Cô giáo Đặng Anh Đào của tôi

(Dân trí) - Cách làm việc của cô nghiêm túc vô cùng. Trong nghiên cứu, cô luôn khuyến khích sáng tạo. Suốt một đời lao động khoa học, cô chỉ viết riêng dăm ba cuốn sách, nhưng đấy là những tài liệu vô cùng quý giá cho mọi thế hệ học sinh.

Cô giáo Đặng Anh Đào của tôi
Hoàn toàn ngẫu nhiên tôi được cô nhận làm người hướng dẫn thạc sĩ và tiến sĩ. Năm 1991, từ Huế, tôi ra Hà Nội ôn thi cao học hệ thạc sĩ, một trong những chuyên gia dạy tôi lúc đó là cô giáo Đặng Anh Đào. Không ngờ, kể từ đó, mối duyên cô trò kéo dài mãi đến tận bây giờ; và cảm xúc của tôi trước cô bao giờ cũng là một cậu trò nhỏ, lạc lõng trước bao xô bồ chốn thị thành.

Xuất thân trong một gia đình quyền quý, được hưởng một nền giáo dục căn bản và tiến bộ, nhưng PGS.TS. Đặng Anh Đào lại luôn là người giản dị, giản dị đến mức mà không giới thiệu tên cô, nếu người đối diện chưa từng gặp thì sẽ không thể hình dung đấy là một học giả uy tín hàng đầu Việt Nam.

Cô vốn ít lời, rất ghét những kẻ ba hoa chích chòe. Đặc biệt là luôn dị ứng với kẻ xấu và đạo đức giả. Là học trò, tôi nghiệm ra không ít lần cô bị những kẻ xấu chơi xỏ vì sự hồn nhiên, tin người của cô. Về sau, nếu nhận ra chân tướng của họ thì cô chỉ nói, “tay đó xấu lắm”. Cô không có tính nói xấu người khác. Nhận định về ai thì cũng chỉ nhân chuyện gì đó đá qua đôi câu chứ không hề có chủ định xem đó là đề tài chính cho một cuộc nói chuyện. Suốt hai năm làm cao học, tôi chỉ được tiếp xúc với cô vài lần, mỗi lần không quá 5 phút. Những gì cần, tôi phải viết ra, cô đọc, chữa thật kĩ, thậm chí còn viết nhận xét bên lề để học trò biết được tại sao sai và cách chữa. Phải nói cách làm việc của cô nghiêm túc vô cùng. Trong nghiên cứu, cô luôn khuyến khích sáng tạo. Suốt một đời lao động khoa học, cô chỉ viết riêng dăm ba cuốn sách, nhưng đấy là những tài liệu vô cùng quý giá cho mọi thế hệ học sinh.

Trong đời học tập và nghiên cứu của mình, tôi hiếm gặp người có nhân cách như cô. Cô sống hồn nhiên trong quan hệ với mọi người, không bon chen, ganh đua vật chất hay đố kị mảy may với đời. Cô yêu lao động và lấy đó làm niềm vui của đời mình...

Các con cô rất thành đạt, hiếu thảo và giàu có, nhưng cô vẫn giữ nếp sống đạm bạc của một nhà giáo. Vốn là người mắc bệnh tim nặng và thường xuyên mất ngủ, nhưng cô vẫn cứ lạc quan yêu đời. Bệnh tật đối với cô như là phần tất yếu của cuộc sống. Lương hưu tháng 5 triệu đồng, không đủ tiền sống và uống thuốc, cô lại dịch, viết sách, báo để tăng thu nhập. Tuổi già, cường độ làm việc của cô suy giảm nhưng niềm đam mê vẫn như xưa. Các bản dịch của cô về lí luận, về văn học nói chung vẫn thường xuyên được đăng trên các báo.

Cô mang một tâm hồn nghệ sĩ. Cô viết truyện ngắn, viết hồi kí. Cuốn hồi kí Tầm xuân của cô có thể được xem là một trong những cuốn hồi kí hay nhất ở Việt Nam từng được viết ra. Không biết bằng cách nào mà cô có thể dung hòa được hai phẩm chất vốn được xem là trái ngược nhau: sự nghiêm túc, cẩn trọng, chính xác của nhà nghiên cứu và sự lãng mạn, phá cách của một nghệ sĩ. Nhưng chính nhờ hai tố chất này mà cô có được nhiều trang viết xuất thần, hiếm người theo kịp. Cô dạy nhiều học trò, từ bậc trung học phổ thông đến đại học. Học trò cô nhiều người thành đạt và luôn nhớ về cô, nhạc sĩ Trần Tiến là một trong số đó. Đến nay cô chỉ hướng dẫn bốn nghiên cứu sinh. Tất cả đều là giảng viên đại học.

Chỉ vài tháng nữa là cô bước sang tuổi tám mươi. Vẫn bị bệnh tim đe dọa, lại vừa ngã sái khớp tay, người gầy đi rất nhiều, nhưng cách nói chuyện của cô vẫn như cũ, vừa nghiêm nghị vừa pha chút hài hước, vừa lịch thiệp kiểu Pháp, vừa uyên áo đồ Nho, vẫn là người cũ nhưng cố cập thời bằng trái tim nhân hậu, bất khuất trước bao niềm vui nỗi buồn đang diễn ra hằng ngày.

Mấy tháng trước, cô vừa đi Pháp về. Bên đó, người ta mời cô dự Hội nghị về văn học. Vài tuần trước cô vừa đi Sài Gòn về,... những chuyến bay ngang dọc bầu trời của cô quả là phi phàm. Thử tưởng tượng, một người đã tám mươi tuổi, nhỏ bé lại có thể đi lại ngần ấy dặm trường? Cuộc đời cô, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là những chuyến đi.

Cô vẫn thường hay nói chuyện thế cuộc, nhưng theo cách chẳng mấy giống ai. Khi cái cây cổ thụ ngoài đường kề nhà cô bị chèn đến chết và bị đốn hạ, cô thắc mắc “Tại sao con người ta cần đất hơn là cây xanh, nếu không có cây xanh thì cuộc sống con người phỏng có gì là tốt đẹp nào?”. Những câu hỏi cô đặt ra cho chúng tôi trong những lần nói chuyện tầm phào hiếm hoi, dường như là sự tự trải nghiệm, tự nói với chính mình của một tâm hồn trải qua tám mươi năm cuộc đời. Quả thực, trước lúc cô nói, chúng tôi rất ít khi chú ý đến những chuyện được xem là vặt vãnh xung quanh, những chuyện chất chứa bao hồn cốt cuộc đời.

PGS.TS. Lê Huy Bắc
Dòng sự kiện: 30 năm Ngày Nhà giáo VN