng khác vốn chỉ có động cơ, Pyxis Ocean được trang bị một cặp cánh buồm làm bằng thép và nhựa, giúp nó khai thác tối đa năng lượng gió trong chuyến hành trình dài từ Thượng Hải đến Paranagua, Brazil.

"Chúng ta đang khai thác các yếu tố giống như loài người từng làm cách đây hàng ngàn năm, có điều là theo cách hiệu quả hơn", Simon Schofield, giám đốc công nghệ của BAR Technologies, công ty thiết kế có trụ sở tại Anh, cho biết.

Được biết, tàu Pyxis Ocean vẫn được trang bị động cơ truyền thống, nhưng sẽ chỉ khởi động chúng trong một số trường hợp nhất định, nhằm định tuyến hành trình.

Phát kiến tưởng như đi ngược sự phát triển của nhân loại này kỳ thực đã giúp con tàu cắt giảm một lượng lớn nhiên liệu được đốt cháy trong các chuyến hành trình quốc tế dài ngày.

Lùi lại để tiến về phía trước

Phát kiến đi ngược sự phát triển của nhân loại giúp tăng tốc vận tải xanh - 1

Tàu Pyxis Ocean hành trình từ Thượng Hải đến Brazil được trang bị "cánh buồm" do BAR Technologies thiết kế để giúp con tàu khai thác tận cùng năng lượng từ gió (Ảnh: Cargill).

Con người đã bắt đầu biết cách sử dụng thuyền buồm ngay từ những ngày đầu của nền văn minh. Người La Mã cổ đại là những người đầu tiên đã gắn những lá buồm vào con thuyền với mái chèo để kết hợp cả 2 loại năng lượng sức người và sức gió.

Điều tương tự đã được thực hiện trên con tàu Pyxis Ocean, và đây được xem là một trong những nỗ lực đáng khích lệ giúp hiện đại hóa ngành hàng hải, nhằm giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu.

Được biết, ngành vận chuyển là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính nghiêm trọng. Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), cơ quan của Liên Hợp Quốc chuyên giám sát sự an toàn và an ninh của các quốc gia, hoạt động đánh bắt cá và vận chuyển nội địa cũng như quốc tế, đã tạo ra hơn 1 tỷ tấn khí thải nhà kính vào năm 2018.

Con số này chiếm gần 3% tổng lượng khí thải do con người tạo ra.

Tuy nhiên, các chuyến đi băng qua đại dương lại là huyết mạch của thương mại toàn cầu. Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc ước tính rằng vào năm 2021, các con tàu đã vận chuyển khoảng 11 tỷ tấn hàng hóa, chiếm hơn 80% tỷ lệ thương mại toàn cầu.

Benjamin Halpern, nhà sinh thái học biển tại Đại học California, Mỹ, cho biết nếu ngành này không thay đổi, lượng khí thải từ vận tải biển sẽ là một vấn nạn lớn cho toàn thể các sinh vật sống trên Trái Đất.

"Tất cả dự báo kinh tế đều nói rằng con người sẽ mua nhiều hàng hóa hơn mỗi năm. Điều này khiến vận tải tiếp tục là vấn đề mang tính toàn cầu", Halpern nói.

Phát kiến đi ngược sự phát triển của nhân loại giúp tăng tốc vận tải xanh - 2

Một nghiên cứu về khí nhà kính của Tổ chức Hàng hải Quốc tế ước tính mức độ ảnh hưởng của lượng khí thải đến từ ngành vận tải biển vào năm 2050 (Ảnh: GHG).

Theo IMO, lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động vận tải biển vào năm 2050 có thể đạt tới 130% mức phát thải năm 2008. Vận tải biển cũng có thể mở rộng để ảnh hưởng đến các khu vực mới trên toàn cầu, trong bối cảnh Bắc Cực ấm lên và băng tan, mở ra các tuyến vận chuyển mới.

Casey O'Hara, nhà khoa học dữ liệu bảo tồn tại Đại học California, Mỹ, cho rằng việc giảm thiểu một số áp lực lên sinh vật biển có thể đóng vai trò quan trọng, giúp hệ sinh thái có khả năng phục hồi tốt hơn trước các tác nhân gây hại như ô nhiễm tiếng ồn, đánh bắt cá và phát triển vùng ven biển.

Pernille Dahlgaard, một chuyên gia về năng lượng xanh, cho biết thay đổi thiết thực nhất mà chúng ta có thể tạo ra, là việc áp dụng rộng rãi các loại nhiên liệu xanh, và hạn chế nhu cầu từ nhiên liệu hóa thạch.

Bước chuyển cần thiết để khôi phục hệ sinh thái

Được biết, nhiều tàu biển hiện đang chạy bằng dầu nhiên liệu nặng - một loại nhiên liệu hóa thạch tương đối rẻ và phổ biến - thông qua việc tiếp nhiên liệu tại các cảng.

Mặc dù ngành năng lượng xanh đã đạt được nhiều bước tiến trong những năm qua, song 2 loại nhiên liệu xanh thay thế chính là methanol xanh và amoniac điện tử, đều chưa sẵn sàng để áp dụng rộng rãi.

Trong khi methanol xanh rất khó để mua với số lượng cần thiết, thì amoniac điện tử đang gây ra những rủi ro về an toàn. Thêm vào đó, cả 2 lựa chọn đều đắt hơn đáng kể so với nhiên liệu truyền thống.

Phát kiến đi ngược sự phát triển của nhân loại giúp tăng tốc vận tải xanh - 3

Việc quay trở lại sử dụng năng lượng gió từ những cánh buồm là khởi đầu của một chiến lược dài hạn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (Ảnh: Getty).

Tháng 7 vừa qua, 175 quốc gia thành viên của IMO đã bỏ phiếu nhất trí để thông qua mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 từ hoạt động vận chuyển quốc tế vào năm 2050. Các quốc gia cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải hàng năm của hoạt động vận chuyển quốc tế ít nhất 20%, so với mức bình quân của họ.

Chìa khóa để làm được điều này là tạo ra một số thay đổi nhỏ về kỹ thuật trong khâu vận hành. Mặc dù không có quá nhiều đột phá về mặt công nghệ, song đây lại là yếu tố có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc cắt giảm lượng khí thải. Những biện pháp này bao gồm việc giảm tốc độ tàu để đốt ít nhiên liệu hơn, bổ sung năng lượng gió trong quá trình vận hành, và trộn vào một tỷ lệ nhỏ nhiên liệu thay thế.

Vào tháng 6, tổ chức nghiên cứu CE Delft đã công bố một nghiên cứu cho thấy rằng, trong những điều kiện nhất định, việc kết hợp các biện pháp nêu trên có thể cắt giảm lượng khí thải từ 28% đến 47%.

Tất nhiên, để đạt được những mục tiêu cao nhất của ngành, chắc chắn sẽ cần một cuộc cải tổ lớn hơn rất nhiều. "Những thách thức thật khó khăn để chinh phục, nhưng đối với chiến lược mới, ít nhất chúng ta sẽ vạch ra được lộ trình rõ ràng, từ đó bắt đầu với một chiến lược dài hạn", Jesse Fahnestock, giám đốc dự án khử cacbon của Diễn đàn Hàng hải Toàn cầu, cho biết.