DMagazine

Ở tổ chức giáo dục FPT: Tiến sĩ được làm việc lớn, làm việc khó, làm việc thực tiễn

(Dân trí) - Thu hút các tiến sĩ, học giả về cùng thực hiện sứ mệnh đưa tuổi trẻ Việt Nam ra toàn cầu, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT khẳng định, vào FPT Education, các tiến sĩ sẽ được làm việc lớn, việc khó và việc thực tiễn.

"Tôi thấy vui, thế là tôi về FPT", khởi đầu chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng ông Hoàng Nam Tiến đã gắn bó với FPT hơn 31 năm và trở thành một trong những nhân tố quan trọng của tập đoàn.

Ngay từ khi còn là Chủ tịch FPT Software, khi được hỏi muốn làm gì tiếp theo, ông Tiến đã trả lời một cách rất nhẹ nhàng mà cũng rất chắc chắn: "Tôi muốn làm thầy giáo".

Giờ đây, là Phó chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT, ông Hoàng Nam Tiến đang cùng với các lãnh đạo của FPT Education như TS. Lê Trường Tùng, kiến tạo hạnh phúc, xây dựng ngôi trường tử tế và đặc biệt, thực hiện sứ mệnh đưa tuổi trẻ Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong sứ mệnh này, FPT Education đang mong muốn chào đón các giảng viên là những tiến sĩ, những học giả uyên thâm.

Ở tổ chức giáo dục FPT: Tiến sĩ được làm việc lớn, làm việc khó, làm việc thực tiễn - 1

Ông đã làm việc tại FPT liên tục hơn 31 năm và được coi là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của Tập đoàn. Ông có thể chia sẻ cơ duyên đưa ông đến với FPT và hành trình gắn bó hơn 31 năm qua?

- Năm nay là năm thứ 31 tôi làm việc ở FPT. Khi tốt nghiệp ra trường, anh Bùi Quang Ngọc, hiện là Phó chủ tịch Tập đoàn FPT, nói với tôi một câu rất đơn giản: "Tiến, em có chỗ nào chưa? Về FPT làm". Ngày đấy, FPT là một công ty rất bé, nhưng tôi thấy vui, thế là tôi về. Tôi cũng tin là về FPT, hay FPT Education, các bạn sẽ thấy rất vui. Vui từ sếp đến quân, vui từ đồng nghiệp đến bạn bè, vui từ sinh viên đến học sinh. Đấy là điều đầu tiên tôi rất nhớ về FPT.

Thứ hai là văn hóa doanh nghiệp FPT. Anh Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, là Phó giáo sư, Tiến sĩ, từng nhiều năm giữ vai trò Chủ nhiệm khoa Quản trị kinh doanh Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh Bình luôn tôn trọng, mong muốn trọng dụng, tạo điều kiện để những người làm khoa học phát triển, không chỉ trong môi trường giáo dục, mà cả trong môi trường doanh nghiệp và công nghệ.

Anh luôn tạo một môi trường đổi mới, sáng tạo và điều này cũng được anh Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT chia sẻ tại FPT Education, đó là "Tinh thần vượt ngưỡng". Đây là một thách thức các bạn luôn nhận được khi làm việc tại FPT Education.

Ở tổ chức giáo dục FPT: Tiến sĩ được làm việc lớn, làm việc khó, làm việc thực tiễn - 3

Khi xây dựng hệ thống giáo dục FPT, chúng tôi nhận thấy cần đầu tư thêm nữa cho nghiên cứu phát triển trong thời gian tới. Trong khi đó, bất kỳ một giảng viên nào cũng là một nhà khoa học và nghiên cứu phát triển là phần rất quan trọng với họ, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ liên tục thay đổi như ngày nay.

Cần hiểu nghiên cứu phát triển ở đây phải là "vị nhân sinh", nghĩa là hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, làm những bài toán mà chúng ta sẽ giải quyết trong tương lai. Chúng tôi đang có lộ trình để đẩy mạnh hơn về đầu tư nghiên cứu và phát triển.

Ở tổ chức giáo dục FPT: Tiến sĩ được làm việc lớn, làm việc khó, làm việc thực tiễn - 5

Trong câu chuyện của ông, có một yếu tố được nhấn mạnh, đó là "vui". Ông đã vào FPT vì thấy "vui". Ông có thể chia sẻ rõ hơn về cái vui này?

- Mọi người hay hỏi làm sao để thấy vui. Tôi giải thích rất đơn giản. Đó là mỗi buổi sáng tôi hồ hởi đi làm và mỗi buổi chiều tôi vui vẻ trở về gia đình. Vui vì ở nơi làm việc, tôi được trọng dụng, được lắng nghe và tôn trọng. Vui khi về với gia đình vì tôi có thu nhập tốt. Tôi sống bằng lao động thật của tôi. Tôi thấy đồng nghiệp, kể cả cấp trên, luôn tôn trọng, lắng nghe, tôi không phải uốn mình, không phải vo tròn. Tôi có thể nói những điều tôi nghĩ. Vì vậy tôi vui.

Anh Trương Gia Bình gọi đó là kiến tạo hạnh phúc. Anh Lê Trường Tùng gọi đó là trường học hạnh phúc. Còn tôi, tôi nhớ câu nói của thầy Thích Nhất Hạnh: "Happy teachers will change the world".

Ở tổ chức giáo dục FPT: Tiến sĩ được làm việc lớn, làm việc khó, làm việc thực tiễn - 7

Ông mong muốn đưa tuổi trẻ Việt Nam ra toàn cầu, kiến tạo môi trường tử tế, ngôi trường hạnh phúc và rất nhiều những niềm vui khác. Những sức mạnh, động lực nào đã mang lại cho ông niềm đam mê và nhiệt huyết với lĩnh vực giáo dục?

- Có ba lý do. Lý do thứ nhất là từ truyền thống gia đình. Ông kị nhà tôi đỗ Giải Nguyên triều nhà Nguyễn, ông cũng đã từng làm đến Ngự y triều đình nhà Nguyễn và cũng là một ông đồ.

Ba tôi là một chiến tướng nhưng cũng là thầy giáo. Ba tôi cứ buông tay súng thì cầm tay phấn. Trước khi về hưu, ông từng là Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, nơi chuyên nghiên cứu khoa học, công nghệ quân sự. Trước đó, ông là Phó giám đốc của Học viện Quân sự cao cấp, bây giờ gọi là Học viện Quốc phòng.

Và vì vậy, một cách rất giản dị, không phải bây giờ đâu, cách đây tận 12 năm, khi tôi đang làm Chủ tịch FPT Software, mọi người hỏi tôi muốn làm gì tiếp, tôi nói rằng "tôi sẽ là thầy giáo".

Ở tổ chức giáo dục FPT: Tiến sĩ được làm việc lớn, làm việc khó, làm việc thực tiễn - 9

Đấy là điều đầu tiên. Điều thứ hai, là FPT. Ở FPT, ngay từ năm 1993, khi tôi bước vào công ty, anh Bình đã chia sẻ triết lý "Company is a campus". Công ty là trường học và ngay từ lúc đấy đã định hướng xây dựng FPT trở thành một tổ chức học tập.

Lý do thứ ba là bản thân tôi. Tôi suy nghĩ thế này, ở mỗi giai đoạn cuộc đời, chúng ta sẽ có những vai trò khác nhau. Và tôi nghĩ làm thầy là một vai trò phù hợp để tôi cho đi những gì mình có, là kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm.

Ở tổ chức giáo dục FPT: Tiến sĩ được làm việc lớn, làm việc khó, làm việc thực tiễn - 11

Sứ mệnh đưa tuổi trẻ Việt Nam ra toàn cầu là một sứ mệnh cao cả, rất cần những người thầy, những giảng viên có kiến thức uyên thâm. FPT Education làm thế nào để thu hút các tiến sĩ tham gia và thực hiện sứ mệnh đó?

- Thực tế hôm nay, chúng ta đang phải giải những bài toán lớn. Trong bối cảnh này, vai trò của những người nghiên cứu chuyên sâu và cụ thể là những học giả, những tiến sĩ trong từng lĩnh vực vô cùng quan trọng, để cùng với FPT Education, giải những bài toán lớn trên toàn cầu.

Môi trường của Đại học FPT giờ đây không chỉ là môi trường giảng dạy và nghiên cứu, mà còn là một môi trường thực tiễn. Những bài toán thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam và cả thế giới sẽ được giải quyết trực tiếp ở nhà trường đã đưa đến trực tiếp nhà trường, ví dụ như Viện Quản trị và Công nghệ FSB. Chúng tôi đối diện với câu hỏi của các doanh nghiệp nhỏ, vừa, doanh nghiệp lớn và rất lớn, lớn nhất ở Việt Nam. Đó là những vấn đề về quản trị doanh nghiệp, quản trị hệ thống, về công nghệ, chuyển đổi số…

Lúc này chúng tôi hiểu sẽ cần đến các học giả, nhà nghiên cứu, tiến sĩ chuyên sâu về nhiều lĩnh vực và đặc biệt là có kinh nghiệm, trải nghiệm từ những quốc gia lớn nhất thế giới, có nền công nghệ, công nghiệp phát triển nhất thế giới để cùng giải những bài toán khó này.

Ở tổ chức giáo dục FPT: Tiến sĩ được làm việc lớn, làm việc khó, làm việc thực tiễn - 13

Để có thể giải những bài toán thực tiễn đó, ắt hẳn FPT Education sẽ cần đến giảng viên là những người ở "tầm" rất khác. Làm thế nào thu hút những người như vậy trở thành giảng viên của FPT Education?

- Chúng tôi áp dụng nguyên tắc "customer chair", nghĩa là cá nhân lãnh đạo sẽ ngồi vào cái ghế và suy nghĩ giống như một tiến sĩ, đã có kinh nghiệm làm việc trong, ngoài nước. Tại sao họ muốn về Trường Đại học FPT? Tại sao họ muốn dạy ở Viện Quản trị và Công nghệ FSB? Tại sao họ chọn FPT Education?

Thứ nhất, tôi cho là, mỗi một học giả, tiến sĩ khi làm giảng viên đều mong muốn phát triển, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chúng tôi xây dựng môi trường như vậy.

Thứ hai, mỗi học giả, tiến sĩ chắc hẳn đều mong muốn có thu nhập tốt và thu nhập này phải đến từ công việc của mình, chứ không phải từ những việc khác. Và điều này, FPT Education có thể đảm bảo đáp ứng được điều này.

Và thứ ba, khi bước vào môi trường này các bạn sẽ thấy kể cả gia đình các bạn cũng được sự quan tâm, chăm sóc của FPT Education.

Vậy là, các tiến sĩ đến với môi trường giáo dục FPT có thể yên tâm về thu nhập, về hoài bão cống hiến, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm…?

- Không chỉ thế. Tôi đang muốn nói thêm. Điều thứ tư, họ được làm những bài toán khó từ thực tiễn. Chúng tôi phát hiện ra nhiều người tài không chỉ vừa lòng với việc đi dạy, với nghiên cứu mà rất thích giải những bài toán khó, bài toán thực tiễn. Và chúng tôi sẽ mời các thầy tham gia vào những dự án lớn, quy mô toàn cầu.

Ông đã nói rất nhiều về ngôi trường hạnh phúc, về FPT Education, về những bài toán khó, về thu nhập… Nếu nói một cách ngắn gọn nhất về chương trình thu hút và tuyển dụng tiến sĩ, ông sẽ nói như thế nào?

- Tôi kết luận bằng mấy chữ: Chữ thứ nhất là chia sẻ sứ mệnh đưa tuổi trẻ Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu. Chữ thứ hai là kiến tạo hạnh phúc, trong đó có đãi ngộ tốt dành cho các tiến sĩ. Thứ ba là môi trường tử tế. Điều thứ tư là được làm, được làm những việc lớn, những việc khó và những việc thực tiễn.

Tổ chức Giáo dục FPT tìm kiếm giảng viên và giảng viên - nghiên cứu viên tài năng trên quy mô toàn quốc ở những lĩnh vực có tiềm năng phát triển như: công nghệ thông tin (trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin, khoa học máy tính), quản trị (quản trị kinh doanh, Logistics, Marketing…), thiết kế đồ họa, Truyền thông đa phương tiện.

Các tiến sĩ tham gia cùng Tổ chức Giáo dục FPT tại đây.

Nội dung: Tiến Thịnh