Người đưa đò nghiêm khắc

(Dân trí) - Chắc hẳn những ai từng học trường cấp hai Giang Ái (thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) ngày trước vẫn còn nhớ hình ảnh cô giáo dạy văn nổi tiếng khó tính, nghiêm khắc một thời. Đó là cô Lài -cô giáo trở thành “nỗi ám ảnh” của không ít học sinh.

Khi còn học cấp 1, tôi và nhóm bạn đã nghe các anh chị kể những câu chuyện về cô, những câu chuyện tựa như đi vào giai thoại với những buổi kiểm tra bài gắt gao và bất thình lình, sự nghiêm khắc trong giờ học, hay những lời nói sâu sắc, nhắc nhở không ngừng nghỉ về việc học văn - học làm người. 

Lên lớp 7, tôi chính thức được học với cô. Hôm đầu tiên vào lớp, cả lớp đứng dậy chào, lớp tôi vốn nổi tiếng quậy, nhưng biết tiếng cô nên cũng im phăng phắc từ trước. Thế mà, bước vào lớp, cô đã ra rả một tràng, vì một vài đứa trong lớp đứng chào không thẳng, ngó nghiêng bên này, lí lắc bên kia. Chưa hết, cô gọi lớp trưởng lên trên bục giảng, nhìn về lớp và cho nhận xét. Cậu lớp trưởng ấp a ấp úng không nói nên lời, run rẩy một hồi thì à lên: “Dạ, bàn ghế bị nghiêng. Các bạn, chỉnh sửa bàn ghế lại”.

Thú thực, với cái lứa tuổi lúc ấy, giờ ra chơi là giây phút “giải phóng”, tự do bay nhảy, bàn ghế xô lệch, có lẽ là chuyện "thường ngày ở huyện". Thế mà, vì sự “rất đỗi bình thường” đó, cả lớp bị phạt đứng nguyên 15 phút, chúng tôi lại được thể kháo nhau “đúng là cô Lài”, “ lời đồn quả không sai”… Chưa hết, khi cô bước đến bàn giáo viên, cô hỏi: “Lớp phó học tập là ai?”. Tôi lập cập đứng dậy: “Dạ, cô gọi em?”. “Trò lên đây”.

Tôi bước lên phía cô đứng, nhìn quanh bàn giáo viên một lượt, chỉnh sửa lại cuốn sổ đầu bài bị lũ tiểu quỷ vứt lăn lóc, chỉnh sửa lại bình hoa, cái khăn bàn xộc xệch do thằng Bảo và cái Nga rượt đuổi nhau lúc nãy… Cô có vẻ hài lòng vì sự biết ý của tôi, nên nhẹ nhàng bảo tôi về chỗ rồi ôn tồn nói: “Từ nay, mỗi khi tôi vào lớp, mọi thứ phải tinh tươm như thế này, các em phải tập tính cẩn thận, ngăn nắp, khoa học. Học văn là học cách làm người. Nào, có gì thắc mắc không? Sao, cô có dữ như lời đồn không? Lớp phó!”

Tôi lại đứng dậy, lí nhí trả lời: “Dạ… dạ, cô nghiêm khắc ạ!”.

Có lẽ lại thêm một lần tôi ghi điểm với cô: “Đúng rồi, phải dùng từ nghiêm khắc chứ, cô giáo chứ có phải cọp đâu mà dữ. Nào, kiểm tra bài cũ”.

Buổi học đầu tiên trôi qua với thành tích bất hủ, khi cái Nga, cái Nhàn lãnh điểm 4, thằng Phong nhận điểm 3. Cả bọn lại lấm lét nhìn nhau: “Xong rồi, đúng là sát thủ”.

Được cô dạy, chúng tôi càng hiểu rằng, quả thực, cô là giáo viên giỏi, giỏi về nghiệp vụ và chuyên môn. Lúc cô giảng bài, cô giống như một con người khác, cô thả hồn mình vào từng lời văn, nhẹ nhàng, da diết, êm ái. Đám học trò ngồi dưới nuốt từng lời, một phần vì sợ, một phần cũng thấy cuốn hút bởi bài giảng sinh động của cô.

Cô đi quanh một lượt từ đầu đến cuối lớp, từ ngóc ngách bàn này, bàn kia để xem chúng tôi ghi bài, chốc chốc lại nghe cô la một đứa nào đó: “Chữ nghĩa kiểu gì thế này? Viết nắn nót lại xem!”. Cái đứa bị cô la có lẽ toát mồ hôi, bặm môi chậm rãi, thả từng con chữ. Thoáng chốc, thấy cô cầm tay, uốn nắn như học trò cấp 1: “Nét chữ nết người, chữ phải thẳng như thế này, ít nhất khi viết tên mình, trò cũng phải nắn nót cho người ta đọc ra chứ”.

Thế là sau giờ ấy, cả lớp tôi, không ai bảo ai, ngồi hý hoáy… tập viết tên mình. Bởi cái tên là quan trọng nhất như lời cô nói: “Khi trò viết đẹp, cẩn thận cũng là một cách trò cảm ơn mẹ cha, trò biết tôn trọng mình và để người khác cũng tôn trọng mình”.

Từng lời cô nói cứ đi sâu vào tâm khảm của lũ học trò non nớt ngày ấy. Cô không chỉ dạy Văn mà còn dạy rất nhiều điều trong cuộc sống. Lớp tôi dù quậy đến cỡ mấy nhưng khi đến giờ của cô, mọi thứ cứ gọi là “gần như hoàn hảo”. Lớp im phăng phắc, bàn ghế gọn gàng, sách vở, bút thước đầy đủ, lâu dần nó trở thành thói quen lúc nào không hay.

Học kỳ thứ nhất trôi qua, tổng kết điểm môn Văn của lớp cao trông thấy. Đến cả thằng Hà nhác học nhất lớp cũng có thể đọc vanh vách bài thơ “Bạn đến chơi nhà” hay “Qua đèo Ngang” mà trước đó nó bảo là thơ gì… khó hiểu.

Chúng tôi vẫn hay thắc mắc về cuộc sống riêng tư của cô. Với lũ học trò vô tư, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, làm gì biết suy nghĩ những chuyện bên lề cuộc sống. Lứa dưới nghe các anh chị khóa trên bảo “tại cô ở một mình nên khó tính”, “tại không có chồng nên khó tính”… thì cũng đi rỉ tai nhau như vậy chứ chẳng biết rằng những lời nói vô tình đó có thể làm tổn thương đến cô giáo mình.

Căn nhà nhỏ của cô ở gần trường, một lần tôi ghé qua lấy bài kiểm tra của lớp. Bên trong căn nhà có bộ bàn ghế đơn sơ, căn bếp nhỏ xinh còn lại vô vàn là sách. Cô gọi tôi vào, hỏi thích đọc sách gì cứ lấy, có điều phải giữ kỹ cho cô. Cô còn bày biện bánh trái, bao nhiêu thứ cho tôi ăn. Khi tôi về lớp, cả bọn nhìn tôi giống như một anh hùng, cứ như tôi vừa hùng dũng bước ra bình an từ “hang cọp”! Tôi bảo cô cũng hiền lắm, chỉ hơi nghiêm khắc thôi, đến nhà cô chơi mà xem.
 
Ấm áp tình cảm cô trò Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh minh họa)
Ấm áp tình cảm cô trò Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh minh họa)

Lễ 20/11 năm ấy, cả lớp tụm năm tụm bảy, đèo nhau đi thăm nhà các thầy cô, đến đâu không khí cũng như Tết, các thầy cô bày bánh kẹo, ân cần vuốt tóc đứa này, trò chuyện với đứa kia. Còn riêng một bó hoa của cô Lài thì đứa này đẩy đứa kia, không ai chịu đi, cuối cùng cả bọn đẩy qua cho ban cán sự, ban cán sự đẩy lại cho tôi. Chúng nó bảo “Lần trước bạn vào rồi, giờ vào đi, cô có vẻ cưng bạn nhất mà”. Tôi nhất quyết không chịu vào một mình mà thuyết phục tất cả cùng vào. Khi cả bọn đùn đẩy làm ồn lên, cô bước ra, dịu dàng gọi tên từng đứa, rồi dẫn tất cả vào nhà. Khỏi phải nói, khuôn mặt đứa nào cũng lấm la lấm lét, sợ hãi, tay níu chặt lấy nhau. Cô mỉm cười hạnh phúc nhận hoa từ tay tôi, nói lời cảm ơn cả lớp. Nhìn vẻ xúc động của cô, đứa nào cũng thấy lạ. Cô bày ra đủ thứ kẹo bánh, cả bọn nhìn nhau mà chẳng dám ăn. Cô bóc đưa cho từng đứa, tranh thủ nhắc đứa này “Sao móng tay để dài thế con”, “Tóc dài thế Thắng, mai cắt đi nghe con”, “Ăn đi Nhàn, con gầy quá, về nhà lo ăn nhiều vào nghe”... Cả bọn nhìn nhau, ăn cũng từ tốn đến lạ, trò chuyện thì khe khẽ, lễ phép, trật tự chứ chẳng ào ào như “lũ giặc” ở nhà các thầy cô khác. Song, chẳng mấy chốc cũng hết veo số bánh kẹo khổng lồ. Cô lấy thêm, gói ghém cho từng đứa mang về nhà, còn bảo “Cô ở một mình buồn lắm, em nào rảnh qua nhà cô chơi, mang sách vở qua nhà cô học bài cũng được, cô bày cho”.

Tận sâu thẳm trong đôi mắt kia, tôi biết cô thương lắm những học trò lem luốc của mình, cũng không nỡ làm chúng phải sợ hãi như thế, nhưng có lẽ không còn cách lựa chọn nào chăng, như thầy hiệu trưởng hay nói “Thương cho roi cho vọt, phải cho các con biết sợ thì mới nên người”.

Lứa học sinh ngày ấy giờ đây đã trưởng thành. Cô cũng nghỉ hưu từ lâu. Mỗi lần về quê, ngang qua căn nhà nhỏ, thấy cửa đóng im ỉm, có người hàng xóm bảo cô về quê dạy học cho trẻ em nghèo, người thì bảo cô lên chùa nương nhờ cửa Phật.

Bây giờ đã lớn, va chạm vào cuộc sống, có lẽ đủ để hiểu hết những nghiệt ngã của cuộc đời, đủ để thấu hiểu phần nào những nỗi niềm của một người phụ nữ cô đơn, tôi mới thấy thương cô hơn, thương cả sự nghiêm khắc, khó tính gần như thành “thương hiệu” ấy.

Tôi hiểu hơn cái ánh mắt chan chứa yêu thương mỗi lần nhìn học trò, những yêu thương không chỉ của người cô dành cho trò mà cả yêu thương khao khát của một người mẹ. Cả cuộc đời cô đã dành trọn tâm huyết và tình yêu cho học sinh, mỗi chuyến đò đi qua, có lẽ hơn ai hết, cô mong học trò sẽ tìm thấy con đường đi tốt đẹp trong hành trình “làm người”, dẫu cho những ký ức và hoài niệm về cô chỉ có sự sợ hãi và khoảng cách khó gần.

Diệu Ái

Dòng sự kiện: 30 năm Ngày Nhà giáo VN